>
kết quả từ 1 tới 1 trên 1

Ðề tài: Bố của 50 trẻ mồ côi Việt Nam

  1. #1
    || TRÙM ||
    KHA's Avatar


    Thành Viên Thứ: 1
    Giới tính
    Nam
    Đến Từ: Lào Cai
    Tổng số bài viết: 4,082
    Thanks
    1,146
    Thanked 7,052 Times in 1,456 Posts

    Bố của 50 trẻ mồ côi Việt Nam

    Giữa cái nóng oi nồng tháng 6, tại làng trẻ mồ côi Birla, hàng trăm trẻ em ngồi sau các dãy bàn dài trong hội trường nhỏ hẹp, hướng khuôn mặt đầy háo hức ra cửa. Xen lẫn giữa những tiếng nói, cười, chọc nhau của các em đang tuổi ăn, tuổi nghịch, là tiếng thì thào: “Bố đâu? Bố Sugi sắp đến chưa?”
    Rồi cánh cửa phòng cũng bật mở. Một người đàn ông nhanh nhẹn bước vào, vẫn chỉnh tề trong trang phục áo vét, cà vạt. Đó là ông Sugi Ryotaro - Đại sứ đặc biệt Nhật - Việt - người cha đỡ đầu mà các trẻ em làng trẻ Birla - đang mong ngóng. Chương trình làm việc dày đặc với hàng loạt sự kiện nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, nên ông Sugi không có thời gian thay trang phục. Lý do cũng còn bởi “tôi không muốn lãng phí bất cứ giây phút nào ở bên các con”.

    “Bố ơi, con đau!”


    “Các con có khỏe không? Hôm nay nóng quá nhỉ? Các con có biết Việt Nam và Nhật Bản đã là bạn 40 năm, trong đó có 25 năm bố đã ở Việt Nam. Bố luôn mong các con khỏe mạnh, luôn yêu thương cuộc đời, các con nhé. Bố mong các con đừng làm người ích kỷ. Hãy sống thật tốt và luôn nghĩ đến mọi người xung quanh” - cha Sugi căn dặn, hướng ánh mắt trìu mến về những người con do ông đỡ đầu, đang ngồi dưới hội trường.
    Đại sứ Sugi lo lắng kiểm tra sức khỏe của Tuấn - cậu con nuôi đang bị ung thư vòm họng.

    Nguyễn Văn Tuấn cười rạng rỡ nhìn bố Sugi. Thật khó hình dung cậu thanh niên gày gò, nhỏ con Nguyễn Văn Tuấn đã là sinh viên sắp tốt nghiệp Đại học GTVT. Làn da Tuấn tái sạm, song ánh mắt bừng sáng khi thấy người bố nuôi. Tuấn đang phải trải qua những đợt xạ trị đau đớn để chữa trị căn bệnh nan y ung thư vòm họng.

    Bố Sugi chính là nguồn an ủi và động viên về tinh thần và vật chất to lớn cho Tuấn trong suốt những ngày em nằm viện. Vẫy tay gọi Tuấn lên ngồi cạnh mình, người cha Sugi lo lắng quan sát sức khỏe của cậu con nuôi. “Con có đau nhiều không? Bố mẹ lo cho con quá. Bố mẹ sẽ làm bất cứ điều gì để giúp con hồi phục sức khỏe”. Tuấn ngập ngừng: “Bố ơi, con đau... Nhưng mỗi lúc cơn đau đến, con lại nghĩ về tình thương yêu của bố. Bố mẹ luôn là nguồn động viên to lớn của con”.

    Tuấn là một trong những người con có số phận đặc biệt mà Đại sứ đặc biệt Nhật - Việt Sugi nhận nuôi dưỡng tại làng trẻ Birla. Giám đốc làng trẻ Birla - ông Chu Đình Điệp - cho biết, người con nuôi lớn nhất của ông Sugi hiện đã 37 tuổi, đang là cô giáo dạy tiếng Nhật tại Trung tâm văn hóa Việt - Nhật ở ngõ Núi Trúc (Hà Nội).

    Ông Sugi không hề bỏ quên bất kỳ chi tiết nào về cuộc sống, về sự trưởng thành của những người con nuôi, dù con số 50 không phải là nhỏ. Quay sang Nga, ông Sugi hài hước: “Dạo này ai cho bánh kẹo, con ăn ngay hay vẫn giữ trong tay? Bố nhớ lần đầu khi bố mẹ gặp con 25 năm trước, con cứ cầm mãi phần bánh kẹo không ăn, vì muốn để dành cho 3 cậu em nhỏ. Khi hỏi, con nói con chỉ mong có bố, có mẹ. Lời của con đã làm bố phải đi sang phòng bên cạnh để khóc”.

    “Chỉ mong các con nắm bắt được hạnh phúc!”

    Theo ông Điệp, các con tại làng trẻ Birla rất tự hào khi có bố Sugi. “Sự giúp đỡ của Đại sứ Sugi đối với làng trẻ Birla nói chung, và các con nuôi của ông là rất lớn cả về tinh thần và vật chất. Ông Sugi đỡ đầu cho các con tại làng Birla đi học đại học, với số tiền trung bình 50USD/tháng/cháu. Điều quan trọng nhất là tất cả các con đều cảm nhận được tình cảm mà bố Sugi dành cho mình”.

    Nguyễn Bá Lý - người mới tốt nghiệp Đại học FPT loại giỏi - rưng rưng ôm vai bố Sugi: “Con vào Birla từ năm lớp 7, nhờ bố Sugi nuôi cho đến khi học xong đại học. Con luôn cố gắng học giỏi, vì nghĩ đến tình cảm bố mẹ ở xa dành cho con. Giờ con sắp đi làm và sẽ có cuộc sống tốt hơn. Con không thể có ngày nay nếu không có bố Sugi”.
    Ông Sugi biểu diễn cùng các con làng trẻ Birla tại Đại nhạc hội Việt - Nhật năm 2011. Ảnh: Tư liệu

    Đại sứ Sugi luôn dành tình cảm đặc biệt cho trẻ em, bởi các em là những người yếu đuối, luôn cần có bàn tay chăm sóc. “Dù chương trình của tôi bận rộn đến thế nào khi đến Việt Nam, tôi vẫn dành thời gian đến thăm các con. Tôi luôn nghĩ về sự bất hạnh của trẻ em khi không có bàn tay bố mẹ chăm sóc”. Mỗi lần đến làng, phát hiện ra bất cứ sự khó khăn gì về vật chất, Đại sứ Sugi đều sẵn sàng giúp đỡ, từ sửa nhà vệ sinh, sửa bếp, kêu gọi quyên góp xây nhà mới... để các con có điều kiện sinh hoạt tốt.

    “Nhưng vật chất chỉ là yếu tố thứ hai, điều lớn nhất là sự yêu thương đùm bọc mà ông Sugi mang lại cho các con” - ông Điệp nói. Các con của ông Sugi luôn hãnh diện khoe với các anh chị em khác: “Em là con của bố Sugi đấy”. Tâm sự với các con tại làng trẻ Birla, Đại sứ Sugi nói: “Bố không mong các con lớn lên làm người vĩ đại, nhưng rất mong các con có được hạnh phúc. Một người yếu đuối sẽ không bao giờ nắm bắt được tương lai. Bất cứ khi nào gặp khó khăn, bố luôn ở đây để giúp đỡ các con”

    Hành trình “vươn tới ngôi sao”

    Không chỉ giúp đỡ, chăm sóc các con tại làng trẻ Birla, ông Sugi còn làm từ thiện với trẻ em thiệt thòi ở Trường Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), tặng quà cho Trường Quốc tế Amsterdam, Cung Thiếu nhi Hà Nội... Ký ức khó khăn từ hành trình vất vả để “vươn tới một ngôi sao” như ngày nay, chính là điều đã thôi thúc ông Sugi phải làm nhiều hơn nữa cho trẻ em. Hồi bé, gia đình ông Sugi rất nghèo và mắc phải khoản nợ lớn. Ông Sugi quyết tâm làm giàu để có tiền trả nợ cho gia đình, báo hiếu bố mẹ.

    “Ước mơ khi đó của tôi là trở thành ca sĩ. Nhưng để nổi tiếng không phải điều dễ dàng. Tôi quyết định chuyển từ Kobe quê hương đến Tokyo, để tiện cho việc theo học thanh nhạc và tìm kiếm cơ hội” - ông kể.

    Để có tiền chi trả cho cuộc sống, chàng Sugi xin làm nhân viên tại một cửa hàng bán cà-ri trong suốt 2 năm, mỗi ngày với 3 bữa đều ăn cà-ri. “Da tôi phủ màu vàng và mồ hôi cũng có màu cà-ri” - ông nhớ lại. Công việc vất vả, làm từ 9h sáng đến 11h đêm, khiến ông Sugi khó có thể chuyên tâm vào việc luyện thanh. Ông quyết định từ bỏ cửa hàng cà-ri và trải qua 13 công việc nặng nhọc khác, từ làm thợ xây đường, rải đá, đánh bóng sàn tàu... để kiếm tiền đi học. Không có tiền đi xe buýt, mỗi ngày ông Sugi cuốc bộ 6 tiếng đi lẫn về để đến nơi luyện thanh nhạc.

    “Thật may, cuối cùng tôi đã thành công khi ra mắt thị trường giải trí tại Tokyo và trả hết nợ cho gia đình”. Ông đã đóng vai chính trong 1.400 tác phẩm, giành được rất nhiều giải thưởng sân khấu, ca nhạc, và trên truyền hình.

    Nhật - Việt là “cặp vợ chồng không thể ly hôn”

    “Điều gì đã lôi cuốn ông đến với Việt Nam suốt 25 năm qua?” - tôi hỏi. “Việt Nam là đất nước đã phải trải qua một thời gian dài chiến tranh. Điều quan trọng là các cuộc chiến này đều không phải do Việt Nam khởi xướng. Người dân Việt Nam yêu hòa bình và thân thiện, nhưng phải chịu quá nhiều đau khổ, và bị kéo lùi trình độ phát triển bởi chiến tranh. Tôi muốn làm một điều gì đó để giúp Việt Nam. Và hành trình 25 năm bắt đầu từ đó!”.

    Đại sứ Sugi thành lập Hội Giao lưu văn hóa Nhật - Việt vào năm 1991, và nỗ lực thúc đẩy việc xây dựng Trung tâm tiếng Nhật và triển khai các hoạt động văn hóa phi lợi nhuận... Trong chuyến thăm Việt Nam nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt - Nhật 2013, ông đã mời phi hành gia Nhật nổi tiếng Soichi Noguchi - người từng 2 lần bay vào không gian - đến giao lưu cùng các bạn trẻ Việt Nam; tổ chức ngày Nhật Bản tại Hà Nội, và chương trình độc tấu piano của nghệ sĩ khiếm thị hàng đầu Nhật Bản Nobuyuki Tsujii.

    Ông là người Nhật Bản đầu tiên được Việt Nam tặng Huân chương Hữu nghị năm 1997, cũng là người đã yêu cầu giám đốc các tập đoàn Nhật Bản đến tận nhà các nạn nhân Việt Nam trong vụ sập cầu Cần Thơ năm 2007 để thắp hương, xin lỗi gia đình họ. Cũng chính ông đã vận động Chính phủ Nhật Bản nối lại ODA cho Việt Nam sau vụ bê bối tại Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông Tây năm 2009.

    “Tôi nghĩ Nhật Bản và Việt Nam là “một cặp vợ chồng” không thể ly hôn. Tôi mong cặp đôi Nhật-Việt sẽ luôn đồng tâm hiệp lực, nắm tay nhau vượt qua mọi khó khăn” - Đại sứ đặc biệt Sugi tin tưởng ví von. Ở Việt Nam, ông được gọi bằng nhiều danh xưng: Ca sĩ Sugi, cầu nối văn hóa Việt - Nhật, Đại sứ đặc biệt Nhật - Việt..., nhưng lời giới thiệu ông mong muốn nhất chỉ là: “Tôi, Sugi, người cha của những trẻ em cơ nhỡ Việt”.

  2. The Following 17 Users Say Thank You to KHA For This Useful Post:

    bad_no001 (29-07-2013), bibibehatdau (06-07-2013), daisukijin (02-07-2013), fantasy (06-07-2013), ftdmike (02-07-2013), Jdo-chan (03-07-2013), kisuke (02-07-2013), manta9x (02-07-2013), mito_chan (06-07-2013), Momo-chan (02-07-2013), orichi (07-07-2013), pokerjoker2810 (09-07-2013), redpuppyK (02-07-2013), Sergeant Keroro (02-07-2013), Shadow of Death (02-07-2013), songchip (02-07-2013), yunami (02-07-2013)

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •