Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vừa thụ lý điều tra vụ chiếm đoạt gần 1 triệu USD theo đơn tố cáo của ông Ginoza Yasuya, nhân viên của một đoàn thể kinh tế ở Nhật Bản.



Theo trình bày của nạn nhân: ông đã vác đơn đi cầu cứu khắp các cơ quan chức năng ở Việt Nam nhưng vẫn chưa đòi được tiền mà còn bị thủ phạm công nhiên đánh đập, hạ nhục.

Phản ánh với Thanh Niên, ông Ginoza nói như muốn khóc: "Hơn 10 năm qua tôi phải gánh chịu không biết bao nhiêu là đau khổ, mang đơn đi cầu cứu nhiều nơi nhưng đều rơi vào tuyệt vọng. Chỉ đến lần này khi cảnh sát điều tra của Công an TP vào cuộc thì hy vọng của tôi mới bước đầu được nhen nhúm!".

Tố cáo của người đàn ông Nhật Bản

Đối tượng bị tố cáo trong vụ chiếm đoạt gần 1 triệu USD là ông N.V.S (sau đây gọi tắt là S., SN 1971, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM), là người nói rành tiếng Nhật, từng làm việc cho các công ty của Nhật.

Nhờ lợi thế đó, vào năm 1996, S. được một đoàn thể kinh tế của Nhật mời sang để hợp tác, cùng đầu tư các dự án phát triển nông nghiệp với nông dân Việt Nam ở khu vực quận 9 (TP.HCM).

Vì tin tưởng hoàn toàn vào S., nên ngay sau khi ký ghi nhớ, chủ tịch đoàn thể trên đã chuyển cho S. số tiền 50 triệu yen để xúc tiến các hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Từ đó về sau, thêm nhiều lần, ông chủ tịch đã chuyển cho S. nhiều khoản tiền lớn, tổng cộng cả trước lẫn sau gần 1 triệu USD.

Với số tiền có được, bước đầu S. cũng kêu gọi nhiều người dân tham gia dự án và chuyển nhượng cho phía S. hơn 14 ha đất. Tuy nhiên, sau khi có đất trong tay, S. đã quên lời hứa. Thay vì đầu tư phát triển nông nghiệp, ông ta đem đất bán lại cho người khác lấy tiền chênh lệch rồi ôm cả vốn lẫn lời lánh mặt cả đối tác lẫn người nông dân.

Dự án phát triển nông nghiệp tại quận 9 vì thế mà đình trệ, nhiều người dân không chỉ bị thất hứa mà còn bị S. đe dọa mỗi khi đòi lại đất hoặc hỏi thăm công việc làm ăn. Có người dân trong số đó còn bị phía ông S. kiện ra tòa vì không chịu giao đất.

Phản ánh với Báo Thanh Niên, ông Ginoza cho biết sau khi bị S. bội tín và chiếm hết tiền, phía đoàn thể Nhật Bản vô cùng thất vọng. Một nhân viên ở Nhật được đoàn thể trên phân công theo dõi dự án với S., vì quá bức xúc nên đã tự tử mà chết.

Còn bản thân ông Ginoza, từ khi được cử sang Việt Nam để làm việc với S., đã chịu không biết bao nhiêu là khổ nhục, thậm chí còn bị phía ông S. liên tục đe dọa, đánh đập dã man, khiến ông hết sức hoang mang.

Sự việc diễn biến nghiêm trọng...

Theo ông Ginoza, sau khi biết đoàn thể phía Nhật cử ông Ginoza sang TP.HCM thì ông S. tỏ thái độ bất hợp tác và liên tục né tránh. Xét thấy khả năng đàm phán bất thành, Ginoza quyết định nhờ luật sư tư vấn để làm đơn khiếu nại, nhờ cơ quan chức năng can thiệp.

Tuy nhiên, cũng theo ông Ginoza thì nhiều luật sư sau khi nhận tư vấn đã tuyên bố rút lui vì bị phía ông S. đe dọa. Không chỉ luật sư, những người phiên dịch cho Ginoza trong thời gian này cũng phải xin thôi việc bởi lý do tương tự. Quá thất vọng nhưng Ginoza không bỏ cuộc.

Ông tiếp tục hành trình kêu cứu bằng nỗ lực của chính mình. Tuy nhiên, tại nhiều nơi ông đến người ta tỏ ra không thiện chí hoặc chỉ tiếp nhận qua loa.

Mãi đến đầu năm 2009, sau khi nối lại liên lạc với S., Ginoza tiếp tục đề nghị được đàm phán, thương lượng. Tuy nhiên, vào chiều 27.1.2009, trên đường Lê Đức Thọ (P.11, Q.Gò Vấp), thay vì nói chuyện, S. cùng em trai là T.M đã đánh Ginoza một trận tơi bời, phải vào bệnh viện điều trị.

Sau đó, vào chiều 10.2.2009, Ginoza tìm đến một nơi ở khác của S. tại quận 7 với mục đích khuyên S. nhận lỗi và đề nghị anh này ngưng ngay những hành vi đe dọa. Tuy nhiên, cũng như lần trước, thay vì tiếp chuyện, S. đã lệnh cho bảo vệ nện cho Ginoza một trận đòn chí mạng.

Ginoza cho biết trong thời gian qua, không chỉ ông, mà cả vợ ông lẫn cô thông dịch hiện tại cũng liên tục nhận những lời đe dọa qua điện thoại rằng "tao sẽ giết mày" cùng nhiều tin nhắn khác có nội dung gây áp đảo tinh thần.

Ginoza, sau những chấn thương về thể xác lẫn tinh thần, ông phải vào bệnh viện để chữa trị vết thương, điều trị chứng hoảng loạn.

Riêng cô K.N, thông dịch viên của Ginoza, ngoài việc bị đe dọa qua điện thoại, còn bị người của S. chặn đường chỉ mặt. Đó là tối 15.2.2009, sau khi cùng Ginoza đến Công an P.2 (Q.Tân Bình) để trình bày lý do vì sao Ginoza đến nhà hàng của S. trên đường Bùi Thị Xuân (P.2, Q.Tân Bình) để tìm S.

Sau khi rời khỏi trụ sở công an, K.N bị một nhóm thanh niên khoảng 5-6 người, trong đó có em trai của S. chặn đường đe dọa: "Tao đã biết ông này (ý nói Ginoza), còn hôm nay thì tao cũng biết mày, mày coi chừng giữ mạng. Tao đã biết mày, nói vậy chắc mày đủ hiểu".

Quá hoảng sợ, K.N quay lại Công an P.2 trình báo và đề nghị giúp đỡ. Theo yêu cầu của công an, để an toàn, cô phải gửi xe máy lại phường và đi taxi về. Tuy nhiên, trên đường về, taxi của K.N liên tục bị nhóm người trên chạy xe gắn máy vây hãm. Quá lo lắng cho sự an toàn, K.N buộc phải dừng xe ở Công an phường Phạm Ngũ Lão (Q.1) nhờ bảo vệ.

Với những tố cáo như đã nêu chứng tỏ sự việc diễn biến ở mức độ khá nghiêm trọng. Nếu những gì ông Ginoza tường trình là sự thật thì chỉ riêng việc công nhiên đánh người và đe dọa thủ tiêu đã là một hành vi khiến các cơ quan chức năng phải nhập cuộc.

Còn nếu như những gì ông Ginoza tố cáo là bịa đặt thì Cơ quan điều tra Công an TP.HCM cũng phải làm rõ vụ việc, xử lý thích đáng người vi phạm, trả lại sự công bằng cho những người liên quan.

Theo TN