Vấn nạn rác thải nhựa tràn lan vốn gây đau đầu cho nhiều nước. Tại Nhật Bản, chính phủ buộc các chính quyền địa phương có trách nhiệm thu gom chúng để giao lại cho Hiệp hội Tái chế túi nhựa và chai nhựa. Hiệp hội này phải trả tiền để các nhà tái chế “rước” chúng đi. Nhưng nay thì chai nhựa đã qua sử dụng lại hút hàng và đem lại nguồn thu lớn nhờ... xuất khẩu.

Từ không bán được...

Chai nhựa PET là polyethylene terephthalate, một loại nhựa tổng hợp trong nhóm polyester. Luật tái chế loại bao bì này của Nhật Bản, có hiệu lực năm 1997, quy định các chính quyền địa phương phải thu gom chai PET để tái chế.

Theo đó, chai nhựa được thu gom, giao không mất tiền cho Hiệp hội Tái chế túi nhựa và chai nhựa, một tổ chức do chính phủ chỉ định để thúc đẩy sử dụng hiệu quả bao bì tái chế. Các nhà tái chế sau đó được mời đến đặt thầu.


Trong một xưởng tái chế chai nhựa


Khởi đầu, việc gia công chế biến chai nhựa PET đã qua sử dụng được xem là không hiệu quả, với lý do chính là quá đắt. Nhu cầu chai nhựa đã qua sử dụng lại thấp, dẫn đến thừøa thãi trên thị trường.

Việc tái chế được chính phủ khuyến khích, xã hội được cổ vũ sử dụng hàng tái chế, nhưng Hiệp hội Tái chế túi nhựa và chai nhựa những năm trước đã không thể bán được loại chai nhựa này. Năm 2005, hiệp hội đã trả phí chế biến 14.000 yên/tấn cho các nhà tái chế chỉ để họ mang những chai nhựa thu gom đem đi.

... đến phải bỏ thầu để có

Tuy nhiên, tình trạng trên nay đã thay đổi ngoạn mục, xuất phát từ sự tăng giá dầu gần đây, dẫn đến việc tăng giá polyester, nguyên liệu dùng làm chai nhựa PET. Thậm chí khi đã tính giá gia công, chai nhựa PET đã qua sử dụng vẫn thu hút bởi rẻ hơn.

Trong năm 2007, giá thắng thầu do Hiệp hội Tái chế túi nhựa và chai nhựa Nhật Bản đưa ra là 39.000 yên/tấn, cao gấp đôi giá của năm 2006. Giá cả bị đẩy lên bởi nhu cầu của Trung Quốc tăng khi tăng tốc chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh 2008.

Theo Hội đồng Tái chế chai nhựa PET, trụ sở ở Tokyo, và thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản, có khoảng 270.000 tấn chai nhựa đã qua sử dụng được xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2006.

Bắt đầu từ năm 2006, các doanh nghiệp tái chế phải bỏ thầu để nhận chai nhựa PET đã qua sử dụng từ hiệp hội thay vì hiệp hội phải trả tiền cho họ thực hiện dịch vụ tái chế. Năm 2006, hiệp hội đã trả tổng cộng 2,3 tỷ yên tiền lãi cho các chính quyền địa phương.

Còn năm nay, khoảng 5,6 tỷ yên sẽ được chia cho các chính quyền địa phương. Một vài chính quyền địa phương đã ngưng giao chai nhựa PET thu gom được cho hiệp hội để... tự bán. Con số chai nhựa PET hiệp hội thu gom đã giảm 30%.

Theo các doanh nghiệp, nhu cầu của Trung Quốc có thể giảm sau Olympic Bắc Kinh 2008 hoặc sau Triển lãm Thế giới Thượng Hải 2010, khi thị trường bão hòa, giá sẽ rớt.

Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp tái chế vẫn đang lao đao vì thiếu nguyên liệu, điển hình như Negoro Sangyo Co sản xuất thảm bằng sợi lấy từ chai nhựa PET nấu chảy. Họ sử dụng 12.000 tấn chai nhựa PET mỗi năm, dựa vào nguồn cung cấp của hiệp hội, nhưng năm 2006 mua được 8.000 tấn, còn năm nay chỉ mua được 3.000 tấn nên sẽ phải tính chuyện thương lượng với các địa phương.

LỆ THƯ (theo Asahi Simbun)
SGGP