Cuộc hôn nhân lịch sử từng bị cho là hoang đường giữa Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu xuất thân thường dân đầu tiên của Hoàng gia Nhật Michiko đã chính thức bước sang năm thứ 60. Dù tuổi đã cao, tóc đã bạc, mắt đã mờ, tình cảm giữa Nhật hoàng và Hoàng hậu vẫn vẹn nguyên như thuở đầu mới chạm mặt.


Từ chuyện tình rúng động Hoàng gia Nhật đến ngày vui của toàn dân

Mùa hè năm 1957, trên sân tennis tại một khu nghỉ mát ở Karuizawa gần Nagano, phía bắc Tokyo, 2 cô gái nhỏ nhắn đã xuất sắc “quật ngã” 2 chàng trai trẻ, trong đó có Hoàng Thái tử Nhật Bản Akihito, con trai trưởng của Nhật hoàng Showa và Hoàng hậu Kojun. Sau thất bại, trong lòng Thái tử Akihito không gợn chút buồn rầu, mà điều duy nhất đọng lại chỉ là hình bóng của cô gái xinh đẹp, tài năng Michiko Shoda.


Thái tử Akihito đã phải lòng cô gái năng động Michiko trên sân tennis

Thông qua bạn bè, Thái tử Akihito có thêm nhiều cơ hội gặp gỡ cô gái xuất thân từ gia đình tư bản Shoda. Càng trò chuyện, gần gũi, vị thái tử trẻ càng mến mộ nhan sắc, tài nghệ cũng như tính cách của cô gái nhỏ. Ngày tháng trôi qua, tình cảm lớn dần, sau 2 năm hẹn hò, Thái tử Akihito khiến Hoàng thất và dư luận xôn xao khi tuyên bố muốn kết hôn với Michiko.

Đương nhiên với thân phận là người thừa kế của Hoàng gia Nhật, đặc biệt theo lẽ thường, cô dâu của Hoàng gia phải được lựa chọn từ các gia đình có dòng dõi quý tộc hoặc Hoàng tộc, thì việc Thái tử muốn kết hôn với một cô gái thường dân quen biết qua một trận cầu thực sự là điều hết sức hoang đường.

Về phía gia đình Michiko, họ cũng khó có thể đón nhận lời cầu hôn của Thái tử một cách dễ dàng bởi trên hết, họ lo lắng cho hạnh phúc tương lai của con gái mình.

Tuy nhiên, bằng tình yêu chân thành, Thái tử Akihito và Michiko nhanh chóng giành được sự ủng hộ rộng rãi của hoàng gia, tầng lớp chính trị cầm quyền cũng như công chúng. Tiến sỹ Shinzo Koizumi, người giám sát việc học tập của Hoàng Thái tử Akihito trong nhiều năm, đã phát biểu: “Hoàng Thái Tử đã chọn công nương và chúng tôi cũng vậy”.

Sau cùng, chính Nhật Hoàng Showa đã lên tiếng tác thành cho Thái tử Akihito và Michiko: “Chỉ cần Thái tử thích thì xuất thân thường dân cũng không sao cả!”.

Với quyết định trên, Thái tử Akihito trở thành người đầu tiên trong lịch sử hoàng gia Nhật “xé bỏ” quy tắc hôn nhân khắt khe để tìm đến tình yêu đích thực.


Sau 2 năm hẹn hò, Thái tử Akihito và Công nương Michiko đi đến hôn nhân

Ngày 10/4/1959, hơn 500.000 người đã đổ ra đường hòa chung niềm vui với vị Thái tử trẻ trong lễ rước dâu lịch sử của hoàng gia Nhật trên lộ trình dài 8km dọc các con phố ở thủ đô Tokyo. Hơn 9.000 cảnh sát, nhân viên an ninh, nhân viên y tế… được điều động để đảm bảo an ninh cho lễ cưới và lễ diễu hành. Một phần nghi lễ trong đám cưới được phát sóng trên truyền hình thu hút tới 15 triệu lượt xem.

60 năm, hôn nhân vẫn ngọt ngào

Sau khi kết hôn, Hoàng Thái tử và Công nương có với nhau 3 người con là Hoàng tử Naruhito, Hoàng tử Fumihito và Công chúa Sayako.

Tháng 1/1989, Thái tử Akihito thừa kế ngôi Vua và Công nương Michiko trở thành nữ dân thường đầu tiên lên ngôi Hoàng hậu Nhật Bản. Kể từ khi lên ngôi, Nhà vua và Hoàng hậu đã có rất nhiều hoạt động ý nghĩa. Hoàng hậu Michiko trở thành Hoàng hậu xuất hiện trước công chúng nhiều nhất và đi thăm viếng trong phạm vi rộng nhất trong lịch sử Nhật Bản.


Bằng tình yêu và sự đồng cảm, Nhật hoàng Akihito đã giúp Hoàng hậu Michiko vượt qua những khó khăn khi phải thích nghi với cuộc sống Hoàng gia

Trở thành Thái tử phi thường dân đầu tiên của nước Nhật rồi đến ngôi vị Hoàng Hậu, Công nương Michiko đương nhiên gặp không ít khó khăn khi phải thích nghi với cuộc sống Hoàng gia gò bó, nhiều phép tắc. Chính Hoàng hậu Michiko từng trải lòng về những bất công, sự mất tự do và bao muộn phiền của cuộc sống trong cung đình: “Tuy có gian nan, có oan ức, nhưng cuối cùng rồi cũng quen cả thôi”.

Bằng tình yêu chân thành, tâm hồn đồng điệu chung niềm đam mê về thơ ca, văn hóa, âm nhạc, nghệ thuật, khoa học, lịch sử, Nhà vua và Hoàng hậu cùng nhau vượt qua khó khăn. Đã 60 năm trôi qua, nhưng sáng nào cũng vậy, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đều cùng nhau thức dậy, đi bộ trong rừng và vườn của Hoàng cung. Thi thoảng cả hai tranh tài cao thấp trên sân tennis, ôn lại chuyện năm xưa.


Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu thi thoảng vẫn so tài trên sân tennis

Nhà vua Akihito từng chia sẻ, khi băng hà, ông hy vọng sẽ được chôn cất cùng Hoàng hậu. Tuy nhiên, trước ngày sinh nhật lần thứ 81 của mình, Hoàng hậu Michiko đã từ chối đề nghị trên bởi bà cho rằng, bà xuất thân bình dân, thế nên khi chết đi cũng vẫn là một người dân thường, có thể sống cùng nhà vua đến đầu bạc răng long đã là phúc phận lớn nhất của cuộc đời bà.

Nhật hoàng Akihito dự kiến thoái vị đầu năm 2019

Giữa năm 2017, Nhật hoàng Akihito tỏ ý muốn thoái vị vì lý do tuổi tác và sức khỏe. Điều này khiến Chính phủ Nhật Bản phải gấp rút xây dựng lại luật để phù hợp với mong muốn của người vì Luật Hoàng gia năm 1947 không có điều khoản cho phép Hoàng đế thoái vị. Hoàng đế cuối cùng thoái vị khi còn sống là Nhật hoàng Kokaku (năm 1817).

Đến ngày 5/12/2017, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga thông báo kết quả Hội nghị Hoàng gia quyết định ngày thoái vị của Nhật Hoàng là ngày 30/4/2019. Con trai cả của Nhật hoàng là Thái tử Naruhito, sẽ trở thành người thứ 126 kế ngôi vị vào ngày hôm sau dưới sự chứng kiến của hội đồng nhà vua, bao gồm thủ tướng, các nghị sĩ, thẩm phán toà án tối cao và các thành viên của gia đình hoàng gia.

Chia sẻ về quyết định của Nhật hoàng, Taeko Ito (72 tuổi), người chăm sóc cho Nhật Hoàng, nói: “Cả đời Nhật hoàng và hoàng hậu đều đã suy nghĩ không biết mệt mỏi vì dân. Hiện tại, người đã nhiều tuổi và tôi thực sự hy vọng rằng người có thể được nghỉ ngơi”.


Sau khi thoái vị, rời khỏi cung điện, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko dự định sẽ chuyển đến nơi ở mới