Do đặc thù địa lý của Nhật Bản là đảo quốc, trong đất liền, mạng lưới sông hồ lại dày đặc nên từ thời cổ đại, người dân nơi đây đã phát triển các kỹ thuật bơi lội để thích ứng với môi trường sống.
Bơi đứng là kiểu bơi này thích hợp cho những vùng nước sâu. Người bơi chỉ sử dụng chân để đạp nước trong khi tay của họ hoàn toàn tự do và đầu họ nhô khỏi mặt nước.
Kiểu bơi sải với tốc độ di chuyển nhanh được ứng dụng tại các khu vực có dòng chảy xiết. Người Nhật gọi đó là lối bơi trườn. Trong lối bơi này, đôi tay của người bơi giữ vai trò chủ lực, mặt của họ nhô cao trên mặt nước để hô hấp và các thao tác bơi phải nhanh nhằm hạn chế lực cản của nước.
Shokugeki là lối bơi sử dụng cho vùng nước nông. Người bơi dùng tay rẽ nước trong khi đôi chân của họ đạp nước liên tục để đẩy cơ thể về phía trước.
Trong số các kiểu bơi, bơi ếch rất phổ biến tại Nhật Bản và được dùng để dạy cho trẻ em ở các trung tâm bơi lội và là môn thể dục được yêu thích tại các trường tiểu học.
Tháng 5/1914, cô bé Maehata Hideko, người sau này trở thành kình ngư nổi tiếng của nước Nhật, đã chào đời tại thành phố Wakayama, bên dòng sông Kinokawa.
Maehata bước vào đường đua và giành huy chương vàng ở vị trí số 6 tại Olympic 1936
Năm 12 tuổi, Maehata đoạt giải quán quân nội dung bơi ếch 100 mét dành cho nữ toàn quốc. Năm 16 tuổi, Maehata được theo học tại trường đào tạo vận động viên bơi lội nữ.
Maehata được chọn vào danh sách các ứng viên tham dự Olympic 1932 tại Los Angeles, Mỹ. Thời điểm này, Nhật Bản chưa có huấn luyện viên bơi lội nữ chuyên nghiệp, đây là một thiệt thòi lớn cho Maehata. Để lắp khuyết điểm, Maehata phải dựa vào nỗ lực bản thân, mỗi ngày, cô bé bơi tổng cộng khoảng 10.000 mét. Tuy lần đầu tiên được cọ xát trên đấu trường quốc tế, nhưng Maehata đã thể hiện rất tốt năng lực của mình ở cự ly 200 mét bơi ếch. Trong giải này, cô về vị trí thứ 2 và giành huy chương bạc sau khi để thua người về nhất chỉ 0,1 giây. Đây là huy chương đầu tiên của môn bơi lội nữ Nhật Bản tại Olympic.
Tuy nhiên, thành công ở Olympic Los Angeles chỉ là bước đệm để Maehata bước lên vị trí cao hơn. Vào thời gian này, môn bơi lội nữ Nhật Bản chưa phát triển nên Maehata hầu như không có huấn luyện viên hướng dẫn riêng. Cô bé tự nâng cao kỹ năng bơi lội từ những kiến thức cơ bản đã được dạy về kiểu bơi truyền thống và kiểu bơi mới từ phương Tây. Maehata đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu trên hồ bơi. Hàng trăm lần bước lên bục xuất phát mỗi ngày đã khiến các ngón chân của Maehata không ít lần bị tổn thương đến bật máu.
Cũng không ít lần, Maehata tập luyện quên cả thời gian, cô bé miệt mài bám đường bơi đến quá nửa đêm khi tất cả mọi người đã chìm vào giấc ngủ. Hơn ai hết, Maehata hiểu rõ Olympic 1936 là cơ hội quan trọng và nếu bỏ mất cô sẽ không có thêm cơ hội thứ hai.
Vào ngày 1/8/1936, Thế vận hội mùa Hè 1936 chính thức khai mạc tại thủ đô Berlin của nước Đức. Có tổng cộng 49 nước tham gia thế vận hội lần này với 3.963 vận động viên, trong đó chỉ có 331 vận động viên nữ.
Đối thủ mạnh nhất của Maehata Hideko trong cuộc tranh đua lần này là nữ kình ngư Martha Genenger, người Đức. Lúc bấy giờ, Genenger là nữ vận động viên bơi lội nổi tiếng của châu Âu khi đoạt huy chương vàng Vô địch châu Âu 1934.
Tại Olympic 1936, Maehata thi đấu ở hạng mục bơi ếch 200 mét nữ. So với Genenger, Maehata được đánh giá thấp về ưu thế bởi lẽ cho đến thời điểm đó, nữ vận động viên đến từ Nhật Bản chỉ được biết đến với chiếc huy chương bạc tại Thế vận hội mùa hè 1932. Trái lại, Genenger có lợi điểm là thi đấu tại quê nhà và đã từng tích lũy nhiều kinh nghiệm tại các đường bơi châu Âu.
Vào ngày 11 tháng 8 năm 1936, Maehata và các đối thủ bước vào cuộc thi quyết định. Đó cũng là năm đầu tiên, chương trình radio quốc tế trực tiếp được phát sóng tại Nhật. Diễn biến của cuộc thi tại nước Đức xa xôi được người dân Nhật Bản hồi hộp theo dõi. Tất cả đều cầu nguyện cho Maehata lập nên kỳ tích.
Đúng 4 giờ chiều ngày 11 tháng 8, Maehata bước vào đường đua, cô ở vị trí số 6 trong khi đối thủ người Đức Genenger đứng sát cạnh cô, ở vị trí số 7. Vào thời điểm này, bơi lội nữ là một trong những môn thi đấu rất được công chúng quan tâm nên khán giả theo dõi kín cả khán đài.
Ngay trong 50 mét bơi đầu tiên, Maehata đã giành ưu thế so với Genenger và các đối thủ còn lại. Maehata đã về đích đầu tiên với thành tích 3 phút 3 giây 6. Người về nhì là vận động viên Genenger với thời gian 3 phút 4 giây 2.
Sau 4 năm khổ luyện, cuối cùng, Maehata đã gặt hái thành công. Chiếc huy chương vàng mà cô giành được tại Olympic Berlin là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không mệt mỏi của cô. Ngoài các huy chương tại Olympic, Maehata còn thiết lập 3 kỷ lục thế giới về hạng mục 200 mét, 400 mét và 500 mét bơi ếch nữ.
1 năm sau Olympic Berlin 1936, tức vào năm 1937, Maehata kết hôn cùng một nha sĩ tên Hyodo Masahiko, khi đó cô 23 tuổi.
Sau một thời gian dài tập trung cho gia đình, Maehata quay lại sự nghiệp bơi lội khi đã ngoài 30 tuổi. Maehata trở thành huấn luyện viên cho nhiều thế hệ vận động viên và các em nhỏ Nhật Bản.
Năm 1967, Maehata quyết định thành lập trung tâm bơi lội dành cho thiếu nhi nhằm đào tạo các vận động viên tương lai. Ý tưởng này xuất phát từ thực tế là môn bơi lội của Nhật Bản đã tụt dốc thảm hại trong các kỳ Olympic sau Olympic Berlin 1936. Nguyên nhân sâu xa của thực trạng này là do vào những thập niên 1950, 1960, kinh tế Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, nhiều con sông bị san lấp để xây dựng cơ sở hạ tầng. Trẻ em không còn nhiều chỗ để thỏa sức vẫy vùng như trước.
Không chỉ tập trung tìm kiếm và phát triển tài năng mới, sau này, khi đã lớn tuổi, Maehata còn tham gia các lớp dạy bơi dành cho người già.
Những đóng góp của Maehata đã giúp đưa môn bơi lội đến từng lứa tuổi và trở thành môn thể thao rèn luyện sức khỏe được ưa chuộng tại Nhật Bản.
Năm 68 tuổi, bà Maehata trải qua một cơn đột quỵ. Tai nạn này khiến Maehata bị liệt một phần cơ thể.
Tuy nhiên, bệnh tật đã không quật ngã ý chí của nữ kình ngư một thời vang bóng này. Sau một thời gian điều trị bệnh và tập luyện, Maehata hồi phục hoàn toàn. Chỉ 1 năm sau khi ngã bệnh, Maehata đã có thể đứng lên và tiếp tục công việc huấn luyện viên bơi lội của mình. Kỳ tích này cũng giống như điều mà bà đã từng làm được tại Olympic 1936.
Tháng 2/1995, Nhật Bản chứng kiến sự ra đi của cây đại thụ trong làng bơi lội – bà Maehata Hideko – ở tuổi 81 sau nhiều thập niên cống hiến cho sự nghiệp phát triển môn bơi lội của đất nước. Hiện nay, Nhật là một trong những cường quốc về môn thể thao này.
Thanh Tâm
THVL
Bookmarks