>
kết quả từ 1 tới 5 trên 5

Ðề tài: [Giới thiệu] Những quyển sách Nhật hay (Update #4: Thiền và văn hóa Nhật Bản)

  1. #1
    Ninja
    Cộng Mạng's Avatar


    Thành Viên Thứ: 133660
    Giới tính
    Nam
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 249
    Thanks
    27
    Thanked 1,113 Times in 207 Posts

    [Giới thiệu] Những quyển sách Nhật hay (Update #4: Thiền và văn hóa Nhật Bản)

    Ai cũng biết, Nhật Bản là một dân tộc ham học hỏi. Chính vì thế họ đọc rất nhiều sách. Mỗi năm số lượng sách xuất bản ở Nhật rất nhiều, cả trước tác của người Nhật lẫn sách biên dịch từ các ngôn ngữ khác. Đây là một lý do để họ nắm bắt tri thức của Thế giới rất nhanh. Một quyển sách xuất bản ở Nhật không được coi là bán chạy nếu chỉ in khoảng 2000 bản như ở Việt Nam....

    Do vậy, biết tiếng Nhật là một lợi thế rất lớn để tiếp cận nền tri thức của dân tộc Nhật nói riêng và của cả Thế giới nói chung. Ngày nay thì việc đọc hiểu tiếng Nhật đã không còn là điều quá xa vời so với các thế hệ người Việt trước kia nữa. Và topic này giới thiệu những quyển sách hay xuất bản ở Nhật mà tôi từng đọc.

    Nếu có hứng thú, các bạn có thể đặt mua qua Amazon hay các trang bán hàng trực tuyến một cách đơn giản. May mắn hơn, bạn có thể mua sách với giá rẽ tại các hiệu cafe sách Nhật ở các thành phố lớn như Hà Nội hay Sài Gòn. Tôi cũng từng mua rất nhiều sách kiểu như thế này với giá khoảng 5k~10k đồng Việt Nam thôi.



    Lễ nghĩa phép tắc nhập môn (礼儀作法入門)



    Người ta cho rằng: "phú quý sinh lễ nghĩa". Nhưng tôi thì nghĩ ngược lại, lễ nghĩa sinh phú quý. Có lễ nghĩa mới có tất cả. Giống dân nào không biết lễ nghĩa thì chẳng bao giờ khá lên nỗi.
    Bất cứ dân tộc nào, vào thời đại nào cũng cần có những quy tắc ứng xử giữa người với người, để giữ cho xã hội không đi vào rối ren, loạn lạc. Đó chính là lễ nghĩa tác pháp (phép tắc). Cuốn sách lễ nghĩa phép tắc nhập môn (Reigi sahō nyūmon) của Yamaguchi Hitomi đề cập đến những vấn đề trong chuyện lễ nghĩa phép tắc của dân tộc Nhật Bản, một dân tộc vốn được coi là đặt nặng vấn đề lễ nghĩa. Cuốn sách có những góc nhìn độc đáo về chuyện lễ nghĩa ở đất nước này, và đối chiếu với những chuẩn mực lễ nghĩa Tây phương để thấy những sự khác biệt. Điều ở đất nước này được cho là lễ nghĩa, có khi lại thành thất lễ ở đất nước khác.

    Bạn đọc quan tâm có thể đặt mua sách tại: Amazon. Giá 452 En, rất rẻ so với một cuốn sách bổ ích như thế này.

    Về tác giả: Yamaguchi Hitomi sinh năm Taishō thứ 15 (1926) tại Tōkyō, sau nhập học tại Kamakura Akademy. Ông làm việc trong ngành xuất bản cho đến năm Shōwa thứ 33 thì vào làm ở bộ phận quản cáo của tờ Santori. Ông nổi tiếng trong vai trò một copy writer (người viết quảng cáo), người biên tập cuốn "Yōshu Tengoku" (thiên đàng rựu Tây) và đến năm 79 thì nhận được giải thưởng Kikuchikan cho cuốn sách "Ketsuzoku" (huyết tộc) của mình. Trước đó ông cũng nhận được giải Naoki năm 62 cho một cuốn khác. Yamaguchi mất vào tháng 8 năm Heisei thứ 7 (1995).

    Dưới đây là trích một đoạn trong bản dịch Việt văn của Nhất Như (∈ Gokuraku Shujō).

    Phần I: Thế nào là lễ nghĩa phép tắc

    1. Đầu tiên phải là sức khỏe

    Phép lịch sự chính là quy định, là quy tắc

    Lễ nghĩa phép tắc là gì? Có lẽ không có thứ gì mà chúng ta cho rằng mình hiểu như lại không hiểu được như khái niệm này. Giả dụ nếu tôi hỏi một em học sinh tiểu học rằng lễ nghĩa phép tắc là gì thì có lẽ em sẽ trả lời rằng, vâng, chính là cư xử lịch sự ạ. Nếu thế thì cư xử lịch sự là như thế nào. Tôi nghĩ rằng em học sinh sẽ trả lời rằng đó là buổi sáng thức dậy, gặp người khác phải nói "Ohayō gozaimasu" (chào buổi sáng), trước khi ăn thì nói "Itadakimasu" (1). Đây cũng là một câu trả lời.

    Nhưng câu nói "Itadakimasu" trước bữa ăn là dành cho ai? Nếu hỏi tiếp thì chắc là em học sinh sẽ đáp rằng là dành cho bố, người đã lao động kiếm tiền để mua rau cải, thịt cá; và dành cho mẹ, người đã chế biến những thức ấy thành món ăn. Trả lời thế cũng đúng. Nhưng nếu ác ý hỏi tiếp, rằng nếu bố chỉ tiêu tiền của ông nội thôi và tự mình không kiếm được đồng xu nào, rằng thức ăn mẹ nấu rất cẩu thả, không xem trọng người ăn, thì liệu có nói "Itadakimasu" được không. Tôi vẫn nghĩ rằng em sẽ trả lời là có.
    Như thế thì lễ nghĩa phép tắc và phép lịch sự là cái gì? Chẳng phải chúng là thứ không có thực, là thứ giả tạo đó sao. Tôi nghĩ như vậy, rằng lễ nghĩa phép tắc chỉ là giả tạo.
    Chữ "nghĩa" trong "hành nghĩa" (2) mang nghĩa là phương thức, quy tắc, là quy định. Tức là nếu biết những quy tắc và làm theo chúng thì đó chính là phép lịch sự, là lễ nghĩa phép tắc. Như thế thì liệu có nói được rằng có người biết nhiều quy tắc và làm theo chúng thì anh ta có phải là người lịch sự, theo đúng lễ nghĩa phép tắc được chăng? Không phải như vậy. Có những quy tắc, nhưng biết và thực hiện chúng không phải là chìa khóa để giải quyết vạn sự. Liệu tác giả của những cuốn sách về phép lịch sự là người lễ tiết? Không hẳn như vậy. Chuyện biết những quy tắc, quy định chỉ là một phương diện trong lễ nghĩa phép tắc mà thôi.

    Ý nghĩa của việc "không làm phiền người khác"


    Thử quay về với xuất phát điểm ban đầu, xem lễ nghĩa phép tắc là gì thì trong đầu tôi luôn nghĩ đến một điều là "không làm phiền người khác".
    Khi nói "không làm phiền người khác" thì có thể nó sẽ khiến ta nghĩ đến nhiều điều nhưng tôi nghĩ nếu cứ suy nghĩ triệt để thì chẳng phải thứ quan trọng nhất vẫn là "sức khỏe" đấy sao. Sức khỏe chính là thức của mình, vì mình mà cũng là vì người khác.
    Giả dụ anh kia có hẹn với người nào đó vào ngày ất tháng giáp, nhưng trước hôm hẹn thì đột nhiên gặp lại người bạn cũ. Thế là rũ nhau đi uống say sưa, rồi đầu óc điên đảo mộng tưởng, xa lìa chánh khí.
    "Thành thật xin lỗi anh, hôm nay tôi không uống được một giọt nào hết. Chỉ cần nhìn thấy rượu thôi là thấy ớn rồi, nhìn thấy đồ ăn là muốn nôn".

    Thật chẳng còn gì bất lịch sự bằng tình huống này. Lưu ý đến sức khỏe là yếu tố không thể thiếu trong giao tế với người khác.
    Mười năm trước tôi có ý định viết một cuốn tiểu thuyết về hôn nhân sắp đặt trong xã hội đương thời, và chuyện này cũng có mặt tích cực của nó là nhờ đó mà tôi được gặp gỡ các quý bà quý cô thuộc tầng lớp thượng lưu. Tôi thấy rất cảm phục vì trông họ luôn khỏe mạnh, nước da luôn tươi sáng, nhất cử nhất động đều rất sinh động, khỏe khoắn. Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng các bà thượng lưu chẳng phải lo nghĩ gì về kế sinh nhai, sống trong nhung lụa nên thế là đúng rồi. Kỳ thực không phải vậy. Ta vẫn thấy có nhiều người giàu có nhưng vẫn không khỏe mạnh đấy thôi. Và chẳng có thứ gì đáng chán bằng bộ mặt đưa đám của một người nữ thiếu ngủ. Tôi nghĩ rằng nữ nhân phải ngủ nghỉ cho đầy đủ.

    Có người trò chuyện như thế này trong một bữa tiệc.

    - Dạo này anh có khỏe không?
    - A cảm ơn, nhưng tui khổ với cái bao tử quá, đã đau rồi mà còn ợ chua nữa....
    - Còn tui thì tháng trước phải phẫu thuật trĩ đó. Trĩ lòi, đau hết nước, rồi chảy mủ nữa....

    Mẫu đối thoại này, nếu là giữa người Tây phương với nhau thì tuyệt đối không bao giờ thấy. Nếu anh đã như thế thì còn đi dự tiệc làm gì. Vì thế, nếu như anh có hẹn với người trên thì phải lưu ý đến sức khỏe trước đó một tuần, đừng để cảm cúm trúng gió. Tuy không phải là tất cả nhưng tôi cho rằng cơ bản của phép lịch sự chính là việc giữ gìn sức khỏe. Cũng là vì tôi cũng từng trải qua chuyện như thế này.
    Tôi có bệnh về răng nên sinh hôi miệng, đến nha sĩ để điều trị là vì mình, cũng là vì người khác nữa. Tôi nghĩ căn bản nhất của lễ nghĩa phép tắc chính là ở đó. Sức khỏe chính là thứ bùa hộ mạng khá hữu hiệu của anh trong phép lịch sự. Vai trò của nó khá quan trọng.
    Có lần tôi được người tiền bối chiêu đãi ở một quán ăn chuyên thịt ngan. Thế nhưng đêm trước đó bỗng nhiên sinh đau răng, nửa mặt bên phải sưng tấy lên, chẳng ăn uống gì được. Nhưng đã lỡ hẹn, hứa là sẽ giới thiệu một người bạn cho vị tiền bối đó rồi nên không đi không được. Vì đây là quán ăn chuyên làm thịt ngan nên dù đau răng cũng không thể gọi món dễ ăn hơn được. Tôi cũng không uống được giọt nào nên cả người bạn vì vị tiền bối lấy làm lo lắng. Và về phía vị tiền bối thì chắc sẽ nghĩ rằng, mình đãi nó, thế mà nó không ăn không uống gì, lại mặt sưng mày sỉa thế kia thì mất cả hứng. Có thể chuyện đau răng xảy ra đột ngột, nhưng trường hợp của tôi thì đã có dự cảm trước khi nào thì nó xảy ra, vì vốn có bệnh về răng mà. Quả thật như thế là mất lịch sự quá.

    Đối với các nhân viên trong công ty cũng vậy. Tôi thường nói với các nhân viên trẻ rằng nếu bị cảm thì cứ nghỉ đi. Nếu thấy đau bụng thì cứ về sớm đi, đừng cố chịu đựng làm gì. Nếu anh vẫn cố cầm cự với bệnh cảm thì ngộ nhỡ dẫn đến viêm phổi, phải nghỉ dài hạn thì thật là phiền cho công ty, phiền cho những người làm việc chung với anh. Không chịu đựng vô lý khi sức khỏe yếu chính là phép lịch sự của một nhân viên. Vì vậy mà tôi nghĩ rằng căn bản của lễ nghi phép tắc chính là sức khỏe.

    Có quan niệm cho rằng "cái răng cái tóc là của cha mẹ ban cho, không gây tổn thiệt cho nó chính là chữ hiếu". Nhưng hãy thử đặt phép lịch sự, lễ nghĩa phép tắc vào trường hợp chữ hiếu này và nghĩ xem nó sẽ như thế nào.
    Nhưng như thế cũng không có nghĩa những người khỏe mạnh đều là những người lịch sự, biết lễ nghĩa. Tiếp theo hãy xem sự khác biệt giữa người Nhật và người ngoại quốc.


    2. Người ngoại quốc và người Nhật


    Nguyên tắc lớn của phép lịch sự: hãy đường đường chính chính, đừng khúm núm sợ sệt

    Nếu nhìn từ phía người Nhật chúng ta thì thấy hết thảy người ngoại quốc đều là người lịch sự, là người biết cách hành xử. Về mặt này thì người Nhật rất không được, nói ra thì chẳng khác gì những kẻ quê mùa.
    Gần đây tôi gặp chuyện như vầy. Khi đến trọ ở một khách sạn, định xuống thực đường ở tầng trệt và đang đứng trước thang máy thì có vợ chồng người ngoại quốc trung niên đi đến. Lúc đó tôi đang đứng chính diện với thang máy nhưng đã lùi xuống một bước, bởi vì người kia có dẫn theo phụ nữ. Thế rồi người đàn bà nọ tiến lên đứng vào chỗ tôi lúc nãy, rồi cửa mở ra, bà ta bước vào. Chồng bà ta nói với tôi rằng, xin mời. Tôi bước vào, rồi tiếp theo đó là ông chồng bước vào. Bà ta hỏi tôi muốn xuống tầng mấy, tôi đáp là tầng trệt. Bà ta bấm nút. Khi xuống đến tầng trệt thì quý bà đi xuống. Tôi nói với ông chồng, xin mời, ông ta đáp "thank you" rồi đi ra. Rồi sau đó tôi cũng đi vào thực đường.
    Chuyện này chẳng có gì, nhưng nếu là giữa người Nhật với nhau thì sẽ không như vậy. Đầu tiên là người phụ nữ không thể tiến lên một bước để đứng trước thang máy được. Tiến lên trước chính là điểm quan trọng của câu chuyện. Nếu là phụ nữ Nhật thì họ sẽ khúm núm sợ sệt.
    Thế rồi khi cả ba người cùng trở lại thang máy thì lần này người phụ nữ chủ động hỏi tôi xuống tầng mấy. Hỏi như thế cũng như hỏi anh ăn gì, thích uống gì. Như thế vợ chồng họ đã đưa tôi vào vị trí là khách của họ. Nếu là vợ chồng người Nhật thì tuyệt đối không thể có chuyện này. Đầu tiên, người phụ nữ sẽ hổ thẹn, khép nép và có ý thức lẫn trốn vào sau cái bóng của chồng. Như thế sẽ mất đi cơ hội để phát huy ý thức lịch sự. Như vậy, một nguyên tắc lớn của phép cư xử là cứ đường đường chính chính, đừng sợ hãi khép nép. Về điểm này thì người Nhật chúng ta thiếu sót và thua thiệt.

    Em đẹp lắm

    Đây là câu chuyện lúc sắp kết thúc cuộc đệ nhị Thế chiến. Có vợ chồng một sĩ quan Mỹ dẫn hai đứa con đến nhà tôi chơi. Vì tôi sống ở Kamakura nên không ít lần có những cơ hội như thế. Lần đó tôi mời họ đến dùng cơm tối. Hai đứa con của họ, cô bé lớn mười tuổi và cậu em trai năm tuổi. Tôi mua một chiếc máy bay đồ chơi cho cậu em nhưng quên mất quà cho cô chị. Lúc đó tôi khoảng mười chín, hai mươi gì đó.
    Cô chị mặc chiếc áo len đỏ, trên có khoát thêm áo khác. Chiếc áo len đỏ trông rất bắt mắc, và cô bé rất xinh xắn trong chiếc áo. Tôi nói với cô bé, hôm nay trông em rất đẹp. Đó không phải là lời nói lấy lòng vì thực sự là thế mà. Sở dĩ tôi nói được như vậy là vì cô bé là người Mỹ, lại là thiếu nữ mười tuổi. Nghe thế, cô bé tỏ ra rất vui mừng và nói cảm ơn, không hề có chút hổ thẹn khép nép nào. Nếu là thiếu nữ Nhật Bản thì sẽ không như vậy. Họ sẽ nói, đại khái rằng, tôi không thích đâu, rồi bỏ chạy mất. Tức là họ không biết phải phản ứng, phải có thái độ như thế nào trước lời khen đó và cảm thấy lúng túng, hổ thẹn. Thiếu nữ người Mỹ này đã tỏ ra là một cô gái đường đường chính chính.
    Mọi chuyện đến lúc này rất xuông sẻ. Nhưng phần sau không được như vậy. Nhưng lúc đó tôi lại cảm thấy một phản kháng một chút đối với thái độ đón nhận đường đường chính chính, vui mừng một cách ngây thơ của cô bé. Chỉ có thể nói là vì lúc đó tôi còn quá ấu trĩ.
    Chà, thử trêu cô ta một chút xem sao. Đây không phải ác ý, mà là cách bày tỏ tình cảm thân thiện với cô bé. Tôi nghĩ đây là biểu hiện bày tỏ tình cảm quái đản và đặc trưng của người Nhật. Tôi nói với cô bé rằng, lúc nãy tôi khen cái áo em đẹp đấy. Trong phút chốc, cô bé ngơ ngác tỏ vẻ không hiểu được câu nói của tôi.
    Nhưng giây lát tiếp theo, cô bẻ rất đỗi giận dữ, mặt đỏ bừng bừng, nói luyến thắng cái gì đó. Vì trình độ Anh ngữ của tôi không tốt lắm nên không thể nghe được cô ta nói gì, nhưng tôi mơ hồ hiểu được ý cô ta.

    - Anh nói đùa thôi mà.

    Tôi xin lỗi.

    - Đùa như thế là rất xấu!

    Cô bé vẫn còn giận dữ, vừa nuốt nước mắt vừa nói.

    Đây đây, chỗ này chính là điểm khác nhau trong quốc dân tính giữa ta và họ. Kiểu đùa này không dùng được với người Mỹ. Nhưng hơn thế, nó không chỉ là đùa mà còn phản lại phép lịch sự. Cái áo đẹp chứ không phải cô đẹp chính là lời nói phỉ báng dung mạo nữ giới không thể chấp nhận được, nó đi ngược lại với phép xã giao.
    Lễ nghĩa phép tắc là thứ có tính chất phát huy trong những trường hợp như thế này, như câu chuyện trước bữa ăn, trong bữa ăn và sum họp sau bữa ăn. Nói một cách cực đoan thì tất cả phụ nữ đến dự tiệc đều đẹp. Tại sao như vậy? Vì bản thân họ muốn cho người khác thấy mình đẹp đẽ nên đã ăn mặt chải chuốt, trang điểm cẩn thận. Đây là điểm quan trọng. Vì nữ giới muốn cho người khác thấy mình đẹp nên ta cũng nên nghĩ là họ đẹp thì hơn. Tôi nghĩ rằng lễ nghĩa phép tắc chính là thứ có tính đóng kịch như vậy.

    _________________________

    Cước chú:

    (1) Câu nói trước khi ăn của người Nhật, hàm ý cảm ơn vì tôi được thọ nhận phẩm vật này, có thể xem tương đương với lời tạ ơn của người Thiên chúa trước khi ăn.

    (2) Từ lịch sự trong tiếng Nhật là gyōgi, người Việt đọc theo âm Hán Việt là "hành nghĩa". Từ này có nghĩa gốc ban đầu là những quy tắc liên quan đến việc tu hành, thực hành, thực chứng trong Phật giáo. Nó còn chỉ những nghi lễ của Phật giáo, sau đưa đến nghĩa phái sinh là sự lịch thiệp, biết cư xử, ăn nói đi đúng phải phép.
    Chữ ký của Cộng Mạng
    "Chư thượng thiện nhơn
    Câu hội nhứt xứ"


    Gokuraku Shujō's Headquarter
    http://gokuraku-shujo.blogspot.com

  2. The Following 8 Users Say Thank You to Cộng Mạng For This Useful Post:

    dinhlata93 (27-04-2014), hannayun (09-03-2014), HH (23-07-2014), Kasumi (09-03-2014), lynkloo (10-03-2014), ngongocmai (19-04-2014), sarujun (30-03-2014), steppandgoo (17-04-2014)

  3. #2
    Hyakusho
    hannayun's Avatar


    Thành Viên Thứ: 187301
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: TP Hà Nội
    Tổng số bài viết: 61
    Thanks
    267
    Thanked 18 Times in 13 Posts
    Dài quá mình đánh dấu tí rảnh sẽ đọc nhưng mà mình thích sách, đặt mua trên amazone thì phí ship về VN có đắt ko nhỉ?
    Chữ ký của hannayun

  4. #3
    Ninja
    Cộng Mạng's Avatar


    Thành Viên Thứ: 133660
    Giới tính
    Nam
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 249
    Thanks
    27
    Thanked 1,113 Times in 207 Posts
    ^ Phí ship mình không rõ vì thường mua theo kiểu nhờ người cầm về. Phí vận chuyện trong nước Nhật thì chừng vài trăm En.

    khảo về nhà xí và văn hóa



    Nói một cách nôm na thì văn hóa chính là kết tinh của những thói quen cố hữu của một cộng đồng người. Và văn hóa khác nhau dẫn đến sự sai khác trong hành động của con người. Tại quốc gia này, làm thế này mới là phải đạo, nhưng có thể đó lại là hành động khiếm nhã ở quốc gia kia. Tuy nhiên, con người lại chung nhau ở các hành vi đối với cơ thể mình. Tất cả đều hít thở, ăn uống, và thải loại chất bã ra khỏi cơ thể. Thứ chương trình được lập trình sẵn bên trong con người luôn giống nhau, dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời đại nào, chừng nào vẫn còn mang hình tướng là con người.
    Tại nhiều vùng văn hóa, có những thời đại, người ta có thể bàn về bất cứ chuyện gì, dù là vô bổ đến đâu, nhưng động đến những vấn đề, hành vi liên quan trực tiếp đến cơ thể con người, một phần sự sống của con người như chuyện tiểu tiện, đại tiện lại là một điều cấm kỵ. Nhưng xét trên quan điểm hiện đại thì khi xét đến tính từ “văn minh” thì đầu tiên phải bàn đến chuyện nhà xí. Nơi nào không coi trọng chuyện ỉa đái như chuyện bữa ăn hàng ngày thì đó là nơi không văn minh.
    Khảo về nhà xí và văn hóa (はばかりながら「トイレと文化」) là một cuốn sách của tiến sĩ Henry Stewart xuất bản ở Nhật vào tháng 6 năm 1993 (Bunshun Bunko). Nội dung cuốn sách xoay quanh vấn đề ỉa đái, nhà xí của các dân tộc trên Thế giới, qua các thời đại với góc nhìn văn hóa. Cuốn sách gồm các chương sau.


    + Bàn về văn minh và văn hóa
    + Bàn về hành vi bài tiết và sự xấu hổ
    + Bàn về cảm giác sạch sẽ
    + Chuyện chùi đít
    + Ở thế giới cực hàn
    + Sự thay đổi của nhà xí
    + Văn hóa đá và nhà xí
    + Cách lợi dụng uế vật

    Tác giả Henry Stewart (tên Nhật là Honda Junwa) là tiến sĩ văn học Đại học Waseda, nghiên cứu về văn hóa nhân loại. Từ năm 1975, ông tập trung điều tra, nghiên cứu về dân tộc học, khảo cổ học các dân tộc miền Cực Bắc và trước tác hơn chục cuốn sách.

    Bạn đọc quan tâm có thể đặt mua sách tại: Amazon.

    Khảo về văn hóa và nhà xí là một cuốn sách tạp học về chuyện thải loại uế vật của con người. Tuy gọi là tạp học chứ thực ra nó đào sâu nghiên cứu vào mảng này từ khía cạnh lịch sử cho đến văn hóa.
    Đại khái giữa cánh đàn ông với nhau thì chuyện “tiểu” có thể quan sát được là khá giống nhau, còn về chi tiết thì có thể khác, tùy từng cá nhân. Nhưng chuyện “đại” thì do tiến hành trong căn phòng riêng bất khả xâm phạm nên chẳng biết là giống hay khác, không thể so sánh được. Ở Nhật hiện nay thì chuyện này được tiến hành trong phòng riêng, nhưng tùy từng thời đại và từng dân tộc mà cách thức lại khác nhau. Nếu so sánh với cả Thế giới thì tùy từng khu vực mà có sự khác biệt rất lớn.



    Nếu nói rằng văn hóa càng phát triển thì nhà xí càng sạch sẽ thì cũng không hẳn là đúng. Những người sống trong rừng rất sạch sẽ, có văn hóa xử lý uế vật để người khác không thấy được. Mặt khác lại có những nơi thành thị, người ta để cái hũ trước nhà, dù quanh đó có ai hay không cũng chẳng cần biết, cứ việc giải quyết cho xong chuyện của mình đã.
    Và những nơi được mệnh danh là văn minh, thủ đô ánh sáng của nhân loại như Pháp quốc nói riêng, Âu châu nói chung thì thời trung cổ lại cực kỳ bẩn thỉu. Chuyện cứt đái ở các xứ này là vấn nạn, người ta sinh hoạt ngay chỗ uế vật chất đống mấy xăng-ti ở khắp nơi trong phố. Còn người dân thì thản nhiên ném bình đựng uế vật qua khỏi cửa sổ từ tầng 2, tầng 3 của nhà mình. Đến nỗi có thuyết cho rằng giày cao gót của phụ nữ được phát minh ra để đối phó với tình trạng uế vật chồng chất trên đường phố.
    Và tại cung điện Versailles ở Pháp quốc, có ghi chép rằng thời vua Louis thứ 14 có đặt 274 bệ xí dạng ghế ngồi, quá ít so với con số 1000 triều thần và 4000 người hầu trong cung điện này. Tác giả Stewart cũng cho rằng ngay bên trong điện Versailles, ở các góc phòng và hành lang đều có uế vật chất đống.
    Nhưng mặt khác, ngày xưa thì ở Nhật khá sạch sẽ. Hẳn cũng không có gì lạ vì dân Nhật nổi tiếng ưa sạch sẽ.
    Từ ngày xưa, người Nhật đã dùng uế vật cơ thể làm phân bón ruộng đồng. Vẫn còn có ghi chép về việc dùng phân bắc bón ruộng ở phụ cận kinh đô Heian vào năm 927. Đến thời Kamakura thì Mạc phủ khuyến khích phục hồi địa phương nên việc dùng cứt đái bón ruộng trở nên thịnh hành. Đến thời Edo, đô thị phát triển, nhân khẩu gia tăng thì cứt đái lại càng có giá trị. Ngoài ra, rác tươi được dùng làm thức ăn cho gia súc, giấy gỗ vụn được dùng làm nhiên liệu để giữ mỹ quan cho thành phố.
    Thời Edo, cứt đái có giá và mang lại thu nhập cho nhiều người. Tại các khu nhà dài (nhà tập thể) thì chủ nhà có quyền xử lý đồ thải của những người sống trong đó. Ban đầu thì các nông gia đi từng nơi để thu mua, nhưng dần dà khó đuổi kịp tốc độ bài tiết nên xuất hiện những người đứng ra làm trung gian thu mua.
    Xã hội Nhật Bản đương thời coi trọng nhất là tầng lớp Võ sĩ (Samurai), và cứt đái của họ cũng được mua với giá cao hơn thường dân. Có những việc như vậy nên phố phường Nhật Bản thời trung cổ sạch đẹp hơn ở Âu châu đương thời rất nhiều.
    Chữ ký của Cộng Mạng
    "Chư thượng thiện nhơn
    Câu hội nhứt xứ"


    Gokuraku Shujō's Headquarter
    http://gokuraku-shujo.blogspot.com

  5. The Following 4 Users Say Thank You to Cộng Mạng For This Useful Post:

    Kasumi (10-03-2014), lynkloo (10-03-2014), sarujun (30-03-2014), steppandgoo (17-04-2014)

  6. #4
    Ninja
    Cộng Mạng's Avatar


    Thành Viên Thứ: 133660
    Giới tính
    Nam
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 249
    Thanks
    27
    Thanked 1,113 Times in 207 Posts
    Thiền và văn hóa Nhật Bản




    Nói đến văn hóa Nhật Bản, không thể không nhắc đến Thiền (Zen). Nói đến ảnh hưởng và cống hiến của Thiền, không thể không nhắc đến văn hóa Nhật Bản. Trong bối cảnh xã hội nhộn nhịp ngày nay, ít ai có thời gian để tâm và nhận ra rằng Thiền chính là một trong những trụ cột chính nâng đỡ và duy trì truyền thống, tinh thần và tâm hồn Nhật Bản.
    Dĩ nhiên, tinh thần của Thiền bàn bạt trong văn hóa những nước Á Đông khác, nhưng đặc biệt thể hiện đậm nét ở văn hóa Nhật Bản. Nó là cội rễ nâng đỡ cho tình thần Võ sĩ đạo, ý thức thẩm mỹ tinh tế cũng như tâm hồn nhạy bén của dân tộc này.
    Và nói đến Thiền thì không thể không nhắc đến tên tuổi Suzuki Taisetsu Teitarō. Ông là tác giả của bộ sách trứ danh "Thiền luận" (đã xuất bản tại Việt Nam trước năm 1975, do hai thầy Trúc Thiên và Tuệ Sĩ dịch), bộ sách có công rất lớn trong việc giới thiệu Thiền đến với người phương Tây. Trước đó, Thiền là cái gì, Phật giáo là thế nào? Người phương Tây chỉ có ức thức một cách mơ hồ về những khái niệm này. Chỉ đến khi "Thiền luận" của Suzuki Taisetsu ra đời thì Tây phương mới hiểu rõ Thiền tông, và cũng từ đó Thiền lan rộng khắp Thế giới, trở thành một cái mốt trí thức trong xã hội Tây phương, và ảnh hưởng ngược lại đến Đông phương. Là người am hiểu, anh không thể không biết đến Thiền. Là người trí thức, anh nên nói chuyện Thiền. Giống như ở Việt Nam, phàm đã là trí thức thì phải mê nhạc Trịnh, chỉ có mê nhạc Trịnh mới là trí thức.
    Nói vui một cách cực đoan vậy thôi, cốt để cho thấy sự lan tỏa của Thiền qua những cống hiến của Suzuki Taisetsu.

    "Thiền luận" nổi tiếng như vậy và gắn liền với tên tuổi của Suzuki Taisetsu. Nhưng ông còn một cuốn sách khác không kém phần đặc sắc nhưng người Việt ít ai biết, đó là cuốn "Thiền và văn hóa Nhật Bản" (Zen and Japanese culture, bản tiếng Nhật: Zen to Nihon bunka). Cũng như "Thiền luận", cuốn này được tác giả viết bằng tiếng Anh và hướng đến người đọc Tây dương. Người Tây phương vốn không có nhiều kiến thức Phật giáo tiền đề nên sách giải thích cặn kẽ những kiến thức dự bị về Thiền ở đầu sách, rất dễ nhập môn.
    Cuốn sách sau đó được người Nhật dịch sang tiếng Nhật, tuy có nhiều bản dịch nhưng bản của học giả lịch sử mỹ thuật Kitagawa Momo-o, do Iwanami Shinsho xuất bản có thêm một chương vào cuối sách là "Thiền và thơ Haiku". Chương thứ bảy này là phần rất quan trọng để hiểu được Thiền, nên ở đây chỉ giới thiệu về bản dịch của học giả này.

    Bản dịch của Kitagawa Mono-o gồm các chương

    Chương một: tri thức dự bị về Thiền
    Chương hai: Thiền và mỹ thuật
    Chương ba: Thiền và Võ sĩ
    Chương bốn: Thiền và Kiếm đạo
    Chương năm: Thiền và Nho giáo
    Chương sáu: Thiền và Trà đạo
    Chương bảy: Thiền và thơ Haiku


    "Thiền và văn hóa Nhật Bản" giới thiệu khái quát về Thiền và đề cập những ảnh hưởng của nó đến nền văn hóa Nhật Bản qua các mặt mỹ thuật, Võ sĩ đạo, Nho giáo, Trà đạo và Haiku. Ở đây tóm lược tinh thần chính của một vài chương trong cuốn sách.

    Chương một: tri thức dự bị về Thiền.

    Thiền tức là nhìn trực tiếp vào tinh thần của Phật Đà. Tinh thần này là gì. Đó chính là cốt tủy của Phật giáo, là Bát Nhã (Hannya) và Đại Bi (Daihi). Bát Nhã được dịch là "trí huệ siêu việt", còn Đại Bi được dịch là "ái" (tình thương). Nhờ có Bát Nhã, con người thấu được cái thực tại trong biểu hiện của hiện tượng, sự vật, tức hiểu rõ bản chất của mọi hiện tượng. Còn ái là tình thương bao trùm lên vạn vật, kể cả những loại phi sinh vật, tất cả mọi sự tồn tại. Thiền là thứ giúp chúng ta đánh thức Bát Nhã đang say ngủ bên trong ta do Vô minh và Nghiệp bao phủ. Vô minh và Nghiệp khởi nguồn từ sự khuất phục vô điều kiện trước tri tính. Thiền chống cự lại trạng thái này. Nhưng tác dụng tri thức lại biểu hiện bằng lý luận và ngôn từ, trong khi Thiền khinh miệt lý luận và ngôn từ, không dựa vào từ ngữ (bất lập văn tự) mà trực tiếp nhìn vào bản chất của hiện tượng.

    Chương hai: Thiền và mỹ thuật

    Trong nghệ thuật Nhật Bản có khái niệm rất đặc trưng, không đất nước nào khác có được, đó là "Wabi", "Sabi" và có liên quan mật thiết đến Thiền.
    Nghĩa của "Wabi" là "bần khốn", nói một cách tiêu cực là "không đứng trong dòng chảy của xã hội, trào lưu". Bần, nghèo, tức là không dựa vào phú (giàu có), lực (sức mạnh) và danh (tiếng tăm), nhưng trong tâm người có sự tồn tại của thứ mang giá trị tối cao, vượt qua mọi địa vị xã hội và thời đại. Đây là yếu tố bản chất cấu thành nên "Wabi". Về sinh hoạt tri thức thì đó là không tìm kiếm sự phong phú hóa trong quan niệm, cũng không dựa dẫm vào tấm lá chắn tư tưởng triết học. Tâm tĩnh cư an nhàn trong cái tự nhiên, đồng hóa với toàn thể tự nhiên và đạt được sự vui thích trong cái đơn sơ như vậy.

    Ngày nay chúng ta đều thấy nguyên lý của tranh thủy mặc phát khởi từ những trải nghiệm của Thiền, mang tính trực tiếp, tính vận động, tính tinh thần, tính hoàn toàn...và đều có mối quan hệ hữu cơ với Thiền.

    Bạn đọc quan tâm có thể mua sách tại địa chỉ dưới đây

    Bản tiếng Anh (gốc)
    Bản tiếng Nhật (dịch)
    Chữ ký của Cộng Mạng
    "Chư thượng thiện nhơn
    Câu hội nhứt xứ"


    Gokuraku Shujō's Headquarter
    http://gokuraku-shujo.blogspot.com

  7. The Following 2 Users Say Thank You to Cộng Mạng For This Useful Post:

    HH (23-07-2014), Kasumi (20-04-2014)

  8. #5
    Ninja
    Cộng Mạng's Avatar


    Thành Viên Thứ: 133660
    Giới tính
    Nam
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 249
    Thanks
    27
    Thanked 1,113 Times in 207 Posts
    Bất động trí thần diệu lục



    Nói đến dòng tư tưởng kiếm đạo (không phải "Kiếm đạo") Nhật Bản thì hẳn nhiều người Việt biết đến "Gorin no sho" (Ngũ Luân thư) của kiếm khách bất bại Miyamoto Musashi sống vào thời Edo, nhờ vào sự phổ cập của mạng Internet trong những năm gần đây. Tuy nhiên ít người biết rằng ngoài "Gorin no sho", còn có một cuốn sách tư tưởng kiếm đạo khác cũng lẫy lừng không kém. Đó là cuốn "Heihōka densho" (Binh pháp gia truyền thư) của kiếm khách kiêm chính trị gia sống cùng thời với Miyamoto Musashi là Yagyū Tajima-no-kami Munenori. Ông là kiếm khách có địa vị cao nhất trong lịch sử Nhật Bản, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chính giới đầu thời Edo. Cuốn "Hyōhōka densho" sẽ được giới thiệu ở một bài viết khác.
    "Heihōka densho" lại chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng "Kiếm Thiền nhất như" (kiếm pháp và Thiền đồng thể với nhau) của Thiền tăng Takuan Sōhō trong trước tác của thầy Takuan là "Fudōchi Shinmyō-roku" (Bất động trí thần diệu lục). Bài viết này lược dịch, giới thiệu một số nét chính về cuốn sách "Fudōchi Shinmyō-roku".

    Nội dung của sách là bài giảng của Thiền sư Takuan đối với kiếm khách Yagyū Tajima-no-kami Munenori về tư tưởng "Kiếm Thiền nhất như" (thiền sư này có mối quan hệ mật thiết với các kiếm khách tiếng tăm đương thời, trong đó có Miyamoto Musashi) và có tầm ảnh hưởng lớn đến binh pháp, kiếm đạo Nhật Bản, từ thời cổ đã được đề cao.

    "Fudōchi Shinmyō-roku" (Bất động trí thần diệu lục) bàn đến việc phải làm sao để phát huy hết năng lực của Yagyū trong vai trò một kiếm khách khi đối mặt với nhiều đối thủ, trong vai trò một chính trị gia phải đối đãi với rất nhiều bộ hạ của mình ra sao. Thầy Takuan lấy ví dụ về Thiên Thủ Quan Âm có thể tự do tự tại, sử dụng ngàn cánh tay một cách vô ngại, từng cánh tay lại phát huy đầy đủ 12 phần công năng. Để được như vậy thì tâm phải không bị câu thúc, chấp vào một cánh tay riêng biệt nào. Khi đó thì tâm thông suốt đến từng cánh tay, mọi ngóc ngách đều không bị trở ngại mà còn có thể chi phối cả ngàn cánh tay. Tâm thông đến ngàn cánh tay, chi phối ngàn cánh tay cũng như một cá nhân mình hiểu thấu từng người khác, bản thân mình nuốt trọn kẻ khác, chi phối mọi kẻ khác.

    Lời dạy của Bất động Minh vương

    Vốn có câu "chư Phật bất động trí". Bất động, đúng như mặt văn tự, tức là không động, trí tức là trí huệ. Tuy gọi là bất động nhưng chẳng phải hoàn toàn bất động như loài gỗ đá. Tâm hoạt động tự do bát phương tứ hướng, tả hữu thượng hạ mà không bị bất cứ một vật gì, một thứ gì, một điều gì câu thúc, giam cầm, ấy chính là bất động trí vậy.

    Cho đến khi hoàn toàn vô tâm vô niệm

    Từ khi bắt đầu tu luyện từ thuở sơ tâm, đến khi biến bất động trí thành của riêng bản thân mình thì một lần nữa lại trở về sơ tâm.
    Lấy ví dụ trong binh pháp (kiếm thuật), lần đầu tiên cầm kiếm thì không biết phải thủ thế (kamae) như thế nào, tâm cũng chẳng vướng bận điều chi. Khi địch đánh tới thì chẳng nghĩ ngợi gì, chỉ xông lên ứng phó. Ấy là cái tâm ban đầu của buổi chưa biết gì.
    Nhưng càng tu luyện thì càng để ý tới những điểm cần để ý, được thầy dạy nhiều điều thì khi cầm kiếm lại chú ý tới những điều ấy thành ra tâm thân trở nên mất tự do.
    Nhưng trải qua nhiều năm tháng tu luyện thì chẳng còn bận lòng đến việc phải cầm kiếm thế nào, phải thủ thế ra sao, và như vậy, trở về với trạng thái sơ tâm ban đầu, ở trong trạng thái vô tâm.

    Lý nâng đỡ thuật, thuật vận dụng lý

    Cần phải tu luyện về lý, phải tu luyện về sự (kỹ thuật).
    Tu luyện về lý là tu luyện trở về trạng thái vô tâm, đi đến nơi cần đến mà không bị điều gì câu thúc.
    Nhưng nếu chỉ luyện về lý mà không tu về sự thì thân thể, tay chân chẳng thể chuyển động như tâm ý mong mốn.
    Luyện về sự trong binh pháp là tu luyện kỹ thuật, ngũ thể.
    Lý và sự như hai bánh của chiếc xe, thiếu cái nào cũng chẳng thể nên việc được.

    Trạng thái tâm không để hở một phút giây nào

    Có câu không để hở một phút giây nào. Nói theo binh pháp là, chẳng hạn có hai vật chồng lên nhau, thì giữa chúng chẳng có khe hở nào để một sợi tóc lọt vào được. Ngay khi vỗ tay thì phát ra tiếng. Giữa khoảng vỗ tay và tiếng phát ra chẳng có một khoảng trống ngừng nghỉ nào để một sợi tóc chui vào được.
    Nếu tâm ta dừng ở lưỡi kiếm địch đánh tới thì ngay chỗ đó phát sinh kẽ hở. Và hoạt động của ta sẽ trú ngụ trong kẽ hở đó. Nếu giữa lưỡi kiếm của địch từ bên kia đánh lại và chuyển động đối phó của ta không có một kẽ hở nào để sợi tóc lọt vào được thì đường kiếm của địch đánh tới trở thành đường kiếm của ta là điều đương nhiên.

    Điều quan trọng là tâm không dừng

    Chuyện đá đánh lửa cũng giống như không để hở phút giây nào.
    Khi đá đánh soạt vào nhau, thì trong khoảnh khắc đó tia lửa bay ra. Hoàn toàn không có kẽ hở giữa động tác đánh đá và tia lửa bay ra. Tức là không có khoản trống để dừng tâm. Nếu hiểu điều này là động tác cần phải nhanh chóng thì là hoàn toàn sai lầm. Điều cốt lõi là không dừng tâm ở vật. Cái sự nhanh nhẹn cũng là kết quả của việc không dừng tâm, vì tâm không dừng nên mới nhanh.

    Nhà thơ Saigyō ngày xưa có lời thơ rằng, có người vốn ghét đời mà xa lánh, nhưng đời vốn chỉ là quán trọ tạm bợ nên chớ để tâm dừng ở đó mà sinh ra ghét đời.

    Để tâm ở đâu?

    Nếu để tâm ở chuyển động của địch thì tâm sẽ bị chuyển động của địch câu thúc.
    Nếu để tâm ở đường kiếm của địch thì tâm sẽ bị đường kiếm của địch chi phối.
    Nếu để tâm ở ý định chém địch, thì tâm sẽ bị giam trong ý định chém địch.
    Nếu để tâm trong đường kiếm của mình, thì tâm sẽ bị đường kiếm của mình bắt giữ.
    Như vậy, chẳng tìm thấy nơi nào để đặt tâm vào đấy.

    Có người nói rằng, nếu để tâm mình ở đâu thì tâm sẽ dừng tại đó, lúc đó coi như đã thua địch. Cho nên cứ nhét tâm mình vào dưới rốn, không để ra ngoài, và chuyển động tự do tự tại, ứng phó với chuyển động của địch là được.

    Nhưng theo ta (Takuan), nhìn từ cảnh giới giác ngộ của Phật pháp mà nói thì nhét tâm vào dưới rốn vẫn còn dở lắm, chưa thể nói là hay được. Đó là kẽ hở của việc tu luyện.

    Vậy thì đặt tâm ở đâu thì được?

    Chẳng đặt ở đâu cả. Khi đó tâm đi khắp cơ thể, vươn dài khắp nơi. Lúc đó thì khi cần dùng tay thì tay có ích, khi chân quan trọng thì chân được việc, khi cần đến mắt thì mắt lanh lợi, ứng theo nơi nào cần đến trong khắp thân thể mà tự do tự tại phát huy công năng như vậy.
    Nếu không đặt nặng, suy nghĩ về việc đặt tâm ở đâu thì tự nhiên tâm sẽ lan rộng khắp thân thể, đi xuyên suốt đến mọi nơi.

    Điều quan trọng là tâm không dừng ở một chỗ nào, điều này đến từ việc tu luyện. Tâm chẳng dừng ở chỗ nào cả là điều quan trọng.

    Khi vô tâm thật sự trở thành thứ của bản thân thì tâm chẳng trụ ở một điều gì, một vật gì, cho nên dù ở tình huống thế nào cũng có thể ứng phó được. Hệt như nước lúc nào cũng tràn đầy.

    Tâm trụ lại một chỗ thì chẳng còn tự do tự tại linh hoạt nữa.
    Khi trong tâm vừa nghĩ đến điều gì thì tuy vẫn đang nghe chuyện người nói nhưng chẳng thể hiểu được. Bởi vì lúc đó tâm dừng lại ở điều đang nghĩ đến mất rồi.

    Như hồ lô nổi trên mặt nước

    Đánh hồ lô trên mặt nước, dùng tay đè thì lập tức nó trượt đi. Ném hồ lô vào nước, dùng tay đè thì không những nó chẳng chìm mà len sang bên cạnh, lại dùng tay ấn xuống thì nó chạy mất. Chẳng làm cách nào để nó trụ lại một chỗ được.
    Tâm của người lên đến đỉnh cao cũng chẳng có một chút dừng, hệt như đè hồ lô trên mặt nước vậy.


    Vứt hết tâm đi

    Nói theo binh pháp thì, không dừng tâm ở thanh kiếm của chiêu đánh tới, quên luôn chiêu tấn công mà đánh trả lại, chém địch. Tức là không để cho đối phương hoạt tâm. Địch là không, ta cũng là không, và cả chiêu đánh địch, cả kiếm tấn công thảy đều là không.
    Như vậy, phải quên hết tất cả, làm được điều này mới là bậc thượng thủ cao nhân. Khi múa mà tâm không quên được ý muốn tay cầm quạt phải nhịp nhàng, chân phải bước sao cho ngay ngắn để có điệu múa đẹp, nhưng vậy quyết chẳng phải là bậc thầy vũ đạo. Cứ nhất nhất để tâm dừng ở tay và chân thì dù có làm gfi đi nữa cũng chẳng đến chốn cực ý được. Kỹ thuật mà không vứt bỏ được tâm đi, chẳng dựa vào thứ gì cả thì tất cả chỉ là vô ích.

    Nhân duyên và quả

    Mùa xuân gieo hạt xuống đất gọi là nhân. Dù hạt đã gieo rồi, nhưng nếu không có mưa, sương thì hạt giống không thể nảy mầm, trưởng thành được. Sự trợ giúp của mưa, sương này gọi là duyên. Hạt giống gieo trong mùa xuân là nhân, dựa vào mưa, sương là duyên mà trưởng thành, đến thu kết trái gọi là quả.



    Bạn đọc quan tâm có thể mua sách (tiếng Nhật) ở: Amazon.

    Chữ ký của Cộng Mạng
    "Chư thượng thiện nhơn
    Câu hội nhứt xứ"


    Gokuraku Shujō's Headquarter
    http://gokuraku-shujo.blogspot.com

  9. The Following 2 Users Say Thank You to Cộng Mạng For This Useful Post:

    HH (23-07-2014), Makihime (06-09-2014)

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Trả lời: 13
    Bài mới gởi: 01-03-2014, 12:58 PM
  2. Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 31-12-2013, 12:57 AM
  3. Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 13-12-2013, 01:29 AM
  4. Trả lời: 6
    Bài mới gởi: 01-08-2012, 05:58 PM
  5. Trả lời: 2
    Bài mới gởi: 30-04-2012, 11:14 PM

Bookmarks

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •