Chặn đà suy thoái của nền kinh tế là tâm điểm cuộc đua giành vị trí chủ tịch LDP đồng thời là thủ tướng đất nước mặt trời mọc. Một số chuyên gia bi quan: kinh tế Nhật Bản sẽ vẫn đình đốn cho dù có thủ tướng mới.
5 ứng viên chủ tịch LDP (từ trái qua phải): Bộ trưởng các vấn đề kinh tế Kaoru Yosano, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, cựu Ngoại trưởng Taro Aso, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yuriko Koike và cựu
Sự ra đi của Thủ tướng Yasuo Fukuda tạo ra một khoảng trống quyền lực trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ nội các giảm xuống mức thấp nhất và mâu thuẫn giữa các đảng phái về những chính sách quan trọng ngày càng sâu sắc. Khó khăn hơn cả là kinh tế Nhật đang bước vào thời kỳ suy thoái.
Tương lai chính trị của Nhật Bản rất khó dự đoán. Cũng khó đoán ai sẽ trở thành thủ tướng kế tiếp của đất nước mặt trời mọc, thậm chí liệu đảng Tự do Dân chủ (LDP) có giữ được vị trí lãnh đạo đất nước sau 58 năm hay không vẫn là một câu hỏi lớn.
Cả hai đảng, LDP và Dân chủ đối lập (DPJ) đều tổ chức bầu chủ tịch mới trong tháng 9 và chuẩn bị cho cuộc bầu cử Hạ viện sẽ diễn ra chậm nhất vào tháng 9/2009. Sau khi bầu được chủ tịch LDP (22/9), ngày 24/9 sẽ họp quốc hội bầu thủ tướng. Đảng đối lập DPJ đã chọn ông Ozawa làm chủ tịch không qua bầu cử, ông này sẽ tham gia cuộc bầu cử thủ tướng ngày 24/9. Nhiều hãng truyền thông cho rằng quốc hội sẽ bị giải tán ngay ngày khai mạc 24/10 và tổng tuyển cử sẽ được tiến hành vào cuối tháng 11/2008. Cũng có một số ý kiến cho rằng quốc hội có thể bị giải tán vào tháng 1/2009.
Bốn thách thức với tân thủ tướng
Dù ai trở thành tân thủ tướng xứ mặt trời mọc, đó cũng phải là người táo bạo và kiên quyết nhằm giải quyết bế tắc chính trị hiện nay. Người đó phải chuẩn bị đối phó với những thách thức của LDP và liên minh cầm quyền trước vấn đề cải tổ kinh tế và chủ nghĩa quốc tế quả quyết. Kết quả sẽ hoặc là thành công ngay tức khắc hoặc là sự đổ vỡ tích cực cần thiết cho sự liên minh lại các đảng phái chính trị và kết thúc tình trạng bế tắc trong quốc hội hiện nay. Cách nào cũng có rủi ro.
Thứ nhất, vị thủ tướng mới phải thúc đẩy cải tổ kinh tế.
Hai là, đạo luật đặc biệt cho phép các lực lượng hải quân Nhật Bản tiếp dầu cho các tàu của các nước đồng minh trong hoạt động chống khủng bố tại Ấn Độ Dương sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Các đối tác trong liên minh của LDP lẫn đảng đối lập đều phản đối kéo dài hiệp định này và các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản sợ phản ứng từ phía Mỹ nếu việc gia hạn đạo luật này không được thông qua. Rất nhiều người Nhật lo ngại, một Nhật Bản co rút các hoạt động ở bên ngoài biên giới sẽ được thay thế bằng một Trung Quốc ngày càng tự tin và khẳng định mình hơn.
Ba là, sự cá độ chính trị giờ đây là ở phía đảng Dân chủ. Đảng này muốn giành đa số tại Hạ viện trong cuộc tổng tuyển cử tới. Điều này sẽ cho phép đảng đối lập và lãnh đạo đảng, Ichiro Ozawa, thành lập một chính phủ. Nhật Bản do đảng LDP cầm quyền liên tục kể từ năm 1955 và một sự chuyển đổi hoàn toàn quyền lực sẽ là không lường trước được. Nhiều nhà quan sát chính trị cho rằng, LDP bản thân nó sẽ bị tan vỡ nếu thua trong cuộc tuyển cử, tạo ra một sự không ổn định hơn và có thể dẫn đến sự bế tắc chính trị nếu đảng Dân chủ không củng cố được thắng lợi của họ.
Bốn là, Tokyo và Washington đang tiến hành việc tổ chức lại đầy tham vọng các lực lượng của Mỹ và mở rộng vai trò của Nhật Bản. Cần hàng tỷ USD để đưa quân Mỹ từ các căn cứ hiện nay tới Guam hoặc xây dựng các cơ sở mới ở Nhật Bản và Tokyo cam kết cung cấp nhiều tiền hơn. Ngoài ra, Washington cũng hy vọng Nhật Bản tiếp tục vai trò trong phòng thủ tên lửa, và Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang tìm cách nâng cấp các hệ thống vũ khí từ tàu chiến lớp Aegis cho đến máy bay phản lực chiến đấu.
Kinh tế - bài toán lớn nhất của chính trường Nhật
Bế tắc chính trị ở Tokyo hiện nay đang làm giới đầu tư và người dân chán ngán. Kinh tế trì trệ, một kế hoạch cải cách tiếp tục là cần thiết. Một số nhà hoạch định chính sách cấp cao trong LDP muốn tăng thuế đánh vào người tiêu dùng. MỘt kế hoạch tương tự đã được thử nghiệm vào năm 1996, nhưng đã nghiền nát sự phục hồi mới chớm và đẩy đất nước vào một cuộc suy thoái sâu sắc hơn. Động lực của các cuộc cải cách của cựu Thủ tướng Koizumi đã bị ngừng lại kể từ năm 2006; công chúng đang mệt mỏi với nạn lạm phát và mức lương trì trệ, nhưng cả Abe và Fukuda đều không có một kế hoạch phục hồi rõ ràng. Nếu không có kế hoạch nào, LDP sẽ tiếp tục bị “trừng phạt” tại hòm phiếu bầu Hạ viện.
Tân Thủ tướng có giúp thị trường chứng khoán Nhật Bản bớt những phiên sụt giảm mạnh?
Chính vì lẽ đó, kinh tế đang là chủ đề nóng trên đường đua vào vị trí kế nhiệm ông Fukuda: chủ tịch LDP và thủ tướng Nhật. Các ứng viên đều cam kết không tăng thuế tiêu thụ ít nhất cho đến khi kinh tế được phục hồi.
Trong tuyên bố ngày 7/9, Tổng thư ký LDP Taro Aso, 67 tuổi, người đang hy vọng sẽ kế nhiệm cựu Thủ tướng Fukuda, cam kết không tăng thuế tiêu thụ, hiện ở mức 5%, cho tới khi Nhật Bản đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững từ 2-3%.
Ông Aso khẳng định: “Tăng thuế trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Chúng ta chỉ nên nghĩ đến thuế tiêu thụ sau khi người dân và lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng nền kinh tế đã phục hồi”. Ông Aso cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các công trình công cộng.
Trong khi đó, ứng viên Nobuteru Ishiharra, 51 tuổi, cựu Chủ tịch Ủy ban chính sách của LDP, tỏ ra thận trọng khi bàn về việc tăng thuế tiêu thụ. Còn Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài chính Kaoru Yosano cho biết ông sẽ nghiên cứu vấn đề này trong khuôn khổ của tiến trình kiểm điểm lại toàn bộ hệ thống thuế khóa.
Phát biểu với báo giới tại Kanazawa, quận Ishikawa, ông Ishihara nói: “Hiện các doanh nghiệp lớn và nhỏ đang thiếu vốn. Thật khó nghĩ về việc tăng thuế tiêu thụ trong hoàn cảnh này”.
Còn ông Yosano cho rằng: “Cải cách thuế trong thời điểm này xoay quanh mục đích cân đối thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập, thuế tiêu thụ và các loại thuế khác. Đó không chỉ là vấn đề thuế tiêu thụ. Tôi muốn đề cập đến cuộc cải cách thuế toàn diện”.
Các đảng đối lập cũng đưa ra nền tảng chính sách kinh tế của mình. Đảng đối lập lớn nhất DPJ chỉ trích chính sách kinh tế cả gói của đảng cầm quyền LDP mới đây là “một thùng thịt lợn”. DPJ dự định kêu gọi xóa bỏ thuế nhằm hạ thấp giá xăng trong chính sách kinh tế cả gói sẽ được công bố vào cuối tháng 9 tới. Đảng này cũng đề xuất chấm dứt phí cầu đường cao tốc và áp dụng bảo hiểm tín dụng đặc biệt của chính phủ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đảng Cộng sản cũng có kế hoạch đưa ra chính sách kinh tế của mình. Đảng Dân chủ xã hội sẽ đề xuất chính sách kinh tế cả gói khoảng 9.000 tỷ yên (83 tỷ USD), bao gồm cung cấp vốn cho thuế tiêu thụ và các sản phẩm lương thực. Đảng Nhân dân mới cũng đã đề xuất khoản chi lên đến 16.000 tỷ yên (150 tỷ đô la) mỗi năm trong vòng 5 năm tới nhằm vực dậy nền kinh tế.
Không nhiều lạc quan
Dù các ứng viên cho chức thủ tướng đưa ra những cam kết mạnh mẽ nhằm phục hồi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng các chuyên gia lo ngại, kinh tế nước này sẽ vẫn đình đốn cho dù nhân vật nào lên kế nhiệm.
Bill Emmott, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Nhật Bản, tin rằng vị Chủ tịch mới của đảng LDP cầm quyền sẽ không đủ khả năng đưa nền kinh tế đất nước thoát khỏi tình trạng ảm đạm hiện nay. Theo ông Emmott, đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đối lập sẽ sớm thế chỗ và bắt đầu thực hiện các cải cách cần thiết để phục hồi đất nước.
Thượng viện Nhật Bản hiện đang được kiểm soát bởi các đảng đối lập do DPJ đứng đầu nhưng quan trọng hơn là Hạ viện, cơ quan kiểm soát ai sẽ là thủ tướng vẫn do liên minh cầm quyền của LDP và đảng New Komeito kiểm soát. Việc thiếu kiểm soát của LDP tại Thượng viện đã dẫn tới hoạt động lập pháp bị bế tắc và sự tê liệt sẽ mở ra cơ hội cho DPJ trong cuộc bầu cử sắp tới tại Hạ viện.
Trả lời Kyodo News, cựu biên tập viên tạp chí Economist cho rằng, đảng DPJ sẽ giành đa số trong cuộc bầu cử Hạ viện tới. Nếu DPJ có thể nắm quyền kiểm soát Hạ viện với sự hỗ trợ của đảng New Komeito, họ sẽ thực hiện được cải cách cần thiết. Còn nếu DPJ không giành được thắng lợi từ tay LDP ông lại có dự báo hết sức ảm đạm cho kinh tế Nhật hiện đang bên bờ vực suy thoái.
Còn nếu thế bế tắc vẫn tồn tại ở quốc hội, kinh tế Nhật Bản có thể sẽ vẫn trì trệ hoặc tăng trưởng chậm trong một thời gian dài do triển vọng nhu cầu trong nước vẫn thấp khi chính phủ không thể vay thêm tiền.
Ông Emmott nói: “Người tiêu dùng không thể nhận được lương cao hơn. Sẽ không còn nguồn nào khác. Nền kinh tế sẽ lệ thuộc vào tăng trưởng xuất khẩu như đã từng diễn ra trong vài năm qua. Đó sẽ là một vấn đề lớn đối với Nhật Bản”. Theo ông Emmott, chính phủ mới cần tập trung vào kích cầu trong nước hơn là hỗ trợ các công ty như trường hợp kích thích kinh tế cả gói gần đây của chính phủ do cựu Thủ tướng Yasuo Fukuda đứng đầu. Ông nói: “Tôi muốn chính phủ mới tập trung vào nền kinh tế trong nước và các cải cách có định hướng thị trường, đồng thời giải quyết tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng bằng cách sử dụng hệ thống tiền lương tối thiểu”./.
( Theo Tổ quốc )
Bookmarks