(Petrotimes) - Thảm họa hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, xảy ra cách đây đúng một năm như hồi chuông thức tỉnh thế giới về mối nguy từ điện hạt nhân. Nhiều nước sau đó đã tuyên bố từ bỏ năng lượng này, số khác hô hào kiểm tra lại hệ thống an toàn… Tuy nhiên, một năm sau sự cố trên người ta vẫn chưa thể tìm ra cái gì sẽ thay thế năng lượng hạt nhân và như thế nỗi lo của người dân vẫn luôn chực chờ.

Đúng một năm sau thảm họa hạt nhân Fukushima, ngày 11/3 vừa qua, nhiều cuộc biểu tình chống điện hạt nhân đã diễn ra tại châu Âu và tại một số nơi khác. Tại Đức, nơi chính quyền quyết định từ bỏ dần năng lượng hạt nhân, theo ban tổ chức, có 50.000 người xuống đường tại 6 khu vực. Những người biểu tình đòi hỏi: “Thảm họa Fukushima là một cảnh báo: phải đóng hết các nhà máy hạt nhân ngay lập tức!”.

Tại Pháp, quốc gia có tới 75% năng lượng đến từ các nhà máy hạt nhân, khoảng 60.000 người đã tham gia vào các cuộc biểu tình. Đến từ Đức, Thụy Sĩ, Bỉ và khắp nơi trên đất Pháp, những người biểu tình đã tạo thành một dòng người dài đến trên 230km, trải từ Lyon đến Avignon, dọc theo thung lũng sông Rhône. Đây là khu vực có nhiều lò phản ứng hạt nhân nhất ở châu Âu, với 14 lò.


Thảm họa hạt nhân Fukushima khiến nhiều nước cam kết từ bỏ điện hạt nhân, từ đó mở ra thị trường lớn cho lĩnh vực dỡ bỏ những cơ sở điện hạt nhân. Nhưng lấy cái gì thay thế thì chưa ai có câu trả lời

Khoảng 5.000 người biểu tình đã tuần hành xung quanh Nhà máy Hạt nhân Muhleberg, miền Tây Thụy Sĩ để đòi hỏi chính quyền cho ngừng ngay lập tức các nhà máy tại Muhleberg và Beznau. Sau tai nạn hạt nhân Fukushima, chính quyền Thụy Sĩ đã quyết định không triển hạn 5 lò phản ứng đang vận hành, sau năm 2034. Tại Tây Ban Nha, hàng trăm người biểu tình tập hợp quanh Nhà máy Garona, để yêu cầu đóng cửa nhà máy cũ kỹ nhất tại nước này. Đây là nhà máy mà chính phủ vừa mới có quyết định cho gia hạn hoạt động thêm 5 năm nữa.

Tại châu Á, 5.000 người Đài Loan đã tuần hành ở Đài Bắc để đòi đóng cửa 3 nhà máy hạt nhân sớm nhất có thể được. Tại Australia, nước không có nhiều điện hạt nhân, nhưng là nhà xuất khẩu thứ ba quặng uranium trên thế giới, sau Kazakhstan và Canada, khoảng 500 người biểu tình tại Melbourne, trước cửa trụ sở các công ty khai khoáng BHP Billiton và Rio Tinto, để tưởng niệm ngày 11/3 và đánh động công luận nước này trước nguy cơ hạt nhân.

Tại Nhật Bản, hiện tại chỉ có 2 trong số 54 lò phản ứng hạt nhân đang còn hoạt động và trong hai tháng nữa, sẽ không còn một kilowatt điện nào được sản xuất từ nhiên liệu hạt nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, Chính phủ Nhật chưa bao giờ tuyên bố từ bỏ thực sự năng lượng hạt nhân. Vì lý do an toàn, Thủ tướng Nhật lúc đó đã buộc phải cho tạm ngưng các nhà máy hạt nhân để kiểm tra lại toàn bộ lĩnh vực này. Để bù vào phần năng lượng bị thiếu hụt, Nhật Bản phải nhập ồ ạt dầu mỏ và khí đốt. Giá điện tăng đến 18% đối với người tiêu dùng và 36% đối với các doanh nghiệp.

Thủ tướng Nhật trong một bài viết đăng trên báo Le Figaro của Pháp mới đây nhấn mạnh đến “quyết tâm xây dựng một mô hình tăng trưởng mới để tái thiết đất nước”. Mô hình tăng trưởng mới đó, theo ông Yoshihiko Noda, phải coi việc tiết kiệm năng lượng là ưu tiên hàng đầu. Cụ thể hơn, Nhật Bản sẽ phải phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với công nghệ xanh, sử dụng sức gió và pin mặt trời để đáp ứng nhu cầu năng lượng.

Nhìn lại thảm họa hạt nhân mà Nhật Bản phải hứng chịu cách nay một năm, báo Le Monde trong bài xã luận cho rằng, chỉ riêng trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, Fukushima bắt buộc các nhà chức trách phải tăng cường an ninh tại các nhà máy điện. Cũng nhờ có tai nạn Fukushima mà nhiều quốc gia khác trên thế giới đã bắt buộc phải rà soát lại các nhà máy điện hạt nhân của mình và thậm chí đã xét lại chiến lược phát triển năng lượng hạt nhân. Cũng nhờ tai họa của Nhật mà một số điều, vốn được giấu nhẹm đã được phơi bày ra ánh sáng. Tuy nhiên, câu hỏi kế tiếp là liệu thế giới sẽ thay thế năng lượng hạt nhân bằng gì? Chưa nước nào có câu trả lời.

Nở rộ thị trường dỡ bỏ nhà máy điện hạt nhân

Xây dựng một nhà máy điện hạt nhân là điều chỉ có vài quốc gia trên thế giới nắm giữ công nghệ. Và để dỡ bỏ một công trình có độ nguy hiểm cao như thế theo đúng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường lại chẳng phải là điều như người ta vẫn nói “xây mới khó chứ phá thì dễ mà”. Đó là chưa nói tới việc cách đây 20 năm khi người ta xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới, chưa hề có một cách thức dỡ bỏ nào được đưa ra. Ngoài số phải dừng và dỡ bỏ đột xuất do tai nạn, những nhà máy điện hạt nhân “đến tuổi” phải dỡ bỏ trên thế giới lên đến hàng trăm. Nên biết để dỡ bỏ một nhà máy điện hạt nhân “hết date” cũng phải cần lộ trình đến vài năm trong khi số lượng những công ty chuyên về lĩnh vực này trên thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Sự cố hạt nhân Fukushima như một cú hích mạnh cho thị trường dịch vụ dỡ bỏ nhà máy điện hạt nhân trên thế giới. Các nước thi nhau quyết định từ bỏ điện hạt nhân khiến số lượng các nhà máy điện hạt nhân chờ dỡ bỏ tăng vọt. Chính phủ Nhật quyết định ngưng gần như toàn bộ 54 nhà máy điện hạt nhân trên cả nước, sau đó là quyết định từ giảm bớt số lượng nhà máy điện hạt nhân của Chính phủ Đức từ 8 đến 17 nhà máy. Đó là chưa tính số lượng các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới xây dựng cách đây vài thập niên sắp tới sẽ hết hạn sử dụng phải dỡ bở. Theo một nghiên cứu của Ủy ban châu Âu, sẽ có khoảng từ 50 đến 60 nhà máy điện hạt nhân trên tổng số 155 đang hoạt động tại châu Âu phải dỡ bỏ vào năm 2025.

Tổng cộng trên toàn châu Âu sẽ có khoảng 300 nhà máy điện hạt nhân hết tuổi sử dụng sẽ phải ngưng hoạt động và dở bỏ trong 20 năm tới. Như vậy có thể thấy một thị trường rộng mở đang mở ra cho các doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực này. Theo thống kê, chi phí để dỡ bỏ số lượng nhà máy điện hạt nhân chỉ riêng ở Pháp thấp nhất là 18,4 tỉ euro. Và nếu tính trên cả thế giới thì thị trường dở bỏ các nhà máy điện hạt nhân sẽ đạt 220 tỉ euro trong 20 năm tới.

Hiện tại trên thế giới có khoảng 15 công ty chuyên về lĩnh vực này. Ở Pháp có tập đoàn hạt nhân Areva, rồi Onet technologies, hay tổ hợp Bouygues et Vinci (via sa filiale Nuvia). Tại Mỹ có Westinghouse, Amec (Anh), Nukem (Đức), Iberdrola (Tây Ban Nha), Ansaldo (Italia) hay Tractebel Engineering (Bỉ)… Hiện các công ty này đang cạnh tranh khốc liệt để giành thị phần trong thì trường béo bở này. Thứ vũ khí mà tất cả các công ty trong lĩnh vực này đang muốn chiếm giữ đó là công nghệ dỡ bỏ tiên tiến: kỹ thuật cắt trong môi trường nước bằng laser, bằng áp suất để tránh tối đa lượng phóng xạ phát thải ra môi trường bên ngoài, phát triển những người máy hiện đại nhất nhằm hạn chế sự can thiệp của con người trong môi trường độc hại.


Song Phương