>
kết quả từ 1 tới 2 trên 2

Ðề tài: [Truyện dài] Mãi đừng xa tôi (Never let me go) - Kazuo Ishiguro

  1. #1
    Cua Cua... bò bò...
    sarujun's Avatar


    Thành Viên Thứ: 74964
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 354
    Thanks
    1,183
    Thanked 498 Times in 201 Posts

    [Truyện dài] Mãi đừng xa tôi (Never let me go) - Kazuo Ishiguro

    Mãi đừng xa tôi




    Tác giả: Kazuo Ishiguro
    Dịch giả: Trần Tiễn Cao Đăng (NXB Văn học - Nhã Nam, 2013)





    Kazuo Ishiguro (sinh ngày 8/11/1954) là nhà văn Anh gốc Nhật nổi tiếng thế giới. Sinh ra tại Nagasaki, Nhật Bản, ông theo gia đình sang Anh sinh sống từ năm 1960. Ông tốt nghiệp trường Đại học Kent năm 1978 và nhận bằng Thạc sĩ khóa sáng tác văn chương của trường Đại học East Anglia năm 1980. Hiện ông sinh sống và làm việc tại Luân Đôn cùng vợ và con gái.

    Sự nghiệp sáng tác của ông khởi đầu từ năm 1982 với tác phẩm đầu tay A pale view of hills, đoạt giải thưởng Winifred Holtby của Viện Văn học Hoàng gia Anh. Từ đó đến nay ông viết thêm nhiều cuốn tiểu thuyết khác, với chất lượng khá ổn định. Ông giành nhiều giải thưởng lớn về văn chương như giải Whitbread Prize cho cuốn An Artist of the Floating World, giải Booker Prize cho cuốn The remains of the day... Cuốn tiểu thuyết Never let me go ra đời năm 2005 được Time Magazine xếp vào danh sách 100 cuốn sách tiếng Anh hay nhất.


    ***



    Tặng Lorna và Naomi


    Nước Anh, cuối thập niên 1990



    PHẦN MỘT

    Chuơng Một


    Tên tôi là Kathy H. Tôi ba mươi mốt tuổi, đã làm người chăm sóc được hơn mười một năm nay. Nói vậy nghe cũng đã đủ lâu rồi, tôi biết, nhưng thật ra người ta còn muốn tôi làm thêm tám tháng nữa, cho đến cuối năm nay. Chừng đó thì hầu như đúng mười hai năm cả thảy. Giờ thì tôi biết tôi làm người chăm sóc lâu đến vậy chẳng nhất thiết bởi vì người ta cho rằng tôi làm việc ấy rất cừ. Có một số người chăm sóc thực sự giỏi nhưng nghe nói chỉ làm được hai, ba năm là người ta bảo phải thôi. Tôi lại còn biết có ít nhất một người chăm sóc khác đã làm việc này suốt mười bốn năm trời dẫu hoàn toàn chẳng được tích sự gì. Thế nên tôi không có ý khoe khoang. Nhưng tôi biết rõ rằng người ta hài lòng về công việc tôi làm, mà nói chung bản thân tôi cũng hài lòng. Những người hiến mà tôi chăm sóc luôn luôn có tình trạng khả quan hơn nhiều so với người ta tưởng. Họ thường phục hồi nhanh đến độ ngoạn mục, và ít ai trong số họ được phân loại là “bị kích động” ngay cả khi sắp hiến lần thứ tư đi nữa. Phải, có thể giờ thì tôi đang thực sự khoe khoang đây. Nhưng làm tốt công việc của mình, nhất là giữ cho những người hiến mà mình chăm sóc luôn luôn “bình thản”, điều đó có ý nghĩa với tôi lắm. Tôi đã dần dần phát triển được một thứ bản năng đối với những người hiến. Tôi biết khi nào cần ở bên họ và an ủi họ, khi nào cần để họ một mình; khi nào cần lắng nghe bất cứ điều gì họ muốn nói, còn khi nào chỉ cần nhún vai bảo họ ngủ một giấc cho quên đi.

    Dù thế nào đi nữa, tôi không đòi hỏi gì nhiều cho bản thân. Tôi biết có những người chăm sóc hiện vẫn đang làm việc, họ cũng giỏi như tôi nhưng chẳng được đối xử tốt dù chỉ bằng một nửa tôi. Nếu bạn là một trong số họ, tôi có thể hiểu bạn hẳn sẽ phẫn uất lắm khi nhìn nào phòng khách kiêm phòng ngủ của tôi, nào xe hơi của tôi, và trên hết là cái kiểu tôi được tự do chọn người mình chăm sóc. Tôi lại là học sinh của Hailsham, nội chuyện đó đôi khi cũng đủ khiến người ta nổi giận. Người ta bảo Kathy H. muốn chọn ai để chăm sóc thì chọn, mà chị ta thì luôn luôn chọn những người mình thích: những kẻ từ Hailsham ra, hoặc một trong những người từ các nơi danh giá khác. Thảo nào chị ta có thành tích cao đến vậy. Tôi nghe người ta nói thế nhiều rồi, thành thử chắc bạn còn được nghe nhiều hơn thế nữa, mà có lẽ trong đó cũng có phần đúng. Nhưng tôi không phải kẻ đầu tiên được quyền chọn người để chăm sóc, mà chắc hẳn cũng chẳng phải kẻ cuối cùng. Dù có thế nào, tôi vẫn chăm sóc chu đáo những người hiến dù họ được nuôi dạy ở đâu. Trước khi tôi ngừng lời, hãy nhớ rằng tôi đã làm việc này mười hai năm, mà chỉ trong sáu năm gần đây người ta mới cho tôi cái quyền chọn người để chăm sóc.

    Mà sao họ lại không có quyền chọn nhỉ? Người chăm sóc không phải là cái máy. Ta cố làm hết sức mình để chăm sóc từng người hiến, song rốt cuộc chính mình kiệt sức. Lòng kiên nhẫn và sức lực của ta có hạn. Thành thử một khi có cơ hội lựa chọn, dĩ nhiên ta chỉ chọn những người hợp với mình. Chuyện đó tự nhiên thôi. Chẳng cách gì tôi kham nổi việc này lâu đến vậy nếu tôi thôi cảm thông với những người hiến của tôi từng bước một trên con đường ấy. Và dù sao, nếu như tôi chẳng bao giờ có quyền chọn thì làm thế nào tôi được gần gũi Ruth và Tommy sau ngần ấy năm trời?

    Song dĩ nhiên hồi ấy ngày càng ít những người hiến mà tôi biết mặt nhớ tên, thành thử trên thực tế tôi cũng chẳng kén chọn gì lắm. Tôi đã nói rằng, nếu không có sự gắn bó sâu sắc với người hiến thì công việc của người chăm sóc nặng nề hơn gấp bội, và dẫu tôi vẫn còn quyến luyến nghề này, song đến cuối năm nay ngưng hẳn thì có lẽ cũng đúng thôi.

    Tình cờ, Ruth chỉ là người hiến thứ ba hoặc thứ tư mà tôi chọn. Lúc đó cô đã có một người chăm sóc được bố trí riêng cho mình, và tôi nhớ chuyện đó đã khiến tôi căng thẳng đôi chút. Nhưng rốt cuộc tôi cũng vượt qua được, và ngay khi tôi gặp lại cô, ở trung tâm phục hồi tại Dover, mọi khác biệt giữa chúng tôi dẫu không hẳn đã biến mất nhưng dường như không còn quan trọng như những điều khác nữa, như chuyện hai chúng tôi đã cùng lớn lên ở Hailsham, rằng chúng tôi cùng biết, cùng nhớ những chuyện không ai biết không ai nhớ. Có lẽ chính từ đó tôi mới bắt đầu chọn người hiến để chăm sóc trong số những người cũ trước kia, và bất cứ khi nào có thể, tôi luôn chọn người từng ở Hailsham.

    Trong suốt những năm ra sức bỏ Hailsham lại phía sau, có đôi lúc tôi tự nhủ không nên nhớ lại ngày xưa nhiều quá vậy. Nhưng rồi đến một lúc tôi thôi không cưỡng lại điều đó nữa. Chuyện này có liên quan đến một người hiến mà tôi chăm sóc vào năm thứ ba làm công việc này: chính là phản ứng của anh ta khi tôi bảo rằng tôi ở Hailsham ra. Anh ta vừa trải qua lần hiến thứ ba, mọi chuyện không suôn sẻ, nên chắc anh ta biết có lẽ mình không qua khỏi. Anh ta thở rất khó nhọc, nhưng vẫn nhìn tôi mà nói: “Hailsham. Tôi dám cá chỗ đó đẹp lắm.” Thế rồi sáng hôm sau, khi tôi khơi chuyện cốt để anh ta sao nhãng đề tài ấy đi và hỏi anh lớn lên ở đâu, anh ta liền nhắc tên một nơi nào đó ở Dorset và khuôn mặt anh dưới những vết sưng tấy méo xệch đi trong một vẻ hoàn toàn khác. Chừng đó tôi mới hiểu rằng anh hoàn toàn chẳng muốn nói chuyện đó một chút nào. Anh chỉ muốn nghe chuyện Hailsham thôi.

    Vậy là suốt năm, sáu hôm kế tiếp tôi kể cho anh nghe tất cả những gì anh muốn biết, và anh nằm đó, nghe mê mải, miệng nở nụ cười hiền hậu. Anh hỏi tôi cả chuyện lớn lẫn chuyện nhỏ. Về những người giám thị của chúng tôi, về chuyện mỗi chúng tôi đều có những chiếc rương riêng đựng đồ sưu tập giấu dưới giường, về môn bóng đá, về môn bóng rounders(1), về con đường nhỏ dẫn ta đi vòng quanh bên ngoài ngôi nhà chính, quanh mọi ngóc ngách xó xỉnh của ngôi nhà, cái ao vịt, đồ ăn, quang cảnh từ Phòng vẽ trông ra những cánh đồng vào một buổi sáng mù sương. Đôi khi anh bảo tôi kể đi kể lại mãi cùng một chuyện; những chuyện tôi chỉ vừa mới kể cho anh hôm qua, anh vẫn bảo tôi kể cứ như tôi chưa kể bao giờ. “Các cô có nhà thể chất không?” “Giám thị nào cô thích hơn cả?” Đầu tiên tôi nghĩ đó là do tác dụng của thuốc, nhưng rồi tôi nhận ra trí óc anh hoàn toàn minh mẫn. Không phải anh muốn nghe kể chuyện Hailsham, mà muốn nhớ lại Hailsham đúng như trước kia hồi anh còn nhỏ. Anh biết mình đã sắp đến hồi kết nên mới làm như vậy: bảo tôi mô tả mọi thứ cho anh nghe, sao cho hết thảy thực sự thấm sâu vào, sao cho trong những đêm mất ngủ vì thuốc, vì đau và kiệt lực kia, ranh giới giữa ký ức tôi và ký ức anh có thể sẽ mờ đi. Chính khi đó lần đầu tiên tôi hiểu, thực sự hiểu, rằng chúng tôi – Tommy, Ruth, tôi và tất cả những người khác –, chúng tôi đã may mắn đến nhường nào.


    *
    * *


    Giờ đây mỗi khi lái xe khắp miền quê, tôi vẫn hay nhìn thấy cái này cái nọ khiến tôi nhớ lại Hailsham. Khi đi ngang qua góc một cánh đồng phủ sương, hay nhìn thấy một phần của một căn nhà lớn ở xa xa trong lúc xuôi xuống triền thung lũng, tôi lại nghĩ: “Có lẽ đây rồi! Mình tìm thấy nó rồi! Đây chính là Hailsham rồi!” Thế rồi tôi nhận ra rằng không thể nào có chuyện đó được và lại tiếp tục lái xe, ý nghĩ trôi sang chuyện khác. Nhất là những căn đình tạ kia. Đâu đâu ở vùng quê tôi cũng nhìn thấy chúng, những căn đình tạ mãi tận rìa sân chơi, những công trình nho nhỏ màu trắng xây sẵn cùng một dãy cửa sổ cao ngất ngưởng nom thật trái tự nhiên, hầu như rúc hẳn vào dưới những mái chìa. Tôi nghĩ chắc người ta đã xây nhiều đình tạ như thế hồi thập niên năm mươi và sáu mươi, có lẽ đấy cũng là lúc những căn đình tạ của chúng tôi được dựng lên. Mỗi khi đi ngang một đình tạ như vậy tôi đều dán mắt vào càng lâu càng tốt, cứ kiểu ấy thì rồi có ngày tôi sẽ đâm sầm vào xe người ta mất, nhưng tôi vẫn nhìn không dứt. Mới đây, trong khi đang lái xe ngang qua một vùng đất trống ở Worcestershire, tôi thấy một đình tạ bên ngoài một sân chơi cricket, giống các đình tạ của chúng tôi ở Hailsham đến nỗi tôi phải quành xe lại nhìn thêm lần nữa.

    Hồi đó chúng tôi rất yêu cái đình tạ thể thao của mình, có lẽ bởi nó khiến chúng tôi nhớ lại những căn lều nho nhỏ ngọt ngào mà người ta luôn vẽ trong các sách tranh hồi chúng tôi còn nhỏ. Tôi có thể nhớ lại hồi còn ở lớp Sơ, chúng tôi vẫn hay nài nỉ các giám thị giờ học sau hãy học ngoài đình tạ chứ không ở trong lớp như bình thường. Thế rồi đến khi chúng tôi học lớp Cao 2 – vào tuổi mười hai bước sang mười ba – thì đình tạ trở thành nơi chúng tôi ẩn náu cùng đám bạn thân nhất của mình mỗi khi muốn lánh xa tất cả những người còn lại ở Hailsham.

    Cái đình tạ đủ lớn để hai nhóm riêng biệt có thể tụ tập mà không làm phiền nhau, vào mùa hè thì một nhóm thứ ba có thể ngồi cả ngoài hàng hiên. Nhưng lý tưởng nhất là mình cùng bạn bè có một nơi chỉ của mình thôi, để có thể thường xuyên đùa giỡn và tranh cãi. Các giám thị luôn bảo chúng tôi phải cư xử cho văn minh, nhưng trên thực tế ta cần có một vài nhân vật có tính cách mạnh trong nhóm thì mới mong có được cơ hội chiếm lấy cái đình tạ trong giờ giải lao hay những lúc rảnh rỗi. Bản thân tôi không hẳn thuộc loại củ rủ cù rù, nhưng tôi cho rằng thực sự chính là nhờ Ruth mà hồi đó chúng tôi mới có thể tới chỗ đình tạ thường xuyên như vậy.

    Thường thì chúng tôi duỗi người thoải mái trên các ghế tựa và ghế băng – chúng tôi có năm người, nếu cả Jenny B. nhập bọn thì thành ra sáu – và buôn chuyện ra trò. Có một kiểu chuyện trò chỉ có thể diễn ra khi chúng tôi náu mình trong đình tạ; chúng tôi có thể bàn những gì đang khiến chúng tôi lo âu, hay rốt cuộc lại sẽ cười váng lên hoặc cãi nhau õm tỏi. Thường thì đó là một cách để ta thư giãn đôi chút với bạn bè tri kỷ.

    Vào đúng buổi chiều mà tôi đang nghĩ tới lúc này đây, bọn tôi đang đứng cả lên ghế, xúm xít quanh mấy cửa sổ cao. Nhờ vậy chúng tôi thấy rõ Sân chơi phía Bắc nơi chừng một tá con trai lớp chúng tôi và lớp Cao 3 đang tụ tập chơi bóng đá. Nắng rực rỡ, nhưng có lẽ sáng hôm đó có mưa vì tôi vẫn nhớ mặt trời chiếu lấp lánh trên mặt cỏ vấy bùn.

    Ai đó bảo chúng tôi không nên quan sát lộ liễu như vậy, nhưng chúng tôi hầu như không hề lùi lại. Rồi Ruth nói: “Cậu ta chả nghi ngờ gì cả. Nhìn cậu ta kìa. Cậu ta đúng là chả nghi ngờ gì hết.”

    Khi Ruth nói vậy, tôi nhìn cô tìm dấu hiệu chứng tỏ cô bất bình với những gì đám con trai sắp làm với Tommy. Nhưng ngay giây sau đó Ruth bật cười nhỏ mà nói: “Đồ ngốc!”

    Và tôi nhận ra rằng đối với Ruth và các bạn khác, dù đám con trai định làm gì đi nữa thì chuyện đó cũng diễn ra cách chúng tôi khá xa; chúng tôi đồng lòng với chuyện đó hay không thì cũng chẳng có gì ảnh hưởng. Chúng tôi xúm quanh cửa sổ vào lúc đó không phải vì háo hức muốn thấy Tommy bị hạ nhục thêm lần nữa, mà chỉ vì chúng tôi có nghe nói tới cái âm mưu mới nhất này và mơ hồ thấy tò mò muốn theo dõi xem mọi sự diễn tiến ra sao. Hồi đó tôi không nghĩ rằng những gì đám con trai làm với nhau còn đi xa hơn thế nhiều. Ruth, cũng như các bạn khác, đã xem cảnh ấy một cách thật dửng dưng, mà có lẽ chính tôi cũng vậy.

    Nhưng cũng có thể tôi nhớ nhầm. Có thể là ngay từ khi đó, khi thấy Tommy chạy qua chạy lại trên sân, trên mặt rờ rỡ niềm sung sướng lại được nhập hội, sắp được dự trò chơi mà cậu ấy rất cừ, có thể tôi đã cảm thấy một chút nhói lòng. Điều mà tôi nhớ rõ, đó là khi ấy tôi nhận thấy Tommy đang mặc chiếc áo cổ lọ màu xanh dương nhạt mà cậu đã mua được trong cuộc Bán hàng hồi tháng trước, chiếc áo mà cậu rất lấy làm kiêu hãnh. Tôi nhớ khi đó mình nghĩ: “Cậu ta đúng là đồ ngốc, ai lại mặc cái áo kia mà đá bóng. Áo mà bị hỏng thì cậu ấy sẽ thấy sao?” Tôi nói to, không cụ thể với ai: “Xem Tommy mặc áo kìa. Cái áo cổ lọ cậu ấy thích nhất.”

    Chắc là chẳng ai nghe tôi nói, bởi cả lũ đang cười rũ vì Laura – con hề to xác trong bọn chúng tôi – bắt chước từng nét biểu cảm hiện lên trên mặt Tommy trong khi cậu chạy, vẫy tay, hò hét, chặn đối phương. Toàn bộ đám con trai khác đều đang di chuyển qua lại trên sân cỏ, cố tình làm ra vẻ uể oải như lúc đang khởi động, nhưng Tommy, giữa lúc đang hăng, dường như luôn sẵn sàng vắt giò lên cổ chạy. Tôi nói, lần này to hơn: “Nếu làm hỏng cái áo kia thì cậu ấy sẽ ân hận lắm đây.” Lần này Ruth nghe thấy tôi, nhưng chắc hẳn cô cho rằng tôi nói thế để đùa, bởi cô bật cười chẳng lấy gì làm thật tâm rồi bồi thêm một câu châm biếm của riêng mình.

    Thế rồi đám con trai thôi không đá bóng qua lại nữa mà đứng túm tụm giữa bùn, ngực phập phồng khe khẽ trong khi đợi được chọn thành hai đội. Hai đội trưởng tiến lên phía trước là người của lớp Cao 3, mặc dù ai cũng biết Tommy là cầu thủ giỏi hơn bất cứ ai khác trong năm đó. Hai người tung đồng tiền để xem ai là người được chọn đầu tiên, sau đó người thắng nhìn chằm chằm vào cả nhóm.

    “Nhìn cậu ta kìa,” ai đó sau lưng tôi nói, “Cậu ta cứ chắc như đinh đóng cột rằng mình sẽ được chọn trước. Nhìn cậu ta xem!”

    Mà thật, ở Tommy lúc đó có một cái gì thật khôi hài, một cái gì đó khiến ta nghĩ rằng, ừ, nếu quả thực cậu ta ngốc nghếch đến thế thì phải chịu những gì sắp xảy ra cũng đáng đời lắm. Toàn bộ đám con trai kia vờ chẳng hay biết chuyện chọn người chia làm hai đội, chúng vờ như dù được phân vị trí nào chúng cũng chẳng quan tâm. Vài đứa nói chuyện nho nhỏ với nhau, vài đứa buộc lại dây giày, những đứa khác thì nhìn xuống chân mình đang quẩn trong bùn. Nhưng Tommy thì hau háu nhìn gã trai lớp Cao 3 như thể người ta vừa gọi tên cậu vậy.

    Laura cứ tiếp tục diễn trò của nó suốt thời gian ngoài kia chọn người cho hai đội, nó bắt chước tất cả những biểu hiện khác nhau hiện lên trên mặt Tommy: niềm háo hức rạng ngời lúc ban đầu, nỗi bối rối khi bốn người đã được chọn mà cậu ta mãi vẫn chưa được gọi; nỗi đau khổ và hoảng loạn bắt đầu trùm lên Tommy khi hiểu điều gì đang thực sự diễn ra. Tuy nhiên tôi không liên tục ngoái lại nhìn Laura bởi tôi đang quan sát Tommy; tôi biết Laura đang làm gì chỉ bởi những người khác tiếp tục cười và thúc nó làm tới. Thế rồi khi Tommy bị bỏ đứng trơ một mình còn toàn bộ lũ con trai bắt đầu cười khi khí, tôi nghe Ruth nói:

    “Sắp rồi đấy. Chú ý nhé. Bảy giây, Bảy, sáu, năm…”

    Cô không kịp đếm đến hết. Tommy bật rống lên như sấm, và đám con trai, giờ thì phá lên cười không giấu giếm, co giò chạy về phía Sân chơi phía Nam. Tommy xoãi mấy bước theo sau chúng – khó mà nói được đó là do bản năng buộc cậu phải giận dữ đuổi theo chúng hay bởi cậu hoảng sợ thấy mình bị bỏ lại đằng sau. Dù thế nào đi nữa, chẳng mấy chốc cậu ta đã dừng lại, đứng đó nhìn theo chúng, mặt đỏ như gấc. Thế rồi cậu bắt đầu gào thét, một mớ hổ lốn vô nghĩa những lời chửi thề và nhục mạ.

    Cho tới lúc ấy chúng tôi đã nhìn thấy nhiều cơn thịnh nộ của Tommy, cho nên chúng tôi liền bước từ trên ghế xuống và lại nằm ngồi rải rác trong phòng. Chúng tôi cố khơi một chuyện gì khác, nhưng chuyện Tommy cứ trở đi trở lại trong tâm trí mãi, và mặc dù thoạt tiên chúng tôi chỉ tròn mắt ra điều khinh khỉnh rồi cố lờ đi, nhưng rốt cuộc – có lẽ phải đến mười phút sau khi chúng tôi rời khỏi chỗ cửa sổ – chúng tôi lại quay về chỗ đó.

    Đám con trai khác lúc này đã hoàn toàn khuất khỏi tầm mắt, và Tommy không còn ra sức tuôn những lời chỉ trích vào một hướng cụ thể nào. Cậu ta chỉ nổi cơn tam bành, hoa tay múa chân tứ phía, lên trời, ra gió, về phía cái cọc rào gần nhất. Laura bảo cậu ta nom như đang “ôn lại vai diễn Shakespeare của mình.” Ai đó khác lưu ý rằng mỗi khi thét lác gì đó thì cậu ta lại nhấc một chân lên khỏi mặt đất mà chĩa ra ngoài, “như con chó đứng đái ấy.” Thật ra bản thân tôi cũng nhận ra cái động tác chân đó, nhưng điều khiến tôi chú ý là mỗi khi cậu ta giậm chân xuống thì lại có những vết bùn bắn lên cẳng chân cậu. Tôi lại nghĩ đến chiếc sơ mi quý giá của cậu ta, nhưng cậu ta đang ở quá xa nên tôi không thấy rõ được cái áo có bị vấy nhiều bùn không.

    “Mình nghĩ chúng nó cứ chọc tức cậu ấy luôn như vậy thì cũng hơi ác,” Ruth nói. “Nhưng lỗi ở chính cậu ấy. Nếu cậu ấy biết giữ bình tĩnh thì chúng sẽ để cậu ấy yên.”

    “Chúng nó vẫn sẽ cứ quấy nhiều cậu ấy thôi,” Hannah nói. “Graham K. tính khí cũng khó chịu như vậy, nhưng chỉ khiến chúng càng cẩn thận với cậu ta hơn thôi. Sở dĩ chúng đi trêu Tommy là vì cậu ấy lười thối thây ra.”

    Thế rồi tất cả cùng nhao nhao nói, nào là Tommy chẳng bao giờ cố tỏ ra sáng tạo, nào là cậu ấy chưa bao giờ đưa ra cái gì trong cuộc. Trao đổi Mùa xuân. Tôi cho rằng sự thực là cho đến lúc ấy mỗi chúng tôi đều thầm mong một giám thị nào đó sẽ từ trong nhà đi ra đưa cậu ấy đi. Và mặc dù chúng tôi chẳng hề can dự vào cái mưu mô gần đây nhất nhằm chọc giận Tommy, chúng tôi vẫn đã ngồi xem ở vòng ngoài, và chúng tôi bắt đầu cảm thấy mình có lỗi. Nhưng không thấy bóng dáng giám thị nào, nên chúng tôi vẫn cứ bàn luận với nhau lý do nào khiến Tommy đáng phải chịu những điều như thế. Thế rồi khi Ruth nhìn đồng hồ mà bảo rằng mặc dù chúng tôi vẫn còn thời gian nhưng tốt hơn nên quay lại ngôi nhà chính thì không ai bàn cãi gì.

    Tommy vẫn đang hùng hùng hổ hổ khi chúng tôi ra khỏi đình tạ. Ngôi nhà chính nằm bên trái chúng tôi, và vì Tommy vẫn đang đứng giữa sân ngay trước mặt chúng tôi nên không việc gì phải lại gần cậu ta. Dù thế nào thì cậu ta cũng đang quay mặt về phía khác và dường như chẳng hề nhận thấy chúng tôi. Thế nhưng trong khi các bạn tôi cất bước dọc theo rìa sân, tôi lại bắt đầu bước chếch về phía cậu ta. Tôi biết điều này sẽ khiến các bạn khác bối rối, song tôi vẫn cứ đi, ngay cả khi đã nghe tiếng Ruth thì thầm khẩn thiết bảo tôi quay lại.

    Tôi cho rằng Tommy không quen bị quấy rầy những lúc đang lên cơn thịnh nộ, vì phản ứng đầu tiên của cậu ta khi tôi lại gần là nhìn chòng chọc vào tôi khoảng một giây, sau đó lại tiếp tục y như cũ. Quả thật nom như cậu ta đang tập vai trong kịch Shakespeare giữa chừng thì tôi lù lù bước lên sân khấu. Ngay cả khi tôi nói: “Tommy, cái áo đẹp của cậu kìa. Cậu làm bẩn hết rồi,” cậu vẫn chẳng hề tỏ dấu hiệu gì là nghe thấy tôi.

    Thế là tôi liền chìa tay ra đặt lên cánh tay cậu. Về sau những người khác đều cho rằng cậu ta làm vậy là cố ý, nhưng tôi thì tin chắc cậu không chủ định làm vậy. Hai cánh tay cậu vẫn đang vung loạn lên, và cậu không thể biết rằng tôi sắp sửa đặt tay tôi lên tay cậu. Dù thế nào đi nữa, trong khi vung tay ra thì cậu ta đánh bật tay tôi sang một bên và vả vào một bên mặt tôi. Hoàn toàn không đau, nhưng tôi há hốc mồm thở gấp, và hầu hết các bạn tôi ở đằng sau cũng vậy.

    Chỉ khi đó Tommy dường như rốt cuộc cũng nhận ra tôi, nhận ra những người khác, nhận ra chính mình, nhận ra mình đang đứng đó giữa sân, xử sự theo cách lâu nay thường xử sự, và cậu nhìn tôi có phần ngớ ngẩn.

    “Tommy, áo cậu vấy bùn hết rồi kìa,” tôi nói, khá là nghiêm nghị.

    “Thì sao?” cậu ta lẩm bẩm. Nhưng dù nói vậy cậu vẫn nhìn xuống, nhìn ra những vết ố màu nâu và phải cố nén để không hét lên và hoảng hốt. Thế rồi tôi thấy trên mặt cậu vẻ ngạc nhiên không hiểu vì sao tôi lại biết cậu quý chiếc áo cổ lọ đến thế nào.

    “Không có gì phải lo đâu,” tôi lên tiếng, trước khi sự im lặng khiến cho cậu bị bẽ mặt. “Sẽ sạch thôi. Nếu tự cậu không thể giặt sạch thì đem tới cho cô Jody là được mà.”

    Cậu tiếp tục săm soi chiếc áo, rồi nói gắt gỏng: “Dù gì thì cũng chả liên quan gì đến cậu.”

    Dường như lập tức cậu lấy làm tiếc về câu nói này, bèn nhìn tôi với vẻ ngượng ngùng, như thể mong tôi đáp lại điều gì đó an ủi cậu. Nhưng lúc này tôi đã chán ngấy cậu rồi, nhất là vì đám bạn gái đang nhìn, và trong chừng mực tôi biết thì bao nhiêu người khác nơi các cửa sổ ngôi nhà chính cũng đang nhìn. Thế nên tôi nhún vai quay đi, nhập bọn cùng các bạn.

    Ruth đặt tay lên vai tôi trong khi chúng tôi đi khỏi. “Ít nhất cậu cũng đã khiến cậu ấy hạ hỏa,” cô nói. “Cậu vẫn ổn chứ? Thằng điên.”


    ---------------------------
    Chú thích:
    1. Bóng rounders: Trò chơi có xuất xứ từ Anh và Ailen, gồm hai đội chơi bằng gậy và bóng, các cầu thủ phải chạy quanh một đường vòng trên sân - ND


    --- Hết Chương Một ---
    thay đổi nội dung bởi: sarujun, 07-02-2014 lúc 12:59 AM

  2. The Following 2 Users Say Thank You to sarujun For This Useful Post:

    Hei (05-02-2014), kei_itsumo (12-02-2014)

  3. #2
    Ronin
    A Châu's Avatar


    Thành Viên Thứ: 192493
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: TP Hồ Chí Minh
    Tổng số bài viết: 330
    Thanks
    41
    Thanked 744 Times in 208 Posts

    Mãi đừng xa tôi - Phần 1 - Chương 2


    Chuyện này xảy ra đã lâu nên tôi có thể nhớ sai đôi chút; nhưng theo trí nhớ của tôi thì việc tôi lại gần Tommy chiều hôm đó nằm trong một giai đoạn tôi đang trải qua vào thời kỳ ấy, hồi tôi hay tự đặt ra cho chính mình những thử thách, và khi Tommy ngăn bước tôi lại vài hôm sau thì tôi đã ít nhiều quên chuyện đó rồi.

    Tôi không biết hồi xưa ở chỗ các bạn thì sao, nhưng ở Hailsham mỗi tuần chúng tôi lại phải khám sức khỏe một lần, thườn là ở Phòng 18 ngay trên cùng ngôi nhà, với cô y tá nghiêm khắc tên là Trisha hay Mặt Quạ theo cách gọi của chúng tôi. Buổi sáng rợp nắng hôm đó, một đám chúng tôi đang đi lên cầu thang trung tâm để cô ấy khám trong khi một đám khác vừa được khám xong đang đi xuống. Vậy nên cầu thang đầy những tiếng ồn vang vọng, và trong khi tôi đang bước trên bậc thang, đầu cúi, bám theo sát gót người đi trước, thì một giọng nói gần tôi vang lên: “Kath!”

    Tommy đang theo dòng người đi xuống thì đứng lại ngay giữa cầu thang với một nụ cười toe toét khiến tôi lập tức nổi cáu. Nếu là trước đó vài năm, khi tình cờ gặp một người mà ta thích gặp thì có thể chúng tôi đã có kiểu nhìn đó. Nhưng lúc này chúng tôi đã mười ba tuổi, và đây là một cậu trai tình cờ gặp một cô gái ngay giữa chốn đông người. Tôi những muốn nói: “Tommy, tại sao cậu không thành người lớn nổi vậy?” Nhưng tôi tự ngăn mình lại mà chỉ đáp: “Tommy, cậu đang cản đường mọi người kìa. Cả mình nữa.”

    Cậu nhìn lên, quả thật là dòng người đi lên bị ngáng đường nên đã dồn cục cả lại. Cậu tỏ vẻ hoảng hốt trong một giây, sau đó cậu nép sát vào tường bên cạnh tôi, vừa đủ để mọi người len qua. Rồi cậu nói:

    “Kath, mình cứ tìm cậu mãi. Mình chỉ muốn xin lỗi, mình rất ân hận, ân hận lắm. Hôm đó mình thực sự không có ý đánh cậu đâu. Mình chẳng bao giờ mơ đến chuyện đánh con gái, mà dù có đánh mình cũng không bao giờ muốn đánh cậu. Mình ân hận lắm.”

    “Thôi được. Tai nạn, vậy thôi.” Tôi gật đầu với cậu rồi dợm bước đi. Nhưng Tommy nói với vẻ rạng rỡ:

    “Cái áo giờ ổn rồi. Giặt sạch hết rồi.”

    “Thế thì tốt.”

    “Không đau phải không? Khi mình đánh cậu ấy mà?”

    “Đau chứ còn sao nữa. Nứt sọ. Chấn thương não, còn nữa ấy chứ. Ngay cả Mặt Quạ chắc cũng nhận thấy. Ấy là nếu mình lên trên kia được.”

    “Nói nghiêm chỉnh nào, Kath. Không đau lắm chứ? Mình ân hận vô cùng, thật đấy.”

    Cuối cùng tôi mỉm cười với cậu và nói không chút mỉa mai: “Kìa, Tommy, chỉ là tai nạn mà, giờ thì mình quên một trăm phần trăm rồi. Mình không hề oán cậu chút nào hết.”

    Cậu vẫn có vẻ chưa yên tâm, nhưng giờ thì một số học sinh lớp lớn đang thúc sau lưng cậu, bảo cậu đi. Cậu mỉm cười nhanh với tôi và vỗ vai tôi như vỗ vai một thằng nhóc bé hơn rồi len mình hòa vào dòng người. Thế rồi, trong khi bắt đầu lên cầu thang, tôi nghe tiếng cậu la lên từ phía dưới: “Hẹn gặp sau nhé, Kath!”

    Toàn bộ chuyện này làm tôi thấy lúng túng, nhưng rồi không thấy mọi người lấy đó để đùa cợt hay bàn ra tán vào gì; và tôi phải thừa nhận rằng giá như không có cuộc gặp bất ngờ trên cầu thang kia thì có lẽ tôi đã không quan tâm đến những vấn đề của Tommy trong suốt mấy tuần kế đó.

    Một vài sự cố tôi tự mình nhìn thấy. Song hầu hết là tôi chỉ nghe kể, và mỗi khi nghe ai đó kể lại, tôi đều hỏi gặng kỳ đến khi người ta chịu thuật lại đầy đủ dù ít dù nhiều. Lại có thêm nhiều cơn thịnh nộ nữa, như cái lần mà theo người ta kể Tommy đã lật tung hai chiếc bàn ở Phòng 14 làm mọi thứ rơi tung tóe xuống sàn nhà, trong khi mọi người khác trong lớp chạy túa ra chỗ đầu cầu thang, chèn cửa lại không cho Tommy ra khỏi phòng. Có lần thầy Christopher phải bảo mọi người ghì chặt hai tay Tommy ra sau lưng để ngăn cậu ấy tấn công Reggie D. trong giờ tập đá bóng. Ai cũng thấy rằng khi đám con trai lớp Cao 2 chia cặp để chạy quanh sân, Tommy là người duy nhất không có bạn chạy cùng. Cậu vốn chạy rất cừ, chỉ một nhoáng là đã bỏ xa những người còn lại đến mười, mười lăm mét, có lẽ cậu nghĩ điều đó sẽ che giấu cái sự thật là chẳng ai muốn chạy với cậu cả. Rồi lời đồn về những trò mà hầu như ngày nào mọi người cũng bày ra để chơi khăm cậu. Phần lớn là các trò đùa thường gặp như bỏ những thứ kỳ quái vào giường cậu, thả sâu vào bát ngũ cốc của cậu, nhưng một vài trò trong số đó lại tai ác một cách vô lối: tỉ như khi có ai đó lấy bàn chải đánh răng của Tommy mà cọ toa-lét để đến khi cậu cằm lấy thì răng bàn chải đã bê bết cứt. Vóc người và sức khỏe của Tommy – và tôi đồ là cả tính khí cậu nữa – khiến cho không ai dám thực sự dùng sức mà bắt nạt cậu, song theo tôi nhớ, trong khoảng ít nhất là hai tháng những chuyện như vậy cứ xảy ra mãi. Tôi cứ nghĩ sớm muộn gì cũng phải có ai đó lên tiếng, rằng như thế này là quá đà rồi, nhưng chuyện vẫn cứ tiếp diễn mà chẳng ai nói gì.

    Đã có lần, tôi thử tự mình nêu chuyện đó ra trong phòng ngủ khi đèn đã tắt hết. Ở lớp Cao, chúng tôi được chia làm sáu đứa một phòng, vừa vặn thành cái nhóm nhỏ bọn tôi, và chúng tôi thường nói những chuyện tâm tình sâu kín nhất vào lúc nằm trong bóng tối trước khi thiếp ngủ. Ta có thể nói về những chuyện mà ta thậm chí không dám nghĩ là sẽ nói được ở bất cứ nơi nào khác, kể cả trong căn đình tạ. Thế là một đêm nọ tôi nêu chuyện Tommy. Tôi không nói nhiều; chỉ tóm lược những gì đang xảy ra với cậu ấy và nói rằng điều đó không thực sự công bằng. Khi tôi nói xong, mọi người đợi phản ứng của Ruth – bọn tôi vẫn thường như vậy mỗi khi xảy ra chuyện gì đó hơi khó xử. Tôi đợi, thế rồi tôi nghe một tiếng thở dài từ phía giường Ruth, và cô nói:

    “Cậu nói đúng, Kathy ạ. Thế là không đẹp. Nhưng nếu muốn chuyện ấy thôi đi thì chính cậu ấy cần phải thay đổi cách cư xử. Cậu ấy chẳng bao giờ có gì cho cuộc Trao đổi Mùa xuân cả. Và liệu cậu ấy sẽ có cái gì cho tháng sau không? Mình cá là không.”

    Tôi cần phải giải thích đôi chút ở đây về những cuộc Trao đổi của chúng tôi tại Hailsham. Mỗi năm bốn lần – xuân, hạ, thu, đông – chúng tôi lại có một cuộc kiểu như là triển lãm đồng thời bán tất cả những gì chúng tôi đã làm được trong ba tháng kể từ lần Trao đổi trước. Tranh vẽ, đồ gốm; đủ thứ “tượng điêu khắc” mà chúng tôi làm tù bất cứ thứ gì đang là mốt – có thể là những vỏ hộp đập bẹp, hay những nắp chai nhồi vào hộp các-tông. Cứ mỗi thứ góp vào, ta lại được trả những đồng Tiền Trao đổi – các giám thị là người quyết định cái kiệt tác của ta trị giá bao nhiêu –, thế rồi vào ngày Trao đổi ta mang các đồng tiền đó đi xem các thứ trưng bày và “mua” những gì ta thích. Quy tắc là ta chỉ có thể mua những gì do các học sinh cùng niên khóa với mình làm ra, nhưng dù thế chúng tôi cũng đã có đủ thứ để chọn, bởi hầu hết chúng tôi có thể làm ra nhiều thứ trong thời gian ba tháng kia.

    Giờ đây nhìn lại, tôi có thể hiểu vì sao các cuộc Trao đổi trở nên quan trọng với chúng tôi đến thế. Trước hết, ngoài các buổi Bán hàng ra – Bán hàng là một chuyện khác tôi sẽ nhắc đến sau – thì đó là cách duy nhất để chúng tôi có thể xây dựng một bộ sưu tập những món sở hữu cá nhân của riêng mình. Nếu như ta muốn trang trí các bức tường quanh giường mình chẳng hạn, hoặc muốn có một cái gì để mang trong túi xách và đặt lên bàn học từ phòng này sang phòng khác, thì ta có thể tìm thấy ở cuộc Trao đổi. Bây giờ tôi cũng hiểu được các cuộc Trao đổi còn có một tác động tinh tế hơn thế đối với tất cả chúng tôi. Cứ nghĩ mà xem, nhờ nhau mà ta mới có được những thứ có thể trở thành báu vật của riêng mình – điều đó còn có tác động đến những mối quan hệ của ta nữa. Trường hợp Tommy là tiêu biểu. Rất thường khi, thái độ của người khác ở Hailsham đối với ta thế nào, ta được yêu mến và tôn trọng đến đâu, thảy đều có liên quan đến chuyện chúng ta “sáng tạ” cừ đến mức nào.

    Vài năm trước Ruth và tôi thường bắt gặp mình nhớ lại những điều đó, khi tôi còn đang chăm sóc cho cô ở trung tâm phục hồi tại Dover.

    “Chính một phần nhờ vậy mà Hailsham mới trở nên đặc biệt đến thế,” có lần Ruth nói. “Người ta vẫn khuyến khích chúng mình biết đánh giá đúng công trình của người khác.”

    “Đúng vậy,” tôi nói. “Nhưng đôi lúc, mỗi khi nhớ lại các cuộc Trao đổi, mình lại thấy ở đó nhiều điều dường như hơi kỳ cục. Thơ chẳng hạn. Mình nhớ bọn mình được phép nộp các bài thơ thay vì tranh vẽ. Lạ là chúng mình đều thấy thế là hay, chúng mình nghĩ thế là hợp lý.”

    “Sao lại không? Thơ quan trọng chứ.”

    “Nhưng cái thơ mình đang nói đây là thơ hồi chúng mình mới chín tuổi cơ mà, những dòng thơ nho nhỏ buồn cười, sai chính tả be bét viết trong vở bài tập ấy. Chúng mình tiêu phí những đồng tiền quý giá để mua những cuốn vở bài tập chép đầy thứ ấy, chứ không mua một cái gì hay hay để trang trí quanh giường. Nếu đã thích thơ của ai đó đến vậy thì sao chúng mình không mượn rồi chiều chiều tự tay chép lại? Nhưng cậu nhớ hồi đó ra sao mà. Cuộc Trao đổi diễn ra, thế là chúng mình lại đứng đực ra tần ngần chẳng biết nên mua mấy bài thơ của Susie K. hay mấy con hươu cao cổ mà Jackie hay làm.”

    “Mấy con hươu cao cổ của Jackie,” Ruth cười phá lên, nói. “Đẹp quá chừng. Mình cũng từng có một con.”

    Chúng tôi đang ngồi trò chuyện trên cái ban công nhỏ trước phòng hồi sức của Ruth vào một tối mùa hè đẹp trời. Đó là vài tháng sau khi cô hiến tạng lần đầu, lúc này cô đã vượt qua thời khắc nguy nan nhất, và tôi luôn bố trí các buổi thăm bệnh vào buổi chiều sao cho hai chúng tôi có thể dành khoảng nửa tiếng đồng hồ ngồi ngoài ban công ngắm mặt trời lặn xuống những mái nhà. Ta có thể thấy nhiều ăng ten và đĩa vệ tinh, đôi khi thấy cả một đường thẳng lấp lánh đằng xa, đó là biển. Tôi thường mang theo nước và bánh quy, rồi hai chúng tôi ngồi đó trò chuyện về bất cứ chuyện gì chợt đến trong đầu. Trung tâm phục hồi nơi Ruth đang an dưỡng là một trong những trung tâm ưa thích nhất của tôi, và tôi sẽ hoàn toàn không than phiền gì nếu cuối cùng chính tôi cũng đã ở đây. Các phòng hồi sức khá nhỏ, nhưng thiết kế tốt và tiện nghi. Mọi thứ – những bức tường, sàn nhà – đều được lát gạch trắng loang loáng, được trung tâm giữ sạch đến nỗi lần đầu bước vào ta ngỡ đâu mình bước vào một đại sảnh toàn là kính. Dĩ nhiên không hẳn lúc nào ta cũng thấy hình mình phản chiếu trên đó, nhưng hầu như ta cứ nghĩ mình thấy thế. Mỗi khi ta nhấc tay lên, hay khi ai đó đang nằm trên giường ngồi dậy, ta có thể nhận thấy lờ mờ cái cử động đó trên những viên gạch lát khắp quanh ta. Dù thế nào đi nữa, phòng của Ruth ở trung tâm này cũng có những khung cửa trượt lớn bằng kính nên dù đang nằm trên giường Ruth vẫn có thể dễ dàng nhìn thấy được phần lớn bầu trời, và nếu trời đủ ấm, cô chỉ cần bước ra ban công là đã có thể tha hồ hít thở không khí trong lành. Tôi thích đến thăm Ruth ở căn phòng này, thích những cuộc trò chuyện trên trời dưới biển với cô, từ hè cho đến đầu thu, ngồi trên ban công đó mà nói về Hailsham, về Nhà Tranh, về bất cứ điều gì chợt đến trong ý nghĩ của chúng tôi.

    “Điều mình muốn nói là hồi tuổi đó, khi mới mười một chẳng hạn, chúng mình thực ra đâu có quan tâm tí gì đến những bài thơ của người khác,” tôi nói tiếp. “Nhưng cậu có nhớ ai như Christy không? Christy được tiếng hay thơ, thành thử tất cả bọn mình ngưỡng một nó. Ngay cả cậu, Ruth ạ, cậu cũng chẳng hề dám sai phái Christy một tiếng nữa là. Tất cả là vì chúng mình cứ nghĩ nó giỏi thơ lắm. Nhưng chúng mình thì biết quái gì về thơ với thẩn. Chúng mình chả quan tâm đến thơ. Thế mới lạ.”

    Nhưng Ruth không hiểu ý tôi – hoặc có thể cô cố tình lảng tránh. Có lẽ cô quyết giữ nguyên hình ảnh chúng tôi ngày đó như những kẻ phức tạp tinh tế hơn là thực tế. Mà cũng có thể cô cảm nhận những gì tôi nói đang dẫn đến đâu, và không muốn chúng tôi tiếp tục câu chuyện theo hướng đó. Dù thế nào đi nữa, cô thở một hơi dài mà nói:

    “Bọn mình ai cũng nghĩ mấy bài thơ của Christy thật hay. Nhưng mình không biết bây giờ mấy bài thơ đó sẽ như thế nào trong mắt bọn mình. Mình ước gì có vài bài ở đây, mình muốn xem chúng mình sẽ nghĩ gì.” Rồi cô bật cười to mà nói: “Mình vẫn còn giữ mấy bài thơ của Peter B. Nhưng đó là mãi về sau kia, khi bọn mình lên lớp Cao 4. Hồi đó chắc mình thích cậu ta lắm. Không thì mình chẳng thấy có lý do nào khác để mua những bài thơ của cậu ấy. Mấy bài thơ ngớ ngẩn không chịu được. Tự cho mình quan trọng lắm. Nhưng Christy thì hay, mình vẫn nhớ vậy mà. Cũng buồn cười, cô nàng bỏ hẳn làm thơ khi bắt đầu chuyển sang vẽ. Mà cô nàng vẽ thì có giỏi gì cho cam.”

    Nhưng cho tôi quay lại chuyện Tommy. Điều Ruth nói lần đó trong phòng ngủ chúng tôi sau khi đèn đã tắt, rằng mọi phiền toái của Tommy là do cậu ta tự chuốc lấy, chắc hẳn đã tóm lược những gì hầu hết mọi người ở Hailsham nghĩ hồi đó. Nhưng chính là khi cô nói vậy, tôi mới nằm đó mà ngộ ra, cái ý kiến cho rằng Tommy cố tình không chịu sửa tính là một ý kiến từng phổ biến ngay từ hồi bọn tôi ở lớp Sơ. Và tôi chợt hiểu với hơi chút rùng mình rằng Tommy đã phải hứng chịu tất cả những gì cậu ấy đang phải chịu không phải hàng ngày, hàng tháng, mà suốt nhiều năm trời.

    Tommy và tôi vừa nhắc đến chuyện đó cách đây chưa lâu, và lời Tommy kể về mọi nông nỗi của cậu đã bắt đầu như thế nào chỉ xác nhận điều tôi nghĩ đêm đó là đúng. Theo anh, mọi chuyện đã bắt đầu vào một buổi chiều trong tiết học vẽ của cô Geraldine. Cho tới trước ngày đó Tommy vẫn luôn luôn thích vẽ, anh bảo tôi vậy. Nhưng ngày hôm đó trong giờ học của cô Geraldine, Tommy đã vẽ chính bức tranh màu nước đó – một con voi đứng trong một bụi cỏ cao – và mọi chuyện đã từ đó mà ra. Anh làm vậy chỉ để đùa thôi, anh bảo. Tôi quay anh ra trò về điểm đó, tôi ngờ rằng sự thật là cái trò ấy cũng như bao nhiêu trò khác ta làm ở độ tuổi đó thôi: ta chẳng có lý do nào rõ rệt cả, làm là làm. Ta làm bởi ta cho rằng người ta sẽ phá lên cười, hoặc vì ta muốn xem liệu cái trò của mình có gây náo động không. Và nếu sau đó người ta yêu cầu giải thích tại sao ta làm vậy thì cái trò đó xem ra chẳng còn ý nghĩa gì cả. Tất cả chúng ta đều từng làm những chuyện như thế. Tommy không hẳn diễn đạt theo cách đó, nhưng tôi chắc chuyện đã xảy ra đúng như vậy.

    Dù thế nào, Tommy đã vẽ con voi, chính cái loại tranh mà một đứa bé kém hơn cậu hồi đó ba tuổi thường vẽ. Cậu chỉ mất không hơn hai mươi phút và bức tranh khiến mọi người cười rộ, hẳn là thế rồi, dù không hoàn toàn là kiểu cười mà cậu chờ đợi. Nhưng dù thế đi chăng nữa, trò ấy ắt hẳn đã không dẫn đến chuyện gì – và đây là một điều mỉa mai độc địa, tôi cho là vậy – nếu như không phải là cô Geraldine đứng lớp ngày hôm ấy.

    Cô Geraldine là một giám thị mà tất cả chúng tôi hồi ở tuổi đó đều yêu mến. Cô là người hiền hậu, ăn nói nhẹ nhàng, luôn luôn an ủi khi ta cần, ngay cả khi ta đã làm điều quấy hoặc bị giám thị khác đuổi ra khỏi lớp. Nếu chính cô có đuổi ta ra khỏi lớp thì suốt nhiều ngày sau cô sẽ quan tâm đặc biệt đến ta, như thể cô nợ ta gì đó vậy. Thật xui xẻo cho Tommy rằng hôm ấy cô Geraldine đứng lớp vẽ chứ không phải thầy Robert hay chính cô Emily, giám thị chính, vốn là người vẫn thường đứng lớp vẽ. Giá như là một trong hai thầy cô kia thì chắc hẳn Tommy chỉ bị tống cổ ra khỏi lớp, chắc cậu ấy đã có thể mỉm cười tự phụ, và mọi người tệ lắm thì cũng chỉ coi đó như một trò đùa kém cỏi là cùng. Thậm chí có khi cậu còn khiến một số học sinh nghĩ cậu là tay hề thứ thiệt không chừng. Nhưng cô Geraldine là cô Geraldine, chuyện không diễn ra theo cách đó. Thay vì vậy, cô cố sức nhìn bức tranh một cách ân cần và thấu hiểu. Và chắc bởi đoán Tommy sẽ bị những người khác châm chích, cô lại đi quá đà theo cách khác, cô thực sự cố tìm ra những chỗ đáng khen trong bức tranh, chỉ ra cho cả lớp thấy. Sự phẫn nộ khởi đầu từ đó.

    “Sau khi bọn mình rời khỏi lớp, ấy là lần đầu tiên mình nghe chúng nó trò chuyện.” Tommy nhớ lại. “Chúng nó chẳng thèm quan tâm mình có nghe thấy hay không.”

    Tôi đoán rằng từ trước khi vẽ con voi đó Tommy đã có một thời gian mang cảm giác mình không theo kịp chúng bạn – nhất là tranh vẽ của cậu trông cứ như của các học sinh lớp bé hơn cậu nhiều – nên cậu thường ra sức che giấu bằng cách cố tình vẽ giống như con nít. Nhưng sau bức vẽ con voi kia thì mọi thứ bị phơi ra trước thanh thiên bạch nhật, giờ thì ai ai cũng đợi xem cậu sẽ vẽ gì kế tiếp. Dường như có một thời gian cậu cũng thật sự cố gắng, nhưng hễ cậu bắt tay vẽ cái gì là y như rằng thiên hạ chung quanh thảy đều rúc rích cười nhạo. Trên thực tế, cậu càng cố gắng thì những bức tranh của cậu càng nực cười hơn. Thế là chẳng bao lâu Tommy lại quay về thế phòng thủ như trước, vẽ những bức tranh cố tình ra vẻ trẻ con, những tác phẩm chỉ nói lên rằng cậu đang cẩu thả hết mức. Từ đó trở đi, mọi chuyện càng ngày càng tệ.

    Ban đầu cậu chỉ phải chịu khổ sở trong các giờ học vẽ – dù thế cũng đã là nhiều, vì hồi ở lớp Sơ chúng tôi vẽ nhiều lắm. Nhưng rồi tình hình ngày càng nghiêm trọng. Cậu bị cho ra rìa trong các môn chơi, đám con trai không chịu ngồi cạnh cậu trong giờ ăn, hoặc vờ không nghe thấy nếu cậu nói gì đó trong phòng ngủ khi đèn đã tắt hết. Thoạt tiên thì chuyện ấy cũng chẳng có gì ghê gớm. Có thể cứ diễn ra như vậy hàng tháng trời mà không có sự cố gì, và cậu cứ ngỡ mọi chuyện thế là đã qua, nhưng rồi chỉ cần cậu – hoặc một trong các kẻ thù của cậu, Arthur H. chẳng hạn – làm một chuyện gì đó, thế là mọi chuyện lại diễn ra như cũ.

    Tôi không biết chắc từ khi nào Tommy bắt đầu nổi những cơn thịnh nộ. Tôi chỉ nhớ rằng Tommy luôn nổi tiếng vì tính khí của cậu ngay từ hồi lớp Ấu, nhưng cậu thì bảo cậu chỉ bắt đầu nổi cáu từ khi bị người ta trêu chọc quá đáng. Dù thế nào đi nữa, chính nhưng cơn thịnh nộ đó càng khiến người ta làm tới, và vào khoảng cái dạo tôi đang nhắc tới ở đây – mùa hè ở lớp Cao 2, hồi chúng tôi mười ba tuổi – thì tình trạng làm tình làm tội Tommy đã lên đến đỉnh điểm.

    Thế rồi mọi sự chấm dứt, không phải ngày một ngày hai, nhưng cũng khá nhanh. Như tôi đã nói, hồi đó tôi theo sát tình trạng ấy, nên tôi nhìn thấy các dấu hiệu sớm hơn hầu hết những người khác. Chuyện đó bắt đầu ở một thời kỳ – có lẽ kéo dài khoảng một tháng, cũng có thể lâu hơn – khi những trò trêu chọc vẫn xảy ra khá đều đặn, nhưng Tommy không còn giận quá mất khôn nữa. Đôi khi tôi thấy cậu cũng đi gần đến chỗ đó, nhưng bằng cách nào đó cậu tự chủ được; những lúc khác thì cậu chỉ lẳng lặng nhún vai, hoặc phản ứng như thể cậu chẳng nhận thấy gì. Thoạt tiên những phản ứng của cậu khiến người ta tẽn tò, có thể người ta còn tức tối, như thể bị cậu làm cho thất vọng vậy. Thế rồi dần dần người ta đâm chán và những trò trêu chọc trở nên nửa vời, cho tới một ngày kia tôi sửng sốt nhận ra rằng suốt một tuần chẳng thấy ai trêu chọc Tommy lần nào cả.

    Bản thân điều đó hẳn không có gì là quan trọng lắm, nhưng tôi còn nhận ra những thay đổi khác nữa. Nhưng chuyện nhỏ nhặt, tỉ như Alexander J. và Peter N. sánh vai cùng Tommy đi ngang qua sân trường về phía bãi chơi bóng, cả ba vừa đi vừa trò chuyện khá tự nhiên; rồi lại có một sự thay đổi tinh tế nhưng rõ rệt trong giọng của mọi người mỗi khi nhắc đến tên cậu. Thế rồi có một lần, vào khoảng cuối giờ nghỉ trưa, một nhóm chúng tôi đang ngồi trên bãi cỏ gần ngay Sân chơi phía Nam nơi đám con trai chơi bóng đá như thường lệ. Tôi đang trò chuyện cùng các bạn, nhưng vẫn để một mắt theo dõi Tommy, bởi tôi nhận thấy cậu ta đang ở ngay tâm điểm cuộc chơi. Có một lúc cậu bị vấp, nhưng rồi gượng dậy, đặt bóng xuống đất để tự mình đá. Trong khi đám con trai dàn ra đợi, tôi thấy Arthur H. – một trong những kẻ lâu nay vẫn hành hạ Tommy nhiều nhất – đang đứng sau lưng Tommy vài thước, bắt đầu bắt chước động tác của cậu, nhại lại điều ngớ ngẩn cái dáng Tommy đứng trước bóng, hai tay chống nạnh. Tôi chăm chú quan sát, nhưng không thấy ai trong số những người còn lại hùa theo Arthur. Thấy thì chắc tất cả đều thấy, bởi mọi con mắt đều dồn về phía Tommy, mà Arthur thì đứng ngay sau lưng cậu, nhưng chẳng ai quan tâm cả. Tommy tạt bóng ngang qua bãi cỏ, cuộc chơi tiếp tục, và Arthur H. không thử làm trò trêu cậu thêm lần nào nữa.

    Tôi thấy vui vì mọi chuyện tiến triển như vậy, nhưng cũng thấy hoang mang. Đâu có sự thay đổi thực sự nào ở tranh của cậu – tiếng tăm về “khả năng sáng tạo” của cậu vẫn bết bát nhu mọi khi. Tôi có thể hiểu rằng được vậy phần lớn là nhờ cậu thôi không còn nổi cơn thịnh nộ nào nữa, nhưng nhân tố chính là gì thì dường như khó xác định hơn. Có cái gì đó ở bản thân Tommy – cách cư xử của cậu, cái cách cậu nhìn thẳng vào mặt mọi người mà nói chuyện với vẻ cởi mở, đôn hậu của cậu – đã đổi khác so với trước, và đến lượt mình điều đó làm thái độ của những người quanh cậu cũng đổi khác theo. Nhưng điều gì dẫn đến tất cả chuyện đó thì thật không rõ.

    Tôi hoang mang, nên quyết định lần sau nếu gặp riêng thì sẽ thăm dò cậu một chút. Chẳng mấy chốc cơ hội đến, đó là khi tôi đang xếp hàng đợi lấy suất ăn trưa thì thấy cậu đang đứng trước mình vài người.

    Tôi nghĩ điều này nói ra có lẽ khá kỳ quặc, nhưng ở Hailsham, xếp hàng lấy suất ăn trưa chính là một trong những cơ hội tốt để nói chuyện riêng tư. Sở dĩ như vậy hẳn là do cấu trúc âm học của Đại Sảnh: xung quanh ồn như cái chợ, trần nhà thì cao, thành thử nếu hạ giọng xuống, đứng thật gần và biết chắc rằng những người ở gần mình cũng đang bận nói chuyện riêng thì có thể yên tâm rằng không ai nghe lỏm ta được. Dù thế nào đi nữa, chúng tôi cũng chẳng có nhiều lựa chọn. Những chỗ “yên tĩnh” thường chính là những chỗ dở nhất, bởi luôn luôn có thể có ai đó đi ngang đủ gần để nghe thấy ta. Và ngay khi ta có cái vẻ đang cố tìm một góc khuất để to nhỏ chuyện riêng thì y như rằng chỉ trong vài phút là toàn bộ Hailsham dường như đã ngửi ra ngay, và sẽ chẳng còn cơ hội nào được riêng tư cả.

    Thành thử khi thấy Tommy đang xếp hàng trước mình vài chỗ, tôi liền vẫy cậu đến – quy tắc là không được từ dưới chen lên phía trên khi xếp hàng, nhưng từ trên chuyển xuống dưới thì được. Cậu tiến lại với một nụ cười sung sướng, và chúng tôi đứng cạnh nhau một lát không nói gì – chẳng phải vì lúng túng, mà bởi chúng tôi đợi cho đến khi không ai tỏ ra chú ý đến việc Tommy rời chỗ xuống nữa. Rồi tôi bảo cậu:

    “Hồi này thấy cậu hạnh phúc hơn nhiều đấy Tommy à. Mọi chuyện dường như đang tốt đẹp hơn cho cậu.”

    “Gì cậu cũng nhận thấy hết, phải không Kathy?” Cậu nói không có vẻ gì mỉa mai. “Ừ, mọi chuyện đều ổn, mình đang rất ổn.”

    “Thế chuyện gì đã xảy ra vậy? Cậu tìm thấy Chúa Trời hay gì gì đó à?”

    “Chúa Trời á?” Tommy bối rối khoảng một giây. Rồi cậu bật cười bảo: “Ồ, mình hiểu. Cậu đang nói đến chuyện mình không còn… giận quá đáng nữa.”

    “Không chỉ vậy đâu Tommy à. Cậu đang làm mọi sự chung quanh trở nên tốt đẹp hơn cho cậu. Mình quan sát suốt mà. Thành thử mình mới hỏi.”

    Tommy nhún vai. “Chắc là mình đã lớn lên một chút. Mà có lẽ ai cũng vậy cả. Đâu thể cứ như vậy mãi được. Chán lắm.”

    Tôi không nói gì, chỉ nhìn thẳng vào cậu, cho đến khi cậu lại bật cười nho nhỏ mà nói: “Kathy à, cậu thính quá đi mất. Được rồi, cứ cho là quả thực đã có một cái gì đó. Một cái gì đó đã xảy ra. Nếu cậu muốn, mình sẽ cho cậu biết.”

    “Vậy thì nói đi.”

    “Mình sẽ cho cậu biết Kath à, nhưng cậu không được hở cho ai biết cả, được không nào? Khoảng hai tháng trước mình có nói chuyện với cô Lucy. Sau đó mình cảm thấy dễ chịu hơn nhiều. Khó giải thích lắm. Nhưng cô ấy có nói gì đó, thế mà mọi chuyện tự dưng thấy tốt đẹp hơn nhiều.”

    “Cô ấy nói gì nào?”

    “Thì… Vấn đề ở chỗ, nghe thì lạ lắm. Thoạt đầu mình cảm thấy vậy. Cô ấy bảo là nếu mình không muốn tỏ ra có khả năng sáng tạo, nếu mình thật sự chẳng thích làm thế tí nào, thì cũng không sao cả. Chẳng có gì sai trái cả, cô ấy bảo thế.”

    “Cô ấy nói với cậu thế à?”

    Tommy gật, nhưng tôi hầu như đã quay mặt đi.

    “Toàn vớ vẩn, Tommy à. Nếu cậu sắp làm trò xuẩn ngốc thì mình chẳng hơi đâu mà nghe.”
    Thật tình tôi rất giận, bởi tôi cho rằng cậu đang nói dối tôi, mà lại ngay giữa lúc tôi xứng đáng được cậu đem lòng tin cậy. Thoáng thấy một đứa con gái mà tôi quen đang đứng đằng sau mấy chỗ, tôi đi về phía nó, bỏ mặc Tommy đứng đó. Tôi thấy cậu chưng hửng và cụt hứng, nhưng sau mấy tháng trời lo lắng cho cậu, tôi thấy mình bị phản bội, nên không thèm quan tâm cậu cảm thấy thế nào. Tôi tán gẫu với một đứa bạn – hình như là Marilda – càng tỏ ra vui vẻ càng hay, và hầu như suốt thời gian xếp hàng còn lại chẳng mấy khi tôi nhìn về phía Tommy nữa.

    Nhưng trong khi tôi mang đĩa ăn của mình đi về phía các dãy bàn, Tommy lại gần sau lưng tôi và nói nhanh:

    “Kath này, nếu cậu nghĩ mình nói khoác với cậu thì không phải đâu. Chuyện đúng là vậy mà. Khi nào đó cậu cho mình dù chỉ tí xíu cơ hội, mình sẽ kể cho cậu nghe.”

    “Đừng nói linh tinh nữa, Tommy.”

    “Kath à, mình sẽ kể cho cậu. Mình sẽ đến chỗ cái ao sau giờ ăn trưa. Nếu cậu đến đó, mình sẽ kể.”

    Tôi nhìn cậu với vẻ trách móc rồi không đáp mà đi thẳng, nhưng lúc ấy có lẽ tôi đã bắt đầu cảm thấy dễ chịu khi nghĩ, cũng có thể việc nói chuyện với cô Lucy không phải là cậu bịa ra. Và đến khi ngồi xuống cùng các bạn, tôi đã bắt đầu hình dung ăn xong thì làm cách nào chuồn được ra chỗ cái ao mà không khiến mọi người tò mò.

    --- Hết Chương 2 - Phần 1 ---
    Chữ ký của A Châu

  4. The Following User Says Thank You to A Châu For This Useful Post:

    sarujun (30-03-2014)

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 26-01-2014, 12:31 PM
  2. Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 27-05-2013, 05:08 PM
  3. Trả lời: 2
    Bài mới gởi: 26-03-2013, 04:11 PM
  4. Trả lời: 6
    Bài mới gởi: 05-02-2012, 12:02 AM
  5. Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 03-02-2012, 10:10 AM

Bookmarks

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •