>
Trang 2/4 đầuđầu 1 2 3 4 cuốicuối
kết quả từ 11 tới 20 trên 40

Ðề tài: [Tham khảo] Tổng quan Lịch sử Văn học Nhật Bản - Nguyễn Nam Trân

  1. #11
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    III) MAN.YÔ-SHUU (VẠN DIỆP TẬP)

    Man.yô-shuu, tập thơ quốc ngữ tối cổ của Nhật Bản, gồm 20 quyển ghi chép chừng 4500 bài thơ, trong đó 4200 là tanka, 260 chôka và 60 sedôka. Tên của nó có nghĩa là “một vạn chiếc lá”[5], có thể hiểu xa hơn, “ thu thập thơ muôn đời”. Trong bài tựa bằng chữ kana của Kokin Waka-shuu (Cổ Kim Hoà Ca Tập) về sau, nhà thơ Ki no Tsurayuki đã nhắc lại việc biên soạn Man.yôshuu như sau:

    “Truyền thống của ca (uta) như thế là bắt đầu từ lâu lắm nhưng ca được phát triển rộng lớn nhất là thời kỳ các thiên hoàng ở Nara. Thời nầy có thi nhân đại tài tên là Kakinomoto no Hitomaro.Ông Maro, dòng dõi quí tộc cao cấp, làm quan chính tam phẩm, là bầy tôi hầu hạ thiên hoàng, đi đâu cũng có nhau. Trong khi tuần thú vùng Nara, thiên hoàng vịnh lá đỏ trôi trên sông Tatsuta như gấm thì Maro mượn chòm mây trắng để so sánh với hoa anh đào núi Yoshino. Sau đó, Yamabe no Akahito, người có tài thơ không kém Maro và các thi nhân ưu tú khác lần lượt xuất hiện. Thiên hoàng bèn cho thu thập tất cả thơ thời đó thành tập và gọi là Man.yô-shuu”.

    Tuy năm biên soạn và tên người biên soạn còn chưa được minh định hoàn toàn nhưng theo sự phỏng đoán, có lẽ đây là một công trình ròng rã nhiều năm, dựa trên từ những tác phẩm đi trước như Kokashuu (Cổ ca tập) của Kakinimoto no Hitomaro (Thị Bản, Nhân Ma Lữ). Nhân vật đóng góp ở giai đoạn cuối cùng được biết nhiều nhất có lẽ là Ôtomo no Yakamochi (Đại Bạn, Gia Trì). Man.yô-shuu không có tính thống nhất cho lắm nên được xem như trải qua một quá trình biên soạn lâu năm và do nhiều người. Bản hiện còn có lẽ là bản ra đời vào cuối thời Nara (710-784).

    Tuy không thống nhất nhưng nhìn toàn bộ, Man.yô-shuu xuất hiện dưới ba hình thức chính: sômon (tương văn) và banka (vãn ca) và zôka (tạp ca). Ngoài ra, có thể phân loại theo lối diễn tả: lối bày tỏ tâm tình trực tiếp, lối thác ngụ tâm tình trước một sự vật hay cảnh vật, lối tỉ dụ ví von bóng gió chứ không nói thẳng. Lại có thể phân loại theo bốn mùa, hay độ dài ngắn, có đối đáp hay không, hoặc theo thời điểm sáng tác…

    Sômon (tương văn) có nghĩa là hỏi thăm tin tức về nhau, phần lớn là thơ giữa người trong gia đình như cha mẹ, anh em và giữa nam nữ yêu đương, viết cho nhau. Còn về banka (vãn ca), nhân vì chữ “vãn” có ý là kéo (vãn) xe tang, nên đó là thơ thương tiếc, khóc lóc người chết. Cuối cùng, Zôka (tạp ca) là những bài thơ không gồm trong hai thể loại trên, chủ yếu liên quan đến du ngoạn, lữ hành, yến tiệc, phần lớn những sự việc ở nơi công cộng.

    Số tác giả có thơ được thu thập trong Man.yô-shuu rất đông đảo, trên từ thiên hoàng dưới đến người thường, đủ mọi từng lớp dân chúng của nhiều địa phương từ vùng Yamnato trung tâm cho đến miền đông xa xôi (Đông Quốc, nay thuộc vùng Tôkyô) hay đảo Kyuushuu (Cửu Châu) ở phía nam. Thời gian sáng tác kéo dài từ khoảng thế kỷ thứ 4 đến hậu bán thế kỷ thứ 8, ước chừng 450 năm.Tuy nhiên những bài thơ sáng tác trước thời thiên hoàng Jomei (Thư Minh, tức vị năm 629) thường chỉ được truyền tụng nên không có niên đại sáng tác rõ ràng. Trong đó phải kể đến những bài thơ mà người ta gán cho hoàng hậu của thiên hoàng (thứ 16) Nintoku (Nhân Đức, trị vì khoảng tiền bán thế kỷ thứ 5), của thiên hoàng (thứ 21) Yuuryaku (Hùng Lược, hậu bán thế kỷ thứ 5), Sotôri no ôkimi (Y Thông Vương) hay thái tử Shôtoku (Thánh Đức, đầu thế kỷ thứ 6). Ngoài ra, phần lớn tác phẩm của Man.yô-shuu được sáng tác trong một thời kỳ khoảng một thế kỷ rưỡi kể từ năm 629.

    Cho đến thời Nara, chữ quốc ngữ kana chưa phát triển nên người ta phải dùng chữ Hán, một văn tự biểu ý, như là một văn tự biểu âm để ghi chép âm Nhật. Cách dùng như thế đã được áp dụng từ thời viết Kojiki rồi nhưng nó đạt được mức độ thành thuộc với Man.yô-shuu nên cách ghi đó được mệnh danh là man.yô-gana (Vạn Diệp giả danh) nghĩa là chữ Kana dùng trong Man.yô-shuu.[6] Phong cách thơ trong tập này đã biến chuyển theo dòng thời gian dài và được chia làm 4 thời kỳ nhưng hai thời kỳ quan trọng hơn cả là thời thứ 2 và thứ 3.

    1) Thời kỳ thứ nhất (629-672):

    Thời này tính từ thời thiên hoàng Jomei đến loạn năm Nhâm Thân hay Jinshin-no-ran, biến cố đã đưa thiên hoàng Tenmu lên ngôi. Đó là sơ kỳ của Vạn Diệp, lúc mà ảnh hưởng ca dao cổ đại hãy còn rơi rớt nhưng tình cảm cá nhân đã thể hiện mạnh mẽ. Thơ thời đó tuy thô sơ nhưng thanh tân, trong sáng, lưu loát, có vẻ đẹp đặc biệt mà đời sau không có. Hình thức của thơ bắt đầu được đóng khung trong khuôn khổ 5 chữ hay 7 chữ. Những bài thơ được ghi lại trong giai đoạn này thường do các tác giả xuất thân từ hoàng tộc. Nổi tiếng nhất có các thiên hoàng Yuuryaku (Hùng Lược), Jomei (Thư Minh), Tenji (Thiên Trí), Tenmu (Thiên Vũ) và thân vương (ở đây xin hiểu là công chúa) Nukata (Ngạch Điền).

    Jomei là thiên hoàng đời thứ 34, trị vì khoảng năm 629-641, cha của anh em Tenji và Tenmu. Ông có bài thơ như sau khi leo lên ngọn Kaguyama:

    Yamato núi bủa giăng,
    Dưới trời hỏi núi nào bằng Kagu.
    Leo lên đỉnh nhìn tuyệt mù,
    Khói lan đồng rộng, chim vù đảo xa.
    Đẹp sao là đất nước ta!

    (Bài Yamato ni wa, quyển 1, thơ thiên hoàng Jomei)

    Nukatano ôkimi (Ngạch Điền thân vương) là con gái của Kagamino ôkimi (Kính Vương), không rõ năm sinh năm mất. Bà trước đã là vợ của (thiên hoàng thứ 40) Tenmu (hồi còn là hoàng tử Ô.ama tức Đại Hải Nhân) và đã có con với ông này, sau bị nạp vào hậu cung của (thiên hoàng thứ 38) Tenji (lúc trẻ tên là hoàng tử Naka no Ôe no Ôji tức Trung Đại Huynh), anh của Tenmu. Việc bà lần lượt lấy hai chồng không có gì đáng làm lạ vì hôn nhân đương thời là do những cuộc dàn xếp có tính cách chính trị. Bà là nữ thi nhân waka quan trọng độc nhất lúc đó.

    Sau đây xin đơn cử vài bài thơ thời kỳ thứ nhất của Man.yô-shuu và dịch thoát ra tiếng Việt:

    Bến Nikita đợi trăng,
    Kìa vầng nguyệt tỏ triều dâng nước ròng.
    Nhanh tay chèo lái theo dòng!


    (Bài Nikitazu ni, quyển 1, thơ Nukata no Ôkimi)[7]

    Tương truyền bài thơ nầy vịnh cảnh nữ thiên hoàng (thứ 37) Saimei (Tề Minh, trị vì 655-661) lên đường đi đánh nước Tân La (Shiragi, thuộc Triều Tiên).

    Bà Nukata còn liên quan đến hai bài thơ tình nổi tiếng:

    Trên đồng hoa tím [8] tìm ai,
    Chàng qua vườn cấm vẫy tay tỏ lòng.
    Người canh có thấy chàng không?


    (Bài Akanesasu, quyển 1, thơ Nukata no Ôkimi)

    Đẹp như hoa tím lung linh,
    Nếu giận ai đó gửi thân cho người.
    Cớ sao ta nhớ em hoài?


    (Bài Murasaki no, quyển 1, thơ Ô-ama no Miko)

    Tương truyền bài “Lang thang vườn cấm” và “Đẹp như hoa tím” là hai bài thơ tình của Ô.ama no miko (hoàng tử Đại Hải Nhân, sau là thiên hoàng Tenmu) trao đổi với người vợ cũ nay lấy chồng khác, Nukata no ôkimi (công chúa Ngạch Điền ), nói về tình quyến luyến với nhau.

    Chồng công chúa (tức thiên hoàng Tenji), vốn là nhà chính trị tài ba, lúc còn là hoàng tử đã diệt họ Soga và thực hiện cuộc cải cách hành chánh Taika, không phải là không biết chuyện, cũng có bài vịnh về mối tình tay ba nầy mà ông ví với mối tình của ba ngọn núi Đại Hòa Tam Sơn (Kaguyama, Mirunashiyama và Unebiyama):

    Kagu, Mirunashi,
    Tranh nhau cũng bởi yêu vì Unebi.
    Nay người tranh vợ khác gì !


    (Bài Kaguyama wa, quyển 1, thơ Naka no ôe no ôji)

    Như thế thì thơ Man.yôshuu đã có tính cách cá nhân hơn thơ chung chung của Kojiki rồi.

    Các cuộc tranh chấp quyền lực cung đình đưa đến nhiều thảm cảnh. Năm 658, thiên hoàng Tenji đã khép hoàng tử Arima (Arima no Miko, Hữu Gian Hoàng Tử, 640-658, con trai thiên hoàng Kôtoku) vào tội mưu phản (dười thời nữ thiên hoàng Saimei, mẹ Tenji) và đem ra hành hình. Trong hai bài thơ bi ai chép lại ở Man.yô-shuu có một bài nội dung như sau:

    Bên ao Iwashiro,
    Nhánh tùng ai buộc, có chờ nhau chăng ?
    Ngày ta trở lại đây thăm.


    (Iwashiro no, Man.yôshuu, quyển 2, bài 54)

    Có thể một người bạn của hoàng tử Arima đã buộc hai nhánh tùng lại với nhau như một lời khấn nguyện vận may cho hoàng tử và đã gieo cho ông một niềm hy vọng. Nếu như hoàng tử không trở về để tháo nhánh tùng, có nghĩa là ông ra đi vĩnh viễn. Ông đã bị xử treo cổ lúc mới 18 tuổi.

    Cũng là một thảm kịch liên quan đến tranh chấp quyền lực chính trị đã đẻ ra bài thơ của Ôtsu no Ôji (hoàng tử Đại Tân, 663-686), một ông hoàng văn vũ toàn tài, con của Tenmu phải chết dưới tay người vợ góa nhiều tham vọng của cha mình tức nữ thiên hoàng Jitô (Trì Thống, 645-702), nguyên là con gái thứ hai của Tenji (và dĩ nhiên không phải mẹ của hoàng tử). Giai thoại cho rằng trước khi chưa bị khép vào tội chết, Ôtsu bí mật đến gặp bà chị, Ôku no hime (công chúa Đại Bá), một người miko hay trinh nữ phụng sự ở đền thần Ise (Y Thế thần cung). Hoàng tử còn để lại bài thơ với niềm hy vọng:

    Sau đây là bài thơ của hoàng tử viết trước khi giã biệt cõi đời:

    Hôm nay ao Iware,
    Chắc là lần cuối được nghe vịt trời.
    Mai mây che khuất ta rồi.


    (Momozutau, Man.yôshuu, quyển 3, bài 416)

    Hoàng tử Arima bị tử hình 50 năm sau khi chùa Hôryuuji (Pháp Long Tự) hoàn thành (607) và hoàng tử Ôtsuu chết năm 686 tức 2 năm sau chùa Yakujishi (Dược Sư Tự) được xây lên (684) thế nhưng thời ấy tư tưởng vô thường Phật giáo chưa đi vào thơ văn. Trong bài tuyệt mệnh nầy chỉ thấy lòng ao ước sống còn cũng như bài Hán thi ( bài Kim ô lâm tây xá [9]) tương truyền chính ông đọc trước giờ lâm hình, chép trong tập Hán thi Kaifuusô (Hoài Phong Tảo).

    Công chúa Ôku đã đoán trước cái chết đứa em ruột, có làm hai bài thơ nói lên tất cả lo âu. Sau khi hoàng tử chết và được chôn ở ngọn núi Futakamiyama, bà lại có thơ :

    Mai đây cho đến cuối đời,
    Futa phía núi mỗi ngày lặng trông.
    Nhớ em, chị xót trong lòng.


    (Bài Utsusomino, Man.yôshuu, quyển 2, thơ Ôku no Hime miko)

    2) Thời kỳ thứ hai (672-710):

    Tương ứng với khoảng thời gian từ cuộc biến loạn năm Nhâm Thân đến khi chính quyền thiên đô về Heijô-kyô (Bình Thành kinh) kéo dài cỡ 40 năm. Đó là thời kỳ toàn thịnh của cuộc sống cung đình đóng đô ở Fujiwara-kyô (Đằng Nguyên kinh) dưới thời trị vì của các thiên hoàng (thứ 41) Jitô (Trì Thống, trị vì 686-697) và (thứ 42) Mommu (Văn Vũ, trị vì 697-707), khi mà chế độ pháp luật bắt đầu từ cuộc cải cách hành chánh năm Taika (Đại Hóa Cải Tân, 645) được củng cố và phát triển (qua Taihô Ritsuryô tức bộ luật Đại Bảo, 701). Cuộc sống phồn vinh và an định của cung đình đã làm thi ca phát triển mạnh, waka (hòa ca, thơ quốc âm) càng thêm tinh xảo với việc ấn định những qui tắc tu từ (đã nói ở trên) như makura-kotoba (chẩm từ), jo-kotoba (tự từ), tsuiku (đối cú) và việc phân biệt thơ dài chôka (trường ca) với thơ ngắn tanka (đoản ca). Trong thời gian này những nhà thơ chuyên môn cung đình đã xuất hiện. Tiêu biểu là Kakinomoto no Hitomaro.

    Kakinomoto no Hitomaro (Thị Bản Nhân Ma Lữ):

    Ông sinh và mất năm nào không rõ, chỉ biết là một chức quan nhỏ thờ hai triều Jitô và Mommu (690-707). Thơ ông vừa hùng tráng, vừa trang trọng, có những bài vịnh tán để ngợi khen hoàng tộc, có những bài vãn ca ai điếu họ vào dịp tang ma. Ông có công trong việc hoàn chỉnh thể trường ca. Cùng với Yamabe no Akahito (Sơn Bộ Xích Nhân), ông được đời sau xưng tụng là đại thi hào ( uta no hịjiri, ca thánh). Tác phẩm còn để lại là thi tập mang tên ông Kakinomoto no Hitomaro-shuu (Thị Bản Nhân Ma Lữ ca tập).

    Một mặt, ông làm những bài thơ có tính cách cá nhân như thơ thương nhớ vợ, một mặt ông để lại nhiều thơ cung đình trong Man.yô-shuu và được coi là nhà thơ số một đã đóng góp trong tập nầy.Tuy nhiên, trong số khoảng 365 bài gọi là trích từ ca tập nói trên nay đã thất truyền e rằng không phải tất cả đều là của ông mà còn là của các thi nhân đương thời mà ông chép lại. Ông thiện về chôka mà bài thơ ai điếu hoàng tử Takechi với 149 câu được xem là bài thơ dài nhất trong Man.yô-shuu.

    Thơ ông trang trọng, thanh nhã, bắt nguồn từ hai dòng Hán thi và quốc âm nhưng biết phối hợp chúng một cách tài tình.Ông đã sáng tạo trên một trăm makura-kotoba tức “ câu chữ gối đầu” làm nguồn thơ cho người làm thơ về sau. Giai đoạn cuối đời của ông thế nào không ai rõ . Học giả Umehara Takeshi phân tích những bài thơ cuối cùng của ông, đưa ra thuyết là ông bị thất sủng phải đi đày ở vùng Iwami và tự kết liễu đời mình nơi đó.Từ thế kỷ 12, người ta tôn sùng ông như bậc thần linh và dùng cả thơ ông vào cả việc bùa chú.

    Xin đơn cử một vài bài thơ của ông làm trong giai đoạn nầy. Trước tiên là một tiết trong bài ca ai điếu (banka) mà Kakinomoto no Hitomaro viết thay người chồng của công chúa Asuka khi bà nầy mất:

    Thật đau đớn, gào vì lẻ bạn,
    Chim đi tìm mỗi sáng mộ ai.
    Bóng hình ủ rủ hôm mai,
    Ngày hè cỏ úa , đêm dài bước sao.
    Như thuyền trôi biết biển nào!


    (Sarekamo ayani kanashimi, Man.yô-shuu, quyển 2, bài 196)

    Ở đây ta đã thấy xuất hiện những hình thức tu từ vận dụng khả năng liên tưởng như “chim lẻ bạn”. “cỏ hè uá nắng”, “sao đêm”, thuyền trôi trên biển”…. Ông còn viết một bài thơ đoạn hậu (hanka, phản ca) cho một bài thơ dài (chôka, trường ca ) ai điếu vợ mình:

    Lá vàng phủ lối sơn khê,
    Làm sao ta biết mình về nơi nao!


    (Akiyama no momiji wo shigemi, Man.yô-shuu, quyển 2, bài 108)

    Trong bài ai điếu cá nhân nầy, có lẽ vì tâm sự thành thực hơn nên đơn giản, không có hình thức tu từ nào quá lộ ra ngoài.

    Sau đây là hai bài thơ khác với chủ đề thiên nhiên và có phong vị trữ tình:

    Phương đông, trời vừa ửng lên,
    Lung linh nắng sớm loang trên cánh đồng.
    Ngoảnh đầu, nguyệt xế từng không.


    (bài Himugashino, Man.yô-shuu, quyển 1, thơ Kakinomoto no Hitomaro)

    Trăng thu năm ngoái lững lờ,
    Vẫn còn chiếu sáng như xưa thu nào.
    Người em cùng ngắm nay đâu!


    (bài Kozo miteshi, Man.yô-shuu, quyển 2, thơ Kakinomoto no Hitomaro)

    Các tác giả khác của Vạn Diệp thời kỳ thứ hai:

    Ngoài Kakinomoto no Hitomaro, thời này còn có Takechi no Kurohito (Cao Thị, Hắc Nhân) nổi tiếng về thơ tả cảnh làm trên đường du lịch và Naga no Okimaro (Trường Y, Cát Ma Lữ) giỏi về thơ ứng đối tại chỗ.

    Một nữ thi nhân, Ôto mono Sakanoue (Đại Bạn, Phản Thượng Lang Nữ), có thể tiêu biểu cho khuynh hướng trữ tình thời đó. Bà là cô của thi nhân nổi tiếng Ôtomo no Yakamochi (Đại Bạn, Gia Trì) và là mẹ vợ ông ta. Thơ nói về tình yêu của bà có bài như sau:

    Chàng nói đến có khi không đến,
    Để khi chàng nói chẳng đến đâu,
    Thì em tựa cửa mong sao,
    Cho chàng đến, dẫu biết nào có ai.


    (Komu to iu mo, Manyô-shuu, quyển 4, bài 527)

    Tình cảm của thi nhân cung đình thời Heian biểu lộ qua Man.yô-shuu là những tình cảm tế nhị thanh tao mà trong đó thiên nhiên (trăng, gió, chim chóc, hoa cỏ) đóng một vai trò quan trọng, khác hẳn ca dao thời cổ và cũng sẽ khác những dòng thơ sau nầy.

    3) Thời kỳ thứ ba (710-733):

    Thời kỳ này ước chừng 23 năm kể từ lúc thiên đô về Heijô.kyô (Bình Thành kinh) cho đến năm Tempyô (Thiên Bình) thứ 5 nghĩa là buổi ban đầu của thời Nara (Nại Lương). Lúc đó chế độ pháp luật đã vững vàng, việc biên soạn hai quyển Ký và Kỷ đã xong xuôi. Tư tưởng Nho, Thích, Lão từ lục địa được du nhập vào đất Nhật nên thơ quốc âm waka đã nhuốm màu tư tưởng. Tính cách cá nhân trong thơ bộc lộ rõ nét hơn. Thơ trở nên tinh vi và phức tạp so với trước. Số thi nhân (kajin = ca nhân) hoàng tộc giảm đi nhưng số người làm thơ thuộc tầng lớp khác tăng thêm, phong cách thơ cũng đa dạng hơn. Nền tảng của Man.yô-shuu đã thành hình vào lúc nầy.

    Những nhà thơ tiêu biểu cho thời nầy có Yamabe no Akahito[10] (Sơn Bộ Xích Nhân, năm sinh và mất không rõ), người có những bài thơ tả cảnh với lời thơ trong trẻo, Yamanoue no Okura[11] (Sơn Thượng, Ức Lương, 660-733?) vì thấm nhuần tư tưởng Trung Quốc và Phật Giáo nên hay ngâm vịnh những mâu thuẫn và thống khổ của kiếp người, Ôtomo no Tabito[12] (Đại Bạn Lữ Nhân, 665-731) có phong cách u sầu, thoát tục và Takahashi no Mushimaro[13] (Cao Kiều Trùng Ma Lữ, năm sinh và mất không rõ) với những bài trường ca trữ tình điêu luyện.

    Bến Waka nước triều đầy,
    Bãi cạn chìm hết xui bầy hạc bay,
    Vừa kêu, đáp xuống lau dày.


    (Bài Waka no ura ni, quyển 6, thơ Yamabe-no-Akahito)

    Vườn ta muôn cánh hoa mơ,
    Bay theo làn gió, mà ngờ tuyết rơi!


    (Bài Waga sono ni, quyển 5, thơ Ôtomo-no-Tabito)

    Việc đời nhớ tiếc chi xa,
    Nâng chén rượu đục phải là hời không?


    (Bài Shirushi naki, quyển 5, thơ Ôtomo-no-Tabito)

    4) Thời kỳ thứ tư (734-759):

    Trùng với khoảng 25 năm từ năm Tempyô (Thiên Bình) thứ 6 đến năm Tempyô Hôji (Thiên Bình Bảo Tự) thứ 3. Đó là thời kỳ giữa của triều Nara, có nhiều dao động về mặt chính trị như sự thất thế của dòng họ Fujiwara (Đằng Nguyên) từ cái chết của người cầm đầu cánh này, Fujiwara no Fuhito (Đằng Nguyên, Bất Tỉ Đẳng), vào năm 720 và những cuộc biến loạn xảy ra sau đó. Vì phản ảnh thời thế nên thơ waka lúc ấy mất hẳn sức sống và tri tính mà thiên về cảm thương, ưu nhã. Cảm hứng và biểu hiện đã thành những khung cố định, chuyển tiếp qua phong cách thi ca của triều Heian (Bình An) đến sau.Loại thơ dài chôka suy thoái, chỉ còn thơ ngắn tanka liên hệ nhiều với cuộc sống xã giao thù tạc hằng ngày là hãy còn thịnh. Thi nhân tiêu biểu cho thời này là Ôtomo no Yakamochi với những vần thơ u sầu và lối biểu hiện tinh tế.

    Ôtomo no Yakamochi:

    Ôtomo no Yakamochi (Đại Bạn, Gia Trì, 718-785), con của Tabito, làm quan đến chức Chuunagon (Trung Nạp Ngôn) tức quan tham nghị bậc trung. Trong Man.yô-shuu, ông để lại trên 400 bài thơ và được xem như là người biên soạn tập thơ nầy.

    Thơ Yakamochi có những vần thanh nhã và gần gũi với thiên nhiên. Thường là những bài waka thật ngắn:

    Cạnh phòng ta, bụi trúc con,
    Xạc xào tiếng gió khi hoàng hôn rơi.


    (Wa ga yado no, Man.yô-shuu, quyển 19, bài 4291)

    Ngày xuân ngập nắng lung linh,
    Sáo tung trời biếc cho mình lẻ loi.


    (Uraura ni, Man.yô-shuu, quyển 19, bài 4292)

    Vượt sông Haitsuki,
    Mỏi chân thúc ngựa cũng vì nước dâng.
    Núi Tate băng đã tan ?


    (Bài Tateyama no, Man.yô-shuu, quyển 17)

    Vườn xuân đẹp cánh đào hồng,
    Trên đường, cô gái vào trong ánh đào.


    (Bài Haru no sono, Man.yô-shuu, quyển 19)

    Đông ca (Azuma.uta):

    Trong Man.yô-shuu, quyển thứ 14 còn ghi chép khoảng 240 bài Azuma-uta (Đông Ca) tức là ca dao miền Đông. Vùng Azuma (Đông Quốc) thủa ấy được định vị trí từ Shizuoka (Tĩnh Cương) gần núi Phú Sĩ cho đến vùng Mutsu[14] (Lục Áo) thuộc Tôhoku (Đông Bắc) hiện tại, hãy còn hoang vu, ít vết chân người. Những bài thơ này thường là của tầng lớp thứ dân nên nội dung thô sơ và có nhiều dấu vết của ngôn ngữ địa phương, biểu lộ tình cảm mộc mạc của họ trong cuộc sống hàng ngày.Trong số đó đã có 196 bài xem như là thơ luyến ái.Thơ Azuma-uta không hay nói đến cái chết như các bài banka trong thơ cung đình. Tên các thần thánh thấy trong Kojiki và Nihon shoki cũng không có mặt trong thơ miền Đông. Đó là một đặc điểm khác của phần cuối tập Man.yô-shuu vậy.

    Ngoài ra trong quyển 14 này và nhất là quyển 20 có thâu thập lại gần 90 bài thơ của lính thú (sakimori = phòng nhân) sinh quán ở vùng Đông bị trưng binh xuống miền Nam (Kyuushuu) để phòng thủ các vùng Tsukushi (Trúc Tử), Iki (Nhất Kỳ) và đảo Tsushima (Đối Mã). Những người lính thú, theo luật, ba năm được đổi phiên một lần. Loại thơ nầy có tên là sakimori-uta (phòng nhân ca). Thơ của lính thú phần nhiều biểu lộ tâm tình thương nhớ quê hương và gia đình:

    Lũ con nắm chặt áo cha,
    Ta bỏ chúng lại để ra cõi ngoài.
    Mẹ không còn nữa, con ơi!


    (bài Karakoromu, Man.yô-shuu, quyển 20, thơ Osada no Toneri Ôshimaga).

    Ba bài thơ sau đây là của các anh yoboro (tạp binh, không chức tước, không tên tuổi) làm ra lúc bị gửi đi trấn thủ lưu đồn 3 năm trên đảo Tsukushi. Họ viết được những vần thơ trữ tình đẹp tuyệt vời mà giới quí tộc Heian không thể nào viết nỗi. Khi anh lính thú nhớ về người vợ trẻ:

    Như huệ núi Tsukuba,
    Đêm xưa em đẹp ngọc ngà giường anh.
    Ngày nay còn ghé mộng lành.


    (bài Tsukubane no, Man.yô-shuu, quyển 20, bài 4369)

    Họ làm những bài thơ than thở số phận hẩm hiu đời lính:

    Lính thú tứ xứ xuống thuyền,
    Nhìn cảnh ly biệt dạ phiền, bó tay!


    (bài Kuniguni no, Man.yô-shuu, quyển 20, bài 4381)

    Quan kia sao ác làm chi!
    Tôi đang nằm bệnh bắt đi biên phòng.


    (bài Futahogami, Man.yô-shuu, quyển 20, bài 4382)

    Vợ lính cũng gửi tâm sự vào thơ (hay có người đã nói thay cho họ):

    Chồng ai đấy, lính ra biên?
    Nghe một chị hỏi mà thèm làm sao!
    Số may, chẳng biết lo âu.


    (bài Sakimori ni, Man.yô-shuu, quyển 20, bài 4382)

    Ngoài thơ lính thú, còn phải kể thơ các học tăng (Abe no Nakamaro hay Yamanoue no Okura) sang nhà Đường và thơ của nhân viên sứ bộ sang Tân La tức Shiragi (145 bài) đã làm cho Man.yô-shuu đa dạng và phong phú.

    IV) ẢNH HƯỞNG CỦA MAN.YÔ-SHUU ĐẾN ĐỜI SAU:

    Phong cách của Man.yô-shuu có tính cách đặc biệt nên người đời sau như (Tướng Quân mạc phủ Kamakura đời thứ ba và là một văn nhân trác việt) Minamoto no Sanetomo (Nguyên, Thực Triều) đã chứng tỏ chịu ảnh hưởng của một cung cách gọi là “thể điệu Man.yô” (Manyô-chô) trong tác phẩm Kinkai Waka-shuu (Kim hòe hòa ca tập) của ông[15].

    Người thời Edo như Keichuu (Khế Trùng, 1640-1701) trong Man.yô Taishôki (Vạn diệp đại tượng ký) và Kamo no Mabuchi (Hạ Mậu Chân Uyên, 1697-1769) trong Man.yô-kô (Vạn diệp khảo) cũng bỏ nhiều công nghiên cứu về nó với mục đích tìm hiểu bản chất của con người Nhật Bản có trước khi văn hóa Trung Quốc đến xâm nhập. Gần đây nữa, những nhà thơ như Masaoka Shiki (Chính Cương Tử Quy,1867-1902) và Saitô Môkichi (Trai Đằng, Mậu Cát,1882-1953) đều chịu ảnh hưởng của Man.yô-shuu. Các nhà thơ cận kim lại tìm về phong cách Man.yô-shuu để làm mới tanka.

    ____________________________


    CHÚ GIẢI

    [1] Tên các tập sử thư và địa dư chí tối cổ của người Nhật.

    [2] Có những makura-kotoba bí hiểm nhưng có khi dễ hiểu ví dụ nubatama (quả dâu đen, blackberry) là chữ dùng khi ví với buổi tối, màn đêm, chiêm bao hay giấc ngủ...

    [3] Năm 753, có người tên Bunya-no-mahito Chinu (Văn Ốc chân nhân Trí Nỗ) muốn làm việc khuyến thiện vì người mẹ đã mất, cho khắc chân Phật và nhiều bài ca tán tụng công đức của Phật theo thể 5-7, 5-7,5-7 vào bia đá. Hiện còn được bảo tồn ở khuôn viên chùa Dược Sư ( Yakushiji, Nara).

    [4] Ma Lữ (đọc là Maro) cũng dùng như Hoàn (Maru). Thời xưa, nó là một tiếp vĩ ngữ đặt sau tên người đàn ông. Không có ý nghĩa đặc biệt.

    [5] Diệp có nghĩa là « lá », vừa có nghĩa là “đời” nhưng trong bài tựa bằng chữ Kana của Kokin Wakashuu, Ki no Tsuranuki có câu “Waka là hạt giống gieo trong lòng người để nẫy ra vô sớ lời như vô số lá”. Chữ kotoba (lời nói) trong Nhật ngữ được viết bằng hai chữ Hán “ngôn diệp”.

    [6] Lối ghi âm khá phức tạp, nhiều khi không còn liên quan gì đến chữ Hán nữa. Chỉ có thể có nghĩa khi “lực sĩ” đọc theo âm Hán là rikishi (người có sức mạnh) hay “xuân” đọc theo âm Nhật là “haru” (mùa xuân) nhưng hoàn toàn vô nghĩa như khi viết “a mễ đô trí” để diễn ý “ametsuchi” (trời đất, thiên địa) hay “hứa kỷ lữ” để diễn ý kokoro (lòng, tâm). Do đó việc sử dụng kiến thức Hán Việt để thưởng thức văn chương Nhật Bản hay bút đàm với họ chỉ có giới hạn nếu không nói lắm khi nguy hại.

    [7] Kobayashi Yasuharu, Arasuji de yomu Nihon no Koten (Tóm tắt tác phẩm cổ điển Nhật Bản), trang 20.

    [8] Tạm dịch tên hoa murasaki, một loại hoa , cánh trắng, rễ tím, dùng để nhuộm hoặc làm thuốc giải độc, chữa bệnh ngoài da. Vườn thuốc vì có giá trị dược thảo nên được canh phòng. Lúc nầy Tenji đang bận đi săn (tức là hái thuốc, kusurigari)

    [9] Kim ô lâm tây xá, Cổ thanh thôi đoản mệnh, Tuyền lộ vô tân chủ, Thử tịch ly gia hướng .Tạm dịch : Trống giục thu đời ngắn. Bóng ác đã về đoài. Suối vàng không quán trọ, Đêm biết ngủ nhà ai ? (Bài này mô phỏng theo một bài thơ Trung Quốc).

    [10] Yamabe no Akahito, không rõ năm sinh năm mất, cũng là một chức quan nhỏ dưới triều Nara và về sau được đời so sánh cùng với Kakimoto no Hitomaro như là hai đại thi hào (ca thánh) của waka.

    [11] Yamanoue no Okura (660-733?) từng theo sứ bộ đi TrungQuốc nhà Đường (Khiển Đường Sứ), nhà thơ khuynh hướng tư tưởng. Giỏi về thơ chữ Hán, bạn của Ôtomo no Tabito.

    [12]Ôtomo no Tabito (665-731), cha Ôtomono Yakamochi. Từng cai quản súy phủ Dazai (Dazai no sochi) ở Kyuushuu, tương đương tổng trấn. Làm quan đến bậc Dainagon, một chức quan cố vấn bậc cao tham dự vào triều chính.

    [13] Takahashi no Mushimaro, không rõ năm sinh năm mất. Người vùng Hitachi (Thường Lục) phía bắc Tokyo bây giờ. Có thuyết cho rằng đã góp phần biên soạn địa dư chí vùng nầy (Hitachikuni Fudoki)

    [14] phía trên Sendai, chung quanh Morioka bây gìờ

    [15] Kim có nghĩa là Kamakura (Liêm Thương) vì chữ Liêm có bộ Kim. Hòe chỉ bậc đại thần. Đây ý nói tập thơ của người đại thần ở Kamakura (Sanemoto khiêm xưng).
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  2. The Following User Says Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    lynkloo (11-01-2012)

  3. #12
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    Chương 4

    TRUYỆN ÔNG GIÀ ĐỐN TRÚC
    (TAKETORI MONOGATARI)
    THỦY TỔ CỦA TIỂU THUYẾT NHẬT BẢN.


    Sự ra đời của Truyện Hoang Đường, Truyện Thơ,
    Truyện Ngắn, Truyện Lịch Sử.


    Nguyễn Nam Trân




    TIẾT I: HÌNH THỨC VĂN HỌC GỌI LÀ TRUYỆN KỂ (MONOGATARI)


    Thần thoại ghi chép trong Kojiki và Nihon shoki vì là văn kiện chính thức của nhà nước nên được phép trình bày ở chốn công cộng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều truyện phần lớn nói về thần tiên yêu quái vẫn lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Đến đời Hei-an (794-1185), chịu ảnh hưởng của các loại sách sử và tiểu thuyết Trung Quốc, người Nhật mới bắt đầu ghi chép các truyện dân gian ấy lại dưới dạng chữ Hán.

    Mặt khác, loại chữ kana thuần túy Nhật Bản đã xuất hiện và phổ biến đã giúp người ta khả năng trình bày sự việc bằng Nhật ngữ một cách thoải mái. Họ bèn dựa vào hình thức viết lại thần thoại và truyền thuyết để xây dựng một hình thức văn học mới, đó là hình thức truyện (vật = mono) kể ( ngữ = katari) ( danh từ kép là monogatari = vật ngữ).

    A) Các hình thức sơ khai của tiểu thuyết (monogatari) :

    Lúc đầu, truyện kể được xem như có thể chia thành hai loại : truyện hoang đường (truyện bịa đặt, truyện dựng ra) hoặc truyện thơ (nói thơ).Truyện hoang đường (tsukuri monogatari) kể về những gì không thể có trong cuộc sống hằng ngày. Nó lấy những tình tiết không tưởng làm trung tâm, nặng màu sắc truyền kỳ. Truyện xa xưa nhất thuộc loại nầy và còn giữ lại được là “ Truyện ông già đốn trúc ” Taketori Monogatari (Trúc thủ vật ngữ, ra đời khoảng cuối thế kỷ thứ 9 hoặc đầu thế kỷ thứ 10) là một câu chuyện hoàn toàn bịa đặt và mang màu sắc truyền kỳ. Tuy thế, cũng cùng một hệ thống với nó vẫn có những truyện có tính cách hiện thực và thiên về tả chân hơn. Đó là Utsuho Monogatari[1] (Vũ tân bảo vật ngữ, hậu bán thế kỷ thứ 10), Ochikubo Monogatari (Lạc oa vật ngữ, cuối thế kỷ thứ 10).

    Mặt khác, cũng vào khoảng nầy, đã có loại truyện thơ (uta-monogatari) ra đời. Truyện thơ khởi đầu từ việc nói thơ, kể thơ (utagatari), nếu so với truyện hoang đường thì ít hư cấu hơn và lấy thơ làm phương tiện diễn tả. Truyện thơ tiêu biểu có Ise-monogatari (Y Thế vật ngữ, ra đời khoảng đầu đến giữa thế kỷ thứ 10), Yamato-monogatari (Đại Hòa vật ngữ, giữa thế kỷ thứ 10) và Heichuu-monogatari (Bình Trung vật ngữ, cũng khoảng giữa thế kỷ thứ 10). Về sau thể loại monogatari sẽ được phát triển rộng rãi với nhiều hình thức khác như truyện dã sử, ký sự chiến tranh, truyện giải buồn... Cả hình thức tiểu thuyết xã hội thị dân của hai tác giả Saikaku và Akinari thời Edo cũng là một phân nhánh của nó nữa.

    B) Taketori Monogatari (Trúc thủ vật ngữ) :

    Về “ Truyện ông già đốn trúc ” (Taketori monogatari) còn được gọi là “ Truyện cô tiên Kaguya ” không rõ ai là tác giả[2] và ra đời lúc nào, nhưng có thể truyện nầy đã được viết cuối thế kỷ thứ 9 bởi một ông quan hay tăng nhân giỏi chữ Hán cỡ các ông Kino Haseo, Sôshô Henjô, Minamotono Tôru hay Minamotono Shitagô vì trong ngữ vựng, cách đọc, văn phạm đều có dấu vết của văn hóa đại lục.Ví dụ như việc truyện này tuy sử dụng văn tự hiragana, dùng nhiều hình thức tu từ của waka như kakekotoba và engo, lại nhắc đến việc thưởng trăng rằm tháng tám, một tập tục chỉ bắt đầu ở Trung Quốc đời Đường vào khoảng niên hiệu Trinh Quán (859-876). Người ta còn phỏng đoán nó được viết trước năm 905 vì nội dung có nhắc thời điểm truyện ra đời là lúc núi Fuji đang phun lửa, trong khi các tài liệu lịch sử cho biết năm Enki ngũ niên (905), núi đã ngưng phun.

    Chương E-awase “ Cuộc thi xếp tranh ” trong Truyện Genji có chỗ đánh giá Taketori là “ thủy tổ của thể văn truyện kể ” mà nhiều người xem là hình thức sơ khai của tiểu thuyết. Taketori viết theo thần thoại về một lão già kiếm ăn bằng nghề đốn trúc (taketori) đem về làm đồ thủ công, một hôm giữa rừng núi bỗng gặp được cô tiên bé xíu Nayotakeno Kaguya-hime ngồi trong lóng trúc tỏa ra ánh sáng (cô tiên nầy vốn là người trên cung trăng bị đọa xuống thế gian). (Truyện cũng từng là chủ đề thơ trong Man.yô-shuu). Ông già đem cô về nuôi, cô lớn lên như thổi. Đến khi thành người con gái xinh đẹp thì cô lại khước từ lời cầu hôn của hai vị hoàng tử, ba cậu công tử và cả đức vua. Năm nhà quí tộc không thực hiện được những thách đố của cô, có người phải bỏ mạng. Còn đức vua dùng vũ lực bó buộc cô thì cô biến mất. Rồi đến tiết trung thu, cô theo sứ giả Cung Trăng đến đón và thăng thiên cho dầu đức vua đã cho hai nghìn lính bủa vây để truy cản.

    Truyện Taketori đã sử dụng khéo léo mô-típ những truyền thuyết có trước đó như truyền thuyết về con thiên nga hóa thành người con gái, từ khước lời cầu hôn của chàng trai để trở về trời (Bạch Điểu Xử Nữ Thuyết Thoại, Hakhuchô Shojo Setsuwa) mà truyện Hagoromo[3] (Vũ Y, con hạc nhổ lông dệt áo nuôi chồng) là một biến thể, hay mô-típ người con trai (truyện về Ôkuninushi no Mikoto, Đại Quốc Chủ, Mệnh) thực hiện những đòi hỏi khó khăn của cha người con gái khi muốn kết hôn với nàng (Nan đề tế đàm, Nandai muko-tan = Truyện thách rể) [4]. Năm thách thức đó là phải tìm cho được bình bát bằng đá của Đức Phật, cành cây trên ngọn núi Bồng Lai, chiếc áo bằng lông con chuột lửa, hòn ngọc đeo ở cổ rồng hay ốc xa cừ trong tổ yến. Trong khi kể đến lớp các vị công tử đến cầu hôn, tác giả cũng đưa ra một số nhận xét dí dỏm, châm biếm về tướng mạo cũng như tính tình lừa lọc, ngạo mạn hay dốt nát của các chàng trai ấy. Ngay cả đức vua cũng không hơn gì. Khi ngỏ lời cầu hôn, ngài mua chuộc lão tiều bằng một chức quan nhưng nàng Kaguya-hime vẫn tỏ ra dửng dưng. Truyện tuy kết cấu trên truyền thuyết cổ xưa phi hiện thực nhưng đã vẻ được một cách sinh động thế giới con người thời ấy (và có thể với dụng ý phê phán). Và đó chính là đặc điểm của thể loại văn học monogatari vậy.

    Nội dung miêu tả một cách lãng mạn về cái vô nghĩa những toan tính của trần gian. Nó như muốn nhắc nhỡ con người việc muốn giữ cho mình cái đẹp vĩnh viễn là điều không thể đạt được. Tuy nhiên, truyện này còn kể cảnh biệt ly sướt mướt giữa lão già và cô gái. Nó cho ta thấy cõi trời là cõi vô tình, chỉ có con người mới có tình cảm. Cô tiên Kaguya chỉ có tình cha con khi mang tấm lòng trần. Như thế, tác giả đã nhấn mạnh đến cái cao đẹp của tình người.

    Về hình thức, truyện được viết bằng chữ Hán đọc lối âm Nhật (kun-yomi), theo thể hồi tưởng, tạo được không khí một câu truyện kể. Dung hợp được tính hư cấu và tính hiện thực của các hình thức cổ tích, nói lên được bản tính con người, Taketori xứng đáng được xem là điểm khởi hành của văn học truyện kể. Gần đây có nhà nghiên cứu cho biết truyện cổ “ Ban Trúc Cô Nương ” (Cô gái trong cây trúc có đốm) của Tây Tạng có nhiều chỗ tương tự với Taketori [5] và nhấn mạnh đến mối liên quan về nguồn gốc đại lục của truyện nầy.

    C) Utsuho Monogatari (Vũ Tân Bảo Vật Ngữ) :

    Truyện “ Bộng Cây ” (Utsuho Monogatari) cũng lấy đề tài từ truyền kỳ. Vai chính của truyện tên là Fujiwara Nakatada (Đằng Nguyên, Trọng Trung) thuộc về một gia đình bốn đời thiện nghệ về đàn cầm (koto) và những tình tiết đưa đẩy làm Nakatada nhờ ngón đàn do thần nhân truyền cho tổ phụ (là Fujiwara no Toshikage) khi ông cụ đi sứ sang Trung Quốc và bị đắm tàu, mà sau anh ta cưới được con gái thiên hoàng. Truyện miêu tả sống động, tỉ mỉ về xã hội quí tộc và con người đương thời. Utsuho (bộng cây), tựa của truyện, là tên của chỗ lẩn trốn của hai mẹ con Nakatada thời hàn vi, lạc loài, trong ruột rỗng của một cây sugi (bách Nhật Bản) lớn. Sau cha của Nakatada là một nhân vật quyền thế tên là Kanemasa mới tìm lại được hai mẹ con.

    Không rõ tác giả của truyện là ai nhưng thuyết cho là của Minamotono Shitagô[6] (Nguyên, Thuận) được nhiều người ủng hộ. Nếu không thì nó phải được viết bởi một trí thức cung đình tinh thông cả Hòa lẫn Hán. Qua nội dung truyện nầy, người ta đã nhận ra dấu vết của ảnh hưởng triết lý Hòa Hán và vai trò đồng đẳng dựa Phật giáo và Thần đạo đối với lớp quí tộc Heian.

    Utsuho cũng mô tả sinh hoạt cung đình như cuộc kén rể trong đám 16 thí sinh của nhà quan Tả Đại Thần Masayori, cha của người đẹp Ate-miya. Nó cũng nói về những cuộc tranh chấp quyền lực và quyền thừa kế trong cung đình qua việc chọn đứa con nối dõi cho Đông Cung Thái Tử vv...

    Utsuho được xem như cuốn truyện dài nhất viết bằng kana trước khi Truyện Genji ra đời. Utsuho gồm 22 quyển, dài khoảng 3/5 Truyện Genji, có thể đã được viết vào khoảng giữa thế kỷ thứ 10 (952-965) nên nếu bảo nó là cuốn truyện dài đầu tiên trên thế giới thì có lẽ cũng không ngoa. Nó chưa có được bố cục hoàn toàn ăn khớp với nhau như Truyện Genji mà chỉ là kết hợp những bộ phận đơn lẻ tuy cốt truyện thì có tính thống nhất với chủ đề là chiếc đàn thần mà ông để lại cho cháu và người cháu sau đó truyền cho con gái của mình.

    Utsuho được xem như kết quả một thí nghiệm Nhật Bản hóa của tiểu thuyết đại lục tương tự sự Nhật Bản hóa thi ca đại lục bằng môi giới của Wakan Ryôei-shuu (Hòa Hán lãng vịnh tập). Utsuho đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành những tác phẩm đến sau, cả Truyện Genji (miêu tả xã hội khép kín của cung đình) lẫn Konjaku Monogatari (miêu tả xã hội bản địa bên ngoài cung đình).

    D) Ochikubo Monogatari (Lạc Oa Vật Ngữ) :

    Truyện “Hầm Nhà” (Ochikubo Monogatari) cũng không rõ tác giả, có thể là một vị quan nào đó. Truyện kể với ngôi thứ ba, xen kẽ bằng đối thoại và thư tín, xoay quanh chủ đề mẹ ghẻ con chồng cũng như nhiều tác phẩm văn xuôi thời đó và có hơi hướng Nho giáo. Các nhà nghiên cứu phương Tây như S. Mauclaire (1984) thường nhấn mạnh đến sự tương đồng của mô típ mẹ ghẻ con chồng của truyện này với truyện dân gian Cendrillon (Cô Bé Lọ Lem) của Âu châu[7]. Như thế thì có thể nói Ochikubo cũng đồng một mô típ với truyện dân gian Tấm Cám của Việt Nam nữa.

    Nhân vật chính trong truyện là nàng Ochikubo no kimi (Lạc Oa Quân) bị người mẹ kế và các cô em khác mẹ ngược đãi, phải sống dưới hầm nhà (ochikubo). sau trở thành vợ cả của viên Sakon Shôshô (Tả Cận thiếu tướng), võ quan cận vệ cấp cao, rồi nhờ oai chồng mà trả được mối thù. Tuy nhiên sự phân biệt thiện ác, bị ngược đãi và phục thù thấy trong truyện này không hẳn do triết lý nhân quả của Phật Giáo mà có lẽ chỉ phát xuất từ tư tưởng bản địa. Trước tiên nó xảy ra trong khoảng thời gian ngắn và ngay trong cuộc đời này, chưa có sự can thiệp của Quan Âm, Địa Tạng, chưa có khái niệm về kiếp trước kiếp sau, điều này sẽ thấy trong các tác phẩm mang màu sắc Phật Giáo về sau. Cùng chủ đề mẹ ghẻ con chồng có Truyện ni cô đền Sumiyoshi (Sumiyoshi monogatari, Trú Cát Vật Ngữ), đã thất lạc, chỉ còn giữ lại được một cải tác về nó.

    Xa hơn nữa, có thuyết cho rằng Ochikubo còn chứa đựng lòng mong mỏi được phục hồi địa vị của lớp quí tộc (trong đó có tác giả cuốn truyện) đã mất quyền bính. Điều này không phải vô lý khi ta biết rằng thời buổi đó, giới quí tộc đã suy vi trước thế lực dòng họ Fujiwara và đang mơ ước tìm lại thế đứng của mình cũng như cô gái trong truyện đi tìm gốc tích cao sang và chính đáng để đảo ngược tình thế trong gia đình.

    Cũng như Utsuho, Ochikubo cho ta thấy được nếp sinh hoạt của người đương thời cũng như biến chuyển tâm lý các nhân vật đó một cách sống thực. Truyện không dựa vào các yêu tố siêu nhiên hay phi phàm. Học giả Katô Shuuichi cho rằng đó là điều đáng nêu lên vì ngay cả ở Anh hay Pháp, loại truyện có đặc tính sống thực như thế không ra đời trước thế kỷ 17.

    E) Ise-monogatari (Y Thế Vật Ngữ) :

    Truyện lấy tên Ise, địa danh cũ của phân nửa tỉnh Mie bây giờ. Truyện Ise không biết do ai viết nhưng được ước định vào khoảng đầu đến giữa thế kỷ thứ 10 nghĩa là gần như cùng thời đại với Taketori. Truyện xoay chung quanh cuộc đời tình ái của nhân vật mà người ta phỏng đoán là Ariwara no Narihira (Tại Nguyên, Nghiệp Bình, 825-880). Trong truyện, anh ta được nhắc đến một cách kín đáo là “ Mukashi, otoko ” (Xưa, có chàng... ).

    Truyện gồm 125 đoạn ngắn, lấy thơ làm phần chủ yếu cho mỗi đoạn. Nhân vật chính, “Xưa, có chàng... ” của cuốn truyện, vốn con nhà trâm anh thế phiệt, vì gặp buổi quyền thần khống chế, đâm buồn rầu nên ngụp lặn trong vòng tình ái. Dĩ nhiên, nhân vật chính nầy không rập khuôn chàng Ariwara no Narihira ngoài đời mà được mô tả tự do theo hư cấu. Sự thực, có một vương tử điển trai và đa tình tên gọi Ariwara no Narihira mà cuộc đời được ghi lại trong Sandai jitsuroku (Tam đại thực lục, 901). Chàng là con trai thứ 5 của một hoàng tử và làm tướng trong đội ngự lâm quân, nổi tiếng vì tính tình trăng hoa và tài làm thơ waka. Có thể những bài waka gán cho Narihira là tác phẩm của Ki no Tsurayuki hay một người nào khác có tầm cỡ như vậy và đem đăng vào Kokin-shuu cũng không chừng. Nói chung, Ariwara no Narihira là hình tượng chàng Don Juan trong văn học Nhật, không khác chi ông hòang đa tình Genji của Shikibu thời Heian và chàng trai phóng đãng Yonosuke của Saikaku thời Edo.

    Tuy luyến ái nhớ nhung giữa nam nữ là cốt lõi nhưng Truyện Ise cũng nói đến những tình cảm thương nhớ (omoi) khác như tình gia tộc, tình bằng hữu. Ise-monogatari đã để lại ảnh hưởng quan trọng đến các tác phẩm đời sau. Ban đầu, Truyện Ise chỉ mô phỏng theo tập thơ cá nhân của Ariwara nhưng sau đó được bổ sung để trở thành tập Truyện Ise hiện tại. Truyện nầy còn được gọi là Zaigo chuujô monogatari (Tại Ngũ trung tướng[8] vật ngữ) hay Zaigo ga monogatari (Tại Ngũ vật ngữ) vì Zaigo Chuujô là tên hiệu và chức tước của Ariwara.

    Văn chương của Ise cũng thô sơ như văn của Taketori nhưng nhờ xen kẽ tản văn và waka nên có một nét duyên dáng đặc biệt. Câu chuyện kể từ lúc nhân vật làm lễ đội nón (sơ quán = uikôburi) nghĩa là thành nhân cho đến lúc lâm chung. Tuy trung tâm của câu chuyện là mối tình của vai chánh (Ariwara no Narihira) với nàng Ise no Saiguu (Y Thế Trai Cung) (đoạn 96) nhưng truyện cũng đề cập đến các nhân vật nam, nữ khác (trong đó có mối tình thầm vụng của ” chàng ” với hoàng hậu Nijô) và những hình thức thể hiện tình yêu nơi con người nói chung. Điều này cho ta thấy quan niệm tình yêu rất rộng rãi đương thời, không nề hà giai cấp (hoàng hậu) hay tôn giáo (trinh nữ đền thần). Nhân vật nam không hề bị trói buộc bởi tư tưởng Nho, Phật hay cả Thần Đạo.

    Xưa có một chàng vừa đến tuổi thành nhân, hãy còn hết sức trong trắng, một ngày lên đường săn bắn ở làng Kasuga, vùng ngoại ô kinh đô Nara, bỗng nhòm trộm thấy hai chị em cô gái xinh đẹp nhà kia và sinh lòng yêu. Làm ra vẻ người lớn, mới cắt vạt áo bào của mình và đề một bài thơ tặng mỹ nhân :

    Đồng xuân hoa tím, người thơ,
    Để lòng ai rối như tơ áo bào.


    Qua đó, chàng mượn ý một bài waka của Minamotono Tôru để bày tỏ tấm tình thanh nhã của mình...

    (Theo Ise Monogatari, đoạn mở đầu)

    Sau đó chàng có một mối tình với một cô con gái quí phái, người sẽ là hoàng hậu Nịjô. Đó là một mối tình bị cấm đoán cho nên hai người phải đưa nhau đi trốn. Nàng bị các ông anh tìm bắt mang về và đến đầu xuân, nàng đột ngột thành hôn với thiên hoàng. Một năm sau, chàng vẫn không quên được mối tình ấy, mới trở lại ngôi nhà ngày xưa nàng đã sống, ngắm hoa mơ nở trong sân dưới ánh trăng khuya. Nhưng chàng không sao tìm đâu cho ra bóng hình những tháng ngày âu yếm cũ. Nhân đó chàng mới vịnh một bài :

    Đâu trăng xưa, đâu hoa xưa ?
    Có ta năm cũ còn trơ bóng hình.


    Suốt đêm, chàng hồi tưởng kỹ niệm có với nàng. Đến khi trời sáng, mới than khóc và lủi thủi ra về.

    (Theo Ise Monogatari, đoạn thứ tư)

    Tuy nhiên, câu chuyện đặc sắc nhất có lẽ là mối tình của Ariwara no Narihira với một bà lớn tuổi yêu chàng, chứ không phải với những cô trẻ đẹp mà chàng chạy theo. Câu cuối của truyện đó phản ánh triết lý của tác giả :

    Ở đời, người ta chỉ quan tâm đến người họ yêu mà hờ hững với người họ không yêu. Thế nhưng cách sống của chàng Ariwara no Narihira là không phân biệt kẻ chàng yêu với kẻ chàng không yêu ”.

    Chủ đề của Ise là sự yêu chuộng và đi tìm cái cao nhã (miyabi) tức vẻ đẹp lý tưởng theo lối nghĩ của giới quí tộc Heian, phân biệt với cái thô lậu (hinabi) quê mùa trong dân gian. Qua những vần waka tặng qua đáp lại, Truyện Ise tạo nên một không khí mơ hồ, khơi gợi trí tưởng tượng của độc giả, dẫn đường họ vào thế giới trữ tình của truyện kể một cách tự nhiên. Ise được xem như một truyện thơ (uta.monogatari) tối cổ còn giữ được. Nó sẽ ảnh hưởng nhiều đến các tác phẩm monogatari đi sau như Yamato, Heichuu và Genji. Đi xa hơn nữa, sự cao nhã (miyabi) còn liên quan đến quan niệm mỹ thuật gọi là yuugen (u huyền) trong các yôkyoku (dao khúc) tức ca từ để hát trong tuồng Nô thời trung cổ, cũng như mỹ quan nghệ thuật tạo hình thời Edo của phái Kôrin (Quang Lâm) lẫn các tác phẩm tiểu thuyết loại “ đắm sắc ” (kôshoku) của Ihara Saikaku. Ảnh hưởng của Ise vào thời ấy còn được thấy qua sự xuất hiện của Nise Monogatari “Truyện Ise giả mạo ” và Kuse Monogatari [9]“ Truyện thói tật ” của Ueda Akinari nữa.

    F) Yamato monogatari (Đại Hòa Vật Ngữ) :

    Truyện về vùng đất Yamato (Yamato monogatari) cũng không biết do ai soạn. Có thuyết cho là thiên hoàng Kazan (Hoa Sơn) hay Ariwara no Shigeharu (Tại Nguyên, Từ Xuân). Nó được phỏng đoán đã hình thành vào giữa thế kỷ thứ 10, sau truyện Ise. Yamato không rõ là cái tên dùng địa danh “ vùng Yamato ” để đáp lễ lại “ vùng Ise ” của Truyện Ise hay có nghĩa là “ đất Nhật ” để đối chiếu với nhà Đường. Truyện thơ nầy không có nhân vật trung tâm, chỉ nói về cuộc sống và những trao đổi thơ văn tặng đáp hay luyến ái của những người có thật vào thời thiên hoàng (thứ 59) Uda (Vũ Đa, trị vì 887-897) lúc đã lui về ẩn cư ở Teiji.in (Đình Tử Viện). Phần sau của câu truyện qui tụ chung quanh các truyền thuyết, sự tích lưu hành trong dân chúng như truyện nói về con sông Ikutagawa (Sinh Điền Xuyên) nơi có nàng Unai Otome (Thố Nguyên Xử Nữ) tự trầm vì không biết ngả về ai trong hai người con trai cùng yêu và tranh giành nàng, cũng như truyện Ashikari (Người cắt lau) kể về người đàn ông lưu lạc phải cắt cây lau bán độ nhật sau được đoàn tụ với vợ mình, truyện Ubasuteyama (Ngọn núi vứt bà già) đưa ra cảnh khổ của người dân không đủ miếng ăn phải đem mẹ già lên vứt trên núi (đoạn 156). Những truyện nầy có điểm chung là phô bày tình cảm trong trắng, đơn sơ và cảm động.

    Truyện Yamato ban đầu viết xong khoảng năm 951, sau được tăng bổ, có ước chừng 300 bài thơ và gồm 173 đoạn. Cũng như Truyện Ise, nó là một truyện thơ (uta.monogatari) quan trọng.

    G) Các truyện kể khác :

    Ngoài ra, còn có truyện Truyện chàng Heichuu (Heichuu monogatari, Bình Trung Vật Ngữ) dựa lên sự tích cuộc đời ái tình của một Don Juan Nhật Bản khác là chàng Taira Sadafun (Bình, Trinh Văn), nhưng về mặt phóng túng thì kém Truyện Ise. Cũng không ai rõ tác giả chỉ phỏng đoán được nó đã thành hình vào giữa thế kỷ thứ 10. Nó gồm 38 đoạn, còn được gọi là Heichuu nikki (Bình Trung nhật ký).

    Về các truyện lấy thơ ca làm trung tâm, phải kể thêm Tônomine Shôshô monogatari (Đa Vũ Phong Thiếu Tướng[10] vật ngữ) và Takamura monogatari ( Hoàng vật ngữ). Tác phẩm trước nói về truyện tướng Fujiwara Takamitsu (Đằng Nguyên, Cao Quang) xuất gia trên ngọn núi Tô no mine, còn được gọi là Takamitsu nikki (Cao Quang nhật ký). Tác phẩm sau kể lại cuộc đời của Ono-no-Takamura (Tiểu Dã, Hoàng), một văn nhân quí tộc tên tuổi, cho nên mới có tên là Takamura Nikki ( Hoàng nhật ký).


    TIẾT II: TRUYỆN KỂ TỪ SAU TRUYỆN GENJI


    Truyện kể nổi tiếng nhất là Truyện Genji[11]. Trước Genji đã có khoảng 30 truyện và sau nó có khoảng 60 truyện mà ngày nay người ta chỉ nghe nói tới tên. Điều này chứng tỏ phong trào viết truyện kể rất thịnh hành thời Heian và số truyện ta đọc được ngày nay chỉ là 1/10 số lượng đã có[12].

    Từ sau Genji, các truyện kể (monogatari) đã có hình thái và nội dung của chúng đã khá hoàn chỉnh. Cuối đời Hei-an, ta thấy có nhiều tác phẩm nói về sự suy vi của xã hội quí tộc cung đình nhưng không có tác phẩm nào sinh động bằng Genji. Những tác phẩm mang hình thức của truyện kể còn lưu truyền đến nay như Yowa-no-nezame (Dạ bán Tẩm Giác), Hamamatsu Chuunagon monogatari (Tân Tùng Trung Nạp Ngôn vật ngữ), Sagoromo monogatari (Hiệp Y vật ngữ) đều dồi dào tình tiết và sử dụng hư cấu như cung cách của Genji.

    Yowa-no-Nezame miêu tả chi tiết trạng thái tâm lý nhân vật, Hamamatsu monogatari dựng với bối cảnh Trung Quốc đời Đường, Sagoromo monogatari giàu tình tiết phức tạp và Torikaebaya monogatari (Truyện Đổi Giống, không có tên viết bằng chữ Hán) là một truyện mô tả khá táo bạo về luyến ái nam nữ.

    Được biết Yowa-no-nezame (còn đọc Yoru-no-nezame) có nghĩa là Thức Giấc Nửa Đêm, cũng còn có nghĩa Nàng Nezame Giữa Canh Khuya ra đời giữa thế kỷ 11, tương truyền do bà Sugawara no Takasue no Musume (con gái ông Quản Nguyên Hiếu Tiêu) viết. Truyện liên quan đến mối tình không toại nguyện của công nương Nezameno Ue (Tẩm Giác Thượng), con gái quan Thái Chính Đại Thần, với một vị quan tên Gon Chuunagon (Quyền, Trung Nạp Ngôn), chồng của chị mình.

    Hamamatsu Monogatari, gồm 6 quyển, cũng là tác phẩm của tác giả Sarashina Nikki và Yowa-no-nezame tức bà con gái ông Sugawara Takasue (Quản Nguyên, Hiếu Tiêu) , ra đời cùng thời, cũng nói về mối tình bất thành của chàng Hamamatsu Chuunagon, nặng màu sắc luân hồi của Phật Giáo với những câu chuyện đầu thai huyễn hoặc như việc nhân vật chính nghe nói cha mình đã đầu thai làm đệ tam hoàng tử nhà Đường nên vượt biển sang bên đó để tìm. Sagoromo monogatari, 4 quyển, có lẽ ra đời chậm hơn vào cuối thế kỷ 11, do Rokujô Saiin Senji (Lục Điều Tế Viện tuyên chỉ) soạn. Truyện kể về nỗi sầu khổ của Sagoromo Taishô (Hiệp Y đại tướng) vì yêu công chúa họ Genji tức nàng Genjino Miya (Nguyên Thị cung). Nội dung chịu nhiều ảnh hưởng của Truyện Genji (nhân vật của Sagoromo làm ta liên tưởng đến những Fujitsubo, Genji, Yuugao, Aoi, Murasaki...trong Genji), tuy có bố cục đường hoàng nhưng không khí câu chuyện lại đồi trụy.

    Cũng phải nhắc đến Truyện Đổi Giống (Torikaebaya Monogatari) nói về ảnh hưởng của giáo dục đối với con người. Sách viết cuối thế kỷ 11 và không rõ tác giả. Nội dung nói về hai chị em được nuôi dạy trong một khung cảnh ngược đời[13]. Cô chị được nuôi như con trai và cậu em trai được nuôi như con gái, để đưa họ đến nhiều mối tình oái oăm với người “ cùng phái ”.


    TIẾT III


    Trong thời điểm này cũng có những tác phẩm ngắn như Truyện Quan Tham Nghị Bờ Đê (Tsutsumi Chuunagon[14] monogatari, Đê Trung Nạp Ngôn Vật Ngữ), gồm có 10 thiên độc lập với nhau kể những mẩu chuyện ngắn chung quanh nếp sống nhàn hạ của giới quí tộc. Đây là một tập truyện không rõ ai viết. Chín truyện có thể nhiều người đàn ông viết còn truyện “ Anh Gon Chuunagon nhát gái ” tương truyền là tác phẩm của một nữ quan tên Koshikibu (Tiểu Thức Bộ). Nhân vật Tsutsumi Chuunagon Fujiwara no Kanesuke (Đằng Nguyên, Kiêm Phù, ông cố của Murasaki Shikibu), người đứng tên trên sách có thể là người đã từng biên tập nó chăng ? Ông nầy vốn cất nhà bên bờ đê nên người ta gọi ông là ông “ quan tham nghị bờ đê ”. Đặc điểm của truyện là mô tả cuộc sống đa diện của con người, nói lên cá tính của các nhân vật mà hành vi vượt ra khuôn phép thông thường như nàng con gái không màng trang điểm mà chỉ yêu thích sâu bọ (Mushizume no Kimihime).

    Bên cạnh nhà cô tiểu thư thích ngắm bướm có cô tiểu thư con gái quan tham nghị cấp cao. Cha mẹ cô chăm sóc hết sức kỹ càng. Khi lớn lên, cô rất xinh xắn và hiếu kỳ.

    Tiểu thư sưu tập rất nhiều loại côn trùng. Cô thường bảo : “ Tôi không hiểu tại sao thiên hạ lại ngu ngốc đến nổi cứ mê man ngắm hoa với bướm. Chỉ có kẻ nào muốn tìm hiểu sự thực và muốn hiểu rõ nguyên lý của sự vật mới đáng cho tôi để ý”.

    Cô bỏ đủ loại côn trùng vào trong những cái hộp có màn và quan sát sự tiến hóa của chúng. “ Loài vật mà tôi thích quan sát nhất là mấy con sâu, chúng nó giúp cho ta học được nhiều chuyện ”. Cô vén tóc ra sau, đặt con sâu vào lòng bàn tay và quan sát nó từ sáng đến chiều...Vì các cô gái hầu cận thất kinh trước hành vi của cô, cô bèn tụ tập một nhóm con trai, những cậu không biết sợ là gì, cho chúng cầm lấy mấy con sâu trong tay và hỏi tên, loại nào không biết tên thì cô lại đặt tên cho....

    Kẻ chung quanh lo lắng bảo : “ Cô đang bị dè bĩu đấy. Người ta chỉ chuộng cái gì xinh đẹp. Nếu thiên hạ biết được cô thích chơi sâu bọ thì họ xem cô ra gì !

    Tôi chẳng cần ! Chỉ có người biết quan sát sự vật để tìm ra được một điều gì mới đáng kể thôi...Con sâu này sẽ hóa bướm. Quần áo lụa là người ta mặc là do những con sâu nầy sinh ra trước khi nó mọc cánh để thành bướm. Khi nó hóa bướm rồi, tại sao người ta lại đâm ra quên việc đó và coi nó không ra gì nữa ? ”...

    (Trích Truyện Cô Gái Chơi Sâu Bọ)

    Có những truyện bông đùa kiểu như truyện anh chàng ban đêm đi bắt cóc người yêu lại vác nhầm về bà cụ cố (Hanazakura oru shôshô), truyện bọn trai háo sắc nghe trộm hai cô hầu đàm tiếu về hành vi các cô chủ trong cung (Hanada no nyôgo), anh chàng đẹp trai, có văn hóa cao nhưng không dám đụng tới gái (Gon Chuunagon) hay cô nàng quýnh quáng thay vì đánh phấn lại bôi mặt lọ lem khi nghe bạn trai bất chợt đến thăm (Haizumi) vv...

    Tsutsumi được coi như tập đoản thiên tiểu thuyết tối cổ của Nhật còn được giữ lại. Theo nhà phê bình Katô Shuuichi, Tsutsumi có thể là một loại chuyện đặt ra để phúng thích các truyện kể đương thời tương tự việc Cervantes viết Don Quixotte để chế riễu các truyện ca ngợi tinh thần hiệp sĩ đầy dẫy trong thời Trung Cổ Âu Châu. Nó nhằm đả phá quan niệm cao nhã (miyabi) của văn hóa quí tộc và đánh dấu thời kỳ quá độ giữa văn hóa vương triều và văn hóa vũ gia.
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  4. The Following 2 Users Say Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    lostheaven (03-06-2013), lynkloo (11-01-2012)

  5. #13
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    TIẾT IV : TRUYỆN LỊCH SỬ


    Cuối đời Hei-an, phong trào sáng tác truyện kể yếu đi và nội dung các tác phẩm trở thành nghèo nàn. Mặt khác, sinh hoạt của xã hội quí tộc cũng xuống dốc khơi dậy trong lòng người khuynh hướng quay về thương tiếc quá khứ đẹp đẽ nay không còn nữa.Trong chiều hướng đó, các truyện lịch sử đã ra đời. Truyện lịch sử nói ở đây là những truyện kể dựa trên sự thực lịch sử nhưng khác với những cuốn sử thuần túy như Rikkokushi (Lục quốc sử) vì những chi tiết, cách dàn dựng của câu truyện đưa ra đều rất đặc biệt. Tác phẩm chính có Eiga Monogatari (Vinh hoa vật ngữ), Ôkagami (Đại kính), Imakagami (Kim kính) v.v...

    Lục Quốc Sử, sáu bộ sử do quan lại soạn ra :

    Tên sách Niên đại liên hệ Năm ra đời Người soạn chính
    Nihon Shoki (Nhật Bản Thư Kỷ) Thời các thần đến thiên hoàng 41 (Jitô) 720 Toneri Shinnô
    Shoku-Nihonki (Tục Nhật Bản Kỷ) Thiên hoàng 42 (Mommu) đến 50 (Kanmu) 797 Fujiwara Tsugutada, Sugano no Mamichi
    Nihon Kôki (Nhật Bản Hậu Kỷ) 50 (Kanmu) đến 53 (Junnna) 840 Fujiwara Otsugu, Fujiwara Fuyutsugu
    Shoku-Nihon Kôki (Tục Nhật Bản Hậu Kỷ) 54 (Jinmyô) 869 Fujiwara Yoshifusa, Tomono Yoshio
    Nihon Montoku Tennô Jitsuroku (Nhật Bản Văn Đức Thiên hoàng Thực Lục) 55 (Montoku) 879 Fujiwara Mototsune, Miyako no Yoshio
    Nihon Sandai Jitsuroku (Nhật Bản Tam Đại Thực Lục) 56 (Seiwa) đến 58 (Kôkô) 901 Fujiwara Tokihira, Sagawara Michizane


    A) Eiga Monogatari (Vinh hoa vật ngữ) :

    Truyện kiếp vinh hoa (Eiga monogatari) này có lẽ do hai người viết. Tương truyền bà Akazome-emo (Xích Nhiễm Vệ Môn) viết phần chính biên khoảng năm 1030 và bà Idewa-no-ben (Xuất Vũ Biện) viết phần tục biên khoảng 1092. Tác giả phần chính biên Akazome-e-mon sinh ra và mất năm nào không rõ, chỉ biết đó là một nhà thơ waka vào giữa thời Hei-an. Bà là vợ của Ôe Masahira (Đại Giang, Khuông Phù) và làm nữ quan hầu cận cho phu nhân Rinshi (Luân Tử), vợ quyền thần Fujiwara no Michinaga (Đạo Trường) và con gái của hai người là hoàng hậu Chuuguu Shôshi[15] (Trung Cung Chương Tử). Ngoài Eiga, Akazome-emon còn để lại thi tập riêng Akazome-emon Shuu (Xích Nhiễm Vệ Môn tập). Tác giả thứ hai, bà Idewanoben, là người hầu cận hoàng hậu Shôshi (tức Akiko).

    Phần chính biên gồm 30 quyển, tục biên 10 quyển. Sách muốn tiếp nối công trình của Rikkokushi (Lục quốc sử) nên bắt đầu ghi chép về khoảng thời gian 887-1092, từ thời đại Thiên hoàng (thứ 59) Uda (Vũ Đa, trị vì 887-897) trở xuống đến Thiên hoàng (thứ 73) Horikawa (Quật Hà, trị vì 1087-1107) nghĩa là ước chừng hai thế kỷ lịch sử theo lối biên niên. Nó chủ yếu ca ngợi thời toàn thịnh của chức Quan Bạch Thái Chính Đại Thần quyền nghiêng thiên hạ là Fujiwara no Michinaga[16] (966-1027) và hồi tưởng cuộc sống vinh hoa, lễ lạc hội hè của chốn cung đình với một giọng văn bùi ngùi.

    Nhân vật Michinaga dòng dõi họ Nakatomi, dòng họ có công với Thiên hoàng Tenji thời xưa. Họ này được vua ban cho tên Fujiwara và sau đó chia thành bốn dòng (Bắc, Nam, Thức, Kinh). Michinaga thuộc dòng Bắc, hiển hách hơn cả về mặt chính trị. Ông bắt đầu lên sân khấu từ quyển ba trong chương “ Quan Trung Tướng Tam Phẩm ” (San.i Chuushô) để cưới phu nhân Rinshi, tiểu thư con quan Tả Đại Thần. Từ đó công danh ông lên như diều gặp gió, tác oai tác phúc, đến lúc về già, khí vận suy thoái, ba cô con gái làm hoàng hậu, hoàng phi vv... nối đuôi nhau chết (quyển 25, 26 và 29) thì cuộc đời kết thúc ở chương 30 “ Rừng chim hạc ” (Tsuru no hayashi). Quang cảnh cái chết được sách ví von như lúc Đức Thích Ca nhập diệt.

    Tuy tác phẩm nầy thiếu tinh thần phê phán trước sự thực lịch sử nghĩa là những hành động độc tài và bá đạo của gia đình Fujiwara nhưng rất có ý nghĩa vì đã tạo thế đứng cho một thể loại văn học mới : truyện lịch sử. Lối viết sử bằng kana cũng bắt đầu với Eiga.

    B) Ôkagami (Đại kính):

    Tên sách có nghĩa là tấm Gương lớn, phản chiếu được lịch sử. Không rõ ai là tác giả nhưng được suy định nó đã ra đời vào đầu thế kỷ 12. Sách cũng là một tác phẩm lịch sử lấy quá trình nắm quyền hành và sự hưng thịnh của quyền thần Michinaga làm trung tâm, viết theo lối truyện ký khoảng thời gian giữa 850-1025 từ Thiên hoàng (thứ 55 ) Montoku (Văn Đức, trị vì 850-858) đến Thiên hoàng (thứ 68) Go-Ichijô (Hậu Nhất Điều, tri vì 1016-1036). Khác với Eiga chỉ ca tụng công đức Michinaga, Ôkagami đả động đến việc tranh chấp quyền hành chính trị của người đương thời và có ý thức phê phán sắc bén. Do đó, nhiều thuyết suy định tác giả của nó phải là một nhân vật có tầm cỡ như Fujiwara no Yoshinobu (Đằng Nguyên, Năng Tín), Minamoto no Toshiaki (Nguyên, Tuấn Minh), Minamoto no Akifusa (Nguyên, Hiển Phòng) hay Ôe no Masafusa (Đại Giang, Khuông Phòng) nhưng chưa lấy gì làm chắc.

    Nội dung câu truyện chia thành năm phần, xoay chung quanh hai nhân vật giả tưởng là Ôya Yozugi (Đại Trạch, Thế Kế, 190 tuổi) và Natsuyama Shigeki (Hạ Sơn, Phồn Thụ, 180 tuổi). Hai ông già nầy ngồi kể lại cho đám samurai trẻ tuổi những gì xảy ra trong quá khứ.

    -Phần thứ nhất: Giới thiệu khung cảnh và nhân vật kể truyện.

    -Phần thứ hai: Bản kỷ về 14 đời thiên hoàng, viết theo lối “kỷ truyện thể” của Tư Mã Thiên. Thiên hoàng Montoku đã là cháu ngoại của Fujiwara no Fuyutsugu (Đằng Nguyên , Đông Tự) rồi. Dòng Fujiwara đóng vai ngoại thích từ ấy.

    -Phần thứ ba: Liệt truyện 20 đời đại thần giữ chức Nhiếp Chính và Quan Bạch v.v…, chủ yếu toàn là người nhà Fujiwara.

    -Phần thứ tư: Truyện dòng dõi Fujiwara từ Kamatari (Liêm Túc, 614-669, vốn họ Nakatomi đời Nara), tổ phụ, cho đến Yorimichi (Lại Thông, 992-1074), con trai Michinaga.Vinh hoa cực điểm lúc thiên hoàng Go-Ichijô, cháu ngoại Michinaga lên ngôi.

    -Phần thứ năm: Truyện xưa, thơ xưa, sự việc liên quan đến nghệ thuật thuở trước.

    Tuy hai lão già kể truyện cho lớp sau nghe như “đối thoại” trên sân khấu và sự tích kể trong đó tuy có chỗ hoang đường nhưng phần nhiều dựa trên sự thực.

    Trước hết, xin trích đoạn nói về đại thần và học giả Sugawara no Michizane (Quản Nguyên Đạo Chân, 845-903), người được coi như bậc thánh về học vấn của Nhật, bị đi đày:

    Vào thời thiên hoàng Daigo, trong triều có quan Tả Đại Thần Fujiwara no Tokihira và Hữu Đại Thần Sugawara no Michizane cùng nhau coi chính sự. Về tuổi tác thì Tokihira cỡ 28, 29 còn Michizane 57, 58. Trong khi Sugawara là một học giả lỗi lạc thì sức học của Tokihira chỉ xoàng xoàng thôi nên thiên hoàng thường để ý tới Michizane hơn.

    Vì Tokihira cứ dèm pha là Michizane không thuộc gia đình Fujiwara như mình mà lại có thế lực nên rốt cuộc Michizane bị tống làm chức thủ hiến ở phủ Dazai thuộc Kyuushuu. Trên đường đi đày, Michizane viết một bài waka gửi cho pháp hoàng (thái thượng hoàng đã xuất gia) Uda bày tỏ nỗi lòng:

    Thân như rác nổi giữa dòng,
    Xin đưa sào vớt, dám mong lượng trời.


    Ở Kyuushuu Michizane ngày đêm mong đợi nỗi oan được tỏ để có thể về lại kinh đô nhưng không ai đoái hoài đến. Quá buồn rầu, hai năm sau ông qua đời. Đêm ông mất, linh hồn bay về kinh đô và trấn đóng ở cung Mantenguu vùng Kitano (bắc Kyôto). Từ đó trở đi, trong hoàng cung thường bị thần hỏa đến viếng. Đời thiên hoàng Enyuu, buổi sáng hôm sau, khi phải trùng tu lại cung cấm, bọn thợ mộc tìm thấy một tấm ván có một hàng chữ do mối đục rất khéo:

    Có xây lại cũng hoài công,
    Xây xong lại đốt, khi lòng chưa nguôi.


    Cũng như “ tấm ván đặt dưới mái nhà” (mune) không đặt khít vào chỗ được,” tấm lòng” (mune) của Michizane cũng chưa nguôi hận, cho dù có xây đi xây lại cung kia, ông cũng sẽ đến đốt cho bằng được.

    Sau đây là đoạn văn trong Ôkagami nói về khí phách của quyền thần Fujiwara no Michinaga thời còn trẻ:

    Có hôm, cha của Michinaga là Kane-ie than thở trước mặt ba người con: “Ta thấy thằng (anh con nhà bác) Kintô làm cái gì cũng nên nổi. Tại sao mà nó giỏi đến thế nhỉ? Con cái nhà nầy dẫm lên cái bóng của nó còn chưa được. Buồn quá đi mất!”. Nghe bố nói, Michitaka và Michikane chỉ biết cả thẹn. Mỗi mình Michinaga là khác hẳn hai anh, buột ra một câu : “ Bóng thì dẫm lên làm gì. Phải dẫm lên mặt chứ!”. Y như lời, về sau Michinaga lấn lướt Kintô một cách dễ dàng. Dù con gái Kintô có lấy con trai Michinaga là Norimichi nhưng Kintô sợ đến cả chàng rể, không bao giờ dám ngẩng mặt lên nhìn hắn. Một người làm nên cơ nghiệp như Michinaga thì lúc còn bé thật đã có Thần Phật ở bên cạnh phù hộ rồi vậy.

    Michinaga trong Ôkagami là một nhân vật vừa hiểm vừa ác. Ông ta đã từng phế đông cung thái tử để thay cháu ngoại mình vào đó (quyển 2, chương Morotada). Có lần nghe tin chính phi của thái tử (tức em gái mình) dan díu với ai có thai, đã tìm đến tự tay bóp vú bà ta cho đến lúc vọt sữa ra để kiểm chứng tin đồn (quyển 4, chương Kaneie). Ta hiểu là giới quí tộc được tả ra trong Ôkagami không giống chút nào với giới quí tộc “thanh cảnh” dưới ngòi bút của tác giả Truyện Genji.

    C) Các Tấm Gương Khác:

    Ôkagami đã mở màn cho một thể loại tên gọi “Tấm Gương” (Kagami-mono, Kính vật) nghĩa là loại văn học ghi chép, phản ánh những sự kiện lịch sử. Sau nó có Gương mới (Imakagami, Kim kính), Gương trong (Mizukagami, Thủy kính), thể biên niên, cuối thế kỷ 12), Gương thêm (Masukagami, Tăng kính), thể biên niên, giữa thế kỷ 14), cộng lại tất cả gọi là “Tứ kính” (4 truyện phản ánh lịch sử ). Imakagami viết khoảng sau năm 1174. Có thuyết cho tác giả là Fujiwara no Tametsune (Đằng Nguyên, Vi Kinh hay Thục Siêu). Sách viết lối truyện ký về khoảng thời gian 1025-1170 tức là từ năm Manjuu (Vạn Thọ thứ 2 (1025) đến giữa đời thiên hoàng (thứ 80 ) Takakura (Cao Thương, trị vì 1168-1180), dài ước 150 năm. Tuy chủ đề dựa theo sự thực lịch sử như Ôkagami nhưng văn vẻ chẳng kém Eiga.

    D) Phạm vi ghi chép của sử biên niên và truyện lịch sử

    Nara (từ thượng cổ đến 850)

    -Nihon shoki

    -Shoku-nihongi

    -Nihon kôki

    -Shoku-nihon kôki

    Thời chư thần Jinmu (thứ 1) đến Jinmyô (thứ 54)

    -Mizukagami (Gương trong)

    Heian (từ 850 đến 1036)

    -Nihon Montoku Tennnô Jitsuroku

    -Nihon Sandai Jitsuroku

    -Montoku (55) đến Go-Ichijô (68)

    -Ô-kagami (Gương lớn)

    Heian (từ 1036 đến 1107)

    -Eiga Monogatari

    -Go-Ichijô (68) đến Horikawa (73)

    -Imakagami (Gương mới)

    Kamakura (từ 1183 đến 1339)

    -Go-Toba (82) đến Go-Daigo (96)

    -Masukagami (Gương thêm)


    TẠM KẾT


    Một sự kiện đặc sắc gây ngạc nhiên cho chúng ta là bộ môn tiểu thuyết dưới hình thức truyện kể đã xuất hiện rất sớm ở Nhật Bản (với Taketori khoảng năm 905) và ngạc nhiên hơn nữa nếu đem đặt sự kiện này giữa dòng lịch sử văn học nhân loại nói chung. Không những thế tiểu thuyết Nhật Bản lại vô cùng phong phú và phần lớn được gìn giữ lâu dài cho tới ngày nay qua biết bao nhiêu biến cố chiến tranh và thiên tai. Nó còn làm ta phải suy nghĩ lại trước khi lập luận là trong mọi lãnh vực, kể cả văn học, Nhật Bản không có gì, chỉ mô phỏng mà không biết sáng tạo.

    ____________________________



    CHÚ GIẢI

    [1] Vì tính cách tả chân cuộc sống và tâm lý quí tộc cung đình thời Heian trong truyện, Katô Shuuichi còn xem Utsuho như cuốn tiểu thuyết (novel) đầu tiên trong lịch sử không những Nhật Bản, Trung Quốc mà còn của cả thế giới!

    [2]Có thuyết cho là Mimurodo Inbe (Ngự Thất Hộ Trai Bộ), một viên quan coi việc tế tự thời cải cách năm Taika ( xem Hayashi Tetsuya trong Kokubungaku Nyuumon, 2004).

    [3] Yuzuru (Tịch Hạc, 1949) hay “Hạc Chiều”, kịch hiện đại nổi tiếng của Kinoshita Junji (Mộc Hạ Thuận Nhị, sinh năm 1914) đã mượn đề tài dân gian này.

    [4] Mô-típ thách người đến cầu hôn thực hiện những việc khó khăn thường thấy trong thần thoại như kiểu Hùng Vương thứ 18 thách Sơn Tinh và Thủy Tinh ở nước ta.

    [5] Xem Shin-Kokugo Binran, sđd, tr.81.

    [6] Minamoto-no-Shitagô (Nguyên, Thuận, 911-982), dòng dõi thiên hoàng Saga, một trong Lê Hồ Ngũ Nhân (Nashitsubo-no- Gonin) đã soạn Gosen Wakashuu (Hậu Tuyển Hòa Ca Tập). Còn là tác giả từ điển Wa.myôshô (Hòa Danh Sao).

    [7] Chuyện Cô Bé Lọ lem cũng được thấy rất sớm ở Trung Quốc theo một nghiên cứu mới đây về Dậu Dương Tạp Trở của Đoàn Thành Thức (thông tin của Discovery Channel, 2006).

    [8] Quan chế thời Heian phân biệt Tả, Hữu Đại Tướng ( Taishô), Trung Tướng (Chuujô) và Thiếu Tướng ( Shôjô) khi nói đến các chức võ quan cao cấp trong đội ngự lâm quân.

    [9] Để ý cách chơi chữ : Nise và Kuse đối với nguyên tác Ise.

    [10] Chức võ quan cao cấp hàng thứ ba trong đội cận vệ ngự lâm quân, sau đại tướng và trung tướng, chia làm hai cánh tả, hữu (tả cận, hữu cận). Thường xuất thân con nhà quí tộc.

    [11] Xin xem bài viết riêng về Truyện Genji (bài số 5)

    [12] theo Katô, Shuuichi, sđd

    [13] Trong một chừng mực nào đó, Koto (Cổ Đô), tác phẩm hiện đại của Kawabata Yasunari (1899-1972) cũng có cốt truyện tương tự.

    [14] Tsutsumi Chuunagon vốn là tên người đời gọi ông Fujiwara no Kanesuke (Đằng Nguyên, Kiêm Phụ, 877-933), vì ông sống cạnh bờ đê (tsutsumi) con sông Kamo ở Kyôto. Cuộc sống của ông để lại nhiều giai thoại nhưng liên quan giữa ông và tên sách chưa thiết lập được.

    [15] Thời xưa, tên nhà quyền quí được đọc theo âm Hán (onyomi) như Chương Tử đọc là Shôshi, Định Tử đọc là Teishi. Như thế , trịnh trọng hơn. Ngày nay, dù là người trong hoàng tộc, tên cũng đọc được theo lối âm Nhật (kunyomi). Sôshi thành ra Akiko, Teishi ra Sadako. Khi viết sách, các học giả Nhật đọc theo âm Hán, giáo sư René Sieffert chẳng hạn lại đọc theo âm Nhật.

    [16] Fujiwarano Michinaga có bà cô là hoàng hậu, 2 chị em gái lại là hoàng hậu của 2 thiên hoàng, bốn con gái lấy 3 thiên hoàng và là ông ngoại của 2 thiên hoàng khác.
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  6. The Following 2 Users Say Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    lostheaven (03-06-2013), lynkloo (11-01-2012)

  7. #14
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    Chương 5

    Truyện Genji (Genji Monogatari)
    Di sản văn hóa thế giới. Niềm tự hào của Nhật Bản.

    Nguyễn Nam Trân



    Truyện Genji (Genji Monogatari, Nguyên thị vật ngữ) là một cuốn tiểu thuyết trường thiên đặc sắc, đã ra đời vào đầu thế kỷ 11, rất sớm đối với lịch sử văn học thế giới, trong bối cảnh thời trung cổ Nhật Bản.

    TIẾT I: ĐẶC ĐIỂM CỦA VĂN HỌC TRUNG CỔ NHẬT BẢN


    Danh từ trung cổ dùng để chỉ giai đoạn ngót nghét bốn thế kỷ từ khi vương triều Nhật Bản thiên đô về Hei-an kyô (năm Diên Lịch, Enryaku 13 hay 794) cho đến khi mạc phủ Kamakura được thiết lập (Kiến Cữu, Kenkyuu 3 tức 1192). Những người đóng vai trò chủ yếu trong nền văn học trung cổ thời Heian này không ai khác hơn là quí tộc triều đình Hei-an quây quần chung quanh dòng họ Fujiwara (Đằng Nguyên) nắm quyền bính thời bấy giờ.

    Cuối thời Nara, chính trị đâm vào chỗ bế tắc cho nên việc thiên đô từ Nara về Hei-an (Kyôto) có mục đích xây dựng lại một trật tự chính trị và pháp độ mới. Trước hết là mô phỏng Trung Quốc từ việc kiến trúc đô thành sau đến việc tiếp thu nghi thức của nhà Đường.Thơ văn chữ Hán trở thành văn học cửa công, đồng nghĩa với sinh hoạt cung đình. Thơ quốc âm Waka bị đẩy lui vào bóng tối, chỉ được dùng trong chỗ riêng tư. Đó là thời điểm vương triều xuống sắc chỉ biên soạn ba thi tập chữ Hán, nổi tiếng nhất là Ryôun-shuu (Lăng Vân Tập).

    A) Sự phục hồi văn chương quốc âm :

    Tuy nhiên, từ hậu bán thế kỷ thứ 9, trong tầng lớp quí tộc đã chớm thấy khuynh hướng suy nghĩ độc lập và ý thức muốn thoát khỏi ảnh hưởng nhà Đường. Cùng lúc với sự sáng chế ra chữ kana (giả danh) để ghi các âm tiết , thơ quốc âm đã hưng thịnh trở lại để trở thành một thể loại văn chương có thể đối đầu với Hán văn. Thơ Waka viết bằng kana đã phát triển theo một đường lối riêng và các kỹ thuật như engo[1] (duyên ngữ) và kakekotoba[2] (quải từ) đã đem đến cho nó một sức sống mới.Các nhà quí tộc đã tụ tập nhau tổ chức những buổi xướng họa thi tài (ca hợp hay uta-awase). Rốt cục đến đầu thế kỷ thứ 10, có sắc chiếu của thiên hoàng ra lệnh biên soạn “Tập thơ Waka Từ Xưa Đến Nay” Kokin Waka-shuu (Cổ kim Hòa ca tập) và từ đó thơ quốc âm được nâng cao.

    Một khi kana đã được dùng rộng rãi trong đời sống hằng ngày rồi thì tự nhiên tản văn kana cũng phát triển theo và dưới nhiều dạng thức khác nhau.

    Văn chương với hình thức hư cấu dựa trên những truyền thuyết dân gian nhờ thế đã ra đời. Đó là thể loại truyện hư cấu (tsukuri banashi). Ngoài ra, loại truyện diễn ca (uta monogatari) xuất phát từ thế giới quí tộc cung đình và mang tính cách trữ tình đặc biệt của thế giới đó cũng được viết lại bằng tản văn. Về thể loại thứ nhất, ta có thể kể đến những tác phẩm như “Truyện ông già đốn trúc” (Taketori monogatari, Trúc thủ vật ngữ), “Truyện bộng cây” (Utsuho monogatari, Vũ tân bảo vật ngữ), “Truyện hầm nhà” (Ochikubo monogatari, Lạc oa vật ngữ)… thường nói về những kẻ gặp khốn khó hay bị ngược đãi phải sống trong bộng cây hay dưới hầm nhà nhưng sau nhờ có tài hay có sắc mà tìm được hạnh phúc. Loại thứ hai gồm những tác phẩm như “Truyện ở Ise” (Ise monogatari, Y Thế vật ngữ), “Truyện vùng Yamato” (Yamato monogatari, Đại Hòa vật ngữ) hay “Truyện chàng Heichuu” (Heichuu monogatari, Bình Trung vật ngữ) là những truyện phiêu lưu tình cảm và nhục cảm.

    Bên cạnh nó, ta thấy văn học chính thức với thể văn ghi chép những sự việc bằng Hán văn mang tên là thể nikki (nhật ký) cũng bắt đầu sử dụng chữ kana. Đầu tiên là “Nhật ký Tosa” Tosa nikki (Thổ Tá nhật ký), ghi chép chuyến đi từ địa phương về triều của một vị quan nhưng đã bộc lộ những nghiền ngẫm có tính cách nội tâm. Chính phương pháp biểu hiện bằng tản văn của Tosa nikki đã khơi mào cho nền văn học nhật ký của giới nữ lưu về sau.

    B) Vai trò của nữ giới trong văn học:

    Trong suốt thời gian từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 11, lúc chính trị Nhật Bản nằm trong tay chức sắc Sesshô[3] (Nhiếp chính) và Kanpaku (Quan bạch) [4] (thời gọi là Nhiếp Quan chính trị), giới phụ nữ mới là những người đã đóng góp rất nhiều cho văn học kana tuy tên tuổi của họ nhiều khi không truyền lại tới đời sau. Người mẹ của Fujiwara Michitsuna (Đằng Nguyên, Đạo Cương) (không ai rõ tên) vì muốn phê bình tính hư cấu của văn học monogatari (văn học truyện kể) nên đã viết tác phẩm “Truyện Kiếp Phù Du” Kagerô monogatari (Tinh Đình[5] vật ngữ) để qua đó, bày tỏ quan điểm chuộng sự trung thực và sự tự do biểu lộ tình cảm trong lối viết truyện của mình. Cách viết của bà đã ảnh hưởng rất nhiều đến những tác giả nữ giới về sau và ta đã thấy nó qua các tác phẩm như “Nhật ký bà Izumi Shikibu” Izumi Shikibu nikki (Hòa Tuyền Thức Bộ nhật ký), “Nhật ký bà Murasaki Shikibu” Murasaki Shikibu nikki (Tử Thức Bộ nhật ký), “Nhật Ký thời ở Sarashina” Sarashina nikki (Cánh Cấp nhật ký). Trong tác phẩm của các cây viết lúc ấy còn có Truyện Genji tức Genji monogatari (Nguyên Thị vật ngữ) và Sách gối đầu tức Makura no sôshi (Chẩm thảo tử). Khỏi phải nói, tác phẩm lừng danh Truyện Genji là thành quả tột bậc của văn chương nữ giới. Qua nó, người ta thấy có thể chỉ sử dụng hư cấu cũng có thể tìm hiểu đến ngọn ngành tâm lý thực sự của con người. Bên cạnh Genji monogatari, Makura no sôshi (Chẩm thảo tử) là tập tùy bút (zuihitsu, thể loại văn học mới của thời đó) tinh tế và trau chuốt, vẻ lại được thế giới mỹ quan với bối cảnh là sinh hoạt cung đình.

    Sau khi đạt được đỉnh cao là Truyện Genji, ta sẽ thấy văn học truyện kể monogatari dần dần suy thoái.Tuy hãy có những trường thiên như “Nửa đêm thức giấc” Yoru no Nezame (Dạ bán Tẩm Giác), Truyện quan tham nghị Hamamatsu” Hamamatsu Chuunagon monogatari (Tân Tùng Trung Nạp Ngôn vật ngữ), “Truyện tướng Sagoromo” Sagoromo monogatari (Hiệp Y vật ngữ) hay đoản thiên như “Truyện do quan tham nghị “bờ đê” Tsutsumi góp nhặt” Tsutsumi Chuunagon monogatari (Đê Trung Nạp Ngôn vật ngữ) nhưng không tác phẩm nào có thể so sánh nổi với Truyện Genji.

    Genji đến thăm Tamazakura

    Nàng là một nhân vật quan trọng trong Truyện Genji vì có đến 10 chương nói về nàng. Có thể nàng cũng chỉ là một cái cớ để Genji (hay chính tác giả Murasaki Shikibu) có dịp trình bày nhân sinh quan (về giáo dục con cái, âm nhạc hay tiểu thuyết) của mình.

    Nàng là đưa con rơi của Tôno Chuujô, người bạn và anh vợ của Genji, và nàng Yuugao, người đẹp ma quái đã mất sớm năm 19 tuổi.Vì Genji luyến tiếc mẹ nàng nên đem về nhà bảo bọc. Khi lớn lên, tài mạo tuyệt vời nên có nhiều vương tôn công tử theo đuổi, trong số đó có Kashiwagi, người anh cùng cha khác mẹ nhưng không biết tông tích nàng, lẫn ông cha nuôi đa tình Hikaru Genji, người muốn biến nàng thành một Murasakino Ue thứ hai. Câu chuyện sau đây xãy ra lúc Genji 35 tuổi, Tamakazura 21 và Murasaki no Ue 25:

    Genji luôn luôn nghĩ đến Tamakazura, chàng thường đến thăm nàng và giúp đỡ mọi chuyện.…Một buổi chiều, chàng lẳng lặng tìm đến phòng nàng. Tamakazura đang ngồi trước án thư, kính cẩn cúi đầu chào rồi e thẹn nhìn qua chỗ khác, trông càng thêm đẹp. Bất chợt, Genji thấy nàng sao mà giống mẹ nàng quá. Chàng muốn khóc.

    -Cô tha thứ cho ta, nhưng ta không thể cầm lòng. Khi ta gặp cô lần đầu, ta không tưởng cô giống mẹ cô đến mức này…

    Có một quả quít trong lẳng trái cây trước mặt nàng.

    Hương quít tay áo người xưa,
    Còn vương tay áo em thơ bây giờ”.


    -Sau bao nhiêu năm rồi, ta không làm sao quên được. Nhiều khi ta nghĩ mình đang nằm mơ, và giấc mơ ấy choáng ngợp hồn ta. Xin cô tha lỗi cho ta sự đường đột.

    Thế rồi Genji cầm lấy tay nàng…

    (Trích chương 24: Tamakazura)

    Thế nhưng, Genji đã thất bại trong việc chinh phục cô con gái nuôi. Nàng lấy một ông chồng già vai chú của thiên hoàng và là nhân vật quan trọng thứ ba trong triều sau Genji và Tô no Chuujô. Có lẽ Tamakazura muốn lẩn tránh người cha “nguy hiểm” Genji và cũng tìm sự bảo bọc về đời sống vật chất như những người đàn bà thời đó biết tính toán khi tìm đến hôn nhân. Sau khi chồng chết, Tamakazura nuôi dạy năm đứa con, ba trai hai gái. Hai người con gái nàng sau trở thành phi tần của hai thiên hoàng nhưng cũng gặp cảnh ghen tuông trong cung, làm nàng sầu muộn không ít.

    Akashi no Ue (Hòn Đá Sáng, Cát Trắng):

    Nàng là người địa phương Akashi (vùng đảo Awaji phía nam Kobe bây giờ) chứ không phải người kinh đô, đã kết hôn với Genji trong lúc chàng bị đi đày. Vốn người tự phụ, nếu không gặp ai xứng ý thì không chịu lấy chồng, từ chối bao nhiêu lời cầu hôn cho đến khi gặp Genji, con người lưu lạc. Nàng là mẫu người có ý chí, Genji vừa yêu vừa kính trọng. Thuở nhỏ nàng nghe lời cha, về già nàng sống vì con (con gái nàng sau lấy thiên hoàng, gọi là hoàng hậu Akashi)..Tuy nhiên, nàng cũng tỏ ra là người dào dạt tình cảm và nhục cảm như thấy qua cảnh tái ngộ với chồng sau ba năm xa cách.

    Là người vùng biển Akashi, nơi có cát trắng tùng xanh, phong cảnh đẹp như tên của nàng. Lòng nàng lúc nào cũng hướng về cố hương nên đã trang trí phủ đệ ở Kyôto sao cho gợi nhớ được khung cảnh quê nhà.


    TIẾT II: GIÁ TRỊ VĂN CHƯƠNG CỦA TRUYỆN GENJI


    A) Phương pháp cấu tứ của Truyện Genji:

    Như chúng ta có thể tự hỏi, Murasaki Shikibu đã lấy đâu ra tư liệu để viết một cuốn tiểu thuyết dài và giàu có tình tiết như vật. Thiết tưởng bà có hai nguồn: nguồn Nhật Bản và nguồn Trung Quốc [24].

    Có thuyết cho rằng mối tình của nhân vật hoàng đế Kiritsubo (Đồng Hồ) và nàng Kôi (CánhY), mẹ của, Genji, giống như tình cảnh của thiên hoàng Kazan (Hoa Sơn, 968-1008) với người yêu của ông,. Bà hoàng hậu này chết lúc mang thai đứa con của hai người và làm ông thương nhớ khôn nguôi, đến nổi thoái vị và bỏ đi tu. Truyện có chép trong Eiga Monogatari (Vinh Hoa Vật Ngữ) , cuốn sử truyện Nhật Bản chép sự tích thời đó với nhiều tình tiết giống y trong Truyện Genji tuy chưa có thể chứng minh là giữa hai cuốn, cuốn nào đã nhận ảnh hưởng của cuốn nào. Ngoài ra, trong Truyện Genji, Murasaki Shikibu có nói về vai trò tư liệu của Tam Sử Ngũ Kinh[25] tức là những tác phẩm Trung Quốc.

    Khi đọc Genji, người ta dễ liên tưởng đến những gì đã chép trong Sử Ký, Hán Thư và Bạch Thị Văn Tập, đặc biệt về mối tình của Hán Vũ Đế với Lý Phu Nhân và của Đường Minh Hoàng với Dương Quí Phi. Nhất là việc hai vị hoàng đế đa tình trên đã nhờ đến phương thuật để đi tìm người yêu dấu bên kia thế giới, cũng như hoàng đế Kiritsubo đi tìm nàng Kôi (mẹ Genji), Genji đi tìm Murasaki no Ue và con trai ông, Kaoru, đi tìm Ukifune. Đó là chưa kể ngôn ngữ thi ca của Bạch Cư Dị và Nguyên Chẩn bàng bạc phảng phất khắp trong Truyện Genji.Trong số đó, bài tân nhạc phủ Lý Phu Nhân, bài Trường Hận Ca và Trường Hận Ca Truyện (tác phẩm tản văn xuất phát từ Trường Hận Ca) xem ra có ảnh hưởng to lớn hơn cả.

    Nhà nghiên cứu Shinma Yoshikazu[26] nhấn mạnh đến vai trò của Bạch Cư Dị trong cách cấu tứ của Truyện Genji Không những ông cho biết không khí của Trường Hận Ca và Lý Phu Nhân đã bãng lãng khắp cuốn truyện, làm nổi bật chủ đề “người đàn bà yêu dấu đã mất và người đàn ông luyến tiếc đau khổ” mà còn đặt mối tương quan giữa bài “Hoa Ngô Đồng”(Đồng Hoa ) (thơ Nguyên Chẩn) và “Đáp Lại Bài Hoa Ngô Đồng” Đáp Đồng Hoa (thơ Bạch Cư Dị) cũng như hai câu thơ trong Trường Hận Ca (Xuân phong đào lý hoa khai nhật, Thu vũ ngô đồng lạc diệp thì) với nhân vật hoàng đế Đồng Hồ (Kiritsubo).

    Ông tự hỏi bài “Bàn Về Hôn Nhân” (Nghị Hôn ) (trong loạt thơ Tần Trung Ngâm) phải chăng đã gợi hứng để tác giả Truyện Genji viết về cuộc thảo luận về phụ nữ của bốn chàng trai một đêm mưa tháng năm trong chương Hahakigi (Cây Kim Tước Chi), còn hình ảnh của con chồn biến thành mỹ nữ để mê hoặc người trong các bài thơ “Con chồn gò xưa”(Cổ Trủng Hồ ) hay “Bài hành về người họ Nhiệm” (Nhiệm Thị Hành) vv…có dính dáng gì đến nàng Yuugao u sầu và yếu ớt như người của cõi âm mà Genji đã gặp trong đêm khuya. Cũng thế, mấy câu thơ sau đây của ông Bạch tả hoa đào núi Lư Sơn (có chép lại trong tập thơ Nhật Shinsen ryôei-shuu tức Tân tuyển lãng vịnh tập):

    Nhân gian tứ nguyệt phương phi tận,
    Sơn tự đào hoa thủy thịnh khai.
    Trường hận xuân qui vô mịch xứ,
    Bất tri chuyển nhập thử trung lai.

    (Đại Lâm Tự Đào Hoa)

    Hoa đào chùa Đại Lâm.
    Tháng tư màu thắm cõi người phai,
    Chùa ở non cao, hoa vẫn đầy.
    Trách mãi đi không cho biết chốn,
    Ai ngờ xuân trở gót về đây.

    Giống y hệt cảnh tượng lần đầu Genji gặp cô bé mồ côi Murasaki, chín mười tuổi, đang sống với sư bà trong ngôi chùa trên núi Kitayama. ở Kyôto :

    Trên núi Kitayama, có một cái am nhỏ. Lúc ấy vào khoảng cuối tháng ba...Trong khi hoa ở kinh đô đã bắt đầu rụng thì trên núi hoa anh đào hãy còn nở đầy (Truyện Genji, chương Waka Murasaki):

    Điều nầy làm người ta tự hỏi có phải vì thấm nhuần Hán văn mà Murasaki Shikibu đã chuyển được văn thơ họ Bạch qua Hòa văn một cách tài tình, tự nhiên như cách bà diễn tả trong chương sách nói trên.

    B) Đặc điểm của văn phong Truyện Genji:

    Nói về văn phong của Genji, ta có thể nêu ra hai đặc điểm của nó.

    Thứ nhất, chính trong Truyện Genji, ở chương tường thuật về cuộc đàm luận giữa Hikari Genji với cô con gái nuôi là nàng Tamakazura (Ngọc Mạn) (xem đoạn văn gọi là Lớp Đom Đóm, Hotari no Maki = Huỳnh Quyển) về tương quan giữa sự thực và hư cấu trong tiểu thuyết đã bộc lộ một cách gián tiếp quan điểm về “ tính chân thực của hư cấu ” đề xướng bởi Murasaki Shikibu. Bà từng phê phán tính hư cấu trong các tác phẩm từ trước đến đó chỉ là hư cấu thuần túy không giúp ta nhìn thấy sự thực của cuộc sống. Theo lối nghĩ của bà, chỉ có cách đào sâu tâm lý thực sự và đa diện của từng người chung quanh một nhân vật hư cấu chủ chốt như ông hoàng Genji mới giúp ta hiểu về con người một cách đầy đủ. Murasaki Shikibu đã mượn lời Hikaru Genji để bày tỏ “quan điểm viết tiểu thuyết” của mình như sau :

    Genji nhìn đống bản thảo và tranh ảnh bày la liệt rồi bảo. “ Kìa, lại mê mấy thứ nầy à. Thế không bị nó quấy rầy sao ? Các bà các cô hình như sinh ra để mà bị lừa. Đã thừa biết chuyện bịa thì nhiều còn chuyện có thực rất ít mà vẫn cứ vùi đầu vào mấy cuốn truyện để mắc lỡm. Một đêm mưa tháng năm ẩm ướt như thế nầy mà tóc có rối cũng không thèm chải gỡ, lại cứ ngồi đó sao chép. ”

    Chàng lại cười : “Mà nầy ! Thật ra nếu không có đống giấy cũ nầy chắc chúng mình không có cách nào giải khuây nhỉ ! Hơn nữa, tuy là truyện bịa đặt thật đấy nhưng nhìn vào, thấy nội dung của nó cũng làm cho mình thấm thía và các chi tiết có đầu đuôi hẳn hoi. Đành rằng biết chuyện không có thực nhưng cũng bị lôi cuốn. Như cái đoạn nói về sự khổ tâm của cô công nương (trong Truyện ni cô đền Sumiyoshi, đã nhắc đến ở đoạn trước) thì mình cũng có thông cảm phần nào với cảnh ngộ của nàng. Đôi khi, một số chi tiết phi lý hay khoa trương mình biết không thể có được, lại thu hút mình.Lấy bình tĩnh để nghe đọc lại lần nữa, tuy bực dọc bị thiên hạ đánh lừa, nhưng tâm hồn lại dao động vì những chi tiết kể ra trong các truyện ấy. Mấy lúc nầy, đôi khi ta thử nghe trộm truyện mà con gái ta (công chúa Akashi) hay mấy bà cung nhân trong nhà đọc lên thì thấy ở trên đời thật có nhiều tay tán phét giỏi thật. Chắc là bọn đã quen nói dối, mở miệng ra là thành truyện. Tuy vậy, chắc cũng có kẻ không làm như thế chứ nhỉ !

    Tamakazura (con gái nuôi của Genji) đẩy nghiên mực qua một bên , trả đũa:

    -Cha dạy chí phải. Những người quen nói dối như cha thì tiếp nhận nó như là chuyện bịa đặt mà thôi. Còn con thì hoàn toàn tin đó là sự thực.

    Genji cười bảo :

    -Ta có hơi khiếm nhã khi phê bình mấy cuốn truyện của các cô. Truyện kể có lẽ là cái ghi chép những gì xảy ra từ thời các thần cho đến thời đại của con người.Hai cuốn sử Nihongi (Nhật Bản Kỷ) và Nihon shoki (Nhật Bản thư kỷ) chỉ chép được một phần nhỏ những chuyện đó. Cho nên, theo ta nghĩ, truyện kể (của các cô) mới làm được phận sự ghi chép đầy đủ và chân thật sinh hoạt của con người.

    Chàng lại nói tiếp :

    - Truyện kể tuy nói về những con người đang sống thực nhưng không phải một thứ sự thật đơn thuần, xảy ra thế nào thì chép thế ấy. Ta chỉ bắt đầu viết khi có những chuyện tốt và chuyện xấu. Ta phải đem những điều tai nghe mắt thấy truyền lại cho đời sau chứ không được giữ riêng trong lòng mình. Nếu người kể truyện muốn nói chuyện tốt đẹp thì chỉ giữ lại điều tốt, còn như muốn hấp dẫn người nghe thì đưa ra những chuyện xấu xa hoặc chuyện lạ lùng. Xấu hay tốt, đều là những chuyện thuộc về thế giới con người mà ! ”

    (Trích Chương 25 : Hotaru)

    Đặc điểm văn học thứ hai được bộc lộ qua lời phê bình của nhà nghiên cứu thời Edo tên là Motoori Norinaga (Bản Cư, Tuyên Trường, 1730-1801) trong tập “Cái lược gỡ những hạt ngọc của Truyện Genji” hay Genji Monogatari tama no kogushi (Nguyên Thị vật ngữ ngọc tiểu trất) khi ông muốn tìm tòi (chải gỡ, vì kogushi có nghĩa là “ cái lược nhỏ ”) cái hay của Genji. Ông bảo khác với các tiểu thuyết đậm mầu triết lý và đạo đức khuyên người làm lành lánh dữ của Nho Giáo và Phật Giáo cho đến thời đó, Genji chỉ muốn trình bày phản ứng tâm lý và tình cảm con người vốn có khi đứng trước một người khác phái đáng yêu, một cảnh tượng khiến mủi lòng hay trước vẻ đẹp thiên nhiên. Lúc đó trong lòng con người tất phải thưởng thức được niềm xúc động chỉ bộc lộ ra khi chủ thể quan sát vào khách thể đối tượng hòa nhập làm một. Motoori gọi đó là khả năng bắt gặp cái Mono-no-Aware[27] hay “ hồn của sự vật ” hay “ cái đẹp đến se sắt con tim gợi ra từ những vật mong manh ”[28], một đặc điểm hàm chứa trong văn chương. Mono là đối tượng khách quan trong khi aware là tình cảm chủ quan, Mono no aware chỉ có khi cả hai bên gặp gỡ nhau. Mono no aware là một khái niệm rất khó dịch nhưng theo lời giảng giải trong Truyện Genji thì nếu con người đứng trước một người, một cảnh, một sự vật đáng lẽ làm mình cảm động mà không cảm động là người không hiểu gì về Mono no aware và như thế, không có trái tim người.
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  8. The Following User Says Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    lynkloo (11-01-2012)

  9. #15
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    C) Vị trí Truyện Genji trong văn học Nhật Bản:

    Trong dòng văn học Nhật Bản, Truyện Genji đến sau Utsuho và Ochikubo, đã cho ta thấy sự tiến triển của tiểu thuyết quốc âm kana.

    Trước tiên, không cần nói đến số trang thì ta còn thấy bố cục của câu chuyện nhất quán hơn, những chi tiết thần thánh siêu nhiên đã bị lược bỏ khá nhiều. Lối kể chuyện có tính cách khách quan và tình tiết trong truyện rất gần với đời thường, tâm lý nhân vật được phân tích một cách tinh tế. Nhân vật Genji đóng một vai trò quan trọng hơn nhân vật Nakatada của Truyện bộng cây (Utsuho) nên điều đó đã giúp Truyện Genji có một cốt truyện mạch lạc hơn. Tuy là một con người lý tưởng, chàng Genji gần gũi với người thường hơn trong khi Nakatada như được thần thánh hóa (chàng Nakatada học được tiếng đàn thần nhân truyền lại cho tổ phụ ) nên kém vẻ xác thực.

    Về mặt ngôn ngữ, Genji hãy còn sử dụng một số ngôn ngữ hạn chế và câu văn với hình thức mơ hồ gây khó khăn cho độc giả thời nay. Có lẽ độc giả của Murasaki Shikibu chỉ là quí tộc cung đình đã có với nhau một số qui ước trong ngôn ngữ lẫn cách sống nên dễ dàng tiếp nhận nó hơn chúng ta.

    Điểm thứ ba cần phải nhắc đến là màu sắc Phật giáo, nồng cốt triết lý của truyện, một phần đến từ truyền thống Phật giáo có từ xưa trong cung đình, một phần do tư tưởng của Tịnh Độ Tông. Luân lý của truyện là cuộc đời bèo bọt, vinh hoa chỉ thoáng qua và gieo nhân thì phải gặt quả (tư tưởng gô tức nghiệp và sukuse hay túc thế). Đàn ông đàn bà thí phát qui y được xem như là một cách giải quyết vấn đề cho chính bản thân, cho người chung quanh và cho cả tác giả Murasaki Shikibu. Tám trong mười người đàn bà dính dáng tới ông hoàng Genji đã gọt tóc làm ni, còn hai người kia chết trẻ.

    Về bút pháp, ta thấy tác giả đã dàn dựng tài tình những tình huống để trình bày chuyển biến của thái độ các nhân vật. Ví dụ nàng “Xác Ve” Utsusemi (Không Thiền) thời con gái tôn thờ hình ảnh chàng Genji thế nào mà khi đã lấy chồng, một ông quan già đi phó nhậm phương xa, đã cự tuyệt và chạy trốn tình yêu của Genji khi con người hào hoa nàng ôm ấp trong mộng nay thực sự tìm đến với nàng. Một thí dụ khác là thái độ (thủ phạm) của Genji lúc chàng có mối tình cấm đoán với bà dì Fujitsubo và thái độ (nạn nhân) lúc chàng gặp cảnh vợ mình ngoại tình với con trai bạn mình là Kashiwagi. Tác giả Murasaki Shikibu cũng khéo léo sử dụng yếu tố thời gian để dẫn dắt câu chuyện như khi đem cái bóng của quá khứ trùm lên cuộc sống hiện tại của các nhân vật : hoàng đế Kiritsubo yêu Fujitsubo vì nàng giống người vợ mệnh yểu của mình, Genji cũng yêu nàng vì nàng giống mẹ chàng. Genji bị Murasaki no Ue thu hút vì nàng là hình ảnh của Fujitsubo. Chàng ta lại tiến gần đến với Tamazakura lại vì nàng là hiện thân của Yuugao, mẹ nàng và người yêu cũ của Genji. Kaoru yêu Uji no Ôgimi nên đến khi gặp cô em khác mẹ Ukifune của nàng thì lại yêu luôn....Những mối tình vượt không gian, thời gian và thông qua các “ đại diện ” như thế cho ta thấy quá khứ, hiện tại và tương lai như giao thoa với nhau làm cho câu chuyện được tiếp nối một cách sinh động.

    Sự phong phú của Truyện Genji không chỉ nằm ở tính cách đa diện của tâm lý (yêu thương, hờn giận, ghen tuông, tưởng nhớ, dấu diếm, sầu muộn, ghét bỏ, phản bội, luyến tiếc...) của con người qua những cuộc phiêu lưu tình ái. Nó còn giúp cho người hiện đại hiểu về nhân sinh quan của những kẻ sống trước ta 10 thế kỷ. Ngoài quan niệm về sáng tác văn học (chương 22 Tamakazura “ Mái Tóc Đẹp ”, chương 25 Hotaru “ Đom Đóm ”) như đã nói ở trên, ta còn hiểu được lối suy nghĩ của họ về giáo dục con cái (chương 21 Otome “ Thiếu Nữ ”) hôn nhân (chương 32 Umegae “ Cành Mơ ”)... cũng như phong tục tập quán đương thời.

    Thông qua vô số tình tiết ly kỳ của cuốn truyện, ta có thể xem định mệnh của Genji như định mệnh của môt đứa con tìm mẹ, bị cản trở (qua mối tình tội lỗi với “ bà dì ” Fujitsubo) nên đã tìm cách thoát ra bằng cách đi chinh phục hết người đàn bà nầy đến người đàn bà khác. Trước Genji, không có truyện nào có thể sánh bằng đã đành mà văn học diễm tình về sau đều chịu ảnh hưởng của nó. Ví dụ trường hợp của các tiểu thuyết lịch sử “ Truyện tướng Sagoromo ” (Sagoromo monogatari, Hiệp Y Vật Ngữ) miêu tả cuộc đời tình ái của chàng võ quan Sagoromo Taishô (Hiệp Y đại tướng) và “ Truyện kiếp vinh hoa ” Eiga monogatari (Vinh Hoa vật ngữ) nói về dòng họ quyền thần Fujiwara no Michinaga. Cho đến thời trung cổ và cận đại, ta cũng thấy ảnh hưởng đó trong thi ca (waka), kịch nghệ (các bài ca hay yôkyoku = dao khúc tuồng Nô, tiểu thuyết “ Một đời trai đắm sắc ” (Kôshoku Ichidai Otoko = Háo sắc nhất đại nam) của Ihara Saikaku (Tỉnh Nguyên, Tây Hạc, 1642-1693) hay “ Genji giả, Murasaki ruộng ” (Nise Murasaki Inaka Genji, Ngụy tử điền xá Nguyên Thị) của Ryuutei Tanehiko (Liễu Đình, Chủng Ngạn, 1783-1842) một cuốn truyện tự xưng mô phỏng Truyện Genji của một tác giả mạo danh, có một vai chính quê mùa. Ngay cả các nhà văn cận kim và hiện kim hàng đầu như Higuchi Ichiyo (Dũng Khẩu, Nhất Diệp, 1872-1896), Akutagawa Ryuunosuke (Giới Xuyên, Long Chi Giới, 1892-1927), Tanizaki Jun-ichirô (Cốc Kỳ, Nhuận Nhất Lang,1886-1965) hay Kawabata Yasunari (Xuyên Đoan, Khang Thành, 1899-1972)... đều ái mộ ngữ vựng, cách diễn tả và đề tài của Genji, đem nó vào tác phẩm của mình.

    Nhiều bản Truyện Genji kim văn bằng tiếng Nhật đã ra đời để giúp độc giả hiện đại thấu hiểu giá trị văn chương của người đời trước, trong đó có bản của văn hào Tanizaki Jun-ichirô và nữ sĩ (kiêm sư bà) Setouchi Jakuchô (Lại Hộ Nội, Tịch Thính). Bản thông dụng có lẽ là bản khổ bỏ túi của nhà xuất bản Kôdansha (1978) gồm 7 cuốn, tổng cộng 3500 trang khổ A6 với khổ chữ rất nhỏ, do giáo sư tiến sĩ Imaizumi Tadayoshi (Kim Tuyền, Trung Nghĩa, 1910-1976), giáo sư danh dự Đại học Quốc Học Viện (Kokugakuin Daigaku) dịch toàn văn. Truyện Genji còn được trích dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới với sự đóng góp của các dịch giả tên tuổi (nhưng khi dịch không khỏi vò đầu bứt tai vì quá khó) như Arthur Waley (Anh), Edward Seidensticker (Mỹ), René Sieffert (Pháp)…, giúp cho độc giả quốc tế biết đến giá trị của nó và đánh giá như một di sản tinh thần quí báu của kho tàng văn hóa nhân loại.


    _____________________________


    CHÚ GIẢI

    [1] Engo (duyên ngữ) là một chữ dùng trong waka có hiệu quả gây liên tưởng đến một chữ khác trong câu. Ví dụ chữ Tiêu dù đặt ở chổ nào trong câu cũng làm ta liên tưởng đến chữ “tuyết “ vì có cặp từ “tuyết tiêu” (tuyết tan).

    [2] Kakekotoba (quải từ) chữ đồng âm dị nghĩa ví dụ như Matsu vừa có nghĩa là “cây tùng” (danh từ) vừa có nghĩa là “chờ đợi” (động từ).Chữ Nagame vừa có nghĩa là “nhìn dõi về xa” (diễu) vừa có nghĩa là “mưa dầm” (trường vũ).

    [3] Sesshô (Nhiếp chính), quyền thần thay mặt thiên hoàng (vì còn quá trẻ hay là nữ giới) để trị nước. Trong trường hợp này để chỉ ngoại thích Fujiwara.

    [4] Kanpaku (Quan bạch) trọng thần thay mặt thiên hoàng trông coi việc nước, có điều gì cũng phải bẩm người ấy trước mới tâu sau. Trường hợp nầy cũng để chỉ giòng họ Fujiwara.

    [5] Còn đọc là Thanh Đình

    [6] Tập 1 ra đời năm 1008 (niên hiệu Khoan Hoằng năm thứ 5) lúc tác giả khoảng 38 tuổi.

    [7] Theo chế độ pháp luật thời cổ, Shikibu (Thức Bộ) là một trong 8 bộ, lo việc nghi thức. Gia đình nào chuyên trông coi việc lễ nghi có thể được lấy chức đó làm họ.

    [8] Theo Genji Monogatari, Beginners Classics, nhà xuất bản Kadokawa Shoten biên tập, Kadokawa phát hành, 2004.

    [9] Trước đó ít lâu, một tài nữ khác, Sei Shônagon (Thanh, Thiếu Nạp Ngôn), tác giả tập tùy bút Makura Sôshi (Chẩm thảo tử) đã vào hầu hoàng hậu (cũng của Nhất Điều thiên hoàng) tức bà Fujiwara Teishi (Đằng Nguyên Định Tử, 976-1000).

    [10] Hoàng hậu mới lập sau, để phân biệt với bà hoàng hậu Fujiwara Teishi (Đằng Nguyên, Định Tử), con gái Michitaka (Đạo Long), bác ruột của bà. Sau khi nhà Michitaka suy vi, bà Teishi bỏ đi tu (996) và chết sớm (1000), Michinaga cho con gái Shôshi (Chương Tử), tuổi hãy còn bé, nhập cung (999). Bà này liền được phong hoàng hậu (1000). Lần đầu trong lịch sử Nhật có liên tiếp 2 Hoàng Hậu (nhất đại nhị hậu) vì quyền thần Michinaga muốn có cháu ngoại kế vị thiên hoàng.

    [11] Có thể liên tưởng tới bà “cung trung giáo tập” Ngô Chi Lan, Đoàn Thị Điểm, Bà huyện Thanh Quan của Việt Nam.

    [12] Đơn vị Nhật Bản để đo lường số trang, tính tùy khổ giấy. Một thiếp có thể có đến 48 trang giấy Nhật.

    [13] Ienaga (sđd) cho rằng Genji “mặt sáng như gương” là hình ảnh của Fujiwara Michinaga, con người toàn hảo về mọi mặt, vinh hoa tột đỉnh nhưng rốt cục cũng bó tay trước định mệnh.

    [14] Kaoru tùy trường hợp, có nghĩa là thơm tho hay đẹp đẽ.

    [15] Ngô đồng (Kiri) tức cây vông. Hoa văn hoa ngô đồng hay hoa cúc thường thấy trên áo xống vật dụng hoàng đế. Có thể vì sân trong (tsubo) chung quanh cung của hoàng đế Kiritsubo trồng nhiều cây kiri.

    [16] Genji trở thành một danh từ chung, ám chỉ những người con không chính thức của thiên hoàng.

    [17] Fuji (hoa tử đằng, wisteria). Cung của bà phi nầy có sân trong (tsubo) tr ồng loại hoa giây màu tím nhạt này nên bà có tên hiệu là Fujitsubo.

    [18] Tóm tắt theo Puette, William J., Guide To the Tale Of Genji, 1983, Tuttle Co., Tôkyô.

    [19] Yomogi thường được biết như cỏ ngãi cứu (viết bằng chư ngãi) hay cỏ bồng (viết bằng chũ bồng), đây muốn nói về cuộc đời trôi nổi, nghèo khó của các nhân vật.

    [20] Có ảnh hưởng của Trường Hận Ca và thi văn Bạch Cư Dị lên trên Truyện Genji.

    [21] Uji (Vũ Trị), vùng thung lũng phía nam Kyôtô, có sông Ujigawa chảy qua, thời Hei-an là nơi quí tộc xây cất biệt thự, có nhiều danh thắng, nổi tiếng vì trà ngon.

    [22] Theo Ienaga (sđd)

    [23] Seidensticker, Edward, G., translate The Tale of Genji, Murasaki Shikibu, Everyman’s Library, GB, 1976 & 1992.

    [24] Xem Shinma Kazuyoshi, Genji Monogatari to Hyaku-Kyo-i no Bungaku (Truyện Genji và văn chương Bạch Cư Dị), Izumi Shooin, Tôkyô, 2003.

    [25] Tam Sử là Sử Ký, Hán Thư và Hậu Hán Thư. Ngũ Kinh là Kinh Thi, Thư, Lễ, Nhạc và Xuân Thu.

    [26] Truyện Genji và văn chương Bạch Cư Dị, sách đã dẫn.

    [27] Aware nguyên là A-hare giống như một tiếng kêu kinh ngạc và cảm kích như “Ôi chao!”. Vào thời trung cổ, nó chỉ biểu diễn phản ứng của con người trước một vẻ đẹp hay yêu kiều, qua thời cận đại thì nó trở thành phản ứng trước cái gì buồn. Cho nên vẻ đẹp Nhật Bản thường gắn với nỗi buồn (Aware được viết với chữ Ai trong tiếng Hán) ví dụ một cảnh tiêu sơ, hoang phế cũng có cái nét đẹp của nó (Chúng ta có Bà Huyện Thanh Quan?).

    [28] Tạm dịch “beauté poignante des choses fragiles ” theo lối diễn tả của J.Pigeot và J.-J.Tschudin.
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  10. The Following 2 Users Say Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    lostheaven (03-06-2013), lynkloo (11-01-2012)

  11. #16
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    Chương 6

    Truyện Heike (Heike Monogatari), Thái Bình Ký (Taiheiki) và văn chương chiến ký Nhật Bản.
    Định mệnh bi tráng của con nhà võ.

    Nguyễn Nam Trân




    DẪN NHẬP


    Vào nửa sau thời Hei-an (794-1185) đã có các tập ghi chép về chiến sự nhưng bằng Hán văn như Ghi chép về Taira Masakado tức Shômonki[1] (Tướng Môn ký), Ghi chép chuyện vùng Mutsu tức Mutsu Waki [2](Lục Áo thoại ký). Chi tiết ghi lại bên trong và lối hành văn của chúng rất lôi cuốn. Đó là hai tác phẩm tiên phong trong thể loại truyện mang chủ đề chiến tranh. Đến đời Kamakura (1185-1333), lại có thêm 3 hồi ký chiến tranh quan trọng : Truyện thời Hôgen (Hôgen Monogatari, Bảo Nguyên vật ngữ), Truyện thời Heiji (Heiji Monogatari, Bình Trị vật ngữ) và Truyện Heike hay Heike Monogatari (Bình Gia vật ngữ).

    Dòng văn học Gunki (Quân ký hay ký sự chiến tranh)

    Hei-an (794-1185)

    • Shômonki (Tướng Môn ký) sau 940.
    • Mutsu Waki (Lục Áo thoại ký (khoảng 1062)

    (hai tác phẩm tiền thân của gunki)

    Kamakura (1185-1333)

    • Hôgen Monogatari (Bảo Nguyên vật ngữ) khoảng giữa thế kỷ 13
    • Heiji monogatari (Bình Trị vật ngữ) khoảng giữa thế kỷ 13.
    • Heike monogatari (Bình Gia vật ngữ) bản đầu tiên, có khoảng giữa thế kỷ 13.


    Muromachi (1333-1568)

    • Taiheiki (Thái Bình ký) giữa thế kỷ 14.
    • Gikeiki (Nghĩa Kinh ký) giữa thế kỷ 14.
    • Soga Monogatari (Tô Ngã vật ngữ) cho đến giữa thế kỷ 14.


    TIẾT I: TRUYỆN THỜI HÔGEN VÀ TRUYỆN THỜI HEIJI


    Hai Truyện thời Hôgen và Truyện thời Heiji lấy đề tài từ hai cuộc nội loạn giống như đảo chánh xảy ra dưới niên hiệu Hôgen (Bảo Nguyên, 1156), thời điểm mở màn cho cuộc tranh chấp quyền lực giữa hai họ Taira (Bình) và Minamoto (Nguyên), và niên hiệu Heji (Bình Trị, 1160) năm họ Taira lên nắm chính quyền. Cả hai đều miêu tả xu thế đương thời là sự hưng thịnh của giai cấp quân nhân (đánh dấu “musa no yo”[3] = “thời đại quân nhân”). Hôgen thuật lại cuộc chiến đấu anh dũng của danh tướng Tametomo nhà Minamoto (Nguyên, Vi Triều, 1139-1170), thua trận và tự sát năm mới 31 tuổi. Còn Heiji kể về bước đường lưu lạc truân chuyên của nàng Tokiwa [4](Thường Bàn), người thiếp của bại tướng Minamoto no Yoshitomo (Nguyên, Nghĩa Triều, 1123-1160) và đàn con của hai người sau khi Yoshitomo bị họ Taira giết.

    Nội dung hai truyện tuy dựa vào sự thực lịch sử nhưng có thêm tình tiết hư cấu làm cho chúng có nhiều kịch tính. Cấu trúc của chúng lắm chỗ tương đồng nên các nhà viết văn học sử nghi ngờ rằng cả hai đều do một tác giả soạn ra. Bản đầu tiên của hai cuốn truyện có lẽ đã được viết ra vào giữa thế kỹ 13. Lời văn mạnh mẽ hùng hồn, thể văn pha Hòa lẫn Hán. Cùng với truyện Heike, chúng hợp thành một tam bộ tác (trilogy), nói về sự thịnh suy của tập đoàn quân nhân do họ Taira tức Heike lãnh đạo.


    TIẾT II: TRUYỆN HEIKE (HEIKE MONOGATARI)


    A) Nguồn gốc và nội dung:

    Tác giả truyện này không biết là ai và bản đầu tiên cũng như hai truyện nói trên được phỏng đoán được viết ra vào giữa thế kỷ thứ 13 (niên hiệu Jôkyuu 1219-1222 hay Ninji 1240-1243). Truyện thuật lại cuộc tranh hùng giữa hai họ Taira (Bình) và Minamoto (Nguyên) này thường được ca tụng như cuốn sử thi Ilias của nhà thơ mù Homeros (thế kỷ thứ 9 trước công nguyên) kể về 10 năm tranh chấp quân sự giữa thế lực thành Troy và người Hy Lạp. Hai sử gia Mason và Caiger[5] lại xem nó là tác phẩm tương đương với thiên anh hùng ca bi tráng nói về dũng sĩ Roland (Chanson de Roland, giữa thế kỷ 11 ở Pháp), cháu của đại đế Charles, đánh nhau với quân Hồi Giáo và chết trong thung lũng Roncevaux khi cầm quân đoạn hậu, được truyền tụng suốt thời Trung Cổ trong mọi tầng lớp dân chúng bên Tây Phương.

    Truyện Heike kết hợp lối văn nikki, nhật ký ghi chép việc hằng ngày lẫn lối văn setsuwa, tức truyện răn đời của tăng lữ. Thế nhưng bản được lưu hành đến ngày nay được gọi là bản Kakuichi-bon hay katari-bon (bản làm ra để kể trước đám đông). Bản Kakuichi (tên người soạn nó) có tất cả 13 quyển nghĩa là 12 quyển (maki) chính và một một quyển phụ gọi là Kanjô no maki. Mỗi quyển lại giống như mỗi màn, độc lập với nhau.

    1- Phần trước từ quyển 1 đến 6: Nội dung câu truyện liên quan đến cảnh vinh hoa phú quí cùng cực của tập đoàn đại quí tộc Taira (Bình) lúc người cầm đầu nó, Taira-no-Kiyomori (Bình, Thanh Thịnh), giữ chức Thái Chính Đại Thần, quyền nghiêng thiên hạ. Vì Kiyomori đạt đến cực điểm danh vọng nên đâm ra chuyên quyền làm cho thế lực phản-Taira tụ tập dưới trướng Minamotono Yorimasa [6] (Nguyên, Lại Chính) đã lần lượt cử binh chống đối Taira, trong đó nổi tiếng hơn hết là Minamotono Yoritomo (Nguyên, Lại Triều) và người anh em họ, Kiso Yoshinaka (Mộc Tăng, Nghĩa Trọng, tên hiệu của Minamotono Yoshinaka). Họ Minamoto trước kia là đồng minh của Taira nhưng đã tranh chấp quyền lợi với thế lực này và thất bại trong những âm mưu đảo chánh.

    2- Phần sau từ quyển 7 đến 12: Đúng vào lúc đó, Kiyomori lại lên cơn sốt rồi chết, quân của Yoshinaka tiến công thần tốc đến nổi nhà Taira phải bỏ Kyôto tháo chạy. Nhưng vì bộ hạ ông ta tàn ác thất nhân tâm[7] nên Yoshinaka bị Minamotono Yoshitsune (Nguyên, Nghĩa Kinh), con trai thứ chín của Yoshitomo, phó tướng và là em khác mẹ của Yoritomo, tru diệt. Sau đấy, họ Taira (Heike) còn bị thiên tài quân sự Yoshitsune nầy chẻ tan lực lượng trong trận Ichi-no-tani (Nhất Cốc) và Yashima (Ốc Đảo), rốt cục hoàn toàn diệt vong khi Yoshitsune đánh chìm đoàn chiến thuyền của họ ở bến Dan-no-Ura (Đàn Phố) gần Shimonoseki bây giờ.

    3- Quyển 13 nói về cuộc sống ẩn cư tu hành của cựu hoàng hậu Kenreimon-in[8] (Taira Tokushi, 1155-1213, con gái thứ của Taira no Kiyomori) ở phía bắc thành phố Tôkyô sau khi bà tự trầm hụt trong trận hải chiến Dan no ura (1185).

    Truyện Heike không những tả cuộc sống vinh hoa của họ Taira mà thôi nhưng còn kể lại cảnh ngộ của người đẹp Gi-ô [9](Kì Vương) khi bị Kiyomori thất sủng, cảnh ngộ ái cơ Kogô[10] (Tiểu Đốc) của thiên hoàng Takakura (Cao Thương) phải lẩn trốn ở Sagano vì sợ Kiyomori hãm hại. Truyện còn tả lại những cảnh thương tâm của con cháu nhà Taira xảy ra sau khi binh đoàn của họ bị tiêu diệt. Tác phẩm lấy quan điểm vô thường của Phật Giáo làm cơ sở, miêu tả sống động khung cảnh chiến tranh và tâm tình đẹp đẽ nhưng thảm thiết của con người trước những sinh ly tử biệt.

    Sau đây là đoạn văn mở đầu Truyện Heike:

    Tiếng chuông (của Vô Thường Đường) trong Kỳ Viên Tinh Xá (bên Thiên Trúc) ngân nga nhắc người ta mọi vật ở trên đời nầy vốn biến đổi không ngừng. Bốn phía nơi Đức Thế Tôn nhập diệt, hoa hai hàng cây thiêng sa la (màu vàng ngã sang) bạc trắng như muốn nhắn nhủ: kẻ thịnh tất phải suy, những ai quyền thế ngạo nghễ cũng chỉ được một thời. Mọi sự khác nào giấc mộng ngắn ngủi đêm xuân. Dũng mãnh cho lắm rồi cũng bị tiêu diệt như bụi bay xa khi cơn gió quét.

    (Heike Monogatari, Kỳ Viên Tinh Xá, kỳ nhất)

    Nguyên văn đọc lên còn ngân nga hơn nhiều:

    (Kỳ Viên Tinh Xá chung thanh, chư hành vô thường (chi) hưởng. Sa La song thụ hoa sắc, thịnh giả tất suy (chi ) lý. Xa nhân bất cửu như xuân dạ chi mộng. Vũ giả tất diệt đồng phong tiền trần viễn).

    Truyện Heike bản gốc dường như ra đời vào giữa thế kỷ 13, có thuyết cho rằng tác giả của nó là một viên trấn thủ tiền nhiệm đất Shinano tên là Yukinaga (Hành Trường). Ông ta viết ra và được một người mù tên Shôbutsu (Sinh Phật) đem đi hát. Chính trong tác phẩm Viết Lúc Buồn Tình (Tsurezuregusa, Đồ Nhiên Thảo), tập bút ký ra đời khoảng 1330 của tăng nhân Yoshida Kenkô (Cát Điền, Kiêm Hảo), trong đoạn số 226 có cho biết Yukinaga là người sống thời thái thượng hoàng Go-Toba (trị vì 1198-1221) và có tiếng hay chữ.

    Có nhiều thuyết khác về nguồn gốc của Truyện Heike. Cũng có thể đó là Truyện Đời Jijô (Jijô Monogatari, [11]Trị Thừa vật ngữ), 6 cuốn, xuất hiện trước đó và sách này được gọi là bản “Heike” trong Hyôhanki (Binh Phạm Ký) của Taira no Nobunori (Bình, Tín Phạm), một tác phẩm ghi chép về chiến sự năm Ninji (Nhân Trị) nguyên niên (1240). Truyện Heike ban đầu được các biwa-bôshi (tỳ bà pháp sư) tức những nhà sư mù vác đàn tỳ bà đi đàn và kể dạo khắp đó đây. Những khúc ấy gọi là Heikyoku (Bình khúc). Qua nhiều người kể, người nghe, người đọc nên vô tình hay cố ý, khúc ấy được tăng bổ và cải biên, nhân đó mà đậm đà và phong phú hơn. Ví dụ tác phẩm Genpeijôsuiki [12](Nguyên Bình thịnh suy ký), một dị bản của Heike cũng đã được “sáng tác tập thể” theo một quá trình tương tự.

    Văn thể của Heike là thể hỗn hợp Hòa Hán nghĩa là chữ kana xen với chữ Hán đọc theo âm Hán và âm Nhật, trộn lẫn cả tiếng thông tục. Không những thế, trong Heike, ngôn ngữ Phật Giáo cũng thường được sử dụng và có văn vần chen vào với những câu thơ theo thể 5-7 diễm lệ và trữ tình, làm cho toàn thể áng văn hài hòa và hùng tráng. Có thể nói Heike đứng hàng đầu các tác phẩm thuộc thể loại ký sự chiến tranh và là tác phẩm tiêu biểu cho văn học Nhật Bản thời trung cận đại. Đời sau, các hình thức văn chương như yôkyoku (dao khúc) tức ca từ của tuồng Nô, loại truyện giải buồn otogi sôshi (ngự già thảo tử), hay sân khấu búp-bê jôruri (tĩnh lưu ly) đều khai thác vô số đề tài lấy từ Heike.

    B) Nhân vật trong Heike[13]:

    Đặc điểm của Heike là nhân vật đôi khi đầy mâu thuẫn nội tâm nhưng rất con người. Những nhân vật ấy có giá trị tượng trưng, được khai thác liên tục trong dòng văn học về sau, tiêu biểu là vai trò chủ đề của những tuồng Nô và Kabuki. Các nhân vật chủ chốt được nhắc tới là cha con quyền thần Tairano Tadamori và Tairano Kiyomori, hai nàng con hát Gi-ô và Hotoke, các nhà sư Shunkan, Mongaku, các vũ tướng , Kiso Yoshinaka, Minamoto no Yoshitsune, Taira no Tadanori, Taira no Tomomori.

    -Tadamori (Trung Thịnh, 1096-1153), cha của Kiyomori, dù là con cháu hoàng tộc nhưng xuất thân vũ biền, đánh đuổi cướp biển, được sự tin cậy của hai vị thiên hoàng Shirakawa và Toba, biết chiều chuộng họ mà phất lên. Ông tiêu biểu cho lớp người hãnh tiến. Tuy vậy, ông cũng là người đã tận tực trong việc mậu dịch Nhật Tống, có phong độ tao nhã: thích gái đẹp, biết làm thơ và có tài thổi sáo.

    -Nàng Gi-ô (Kỳ Vương) được Kiyomori (Thanh Thịnh) sủng ái đến thế mà bị cô gái tên Hotoke (Phật) mới 16 tuổi đầu đến lấy mất chỗ, hành hạ đến nỗi phải xuống tóc đi tu . Nàng xuất thân là con hát, nhờ được Kiyomori yêu dấu mà một nhà cả mẹ lẫn em gái đều vinh hiển. Chính nàng đã giúp Hotoke có cơ hội phô trương tài nghệ nhưng sau nàng lại bị Kiyomori hạ nhục, bắt phải ca hát biểu diễn giúp vui Hotoke khi đến phiên cô này trở thành người được Kiyomori sủng ái. Qua câu chuyện hai người con hát nầy, ta đã thấy trước được một phần nào tấn tuồng “thịnh giả tất suy”, nồng cốt của triết lý Heike, nhất là lúc Hotoke đang đêm tìm đến thảo am trong núi ở Saga để tạ tội với Gi-ô vì nàng cũng đã giác ngộ về cái bèo bọt của vinh hoa phú quí.

    -Tăng Shunkan (Tuấn Khoan) chứa chấp những người tham gia cuộc hội nghị bí mật ở Shishi no tani âm mưu diệt Heike, bị tội đày ra ngoài đảo Kikaigashima (Quỷ Giới, bây giờ là đảo I-ô jima nổi tiếng trong đại chiến thứ hai). Khi tất cả những kẻ cộng mưu đều được tha về, chỉ còn ông ta ở lại và biến thành một thứ người rừng. Tuy nhiên lúc trước khi nhịn đói mà chết , ông còn được Ariô, một người tớ trung thành, từ kinh đô lặn lội đến thăm.

    -Tăng Mongaku (Văn Giác) trước là vũ tướng Endo Moritô, năm 19 tuổi giết lầm người yêu nên cạo đầu xuất gia. Truyện đời của ông miêu tả một samurai nóng nảy đã nhờ tu hành mà hướng thiện, có công giúp Minamotono Yoritomo diệt nhà Taira và xây dựng sự nghiệp mạc phủ Kamakura. Ông có lòng nhân cứu giúp Rokudai, giọt máu cuối cùng của nhà Taira được tồn sinh nhưng sau mạc phủ Kamakura bắt ông lưu đày còn Rokudai bị tử hình. Những người cầm quyền muốn “nhổ cỏ tận gốc”dù cậu bé 16 tuổi nầy đã thế phát qui y, không liên can đến chính trị nữa.

    -Kiyomori (Thanh Thịnh, 1118-1181), nhân vật chính của Heike nhưng chỉ xuất hiện trong phần đầu, tượng trưng cho con người tham bạo nhưng cũng có một vài nét đẹp như tha chết cho đứa con (Yoritomo) của kẻ thù để rồi sau này cả dòng họ tiêu vong vì đứa bé 14 tuổi đó. Lãnh đạo một tập đoàn chiến tranh nhưng không biết cầm quân, ghét ai thì trù dập thẳng cánh nhưng có cớ thì lại tha thứ ngay, đúng là mẫu người khác lạ so với các nhân vật lịch sử cho đến bây giờ. Bị quả báo nhản tiền (con kế nghiệp và lương tâm của ông là Shigemori (Trọng Thịnh) lâm bệnh chết sớm). Ngoài ra còn bị ngọn lửa địa ngục thiêu đốt ông ngay giữa lúc còn sống (“khổ muộn”, rồi phát nhiệt mà chết).

    -Shigemori (Trọng Thịnh), đứa con hiếu kính, bao lần ngăn cản cha làm việc ác. Trên giường bệnh, linh cảm số phận bi đát của tập đoàn Taira, không chịu chữa chạy mà chết.

    -Kiso (Mộc Tăng) hiệu của Minamoto no Yoshinaka (Nguyên, Nghĩa Trọng, 1154-1184) ẩn trong núi Kiso từ nhỏ học vũ nghệ, sau hiệp lực với anh con nhà bác là Yoritomo mưu lật đổ Taira. Ông là tướng tài, vũ dũng vô song, trong trận Kurikara-ga-tani đánh tan quân địch gấp đôi nhân số nhưng vào đến Kyôto thì tỏ ra hợm hĩnh vô mưu, say mê nữ sắc, gieo rắc sự bất mãn trong đám công khanh để rồi phải chết thảm trong cánh rừng tùng ở Awazu dưới tay những người đồng minh cũ của mình. Tuy phạm sai lầm và bị người lừa nhưng ông là một tâm hồn cao thượng và nghĩa khí, không chịu thoát thân một mình mà ở lại chiến đấu đến cùng. Đoạn tả trận chiến cuối cùng và cái chết của Kiso sau đây là một trong những đoạn văn đẹp nhất của Truyện Heike:

    Ngài Kiso Yoshinaka (Mộc Tăng Nghĩa Trọng) khi từ Shinano ra đi, mang theo hai người thiếp, Tomoe[14] và Yamabuki. Yamabuki ốm, phải ở lại kinh đô. Trong hai người, Tomoe đặc biệt đẹp, da trắng, tóc dài, tài nghệ xuất chúng. Nàng dương được cung cứng, trên bộ hay trên lưng ngựa đều múa kiếm chọi nổi quỉ thần, sức địch nghìn người.Lại biết trị được ngựa chứng và điều khiển chúng leo lên dốc đứng. Khi lâm trận, Kiso thường cho nàng mang giáp dày, đao to, cung cứng ra làm đại tướng. Lần nào cũng không ai lập công lớn hơn nàng. Bây giờ trong đám bảy thớt kỵ còn lại sau khi tất cả đã chết hoặc chạy thoát, cũng vẫn có nàng….

    Ngài Kiso nói với Tomoe:

    -Nhanh lên, nào! Khanh là đàn bà, hãy tự lo thoát thân đi. Ta đã quyết tâm chiến đấu đến chết hay sẽ tự sát nếu bị thương .Ta không muốn thiên hạ đàm tiếu là Kiso đánh đến trận cuối còn mang đàn bà theo[15].

    Tomoe không đành lòng bỏ đi. Nói mãi nàng mới thưa:

    -Phải chi thiếp gặp được địch thủ xứng sức để tướng công xem thiếp chiến đấu thế nào!

    Nói xong bỗng thấy một bọn ba chục quân kỵ do Ondano Hachiro Moroshige, một hổ tướng người vùng Musashi dẫn đầu, ào ào kéo tới. Tomoe giục ngựa vào giữa bọn chúng, sóng ngựa với Moroshige rồi thoắt cái đã chụp mạnh kéo giật hắn xuống, vắt ngang yên của mình. Tướng địch chưa kịp động đậy thì đầu đã bị cắt và quẳng xuống đất. Sau đó, Tomoe cởi bỏ giáp trụ và chạy về miền Đông….

    Kiso Yoshinaka chỉ còn một mình một ngựa, muốn tìm chỗ để chết[16], mới vào rừng tùng ở Awazu. Lúc đó là ngày 21 tháng giêng, mặt trời vừa lặn và băng bắt đầu đóng. Ngài không biết có đầm lầy, vừa giục ngựa chạy vào thì đã lún, hút cả đầu ngựa. Hết dận bàn đạp để thúc ngựa ***g đến lấy roi quất túi bụi mà con vật vẫn không ngoi lên được. Đang lúc ngài lo lắng cho Imai Kanehira[17] (Kim Tỉnh, Khiêm Bình) phải đơn thân đoạn hậu, mới quay lại nhìn thì con thứ Ishida (Thạch Điền) là Tamehisa (Vi Cửu) của đạo quân Miura (Tam Phố) đã giương cung bắn cái vụt vào bên trong mũ trụ. Vết thương trí mạng. Kiso gục xuống, mũ trụ vẫn áp lên mình ngựa. Hai tên thủ hạ của Ishida ruổi ngựa đến, cắt lấy đầu. Tamehisa cắm thủ cấp của Kiso trên mũi kiếm, giương lên cao và la to: Ishida Tamehisa đã giết chết đại tướng Kiso, người khét tiếng cả nước!”

    Giữa khi đang chiến đấu, Imai Kanehira nghe tiếng la của Tamehisa, mới nói: “Ta không cần phải chiến đấu để bảo vệ ai nữa. Này bọn lính miền Đông, hãy xem cách chết của dũng sĩ số một Nhật Bản như thế nào!”Chĩa mũi kiếm vào mồm, Imai gieo người từ mình ngựa xuống chết, lưỡi kiếm xuyên qua thân thể.

    (Heike Monogatari, Cái chết của KisoYoshinaka, quyển 9)
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  12. The Following 2 Users Say Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    lostheaven (03-06-2013), lynkloo (11-01-2012)

  13. #17
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    -Vũ công của Cửu Lang Yoshitsune (Nghĩa Kinh, 1159-1189) bắt đầu ở trận sông Uji, đánh vào phòng tuyến của Yoshinaka. Sau khi dẹp tan quân Yoshinaka, Yoshitsune và anh mình là Noriyori tiến kích quân Taira, thắng nhiều trận lớn và cuối cùng tiêu diệt địch ở trận Dan-no-ura. Ông tuy là tướng tài, phong lưu thanh nhã và can đảm nhưng cũng lại tỏ ra thiếu chính trị và cạn nghĩ, bị chính quyền Kyôto đánh đòn ly gián và bộ tướng Kajiwara Kagesue sàm báng, làm mất lòng tin của anh. Số mệnh kết thúc trên bước đường lưu vong. Thủ cấp bị ngâm trong rượu ngọt gửi về Kamakura.

    Trong văn chương cung đình Heian, không thể nào có những đoạn miêu tả sống động của Heike như đoạn nói về các vũ sĩ xuất thân từ miền Đông Nhật Bản mà học giả Katô Shuuichi đã so sánh với lối miêu tả quân man di của sử gia Tacite trong Germania:

    Ngay một vũ sĩ xuất thân từ một trang viên nhỏ ở miền Đông cũng có dưới tay ít nhất 500 quân. Họ là những kỵ sĩ thiện chiến, không biết sợ ai. Trong khi chiến đấu, dù nhân số ít, và dù cha mẹ con cái họ chết, họ vẫn dẫm lên xác mà tiếp tục chiến đấu.

    Vũ sĩ miền Tây thì khác. Nếu cha mẹ họ chết, họ rời khỏi chiến trường về tụng kinh cầu siêu. Hết tang họ mới đủ sức trở lại chiến đấu. Nếu con cái chết, họ không còn lòng dạ nào mà đánh giặc nữa. Khi hết lương thực họ lo xuống ruộng cấy lúa, hết vụ gặt mới ra trận. Họ ngại cái nóng mùa hè, cái lạnh mùa đông.

    -Tadanori (Trung Độ) cũng thuộc dòng Taira, em trai út của Kiyomori, làm quan trấn thủ ở Satsuma. Có giai thoại chép rằng lúc họ Taira bỏ kinh thành, tướng Tadanori đến từ biệt thầy học là thi hào Fujiwara no Toshinari tức Shunzei (Đằng Nguyên, Tuấn Thành, 1114-1204, cha của đại thi hào Teika tức Định Gia), chỉ xin được để lại một bài waka trong tuyển tập thơ soạn theo sắc chiếu bởi biết ra đi không có ngày về và vì cuộc đời là ngắn ngũi nhưng thi ca thì bền lâu.

    “Trên đường (rút lui khỏi kinh đô), quan trấn thủ vùng Satsuma là Tadanori quay trở lại nhà Shunzei ở xóm Gojô. Tháp tùng ông có năm vũ sĩ và một tiểu đồng. Cổng nhà đóng. Ông ta xưng tên : Ta là Tadanori đây !

    Có tiếng xôn xao bên trong: “Một người trong bọn bỏ kinh thành lại trở về kìa ! ”.Tadanori xuống ngựa, nói lớn : “ Shunzei, chớ ngại. Ta trở lại vì có điều muốn nói cùng ông thôi. Hãy ra đây, nếu sợ thì đừng mở cổng cũng được ”.

    “ Vâng, vâng ! ” Shunzei nói với người nhà. “ Ta hiểu ông ấy muốn nói gì rồi.Ông ta không làm hại chúng ta đâu. Mời ông ấy vào cho ! ”. Họ bèn mở cổng và Shunzei tiếp người khách ấy. Cảnh tượng thật cảm động.

    Tadanori nói với Shunzei : “ Ta không hề lười nhác kể từ khi ông nhận ta làm học trò mấy năm về trước nhưng dạo sau nầy, gia đình ta đang phải đối đầu với những kẻ nổi dậy trong kinh thành lẫn bọn phản loạn đến từ địa phương. Hai ba năm nay ta không đến học ông tuy rằng đối với ta, thơ vẫn là điều quan trọng.Hoàng thượng vừa rời kinh đô, vận mệnh tập đoàn nhà ta chắc đã đến hồi chung cuộc.Ta nghe nói hoàng thượng có hạ chiếu cho ông soạn một tuyển tập, nếu ông cho ta được đăng một bài trong đó thì ta sẽ hết sức vinh hạnh.Hiện này, đáng tiếc là thời buổi rối ren, không có cơ hội tuyển khảo nhưng một mai hoà bình lập lại thì chắc chắn sẽ có thôi. Nếu từ cuốn thơ nầy, có được một bài thơ của ta mà ông thấy đáng cho vào tuyển tập thì ta sẽ ngậm cười nơi chín suối và hồn ta mãi mãi phù hộ ông ”.

    Trước khi từ giã, Tadanori mới lấy ra một cuốn giấy mà ông đã chép trên một trăm bài mà ông nghĩ là hay nhất trong số thơ ông sáng tác và gìn giữ từ mấy năm qua. Ông kéo nó từ ống tay áo giáp và trao cho Shunzei.

    Shunzei mở cuốn thơ và nhìn rồi bảo : “ Tướng quân chớ lo cho cuốn thơ ngài gửi gắm, tôi xin gìn giữ hết sức cẩn trọng . Việc hôm nay ngài tìm đến đây chứng tỏ ngài yêu thơ biết chừng nào. Nó làm tôi không cầm được xúc động ”. Tadanori vui mừng khôn xiết : ” Bây giờ cho dù thân có vùi trong sóng biển miền Tây hay gửi xương trắng ngoài đồng nội, ta không còn lo ngại điều gì nữa. Ta đã hết vướng mắc với cuộc đời nầy rồi. Xin vĩnh biệt !”. Ông leo lên mình ngựa, buộc lại giải mũ trụ rồi đi về miền Tây. Shunzei nhìn theo cho đến khi ông khuất bóng. Lúc ấy có người ngâm một khúc rôei (lãng vịnh) như thế nầy :

    Đường còn xa biết bao nhiêu,
    Hồn ta đã gửi mây chiều Dương Sơn
    [18].

    Shunzei lui vào trong, lòng càng thêm buồn vì nỗi biệt ly, phải cố gắng ghìm cho khỏi khóc.Về sau, lúc đã hết chiến tranh, khi tuyển chọn thơ cho Thiên Tải Hòa Ca Tập (Senzai Waka-shuu, 1183-87), ông vô cùng xúc cảm khi nhớ lại hình dáng và lời Tadanori bày tỏ trong lần gặp gỡ cuối cùng đó. Cuốn thơ có nhiều bài đáng cho vào Tuyển Tập nhưng Shunzei, người biên soạn, vấp phải sự kiểm duyệt của triều đình nên chỉ giữ lại một bài nói về hoa anh đào ở cố đô, có điều chỗ để tên tác giả chỉ ghi là “ triều địch ” (kẻ địch của triều đình):

    Trong vùng Sazanami,
    Shiga hoang phế còn chi kinh thành..
    Nagara rặng núi xanh,
    Anh đào năm cũ vô tình nở hoa.


    (Bài Sazanami ya, thơ Tairano Tadanori)

    (Trích Truyện Heike, Quyển Thứ Bảy, Tiết 16 : Tadanori bỏ kinh thành)

    Quả nhiên, sau cuộc gặp gỡ đó, Tadanori chết trong trận Ichinotani (1184). Khi tướng địch nhặt túi tên tùy thân của ông và nhìn bài thơ ”Ngủ đỗ dưới gốc anh đào ” (Ryoshuku no hana) với chữ ký Tadanori ghi trên đó, mới biết họ vừa giết được đại tướng Tadanori, chỉ huy cánh quân phía tây của mặt trận và là trấn thủ vùng Satsuma. Thơ như sau:

    “Dặm dài bóng ngả về tây,
    Đêm nay ngủ đỗ dưới cây anh đào.
    Hỏi hoa cho phép không nào?”


    (bài Yukiyurete)

    Cái chết của ông làm bạn và địch đều bùi ngùi. Đó là một tâm hồn thơ trong cửa tướng.

    -Trong trận Ichinotani, Taira đã mất nhiều anh tài như Tomoakira (Tri Chương) mới 16 tuổi đã chịu chết thế cho cha là Tomomori (Tri Thịnh), hoặc tay thổi tiêu tài ba Tsunemasa (Kinh Chính), cũng như chàng tuổi trẻ Atsumori (Đôn Thịnh) mà lòng dũng cảm và nét thanh nhã đáng yêu đã làm cho kẻ giết mình phải hối hận bỏ đi tu :

    Sau khi quân Heike thất trận, Kumagai no Jirô Naozane[19] mới giục ngựa xuống bãi, bụng thầm nghĩ : “ Hiện bọn tướng tá Heike đang ra ngoài bờ biển đợi thuyền đến cứu mang chúng đi. Chi bằng ta xuống đó kiếm một tên đại tướng lừng lẫy nào đó mà đấu với hắn xem sao ”. Vừa lúc đó thấy có một viên tướng mặc một bộ áo hitatare bằng lụa nerinuki thêu hình chim hạc, đội mũ trụ có tấm che hình lưỡi cuốc và mang bộ giáp thắt dây màu cỏ úa. Bên hông y mang một thanh kiếm vỏ nạm vàng và trên lưng là một cánh cung bọc dây mây với túi đựng tên bịt đen làm bằng lông chim ưng trắng. Y cưỡi con ngựa lông đỏ hoe có đốm trắng và yên bọc vàng. Khi viên tướng nầy đã cho ngựa lội được một quãng năm sáu mươi thước dưới nước và đang chờ thuyền tới cứu thì Naozane vẫy quạt gọi với :

    -Ta thấy ngài có vẻ là một trang đại tướng. Cớ sao lại hèn nhát quay lưng trước kẻ địch như thế. Trở lại đây nhanh lên !

    Viên tướng ấy bèn quay lên bờ. Khi y vừa ra khỏi mặt nước là Naozane đã giục ngựa đến bên cạnh. Khi hai ngựa sóng đôi, ông ta mới ra hết sức chụp lấy và đè chặt y xuống đất, định lật mũ trụ để cắt lấy đầu. Nhìn mặt mới thấy viên tướng ấy là một thiếu niên, tuổi độ mười sáu, mười bảy, mặt đánh phấn mỏng, răng nhuộm đen[20]. Viên tướng nầy chỉ tuổi độ Kôjirô Naoie, con trai của mình, và mặt thật đẹp trai thành thử Naozane không biết phải đâm mũi kiếm vào chỗ nào. Naozane vừa hỏi :

    -Ngài là ai vậy. Xưng tên đi, ta sẽ tha cho !

    thì viên tướng đó bèn hỏi lại :

    -Thế còn ngươi, ngươi là ai ?

    -Tên tuổi không có gì đáng kể, ta chỉ là Kumagai no Jirô Naozane, xuất thân vùng Musashi .

    -Thế thì không đáng cho ta phải xưng danh. Ngươi không phải là địch thủ của ta.Muốn biết tên thì cứ đem đầu ta đi hỏi mọi người khắc có kẻ sẽ cho ngươi biết.

    Kumagai Naozane nghĩ thầm : “ Người nầy tuy còn niên thiếu nhưng đã có phong độ ngang tàng của một trang đại tướng. Giết một người nầy không đủ chuyển bại thành thắng mà tha cho y thì cũng không đổi thắng thành bại. Chính mình đã đau đớn biết bao khi nghe thằng Kôjirô nhà mình chỉ bị có một vết thương nhẹ, như thế mới thông cảm được sự đau đớn của người cha viên tướng trẻ nầy khi biết con mình bị giết chết. Ôi, sao ta cứ muốn tha chết cho y ! ”. Vừa lúc đó, Naozane nhìn ra phía sau đã thấy Toi Sanehira và Kajihara Kagetoki cùng với năm mươi quân kỵ đang phóng tới.

    Naozane mới cầm nước mắt và nói :

    -Ta muốn tha cho ngài đó nhưng quân ta đang kéo tới rất đông.Họ không để cho ngài thoát chết đâu. Nếu bề gì ngài cũng phải chết thì thay vì để người khác, xin ngài cho phép Naozane nầy lấy đầu. Ít nhất sau nầy ta sẽ cầu siêu cho ngài.

    -Sao cũng được, làm gì thì làm nhanh lên !

    Naozane thấy tội nghiệp quá, không biết thọc mũi gươm vào đâu. Trước mắt tối sầm lại, đầu óc trống rỗng, chẳng biết làm sao cho phải.Nhưng không còn thời giờ để chần chừ, ông ta vừa khóc vừa cắt đầu viên tướng.

    -Ôi, trường tên đạn quả là chốn vô tình. Nếu không sinh nhằm nhà vũ sĩ thì đâu ra nông nỗi nầy !Phải giết ngài, ta thật tàn ác quá !

    Lòng ân hận, Naozane lấy vạt áo che mặt khóc ròng.

    Tuy nhiên không thể nào than khóc như thế mãi, ông ta lấy manh hitatare của tướng địch gói lấy thủ cấp. Thấy chàng ta có đeo một đãy gấm đựng ống sáo bên hông, ông bèn than :

    -Ôi, tội nghiệp chưa.Hồi hừng sáng hôm nay, ta nghe có tiếng đàn sáo hòa tấu trong thành, có lẽ là của những người nầy. Bây giờ, trong toàn thể quân đội miền Đông của chúng ta có vài vạn kỵ binh, thế mà lấy đâu một người ra chiến trường còn mang cả ống sáo đi theo. Bậc tôn quí đúng là phong lưu thật.

    Khi Naozane đem chiến lợi phẩm đến trình cho Tổng Chỉ Huy Cửu Lang Yoshitsune xem xét thì những người đứng đó không ai cầm được giọt lệ.Về sau mới biết viên tướng trẻ bị giết là chứcDaifu (đại phu) tên Atsumori (Đôn Thịnh), mười bảy tuổi, con trai Shuuri Daifu (tướng coi việc công binh) Tsunemori (Kinh Thịnh). Từ đó, Naozane chỉ nghĩ đến việc xuất gia. Còn ống sáo kia là báu vật thái thượng hoàng Toba ban cho ông nội của chàng là Tadamori (Trung Thịnh), một tay sáo có tài. Vật đó truyền qua Tsunemori đến đời Atsumori và vì chàng thiện nghề sáo nên đi đâu cũng mang theo. Ống sáo ấy tên gọi Saeda (Tiểu Chi)...

    (Heike Monogatari, Chương 9, Cái chết của Atsumori)

    -Tướng Tomomori (Tri Thịnh), con trai thứ tư Kiyomori và em trai Munemori, sau khi con và cận vệ bị chết, cưỡi con ngựa hay lội được đến thuyền của tổng tư lệnh Munemori (Tông Thịnh). Vì thuyền không có chỗ cho ngựa nên ông phải đuổi lên bãi. Trong thuyền có kẻ muốn bắn chết con vật để ngựa hay khỏi rơi vào tay địch nhưng Tomomori ngăn lại vì ông bảo ngựa là ân nhân đã cứu mạng mình.Tomomori không chỉ muốn cứu mạng ngựa mà còn ngăn không cho giết một số tướng địch phe Genji mà vận mạng đang nằm trong tay mình vì ông biết khí số Taira đã hết, chém thêm vài thủ cấp không có lợi mà còn để khổ cho vợ con, bộ hạ người ta.Trong trận Dan-no-ura, ông mặc hai lần giáp cho đủ nặng rồi cùng con trai của nhũ mẩu, người bạn chiến đấu Ienaga, nắm tay nhảy xuống biển tự trầm.

    Cách viết của Heike không hoa lệ kiểu cách mà đặt trọng tâm vào những chiến công và đi sát sự thực cuộc sống, làm ta nghĩ độc giả của nó không phải là giới quí tộc cung đình mà là những con người bình thường, có khi mù chữ. Khác cả các gunki (quân ký) tức ký sự chiến tranh đi trước, Heike miêu tả rất sống động thế giới hiện tại, đánh trúng vào sự nhạy cảm của những con người chất phác mà lý thuyết Phật Giáo cao xa không hấp dẫn đối với họ bằng những mẩu chuyện về tình gia tộc, đời lính, kể bằng một giọng văn giản dị và giàu âm sắc, nhất là kèm theo tiếng đàn tì bà của các biwa hôshi trình diễn trước công chúng. Những người nầy ăn mặc như tăng lữ, đầu cạo trọc như thể đội lốt Phật A Di Đà. Lối kể chuyện như tụng kinh, trong đó tên người chết được nhắc tới giống như để cầu xin cho các vong linh được siêu sinh tịnh độ. Họ ngồi bệt trong một tăng phòng hay ngoài ngã ba đường, dưới bóng dù (như ranh giới của một khoảng không gian linh thiêng) để kể truyện và đám khán giả im ắng lắng nghe, mặt dấu sau ống tay áo hay cánh quạt, vừa say mê vừa kinh sợ.

    Cách tụng kinh (shômyô, thanh minh) của tăng lữ có lẽ đã ảnh hưởng đến nhạc điệu trầm bổng của lối kể truyện những người nầy. Ví dụ khi kể truyện Heike, người diễn có thể dùng origoe (tiếng nức nở) để kể những đoạn bi đát thương tâm, âm nhạc hứng phấn hiroi (tiếng nhặt) khi kể những đoạn thống khoái, thích thú, hỗn loạn..., âm điệu sanjuu (ba tầng) đẹp, dịu dàng và quí phái lúc đoạn kể về vương triều, thần thánh, nghệ thuật hay quá khứ vàng son. Khi trở lại bình thường thì truyện được kể theo kiểu đơn sơ gọi là kudoki trầm trầm với shiragoe (tiếng bình thường) và một nhịp hơi nhanh.

    Trong quá trình đại chúng hóa Truyện Heike, ta đã có lần nhắc đến vai trò nhân vật tên Kakuichi, một biwa hôshi vào khoảng 1341-1371 đã có công xếp đặt lại nó thành một áng văn trác tuyệt , giàu âm điệu để dùng vào việc trình diễn.Theo Helen Craig Mc Cullough[21], khoảng năm 1462, đã có khoảng năm sáu trăm biwa bôshi trong thành phố Kyôto theo hai trường phái Ichikata-ryuu và Yasaka-ryuu để kể Heike cho vũ sĩ cao cấp và vương hầu mua vui. Sau cuộc loạn Ônin (Ứng Nhân, 1467-77), quần chúng có thị hiếu khác (như nghe kể Taiheiki, xem tuồng Nô, tuồng chèo Kyôgen) và bỏ quên Heike trong một lúc. Tuy nhiên, Heike đã xâm nhập và các hình thức văn nghệ khác. Nó là chủ đề của thi ca, của loại tuồng Shuramono (chém giết) trong kịch Nô, còn là hình thức mẫu mực để viết các ký sự chiến trận (gunki) của người đời sau. Nhân vật Heike xuất hiện trở lại trong 33 vở ca vũ kịch kôwakamai (hạnh nhược vũ), hình thức tuồng của thế kỷ 16, trên sân khấu jôruri và kabuki cũng như ca khúc, tiểu thuyết và phim ảnh. Ít khi thấy một tác phẩm mà kẻ thắng trận (Yoritomo, Yoshitsune) không đóng vai chính. Vai chính của Truyện Heike lại là tập đoàn Taira từ nam giới đến phụ nữ, con nít, và cả Kiso no Yoshinaka, tức là những kẻ chiến bại . Nói chung, chưa từng có một tác phẩm văn học nào ảnh hưởng đến đời sống văn hóa Nhật Bản như vậy.


    TIẾT III: TAIHEIKI (THÁI BÌNH KÝ)


    Cùng với Truyện Heike, Taiheiki được coi là hai tác phẩm gunki vĩ đại nhất. Nó gồm 40 quyển chia làm ba phần: phần đầu 12 quyển với chủ đề “tôn quân đảo mạc” ( trung hưng hoàng gia, đánh đổ mạc phủ), phần thứ hai 9 quyển nói về cuộc “tranh chấp nội bộ Nam triều-Bắc triều” và phần chót 19 quyển về những cuộc giao tranh liên miên và “quá trình lập lại hòa bình”. Bản gốc tác phẩm ra đời vào giữa thế kỹ 13 nhưng không rõ ai làm ra.

    1) Phần một nói về diễn biến của mưu toan của Thiên Hoàng (thứ 96) Go-Daigo (Hậu Đề Hồ, trị vì 1318-1339) đánh đổ dòng họ quyền thần Hôjô (Bắc Điều) để lập chính quyền mới đời Kenmu (01/1334-02/1336, Kiến Vũ Tân Chính) và sự thất bại của chính ước mộng trung hưng đó.

    Thiên hoàng Go Daigo đã nhiều lần hạ mật chỉ cho những người trung thành với mình “ đảo mạc ” tức lật đổ chức Shikken (chấp quyền) là Hôjô Takatoki (Bắc Điều, Cao Thì) của mạc phủ Kamakura nhưng lần nào cũng bất thành. Các tôi trung như Hino Toshimoto, Suketomo, hoàng tử Daitô, nhà sư trụ trì chùa Enreki, hào tộc đất Kawachi tên là Kusunoki Masashige...thì kẻ bị sát hại, người lưu lạc, còn chính thiên hoàng cũng bị lưu đày ngoài hoang đảo Oki như thái thượng hoàng Go-Toba một trăm năm về trước. Lúc đó, ở Kyôto, họ Hôjô đặt lên ngôi một thiên hoàng mới còn Takatoki ở Kamakura chỉ vui thú với hát tuồng, chọi chó, không lo chính sự. Kusunoki và hoàng tử Daitô đang bôn đào đã cử binh trở lại chiến đấu chống mạc phủ và thiên hoàng Go-Daigo cũng trốn thoát khỏi đảo. Hào tộc họ Akamatsu lại tấn công kinh đô nên mạc phủ phải gửi tướng Ashikaga Takauji (Túc Lợi, Tôn Thị, 1305-1358) từ miền Đông xuống giải vây.Takauji trở mặt, về cánh với thiên hoàng cũ. Tướng Nakatoki của nhà Hôjô phải bỏ Kyôto và đưa thiên hoàng mới trốn về Đông, giữa đường tự sát. Gia thần 432 người cũng tự sát theo.

    Một tướng miền Đông khác là Nitta Yoshisada (Tân Điền, Nghĩa Trinh, 1301-1338) cũng khởi binh “đảo mạc”, thế mạnh như chẻ tre, tấn công Kamakura. Chức Shikken cuối cùng của Hôjô là Takatoki cùng 870 gia thần tự sát tập thể. Mạc phủ Kamakura cáo chung. Thiên hoàng Go-Daigo hồi kinh.

    2) Phần hai kể về cuộc tranh chấp giữa hai tướng Nitta Yoshisada và Ashikaga Takauji xảy ra sau khi cùng nhau diệt xong họ Hôjô, sự tranh ngôi thiên hoàng gây ra cuộc đối lập giữa hai triều Nam Bắc và đưa đến việc khai sáng cơ nghiệp nhà Ashikaga (tức là mạc phủ Muromachi ở Kyôto).

    Chính quyền mới của Nitta và Ashikaga chưa gì đã lục đục trong việc ân thưởng công thần, lại gây nên tình trạng kinh tế khó khăn vì thu thêm thuế để xây cất cung điện. Hoàng tử Daitô vừa mới nghi ngờ Takauji muốn đoạt thiên hạ đã bị ông ta bắt bỏ ngục ngay. Tàn đảng Hôjô cử binh chiếm Kamakura nhưng bị anh em Takauji tiêu diệt. Hoàng tử Daitô cũng bị em trai Takauji là Tadayoshi sai người sát hại.Triều đình cử Nitta Yoshisada đi dẹp Takauji nhưng quân của Nitta bị Takauji đánh tan ở Hakone. Takauji thừa thắng tiến vào Kyôto làm thiên hoàng Go-Daigo phải bỏ trốn vào núi Hieizan.

    Bọn hào tộc Kitabatake Akiie và Kusunoki Masashige phò thiên hoàng đẩy lui Takauji tới Kyuushuu nhưng bị phản công bật lại. Masashige cùng với con là Masasue tự sát sau khi thua trận Minatogawa. Nitta và Kitabatake cũng bại tẩu và chết trận, thiên hoàng Go-Daigo trốn vào vùng rừng núi Yoshino lập ra Nam Triều và kết thúc cuộc đời lưu lạc ở đó.

    3) Phần ba miêu tả tiếp đến cuộc tranh giành nội bộ giữa chính bè cánh Ashikaga, việc đại thần Hosokawa Yoriyuki (Tế Xuyên, Lại Chi, 1329-1392) phò tá Tướng Quân trẻ tuổi Ashikaga Yoshimitsu (Túc Lợi Nghĩa Mãn, 1358-1408, người dựng chùa Kim Các) thành công nắm chính quyền, tiến vào kinh đô và lập lại cảnh “thái bình” như thế nào.

    Con trai khác của Kusunoki Masashige là Masatsura lại dấy binh đánh anh em nhà Ashikaga nhưng phải chết dưới tay tướng tài của Takauji là Kô no Moronao (Cao, Sư Trực, ? - 1351). Tuy nhiên từ đó nội bộ nhà Ashikaga đã có mầm mống chia rẽ vì các tướng tham bạo. Em trai của Takauji là Naoyoshi (Trực Nghĩa, 1306-1352) và tướng Kô no Moronao đánh nhau nhưng Naoyoshi thua phải hàng, sau vào Yoshino theo Nam Triều. Tình hình đảo ngược, đến lượt hai anh em Moronao bị thua Naoyoshi, phải hàng nhưng bị giết vì lúc trước đã không tha các vũ sĩ theo Naoyoshi. Đến lúc nầy, xung đột lại bùng nổ giữa giữa hai anh em họ Ashikaga. Takauji thắng và Naoyoshi bị đánh thuốc độc chết ở Kamakura. Lúc đó ở Kyôto, con trai Takauji là Yoshiakira cô thế, đành giảng hòa với Nam Triều nhưng quân Nam Triều thừa thắng vào kinh đô đuổi Yoshiakira đi. Sau khi lực lượng nhà Nitta đến tiếp ứng cho Nam Triều bị bại trận ở miền Đông, Ashikaga Yoshiakira phấn chấn trở lại và đánh ngược giành được thắng lợi. Về sau, vì sự lục đục của Bắc Triều, quân Nam còn có cơ hội tiến đánh Kyôto nhưng rốt cục thua phải kéo về.

    Takauji bị nhọt ở lưng chết năm 1358, con là Yoshiakira lên thế chức Tướng Quân. Tuy nhiên, Yoshiakira (38 tuổi) và em trai Motouji (28 tuổi) đều chết cùng năm 1367, đại thần Hosokawa Yoriyuki phải phò con trai Yoshiakira là Yoshimitsu hãy còn nhỏ lên ngôi Tướng Quân, mở màn cho một thời thịnh trị.
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  14. The Following 2 Users Say Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    lostheaven (03-06-2013), lynkloo (11-01-2012)

  15. #18
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    Bối cảnh lịch sử của Taiheiki là khoảng thời gian trước sau cuộc biến loạn năm Genkô (Nguyên Hoằng, 1331-1334) và thời đại tranh chấp giữa hai triều Nam Bắc (1335-1392). Sách đã ghi chép một cách sống động sinh hoạt phức tạp của người đương thời từ tầng lớp công khanh, quí tộc, phiên trấn đến vũ sĩ, giặc núi (nobushi), dân lưu lạc (afuremono).Tuy không cùng chung quan điểm “được đó mất đó” (thịnh giả tất suy) nặng màu sắc nhà Phật thấy trong Truyện Heike nhưng Taiheiki cũng có chủ đích luân lý, dùng văn chương phê bình thói hư tật xấu người đời.

    Đến đây xin trích đoạn nói về trận đánh (xem phần 1 của Taiheiki) giữa quân NittaYoshisada (lúc là đồng minh của Ashikaga Takauji) và quân Hôjô (mạc phủ Kamakura). Tướng Takashige thuộc binh đoàn Hôjô đã chiến đấu anh dũng như thế nào và người giữ chức Shikken (phụ chính đại thần) cuối cùng họ Hojô là Takatoki (Bắc Điều, Cao Thì, 1303-1333) và đoàn tùy tùng đã tự sát tập thể ở chùa Tôshôji (Đông Thắng Tự, nơi có nghĩa trang của nhà Hôjô) như thế nào:

    Takashige hãy còn sống, có bảy thớt kỵ theo bảo vệ. Vì muốn kiếm (chủ tướng phe địch là Nitta) Yoshisada để giao chiến, chàng vừa truy cản đường tiến của chúng vừa chạy quanh lùng anh em Nitta.Yokoyama no Tarô Shigezane, vũ sĩ người đất Musashi, tách ra khỏi nhóm Yoshisada tiến lên đón đầu chàng.

    Takashige định bụng : “Nếu tên kia là kẻ địch xứng tay, ta sẽ đấu với hắn!”. Chàng thúc ngựa tới và nhận ra Shigezane liền bảo mọi người. “Tên này sức không được bao lăm!”. Thế rồi bèn phi qua phía tay mặt của Shigezane, chém một nhát mạnh đến nổi cắt địch thủ từ mũ trụ đến tận xương mông. Shigezane bị chẻ làm hai và chết ngay. Con ngựa cũng ngã lăn ra với một vết chém trên đầu gối.

    Một dũng sĩ khác cũng người vùng Musashi tên là Shô no Saburô Tamehisa, thấy Takashige là đối thủ xứng tay mình, muốn tiến lên giao đấu.Anh ta dang tay ra và phóng ngựa tiến đến. Khi Takashige thấy anh ta từ xa, chàng đã phá lên cười: “Nếu phải giao đấu với bọn phản loạn thì cỡ Yokoyama (vừa rồi) cũng còn tạm được. Nhưng nầy, các ngươi hãy xem ta trừng trị một tên vô danh tiểu tốt!” Chàng mới chụp lấy giây cột áo giáp của Tamehisa, nhấc bổng hắn lên không và vứt đi dễ dàng cách đó cả mấy thước.Hai tên vũ sĩ khác bị cái xác của Tamehisa ném trúng đầu, chúi mũi xuống đất hộc máu chết….

    Khi Takashige về đến thung lũng Kasai thì áo giáp chàng đã cắm hai mươi ba mũi tên gãy trông như áo đi mưa bằng lá. Ông chàng, Enki, nguyên trấn thủ Nagasaki, đang đợi, hỏi: “Mi làm gì mà lâu la vậy! Tất cả đã xong chưa?”

    Takashige cúi đầu: “Cháu đã xông vào trận hai mươi lần để kiếm (Nitta) Yoshisada giao đấu nhưng không sao đến gần hắn được. Chẳng có đối thủ xứng sức, cháu buộc lòng phải giết bốn năm trăm mạng trong bọn phản loạn.Nếu cháu không nghĩ giết người là phạm tội thì đã đuổi chúng tận mé biển, lao vào giữa bọn mà phanh thây chúng rồi. Nhưng cháu nhớ đến tướng công (Takatoki) nên mới quày trở lại”. Lời nói của chàng đem lại chút an ủi cho những người sắp chết…

    Takashige đi hết chỗ nầy đến chỗ khác, giục giã: “Hãy tự sát đi. Nhanh lên. Tôi xin phép làm gương trước”. Chàng cởi giáp trụ ra, chỉ còn miếng hộ tâm kính, uống ba chén rượu do người em chàng là Shin.uemon đã rót trước mặt ngài phụ chính Takatoki rồi đặt chén trước mặt Dôjun,nguyên trấn thủ vùng Settsu :

    -Chén rượu này đặc biệt dành cho ngài. Và đây là món đưa cay!

    Nói xong, chàng đâm thẳng thanh đoản đao và lườn trái, cắt ngang một đường về phía tay mặt, kéo hết ruột ra và ngã phủ phục trước mặt Dôjun.

    Dôjun nâng chén lên uống cạn đến phân nửa. Ông ta đùa : “Món nhắm ngon làm sao. Ngay cả người kiêng khem cũng không thể chối từ”. Ông lại đặt chén rượu trước mặt Jikishô, nguyên trấn thủ vùng Suwa, rồi rút đoản đao của mình ra tự sát.

    Jikishô bình tĩnh uống ba hớp rượu rồi đặt chén trước mặt tướng công nguyên trấn thủ vùng Sagami (tức quan phụ chính Takatoki), và nói:

    -Nay các chiến sĩ trẻ đã nêu gương, chúng ta không thể nào làm ngơ cho được. Mỗi một người trong bọn ta phải làm món nhắm cho người kế tiếp.

    Xong, ông lấy đoản đao rạch ngang bụng, rút nó ra rồi đặt trước mặt tướng công Sagami.

    Xem chừng nghi ngại về cách xử sự của ngài Sagami nên Nagasaki no Enki (ông của Takashige) chưa mổ bụng vội. Đứa cháu mới 15 tuổi của ông là Nagasaki Shin.uemon cúi rạp trước mặt ông mình:

    -Một đứa cháu hiếu thảo phải làm rạng danh tổ tiên. Cháu xin Trời Phật tha thứ cho hành động của cháu.

    Nói rồi, anh đâm người ông già nua hai lần liền, mỗi lần vào dưới cánh tay. Thế xong, anh ta tự rạch bụng mình bằng mũi đao và ngã sấp lên trên xác ông mình.

    Theo gương các chiến sĩ trẻ, tướng công Sagami mổ banh bụng mình . Người chỉ huy cứ điểm cũng làm theo như vậy.

    Chứng kiến những cái chết như thế, các chiến sĩ ngồi thành hàng bên trong điện, dù thuộc họ hàng nhà Hôjô hay không, đều vạch trần da thịt trắng bong và tự sát theo kiểu của họ. Người tự mổ bụng, kẻ tự cắt cổ. Thật là một quang cảnh bi tráng. Tất cả 283 người thuộc họ Hôjô có tên sau đây đã tự sát : (danh sách lược).

    Lửa đuốc được châm vào để đốt tòa nhà. Ngọn lửa cháy phừng phừng và khói dậy đen kịt. Khi lửa soi sáng đủ cho các vũ sĩ ngồi ngoài sân hay trước cổng thấy rõ, nhiều người mổ bụng theo rồi nhảy vào ngọn lửa. Những người khác thì trong vòng cha, con, anh, em...họ giúp nhau đâm chém và ngã gục lên nhau. Máu úng một mảnh sân như nước lụt và thây chồng chất thành đống như chỗ chôn người. Nhiều tử thi bị cháy tiêu nhưng về sau, kết quả một cuộc điều tra cho biết đã có trên 870 người thiệt mạng. Ngoài ra, không kể tới những gì xảy ra ở địa phương, riêng vùng Kamakura đã có 6000 người vừa là con cháu Hôjô, vừa là kẻ chịu ân huệ của dòng họ đó, tăng cũng như tục, đàn ông lẫn đàn bà, đã tự hủy hoại mình để báo đáp ơn xưa hay vì quá sầu khổ vì tình huống lúc đó.

    (Theo Taiheiki, Takatoki và gia nhân tự sát ở Tôshôji, chương 10, đoạn 15).

    Đó là kết thúc bi đát của họ Hôjô, nguyên là một chi của nhà Taira (Heike), dòng dõi Taira no Sadamori ở Izu. Họ này làm chức Shikken (Chấp Quyền) như quan phụ chính cho mạc phủ Kamakura, truyền đến đời Takatoki (Cao Thì), vì ngạo mạn và xa xỉ nên bị diệt vong.Thực ra, trong họ Hôjô từng có những nhân tài như Hôjô no Tokimune (Bắc Điều, Thì Tông, 1251-1284) đã đánh tan được quân Mông Cổ ở cửa biển Hakata hai lần vào năm 1274 và 1281 (sử sách những đời kế tiếp có lẽ vì chịu ảnh hưởng phong trào chống Hôjô đã để những chiến công oanh liệt này rơi vào quên lãng).Ngoài ra, cảnh tượng các cuộc tự sát tập thể trong Truyện Heike ở Dan no Ura và trong Taiheiki như trên đây giúp ta hiểu được tại sao sau trận thế giới đại chiến thứ hai, người Nhật đã xử sự hay buộc nhau xử sự theo cùng một nghi thức khi quân Mỹ tiến chiếm đảo Saipan và Okinawa.

    Có thuyết cho rằng người viết Taiheiki có thể là một tăng lữ tên Kojima Hôshi (Tiểu Đảo Pháp Sư), nhưng văn bản ngày nay ta có chắc đã qua tay nhiều người sửa chữa, nhất là nó đã được các nhà sư dùng vào việc giảng kinh. Cách thuyết pháp bằng Taiheiki như thế này được gọi là “ tụng Thái Bình Ký ” “taiheiki-yomi”[22]. Văn thể của Taiheiki là loại văn hỗn hợp Hán Hòa nhưng nặng phần chữ Hán, có nhiều đoạn mang tính chất michiyuki-bun (đạo hành văn) tức loại văn chương bày tỏ lòng cảm khái trước phong cảnh trên đường du hành, dùng văn vần 5/7 chữ với nhiều kỹ xảo tu từ hoa lệ.

    Ngoài ảnh hưởng văn học của nó đến thể loại ký sự chiến tranh (gunki) của đời sau, về mặt tư tưởng, nó là động cơ “đảo mạc” kích thích cuộc Duy Tân Meiji. Luật nhân quả, tư tưởng đại nghĩa danh phận…là trung tâm của cuốn truyện.

    Bên cạnh hai tác phẩm lớn là Heike và Taiheiki, còn có các tác phẩm đáng kể khác như Gikeiki và Soga Monogatari . Chúng ra đời vào thời Muromachi (1392-1573), thời đại mang tên vùng đất thuộc Kyôto nơi họ Ashikaga thiết lập mạc phủ từ 1392 đến 1573. Nó kéo dài 180 năm với 15 đời Tướng Quân. Gikeiki kể lại cuộc đời đầy bi kịch của thiên tài quân sự Minamoto no Yoshitsune, còn Soga Monogatari thuật chuyện hai anh em Soga giết kẻ thù để rửa hờn cho cha.


    TIẾT IV : CÁC TÁC PHẨM CHIẾN KÝ THỜI MUROMACHI


    A) Gikeiki (Nghĩa Kinh Ký):

    Về Gikeiki, không biết ai là tác giả, chỉ suy định nó đã được sáng tác vào dầu thời Muromachi mà thôi. Tình tiết của truyện liên quan đến cuộc đời của Minamotono Yoshitsune (Nguyên, Nghĩa Kinh, 1159-1187) từ lúc nhỏ, lưu lạc, học vũ nghệ, báo thù nhà, cho đến lúc sau khi đã dẹp xong dòng họ Taira, bị thất sủng, bôn tẩu lên miền bắc hai năm để trốn sự truy tầm của chính Yoritomo (Lại Triều), người anh cùng cha khác mẹ[23], đang nắm chính quyền, cho đến lúc phải hủy mình vì gặp bước đường cùng.Yoshitsune từng được phong Kebi Ishi no Jô (Kiểm Phi Vi Sứ Úy) tương đương với chức tư lệnh cảnh sát công an của thiên hoàng nên Yoshitsune còn được gọi là Hôgan (Phán Quan) và Gikeiki là Hôgan Monogatari (Phán quan vật ngữ) và những hình thức nghệ thuật lấy điển tích cuộc đời chìm nổi của ông làm đề tài được gọi là “loại truyện ông quan án” (hôgan-mono = phán quan vật).

    Gikeiki cũng tả lại mối tình của Yoshitsune với người đẹp Shizuka Gozen, con hát dạo ăn mặc nam trang, tình thầy trò của ông với dũng sĩ Benkei, một tăng nhân. Những tình tiết ấy đã trở thành đề tài các kịch bản tuồng Nô và Kabuki cũng như phim ảnh sau này.

    B) Soga Monogatari (Tô Ngã Vật Ngữ) :

    Truyện Soga (Soga Monogatari) là một truyện phục hận hơn là một chiến ký, có thể do một nhà sư vùng Hakone viết nhưng sau có tăng bổ. Nhân vật chính là hai anh em họ Soga (Tô Ngã) tên Juurô (Thập Lang) và Gorô (Ngũ Lang) ẩn nhẫn chờ thời để, nhân địch đi săn gần núi Phú Sĩ, bèn lẻn vào trại dựng ngoài đồng của chúng và thanh toán tính mạng của Kudô Suketsune (Công Đằng, Hựu Kinh), kẻ thù giết cha.

    Chính ra kẻ thù của hai người cũng chỉ là người nhà, và nguyên nhân của mối thù là cuộc tranh chấp trưởng ấu trong gia đình một tiểu lãnh chúa địa phương, bộ hạ của tập đoàn Taira. Cha hai người, Sukemichi (Hựu Thông), đã chết vì mũi tên bắt lén của hai kẻ ám sát do ông em họ tên Suketsune (Hựu Kinh), gửi tới, trên đường đi săn trở về. Hai người con trai lúc đó mới lên năm và lên ba. Bà mẹ đã ôm hai con vào lòng và bảo : ” Kẻ giết cha các con là Suketsune. Nhớ lấy đầu nó đem về đây trước năm các con hai mươi tuổi ”. Bà mẹ muốn chết theo chồng hay bỏ đi tu nhưng người nhà ngăn nên sau mới lấy người em họ khác của chồng tên Sukenobu (Hựu Tín), tiểu lãnh chúa ở Soga.

    Đây là câu nói của người anh thố lộ chuyện nhà cùng cậu em :

    “ Xem kìa, Hakuô (tên hồi nhỏ của Gorô) !. Chim bay trên trời đâu có chung đàn với chim khác. Năm con nhạn bay thành hàng kia, một con phải là chim cha, một con là chim mẹ, ba con kia là chim con.Loài vật không hiểu biết gì còn như thế ! Huống chi anh em ta sinh ra làm người. Mầy là em, tao là anh, mẹ là mẹ ruột của hai ta nhưng rất tiếc là ngài Soga (Sukenobu), cha chúng ta hiện nay, không phải là cha ruột. Người cha đẻ của anh em mình chính là ngài Kawazu (Sukemichi) đó”.

    Trong khi đó kẻ thù của họ, Suketsune đã trở thành nanh vuốt của Tướng Quân Yoritomo. Để bảo vệ nhà chồng mới, Soga, mẹ họ lại khuyên họ ẩn nhẫn đừng trả thù vội vì sợ đụng chạm đến Tướng Quân. Thấy mẹ đã đổi ý, hai anh em bỏ đi và kiếm cách phục thù. Jurô (Thập Lang) đi lại với một cô gái làng chơi (có chỗ viết là một tiểu thư) tên Tora, một hôm tâm sự với nàng về mối thù cha, cắt tóc bỏ lại để vĩnh quyết nàng, rồi cùng em trai đi tầm thù. Chính ra Gorô, người em, cũng đã định lánh đời đi tu nhưng bị anh thuyết phục nên lòng cũng nung nấu việc báo thù. Sau nhiều lần để lỡ những cơ hội tốt, có khi suýt bị tiết lộ, cũng trong một cuộc đi săn dưới chân núi Fuji, lần nầy do Tướng Quân Yoritomo tổ chức, họ đã đột nhập vào trại khi Suketsune đang ngủ với gái, giết được kẻ thù .Vũ sĩ xúm lại bắt nhưng anh em chiến đấu rất anh dũng, thập lang Sukenari (người anh) bị quân địch chém chết tại trận

    Truyện được phỏng đoán đã được viết ra vào đời khoảng đời Nam Bắc Triều (1337-1392) và cùng lắm là đầu thời Muromachi (1333-1568). Theo đó, chuyện rửa thù của hai anh em được trong triều ngoài nội tán thưởng, ngay cả Yoritomo cũng khen ngũ lang (người em) “ Mi xứng đáng làm gương cho người vũ sĩ ” và muốn tha chết (vì chính Yoritomo cũng diệt họ Taira để trả mối thù cha). Rốt cuộc, nhiệm vụ bảo vệ sự an nguy của tập đoàn những người theo mình (mạc phủ Kamakura không thể tha thứ một hành động tạo phản, đặc biệt khi nạn nhân là thủ hạ của mình) nên Yoritomo đã nghe theo lời quần thần, ra lệnh hành quyết ngũ lang [24] nhưng đồng thời lo mồ mả, cúng tế chu đáo. Nàng Tora thành ni cô, giữ việc cúng tế hai anh em đến lúc chết.

    Trong lịch sử văn học Nhật Bản, truyện anh em thập lang và ngũ lang nhà Soga, cũng như truyện bốn mươi bảy vũ sĩ vô chủ phiên trấn Akô và truyện Aoki Matauemon là ba truyện tầm thù phục hận (adauchi) nổi tiếng hơn cả. Lúc đầu Truyện Soga chỉ được truyền tụng ở vùng Hakone dưới chân núi Fuji, sau được phổ biến rộng rãi khắp miền Đông nhờ những cô gái mù đi rong kể truyện gọi là kataribe trình diễn với nhạc khí như trống cơm. Sau đó Truyện Soga đã đi vào kịch bản tuồng Nô, Joruri, Kabuki và tiểu thuyết thời Edo cũng như phim ảnh bây giờ.

    Vì Gikeiki cũng như Truyện Soga nói trên đều có tính cách an ủi vong kinh những kẻ bị chết oan ức mà thời nào cũng có cho nên nó đã được người đời truyền tụng lâu dài.

    C) Genpei Shôsuiki (Nguyên Bình thịnh suy ký):

    Nhân bàn về tiểu thuyết lịch sử thời Trung Cổ, cũng cần nhắc đến tác phẩm Genpei Shôsuiki (còn đọc là Genpei Seisuiki hay Nguyên Bình Thịnh Suy Ký) gồm 48 quyển, ra đời có lẽ vào thế kỷ 13, khoảng giữa thời Kamakura và Nam Bắc Triều. Nội dung câu truyện nói về cuộc sống vinh hoa của họ Taira dưới thời Kiyomori cũng như sự tranh chấp quyền hành giữa hai nhà Taira và Minamoto. Cái khác giữa truyện này và Truyện Heike là tuy Genpei Shôsuiki có vẻ mô phỏng cuốn trước nhưng nó giàu về chi tiết hơn không được hùng hồn diễm lệ bằng Heike (vốn viết ra để kể hơn là để đọc), lại tập trung vào nhà Minamoto hơn là nhà Taira, ngược lại trường hợp của Truyện Heike. Dù vậy, nó đã là nguồn cảm hứng cho các vở tuồng Nô nói về giai đoạn lịch sử thời trung cổ Nhật Bản và là một kho tư liệu lịch sử phong phú cho những ai nghiên cứu về thời điểm ấy.


    KẾT TỪ


    Tóm lại, sau các biến loạn năm Hôgen (1156), Heiji (1160), cuộc tranh chấp giữa hai họ Taira và Minamoto (1156-1185), loạn Jôkyuu (1221), chính biến năm Genkô (1331), thời Nam Bắc Triều đối kháng nhau (1337-1392)… thế lực giai cấp quí tộc ngày một suy vong và tầng lớp vũ sĩ ngày thêm hưng thịnh. Đó là đặc điểm của một giai đoạn lịch sử đã khai sinh ra thể loại văn học ký sự chiến tranh, tiểu thuyết lịch sử và khảo luận lịch sử ở Nhật Bản thời Trung Cổ.


    _______________________________

    CHÚ GIẢI

    [1] Shômonki (Tướng Môn ký) : không rõ tác giả nhưng có lẽ viết sau 940, lúc Taira Masakado (Bình, Tướng Môn, 1132-1186) nổi loạn, lập triều đình ở miền Đông và bị diệt. Sách kể lại bằng văn thể chữ Hán chi tiết liên quan đến sự kiện lịch sử đó.

    [2] Mutsu Waki (Lục Áo thoại ký), chưa rõ tác giả. Ghi lại sự tích trận giặc 9 năm (1051-62) ở vùng Đông Bắc (Mutsu) để tiễu trừ họ Abe gồm có (Abeno Yoritoki =An Bồi Lại Thì, ?-1057, và các con).

    [3] Musa no yo (vũ giả chi thế) tức thời đại của bọn vũ sĩ. Xem ấn tượng về cuộc loạn Hôgen do tăng Jien (Từ Viên) ghi lại trong Gukanshô (Ngu Quản Sao) .

    [4] Nàng Tokiwa (Thường Bàn, còn viết là Thường Diệp), năm sinh và mất không rõ. Trước hầu hạ hoàng hậu, sau về làm thiếp Minamoto no Yoshitomo. Từ khi chồng bị chết dưới tay họ Taira, sống ẩn nấp. Rốt cục, vì muốn cứu mạng ba con, phải tự thú và thần phục Taira Kiyomori, có với ông nầy một đứa con gái. Sau con trai nàng là Yoshitsune lớn lên, cùng anh khác mẹ là Yoritomo tuyệt diệt họ Taira, trả được thù nhà và dựng nên cơ nghiệp mạc phủ Kamakura.

    [5] Mason, RHP, Caiger, JG, A History of Japan, Tuttle Publishing, Tôkyô, 1997.

    [6] Minamoto no Yorimasa (Nguyên, Lại Chính, 1104-1180), vũ tướng cuối đời Hei-an.Tử trận trong trận giao chiến nổi tiếng trên cầu sông Uji (Vũ Trị). Còn là thi nhân Waka và đã để lại 65 bài thơ trong các tập soạn theo sắc chiếu kể từ Shikashuu (Từ Hoa Tập) trở đi.

    [7] Có một sự thực nữa là Yoshinaka được phong chức Sei-i Taishôgun (Chinh Di Đại Tướng Quân) và trở thành đối thủ chính trị đáng sợ của anh em Yoritomo.

    [8] Bà Kenreimon-in (Kiến Lễ Môn Viện, 1155-1213) tức hoàng hậu của thiên hoàng Takakura, tên con gái là Taira Tokushi (Bình, Đức Tử), thứ nữ của Kiyomori và là mẹ của thiên hoàng xấu số Antoku (An Đức), chết trong trận thủy chiến ở Dan-no-ura lúc mới 4 tuổi. Bà đã tự trầm theo con nhưng được cứu thoát, sau xuống tóc làm ni ở phía bắc Kyôto.

    [9] Nàng Gi-ô (Kỳ Vương, Kỷ Vương) kỹ nữ đất Kyôto, vốn người ở thôn Gi-ô (Kỳ Vương Thôn) nên lấy quê làm tên, được Kiyomori thương yêu. Sau bị thất sủng, xuất gia làm ni ở Vãn Sinh Viện vùng Saga, năm mới 21 tuổi.

    [10] Nàng Kogô (Tiểu Đốc), sủng cơ của thiên hoàng Takakura. Bị Kiyomori ghét, đã đi trốn ở Sagano còn bị bắt về và bị buộc làm ni, lúc mới 23 tuổi. Cảnh lính đi bắt nàng trở thành một lớp lang cổ điển của tuồng Nô.

    [11] Jishô (Trị Thừa, 1177-1181) tương ứng với những năm họ Taira suy vong.

    [12] Còn đọc là Genbei seisuiki, nói về sự hưng vong của hai họ Taira và Minamoto.

    [13] NagazumiYasuaki, “Đọc Truyện Heike” (Heike Monogatari wo yomu), Iwanami Junia Shinsho, Tôkyô, 1980.

    [14] Em gái của một trong bốn tướng mạnh (Tứ Thiên Vương) của Yoshinaka.

    [15] Sự thất bại của Yoshinaka cũng một phần vì lụy đàn bà. Khi vào Kyôto, ông mê con gái quan đại thần Fujiwara no Motofusa, không thiết việc binh, ngay cả khi hai tướng lãnh trung thành là Echigo Chuuta và Tsuwata Saburô tự sát trước điện để khuyên can.

    [16] Minamoto no Yoshinaka được nuôi dưỡng, lớn lên trong núi Kiso nên lấy núi làm tên và lúc chết cũng muốn chết trong núi.

    [17] Cánh tay mặt của Yoshinaka, con trai người vú nuôi và bạn từ thời thơ ấu của ông, một trong bốn tướng mạnh gọi là Tứ Thiên Vương.

    [18] Có lẽ tác giả muốn ngụ ý cuộc hành quân tháo chạy của tập đoàn Taira.

    [19] Ngày xưa, tên một vũ sĩ bắt đầu bằng tên đất (như Kumagai), sau đến thứ bậc trong nhà (con trai thứ hai thì gọi là Jirô chẳng hạn), rồi mới đến tên được đặt cho (như Naozane) . Do đó, hai anh em ruột có thể có tên và thứ bậc khác nhau như trường hợp anh em họ Soga.

    [20] Quý tộc Heike có tục nhuộm răng đen, do đó lính miền Đông dễ phân biệt họ với quân mình.

    [21] Craig Mc Cullough, Helen, The Tales of Heike, Stanford University Press, Stanford , California, 1988.

    [22] Taiheiki-yomi, hình thức vừa đọc truyện Taiheiki vừa giảng là nguồn gốc của phong cách kôdan (giảng đàm) của các nhà kể truyện trình diễn chuyên nghiệp đời sau.

    [23] Tình cảm huynh đệ xem ra không nặng cho lắm trước sự tranh chấp quyền hành. Anh em Ashikaga Takauji và Naoyoshi tiêu diệt lẫn nhau cũng như Minamoto no Yoritomo không tha thứ em họ Yoshinaka lẫn hai em ruột là Yoshitsune và Noriyori.

    [24] Xin lưu ý là truyện Chuushingura (Trung Thần Tàng) kể chuyện 47 người vũ sĩ không chủ (Ronin) trả thù cho chủ cũ vào thời Edo (năm Genroku 15, 1703) và vụ chính biến Ni-niroku (Nhị Nhị Lục hay 26/02/1936) dưới thiên hoàng (thứ 124) Shôwa (Chiêu Hòa, trị vì 1926-1989) cũng theo một mô-típ tương tự của lô-gíc phong kiến nghĩa là dù theo ai và đúng hay sai mặc lòng, hễ nổi loạn là phải chết.
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  16. The Following 2 Users Say Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    lostheaven (03-06-2013), lynkloo (11-01-2012)

  17. #19
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    Chương 7

    DÒNG VĂN HỌC NHẬT KÝ VÀ TÙY BÚT
    Cái nhìn sắc bén về cuộc đời của những kẻ đứng bên lề

    Nguyễn Nam Trân




    TIẾT I: NHẬT KÝ THỜI HEIAN


    Trong xã hội quí tộc Nhật Bản, vai trò của nikki (nhật ký) là ghi chép các việc công hằng ngày. Viết bằng chữ Hán, nó được dùng như một thứ tài liệu thực dụng để ghi nhớ mọi việc (bị vong lục) và do các quan chức thường là phái nam đảm nhiệm. Nikki bằng chữ quốc âm kana cũng đã xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ 10 để ghi lại diễn biến của những cuộc thi tài ở các cuộc bình thơ (uta-awase) chẳng hạn, nhưng việc ghi chép nầy vẫn còn có tính cách công cộng. Phải đợi đến Tosa nikki (Thổ Tá nhật ký) thì thể loại Nhật Ký viết bằng quốc âm Kana mới được coi như một hình thức văn chương.

    Thể loại này cần được hiểu theo nghĩa rộng nghĩa là bút ký có lẫn chủ quan chứ không phải “ghi chép hằng ngày” khách quan vô tư. Nó bao gồm cả những suy tư có tính chất nội tâm (jishô = tự chiếu) và thường chen cả thơ waka vào nữa.Tuy ngày nay người Nhật vẫn tiếp tục viết nikki nhưng cái gọi là “văn học nikki” của họ đã thuộc hẳn vào một thời đại quá vãng (thế kỷ 10 đến 16).

    A) Tosa nikki (Thổ Tá Nhật Ký):

    Được biết Tosa nikki do Kino Tsurayuki (Kỷ, Quán Chi, 868?-945?) viết và cho ra đời năm 935.Trong cuốn nhật ký nầy, Tsurayuki đã ghi chép chi tiết cuộc hành trình 55 ngày đường của mình từ Tosa (Thổ Tá, nay thuộc tỉnh Kochi, phía nam đảo Shikoku), nơi ông vừa thôi việc quận thú (trấn thủ = kami), về đến kinh đô. Nội dung nhật ký nhắc nhở nhiều về kỷ niệm về đứa con gái đã chết trong thời gian ở nhiệm sở, nỗi lo lắng về cuộc hành trình đường thủy đầy sóng gió và cướp bóc cũng như niềm vui và hy vọng lúc hồi kinh.

    Chúng tôi từ giả chỗ đỗ lại tối hôm trước để đi tiếp đến một bến khác. Trông thấy núi hiện ra ở đằng xa. Một đứa bé lên chín, mặt còn trẻ hơn tuổi của nó, bảo rằng nó có cảm tưởng núi đang chạy theo thuyền. Mọi người còn ngạc nhiên hơn vì nhân đó nó có làm một bài thơ:

    Thuyền trôi, nhìn cảnh núi đồi,
    Hỏi tùng có biết núi trôi theo thuyền?


    Bài thơ thật hợp với một cậu bé.

    Hôm đó biển động, tuyết rơi trên những mỏm đá ven bờ và sóng vỡ ra như hoa. Có người nào đấy vịnh như thế này:

    Tai nghe sóng đánh gần xa,
    Mắt nhìn ngỡ tuyết hay hoa trắng trời.


    (Trích Tosa nikki, Ngày thứ 22)

    Tác giả đã giả thác tâm sự vào một nhân vật nữ để viết cho nên sử dụng được lối hành văn mà thời ấy mệnh danh là “lối viết đàn bà” (onnade = nữ thủ) nghĩa là tự do, uyển chuyển, sắc sảo, biết đùa cợt, lại hay châm biếm. Có thể nói là, lần đầu tiên, nhờ có văn chương quốc âm kana mà văn nhân thời đó đã có phương tiện để mô tả và phê phán xã hội đương thời cũng như trình bày dễ dàng hơn những chi tiết cuộc sống nội tâm của chính mình.

    Thực ra chữ onnade (nữ thủ) là để gọi loại văn tự hiragana tức bình-giả danh (văn tự biểu âm bắt nguồn từ chữ Hán viết theo lối thảo) của Nhật. Hiragana được xem như dành cho các bà để họ làm thơ waka hay viết thư (thời đó thư tín gọi là tiêu tức[1]) và ngay cả khi viết truyện hoặc nhật ký.Trong khi đó, chữ Hán (Kanji) được gọi là mana (chân danh) là chữ viết của đàn ông và mang tên là onokode (nam thủ).Tuy nhiên từ đời Nara bước qua thời Hei-an, có một sự chuyển hướng: onokode đã nhường bước cho onnade nghĩa là Giả lấn lướt Chân, dòng văn học phụ nữ bị coi thường kia lần lần đã chiếm ưu thế.

    Đầu thời Hei-an, đã có man.yôgana (Vạn Diệp-giả danh) hay magana (chân-giả danh) tức là lối biểu hiện âm tiết Nhật qua chữ Hán viết theo lối Hài và Hành nghĩa là không giản lược. Thế rồi văn tự sôgana (thảo-giả danh) ra đời và đúng như tên của nó, bắt nguồn từ lối viết thảo với khuynh hướng giản lược hóa. Dưới triều Hei-an thì magana lại trở thành onokode (nam thủ). Khi viết magana nhanh tay thì tốc độ viết làm cho chữ tháu đi và biến dạng thành sôgana, hình thái thay đổi đến độ không còn nhận ra mặt chữ xưa (chân tướng). Đó là onnade vậy.

    Đặc điểm của Tosa nikki là trong đó có ghi lại 57 bài waka và nội dung của nikki có liên quan đến cuộc sống riêng tư của tác giả, đó là một điều mới mẻ. Tuy nội dung của nó không phong phú bằng Nittô guhô junrei kôki (Nhập Đường cầu pháp tuần lễ hành kí) của tăng Ennin (Viên Nhân tức Jikaku Daishi, Từ Giác Đại Sư) viết trước đó hơn một thế kỷ cũng như một trăm bài thơ bày tỏ tâm sự mình (trong Tự Ý Nhất Bách Vận ) của Sugawara no Michizane. Tuy nhiên, chủ ý của Ki no Tsurayuki không phải là sự quan sát ngoại giới hay trầm tư suy gẫm như hai người đi trước đó, nhưng đúng ra để trình bày biến chuyển tâm lý, tình cảm của mình. Như khi về đến ngôi nhà cũ ở Kyôto nay đã tan hoang, ông viết :

    Lòng của người giữ nhà cho ta chắc cũng đến điêu tàn như ngôi nhà. Chỉ có năm sáu năm trôi qua từ ngày ta đi vắng mà tưởng đã mấy trăm năm.Trong ta tràn ngập bao mối cảm hoài và ta nghĩ về đứa con gái của ta đã sinh ra trong ngôi nhà. Ta không biết nói sao hơn để tỏ lòng thương tiếc nó đã không còn để về đây với ta lần nầy ”.

    Vai trò của Tosa nikki rất quan trọng vì, tuy do một người đàn ông viết ra, nó đã mở đường cho một dòng văn học quan trọng của Nhật Bản : văn học nữ lưu (joryuu bungaku), gồm nhật ký (sẽ đi vào chi tiết sau) như Kagerô nikki, Izumi Shikibu nikki, Murasaki Shikibu nikki, Sarashina nikki và tùy bút mà điển hình là Makura sôshi.

    B) Kagerô nikki (Tinh Đình nhật ký)[2] :

    Sách gồm ba quyển thượng, trung, hạ , do bà mẹ (không rõ tên) của hữu đại tướng Fujiwara no Michitsuna (Đằng Nguyên, Đạo Cương) trước tác, ra đời năm 974.Người ta chỉ biết tác giả là một trong 36 ca tiên và mất khoảng năm 995 mà thôi. Bà là con gái của Fujiwara Tomoyasu (Đằng Nguyên Luân Ninh) và là dì của tác giả Sarashina nikki (sẽ nói đến trong những trang sau) tức con gái (cũng không rõ tên) của Fujiwara Takasue (Đằng Nguyên Hiếu Tiêu).

    Trong nhật ký có ghi chép sự việc từ lúc bà được Fujiwara Kane-ie [3] (Đằng Nguyên Kiêm Gia) cầu hôn (954) năm 19 tuổi cho đến năm 40 tuổi (974) nghĩa là hai mươi mốt năm của cuộc sống vợ chồng. Tác giả sinh trong một gia đình quan suryô (thủ lĩnh) tức giai cấp tiểu quí tộc địa phương nhưng nhờ duyên phận được lọt vào gia đình đại quí tộc. Bà là vợ hai, sinh được người con trai là Michitsuna (Đạo Cương), thành thứ mẫu của quyền thần Michinaga (Đạo Trường) và hoàng hậu Senshi (Thuyên Tử), có hai cháu gái gọi bằng bà về sau cũng làm hoàng hậu (tức Teishi và Shôshi đã nhắc đến ở trên). Tuy nhiên, điều bà ghi lại trong nhật ký là chuỗi ngày không được đầm ấm với chồng cho đến khi trông cậy được vào con trai mình.

    Thuở xưa, dưới chế độ đa thê[4], vì là người có lòng tự hào nên sau khi thất bại trong việc giữ tình yêu của chồng mà đối với bà chỉ là cái bóng chập chờn (kage), bà trở thành cay đắng và đau khổ.Tác phẩm trình bày được tâm trạng buồn thương, u ẩn đó.

    Trong tựa sách, bà phê bình tính cách bịa đặt vô nghĩa (soragoto = không ngôn, hư sự) của thể loại truyện monogatari và chủ trương viết là phải đi từ những kinh nghiệm cá nhân có thực. Tuy bà trình bày nỗi bất hạnh (ghen tuông, lo lắng, tuyệt vọng) trong cuộc sống vợ chồng nhưng bà cũng muốn làm sáng tỏ để mọi người rõ nguyên nhân của nỗi bất hạnh đó là gì và cho biết nguồn hạnh phúc gia đình không phải đến từ mỗi ông chồng là Kane-ie. Phần đầu tập nhật ký là văn vần (quyển thượng, 15 năm đầu), đặt trọng tâm qua trao đổi thơ xướng họa, nhưng dần dần khi chủ đề tác giả đặt ra đã được khai thác sâu xa hơn thì nó ngã hẳn qua hình thức văn xuôi (quyển trung và hạ, những năm còn lại).

    Kagerô khai triển được bút pháp của Tosa trong lãnh vực văn chương quốc âm và như thế làm đồi dào thêm khả năng phân tích tâm lý bên trong, đã ảnh hưởng nhiều đến Genji về sau.

    C) Izumi Shikibu nikki (Hòa Tuyền Thức Bộ nhật ký) :

    Tác phẩm xuất hiện năm 1007, nhiều thuyết cho là bà Izumi Shikibu (Hòa Tuyền, Thức Bộ, sinh khoảng 978 – chết sau 1033) viết. Ta đã biết bà là thi nhân waka nổi tiếng, con gái của Ôe no Masamune (Đại Giang, Nhã Chí), một nhà thơ lớn, mẹ của nữ sĩ Koshikibu (Tiểu Thức Bộ), cũng là một nhà thơ. Bà lấy chồng hai lần. Trước là Tachibana no Michisada (Quất, Đạo Trinh, năm 996), sau là Fujiwara no Yasumasa (Đằng Nguyên, Bảo Xương, 1010). Ngoài ra, giữa hai cuộc hôn nhân, bà có cuộc đời tình ái sóng gió với nhiều người đàn ông.

    Tập Izumi Shikibu nikki chép lại thời gian 10 tháng trời (năm 1003) của cuộc tình duyên giữa bà và một trong những người yêu, hoàng tử (thân vương) Sochi-no-Miya Atsumichi (Súy Cung Đôn Đạo, 977-1007), dưới hình thức truyện. Nhật ký vẽ ra được quang cảnh thế giới tình ái thơ mộng của hai người xoay quanh trên 140 bài thơ tặng đáp. Sở dĩ có người nghi ngờ chưa chắc bà viết là vì thắc mắc tại sao nhân vật chính lại xuất hiện với ngôi thứ ba. Kẻ phản luận bảo rằng đó là chủ ý của tác giả muốn dấu danh tánh.

    Cuộc đời của Izumi Shikibu cũng tự phát, đầy cá tính, lãng mạn và nồng nhiệt như thơ văn của bà. Bà bỏ mặc khuôn phép, thành kiến của xã hội, có nhiều hành vi làm người đương thời không chấp nhận nổi, đánh giá bà là một kẻ say đắm ái tình. Thơ của bà còn giữ được khoảng 1470 bài tanka trong hai tập thơ (tuy có nhiều bài in trùng nhau) và từ đó 247 bài đã được đăng trong các tuyển tập soạn theo sắc chiếu làm bà trở thành nhà thơ phụ nữ được nhắc đến nhiều nhất. Lối sống và phong cách làm thơ của bà đã ảnh hưởng nhiều đến Yosano Akiko (Dữ Tạ Dã, Tinh Tử. 1878-1942), một nhà thơ nữ hàng đầu của thi ca hiện đại, người đã đặt lại vị trí bà như một phụ nữ đã được giải phóng.

    D) Murasaki Shikibu nikki (Tử Thức Bộ nhật ký) :

    Murasaki Shikibu hoàn thành tác phẩm này vào năm 1010. Bà là nữ quan hầu cận hoàng hậu Shôshi (Chương Tử) nên ghi chép tách bạch được chi tiết của đời sống xa hoa, lộng lẫy của cung đình.Từ quang cảnh hoàng hậu lâm bồn cho đến mọi nghi thức và lễ lạc trong cung, bà đều mô tả rõ ràng. Bên cạnh đó và không đồng hóa với nó là cuộc sống nội tâm của mình mà bà cũng đã trình bày một cách sâu sắc và bén nhạy. Phần cuối của tập nhật ký là “ thư tín ” (tiêu tức văn = shosokubumi) trong đó bà bày tỏ ý kiến về các nữ quan và văn nhân đương thời ( Sei Shônagon, Izumi Shikibu, Akazome-Emon...) cũng như tâm sự về những điều tự phê khá nghiêm khắc đối với bản thân :

    Về Izumi Shikibu, bà phát biểu : “ Có tài về văn chương thư tín và thơ waka, gây được cảm tưởng như viết lách nhẹ nhàng và làm thơ dễ như ứng khẩu. Tuy nhiên sự hiểu biết và lý luận về thơ thì đáng ngờ, không phải là một nhà thơ đáng cho ta phải để ý ”.

    Bà có vẽ nhẹ tay với Akazome emon : “ Tuy không phải là một nhà thơ xuất sắc đặc biệt nhưng thơ ý vị sâu sắc, bài nào đọc lên mình cũng cảm thấy thẹn vì thua kém ”.

    Còn đối với Sei Shônagon, bà nặng nề hơn : “ Thật tình người nầy hay làm cao, ra vẻ ta đây. Thông minh, viết đầy chữ Hán ra đấy nhưng nhiều chỗ vẫn chưa đạt. Tưởng như trội hơn người nhưng lại để lộ ra sự yếu kém. Muốn đi tìm cái phong lưu nhưng thành ra khinh bạc ”.

    Lý do của sự khe khắt nầy có lẽ là hai người hầu hai bà chủ trong tư thế đối lập với nhau chăng ?

    E) Sarashina nikki (Cánh Cấp nhật ký) :

    Do bà SugawaranoTakasueno Musume viết vào khoảng năm 1060. Không rõ tên tác giả, chỉ biết bà là “con gái nhà Sugawara -no-Takasue (Quản Nguyên, Hiếu Tiêu)” và sinh khoảng năm 1008. Dòng dõi Sugawara rất giỏi văn chương học vấn. Mẹ bà là con gái Fujiwara no Tomoyasu, cho nên gọi tác giả Kagerô nikki bằng dì. Bà kết hôn với Tachibana Toshimichi (Quất, Tuấn Thông) nhưng chồng chết, sống một tuổi già góa bụa.

    Sarashina (nhật ký lấy Sarashina tức vùng núi non thuộc tỉnh Nagano, phía bắc Tokyo bây giờ, làm bối cảnh. Có thể vì Toshimichi,chồng bà, từng làm chức quận thú (kami) ở Shinano (Tín Nùng) tức chung quanh vùng nầy) bắt đầu kể về thế giới thơ mộng của vùng Kazusa (Thượng Tổng, một phần của Chiba bây giờ) ở miền Đông, thuở ấy rất hoang vu, nơi bà sống với cha suốt thời thơ ấu (trước năm 1020, lúc 13 tuổi). Sau đó là những hiện thực phủ phàng lúc lớn lên (chồng chết năm 1058) và tuổi già đi tìm an ủi trong lòng tin tôn giáo.Nội dung nhật ký ***g trong một khoảng thời gian dài ước chừng 40 năm và mô tả nhiều về thế giới thấy được trong mộng mị. Tuy vẫn đề cập đến những chủ đề thường thấy trong các monogatari, đặc điểm của Sarashina là mô tả thành công tâm trạng buồn thương của cảnh cô độc góa bụa và bàn luận một cách thấm thía về cái bèo bọt vô nghĩa của kiếp người.

    Người ta còn phỏng đoán bà còn là tác giả hai cuốn truyện Yoru no nezame “Tỉnh Giấc Nửa Đêm” và Hamamatsu Chuunagon Monogatari “Truyện quan Chuunagon Hamamatsu”.

    F) Các nhật ký khác:

    Ngoài những nikki nói đến ở trên, có thể kể thêm Jôjin Ạjari-no-haha-no-shuu (Thành Tầm A-Xà-Lê Mẫu tập, 1073) cảnh của bà mẹ của nhà sư Jôjin (Thành Tầm) kể lể nỗi khổ khi đưa chân con lên đường qua Trung Quốc hành hương các di tích của Phật Giáo. Trong tập nầy, mọi tâm trạng của người mẹ đối với con đã được miêu tả tường tận. Cũng như phải nói đến Sanuki-no-suke nikki[5] (Tán Kỳ Điển Thị nhật ký, 1108) của chức nữ quan hầu cận tên gọi Fujiwara Nagako (Đằng Nguyên, Trường Tử) viết, kể lại sự tình từ lúc thiên hoàng (thứ 73) Horikawa (Quật Hà, trị vì 1087-1107 ) phát bệnh, băng hà cho đến khi tân quân lên kế vị.Tác giả ghi chép tỉ mỉ về cái chết của thiên hoàng và sau khi vua mới là thiên hoàng (thứ 74) Toba (Điểu Vũ, trị vì 1107-1123) lên ngôi, vẫn hoài niệm về vua cũ. Đặc điểm của tập nhật ký nầy là mang chủ đề liên quan đến sự chết.

    Theo Katô Shuuichi, qua các chi tiết vừa kể, ta có thể rút ra ba kết luận:

    - Những tập nikki nầy được viết trong một khoảng thời gian 200 năm (giữa thế kỷ thứ 10 đến giữa thế kỷ 12) và hầu như do phụ nữ viết. Họ đều thuộc tầng lớp quí tộc bậc trung, con nhà quan lại trấn thủ địa phương.

    - Các tác giả phụ nữ nầy hầu như đều có bà con xa gần với nhau và gia đình họ cũng có những cây bút phái nam, từng có tác phẩm viết bằng Hán hay Hòa văn.

    - Những cây viết lỗi lạc nhất trong nhóm là các “nữ học sĩ có phòng riêng” (nyobô = nữ phòng”) trong cung. Việc gọi văn học nữ lưu thời Heian là văn học nữ quan (nyobô bungaku) thật ra rất chính xác.

    Từ đó hãy thử trả lời câu hỏi, tại sao ở Nhật lại có một tầng lớp phụ nữ thành công trong lãnh vực văn học như vậy?

    Trước tiên là họ sống trong một thế giới khép kín và không liên quan gì đến chính trị. Con nhà dòng dõi, họ có học vấn cao và điều kiện sinh sống thoải mái. Lớp quí tộc bậc trung còn chẳng có cách nào khác để tiến thân hay biểu lộ giá trị của mình trong một hệ thống thứ bậc chặt chẻ, nói chi đến phụ nữ. Các bà đành đi theo con đường văn chương. Vì không thể thay đổi xã hội cung đình, họ tìm cách quan sát và giải thích nó.

    Hoàng hậu hay chính phi của đông cung thường có khoảng ba bốn mươi nữ quan thị tùng.Trong triều như thế phải có đến vài trăm người và tạo thành một nhóm người khá quen biết nhau.Họ vừa là tác giả vừa là độc giả của nhau. Họ có làm thơ, viết tiểu thuyết nhưng sở trường của họ là thể koại nikki (nhật ký) và zuihitsu, sôshi (tùy bút).


    TIẾT II: TÙY BÚT THỜI HEIAN


    Phương pháp viết nhật ký đã được qui định qua Kagerô nghĩa là người viết phải tập trung để theo dõi những biến chuyển nội tâm của mình. Nhật ký nặng về ghi chép nên chỉ trình bày diễn biến ấy theo trình tự thời gian.

    Tuy nhiên loại hình văn học mới vẫn giữ cái sắc bén và tinh tế trong quan sát khách quan nội tâm (khả năng tự soi mình = jishô hay tự chiếu) của nhật ký và còn nhấn mạnh và phát huy thêm khả năng nầy, được gọi là zuihitsu (tùy bút), nghĩa đen có nghĩa là “để ngòi bút tự nó dẫn lối đưa đường”.Tác phẩm tiêu biểu cho thể loại zuihitsu là Makura sôshi (Chẩm thảo tử) của bà Sei Shônagon, ra đời khoảng năm 1001.

    A) Sei Shônagon[6](Thanh, Thiếu Nạp Ngôn, 966?-1024?):

    Bà Sei là con gái của thi sĩ waka tên là Kiyohara Motosuke (Thanh Nguyên, Nguyên Phụ), một trong Lê Hồ Ngũ Nhân tức 5 người làm việc trong Viện Thi Ca (chung quanh có trồng cây lê). Tằng tổ phụ của bà, ông Kiyohara Fukayabu (Thanh Nguyên, Thâm Dưỡng Phụ), là thi nhân nổi tiếng thời Kokin Waka-shuu (905-914).Từ thuở nhỏ bà đã nằm lòng những tác phẩm cổ điển. Năm 993, thiên hoàng Ichijô (Nhất Điều) vời bà vào cung hầu cận hoàng hậu Chuuguu Teishi (Trung Cung Định Tử). Suốt 10 năm bên cạnh hoàng hậu, bà được hậu đãi nên phát huy được tài năng của mình. Sau khi hoàng hậu mất, bà từ chức.Trước bà đã kết hôn với Tachibana Norimitsu (Quất, Trắc Quang) năm 15 tuổi. Họ lấy nhau được 10 năm thì ly hôn. Sau khi rời hậu cung, bà thành vợ của Fujiwara Muneyo (Đằng Nguyên, Đống Thế) nhưng lại có thuyết cho rằng cuối đời bà xuất gia, sống cô độc.

    Bà lớn hơn Murasaki Shikibu bốn tuổi và mất sau tác giả Truyện Genji 10 năm. Cuộc đời hai người như xen kẻ và có nhiều điểm giống nhau. Cả hai đều dòng dõi trâm anh và văn học, đều là nữ quan hầu cận hoàng hậu, đều là đại biểu xuất sắc của văn học Nhật Bản, một người về tùy bút, một người về truyện kể. Điểm khác nhau giữa họ là cái nhẹ nhàng bén nhọn nơi Sei Shônagon tương phản với cái sâu lắng thâm trầm của Murasaki Shikibu. Đặc sắc của bà Sei Shônagon là cách nhìn sự vật khách quan, nặng về lý tính để tìm thấy trong sự vật và con người cái “kỳ cục, buồn cười” (okashi) của nó, trong khi Murasaki Shikibu nhìn mọi sự với cái nhìn chủ quan, thiên về tình cảm để tìm ra cái “đáng yêu, đáng thương” (aware).

    Cái khác nữa là bà Sei trung thành với cánh nhà bác của họ Fujiwara, trong khi Murasaki là người của cánh nhà chú. Khi kẻ cầm đầu cánh nhà bác là tể tướng Michitaka (Đạo Long) mất, nhà bác thất thế, thì các con trai ông như Korechika (Y Chu), Taka-ie (Long Gia) bị tá thiên về địa phương (phủ Dazai ở Kyuushuu) và con gái, hoàng hậu Teishi (Định Tử) buồn cảnh bị chú áp bức, cắt tóc đi tu rồi chết lúc mới có 24 tuổi. Bà Sei giữ lòng trung với chủ nên từ chức và đi lấy chồng. Từ đó là giai đoạn hưng thịnh của cánh nhà chú với tân tể tướng Michinaga (Đạo Trường). Ông này cho con gái là Shôshi (Chương Tử) nhập cung. Bà Murasaki được vời vào hầu hoàng hậu mới. Ta đã thấy trong nhật ký của mình, (Murasaki Shikibu nikki), bà đã có những lời phê bình rất nặng nề đối với bà Sei mà bà cho là người “ngạo mạn” , “khinh bạc”và “làm dáng” v.v…

    Ngoài Makura no Sôshi, bà Sei còn để lại thi tập Sei Shônagon Shuu (Thanh Thiếu Nạp Ngôn Tập).

    B) Makura no sôshi (Chẩm thảo tử):

    Theo một tiết trong bài bạt, nhờ có hoàng hậu Teishi ban cho giấy (sôshi = thảo tử) để dùng, Sei Shônagon nhân đó mới viết tác phẩm Makura no sôshi. Chẩm (Makura) là cái gối dùng gối đầu, ý nói quan trọng và gần gũi bên mình. Thuyết khác lại xem cái gối (rỗng) là chỗ để chứa giấy để viết.Có thể hiểu bà viết sách nầy không phải với tư cách cá nhân mà với tư cách công của một nữ quan. Tùy bút nầy không ghi chép gì về chuyện xảy ra sau khi hoàng hậu Teishi mất nên có thể xem như đã viết xong trước năm 1001. Dầu vậy với một đôi chỗ bổ túc và sửa đổi, sách chỉ thực sự hoàn thành khoảng cuối năm 1004.

    Cách viết Makura no sôshi rất tự do, đề tài có thể là mọi thứ từ kinh nghiệm, điều nghe thấy, cảm tưởng về cuộc sống chung quanh.Dài ngắn có tất cả 300 đoạn và trong đoạn nào cũng in dấu ấn những cảm xúc về thẩm mỹ rất nhạy bén của tác giả. Có thể phân loại nội dung các chương đó như sau:

    -Trước hết là các đoạn có tính cách nhật ký, hồi tưởng, ghi chép các điều nghe thấy trong cung chung quanh cuộc sống đài các và tao nhã của hoàng hậu Teishi, một người đẹp và thông minh toàn hảo. Tiêu biểu có đoạn mang tên Okinamaro (Ông Hoàn = Ông Lão) và Kôrohô-no-Yuki (Hương Lô Phong Tuyết = Tuyết trên đỉnh Hương Lô). Xin trích dịch đoạn nói về ngắm tuyết như sau:

    Tuyết rơi hết sức nhiều và ngập dày nên khác ngày thường, bọn cung nhân chúng tôi cứ để sập liếp cửa, châm lò than xong định tụ tập trò chuyện hầu hoàng hậu.Nhưng hôm đó nương nương lại gọi tôi “Nầy Shônagon, thế chứ tuyết trên ngọn Hương Lô ra sao nhỉ?”. Thấy tôi nâng liếp cửa và cuốn cao bức rèm lên, ngài bèn nhoẻn miệng cười. (Tuyết trên đỉnh Hương Lô)

    Ở vùng tây nam Cửu Giang tỉnh Giang Tây bên Trung Quốc có dãy núi tên Lô Sơn, trong đó có ngọn Giáp Lô Sơn có hình thù giống như cái lò hương (hương lô) nên gọi là Hương Lô Phong (Kôrohô theo cách đọc của Nhật). Thi nhân đời Đường Bạch Cư Dị (772-846) có câu thơ rất nổi tiếng “ Hương Lô Phong tuyết bát liêm khan”(Vén rèm ngắm tuyết ngọn Hương Lô), có ghi lại trong tuyển tập thơ văn Bạch Thị Trường Khánh Tập do bạn ông là Nguyên Chẩn biên soạn vào năm 824. Văn tập nầy rất phổ biến ở Nhật, nhân vật triều Heian rất yêu chuộng, gọi gọn lại là Văn Tập hay Tập. Câu chuyện của bà Sei viết như trên mới đọc thì có vẻ tầm thường nhưng nếu có kiến thức cổ điển Trung Hoa mới thấy hai thầy trò Sei Shônagon có văn hóa cao, phong cách tao nhã và rất tâm đầu ý hợp vì không cần nói nhiều cũng hiểu nhau.

    -Thứ đến các đoạn có tính cách “loại tụ” (ruijuu = họp thành một loại) nghĩa là nói về những cái giống nhau (monozukushi) của từng sự vật (núi, sông…) và những tình cảm mà sự vật ấy có thể gợi ra cho ta.Có thể sử dụng nó để làm mào đầu[7] (makura) để tựa vào đó mà đặt thơ gieo vần.Tác giả đã có khả năng liên tưởng ngôn ngữ dựa trên những nhận xét tinh tế và nhạy bén.

    Những cái ít khi thấy là bố vợ khen chàng rễ, con dâu được mẹ chồng thương, cái nhíp bạc nhổ đúng ngay sợi tóc, tớ không nói xấu chủ. Cũng như khó kiếm ra người không có lấy một thói hư tật xấu, từ mặt mũi, tính tình đến phong cách đều tuyệt vời, tiếp xúc thường xuyên với người đời mà không để ai chê bai được điều gì... (Những Điều Hiếm Có)[8]

    Một người khách đến chơi lúc ta đang vội mà còn kể lể dông dài. Nếu là kẻ đối xử tệ được thì ta đã có thể bảo “Thôi, để lúc khác!” và tống khứ anh ta. Nhưng nhỡ là kẻ mình phải giữ lễ thì họ đặt ta vào một hoàn cảnh khó tiến thoái, thật bực.

    Một sợi tóc rớt trong nghiên hay hạt cát dính vào thỏi mực kêu ken két lúc ta mài…Khi ta đang muốn lắng nghe chuyện bỗng có đứa bé chợt khóc thét. Một đàn quạ bay tán loạn tứ phương, kêu inh tai. Con chó nhè người ban đêm lén tìm đến thăm ta mà sủa nhặng lên. Một giết phức nó được! (Những Điều Đáng Ghét) .

    -Cuối cùng là các đoạn có tính cách tùy bút nói đến những tình cảm tự phát bộc lộ trước thiên nhiên và con người. Nó là một phân nhánh của các đoạn nói về loại tụ. Ví dụ đoạn nói về buổi bình minh mùa xuân (Haru no akebono) chẳng hạn.

    Mùa xuân đẹp lúc hừng đông. Bầu trời ven nếp núi nhờ nhờ rạng ra rồi làn mây ánh màu tím nhạt trải dài trông thật tuyệt.

    Mùa hè đẹp vào ban đêm. Lúc trăng ló dạng càng đẹp. Dù trời tối mịt nhưng nếu đom đóm bay qua bay lại, cả bầy hay dầu chỉ một đôi con, chớp chớp cũng đủ thích. Có tí mưa lại đậm đà hơn.

    Thu đẹp lúc chiều về. Mặt trời vừa gác núi, quạ từng đàn hai ba chiếc, ba bốn chiếc, gấp rút như muốn về chỗ ngủ, trông thật nên thơ. Hơn thế, nếu có ngỗng trời giăng hàng bay nhỏ dần về phía xa, nhìn theo càng thương cảm. Lúc vầng dương khuất hẳn giữa tiếng gió và tiếng côn trùng, thì không cảnh nào hơn

    Đông đẹp nhất ban sáng. Cảnh tuyết rơi tụ lại thì đành rồi nhưng nếu chỉ có sương rơi trắng xóa cũng đáng yêu. Dù không được một buổi mai như thế nhưng nếu trời thật lạnh, nội nhìn cái dáng lăng xăng chuyển than để nhóm lửa sưởi cũng nhắc cho ta đang ở giữa mùa đông. Đến trưa khi cái lạnh dần dần dịu đi, lửa trong lò đã thành tro, mới cảm thấy đơn chiếc. (Bình minh mùa xuân)

    Những cuộc hò hẹn bí mật giữa trai gái đặc biệt thú vị vào mùa hè. Hai người yêu nhau chưa kịp chợp mắt thì đêm đã sáng tự hồi nào. Màn cửa kéo lên cả và khu vườn trông mát rượi. Khi hai người vừa trao đổi mấy câu cần thiết cuối cùng thì một con quạ bỗng bay qua trước mắt họ và rêu rõ to. Buồn cười nhất là họ có cảm tưởng đang bị ai bắt gặp. (Đoạn 74)

    Như đã trình bày, tùy bút của bà Sei tập trung vào thế giới hậu cung thiên hoàng chung quanh hoàng hậu Teishi. Văn thể giản dị, hành văn ngắn gọn, đa dạng, tự do, nhận xét tinh tế… là những ưu điểm của nó. Bà trình bày rất sống động cảnh quan tể tướng bố của hoàng hậu xuất hiện cùng đoàn tùy tùng, thương cảm cho con chó bị đuổi khỏi cung vì dám tấn công con mèo của thiên hoàng, miêu tả chi tiết màu sắc áo xống các vương tôn tiểu thư mặc trên người, phê bình khiếu thẫm mỹ của họ thế nào…Tuy nhiên vì chuyên chú vào việc ca ngợi cuộc sống vinh hoa, đài các nên thành ra chỉ nhận xét sự vật qua cái vỏ bên ngoài, thiếu sâu sắc nội tâm lẫn tinh thần phê phán.
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  18. The Following User Says Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    lynkloo (11-01-2012)

  19. #20
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    TIẾT III: NHẬT KÝ (NIKKI) THỜI KAMAKURA


    Văn hoá vương triều điển hình là văn hoá Heian quá xán lạn cho nên tuy có điểm yếu là vì thế mà quyền lực chính trị bị tê liệt, nó vẫn còn được sự ngưỡng mộ của người đời sau dù khi chính trị vũ gia đã bén rễ khá sâu. Do đó, có nhiều tác phẩm của người đương thời mang chủ đề tâm tình hoài vọng quá khứ vàng son ấy. Cùng lúc, Kamakura đã trở thành thủ đô chính trị làm cho sự giao lưu giữa Kyôto và Kamakura bằng con đường Tôkaidô (Đông Hải Đạo), trục giao thông chính ven biển, trở nên tấp nập. Hai loại văn nikki (nhật ký) và kikô (kỷ hành) hay ghi chép lúc đi đường, nhờ đó mới có thêm tư liệu phong phú để trở thành một dòng văn học đặc sắc.

    A) Nhật Ký Hồi Tưởng:

    Trong các tác phẩm thuộc loại nikki hồi tưởng lại cuộc sống cung đình có Kenreimon-in Ukyônodaibu-shuu (Kiến Lễ Môn Viện Hữu Kinh Đại Phu tập) được xem như hoàn thành năm 1233. Tác giả Kenreimon-in Ukyônodaibu không phải là tên người nhưng chỉ là một chức nữ quan trong cung hầu cận bà Kenreimon-in tức bà cựu hoàng hậu Taira Tokushi (Bình, Đức Tử) mà cả gia đình Taira của bà đã chết thảm trong trận thủy chiến ở Dan no Ura. Bà Ukyôdaibu (gọi theo chức của cha ?) sinh giữa khoảng Heian-Kamakura và là một thi nhân waka.. Con gái của Fujiwara no Koreyuki (Đằng Nguyên, Y Hành), bà vào cung hầu cận hoàng hậu Tokushi của thiên hoàng (thứ 80) Takakura (Cao Thương, trị vì 1168-1180). Bà có thơ trong các tập waka soạn theo sắc chiếu.

    Sau khi vào cung hầu cận hoàng hậu ít lâu, bà dan díu với hai người đàn ông : Fujiwara Takanobu (Đằng Nguyên, Long Tín) và Taira Sukemori (Bình, Tư Thịnh). Với Takanobu bà không hợp nên chẳng mấy lúc phải chia tay, còn Sukemori đã cùng cả nhà Taira phải bỏ kinh đô tháo chạy và rốt cục tiêu vong ở Dan no Ura. Bà còn mỗi một mình trơ trọi, suốt nữa đời còn lại thương tiếc cái chết của Sukemori. Tác phẩm của bà chứa chan tình cảm vì bà diễn tả những đau thương thống thiết của thân phận đàn bà bị thần chiến tranh đem ra làm trò đùa :

    Bọn vũ sĩ (quân Minamoto) hung hãn từ miền tây ùn ùn đổ tới.Tin người ta đồn đại nhiều không xiết kể, chẳng biết loại tin tức gì sẽ lọt vào tai mình lúc nào.Khóc ngất rồi lại ngủ vùi, trong mộng lúc nào cũng thấy con người ấy (Sukemori) hiện ra trong mảnh áo đơn, đứng giữa chỗ gió thổi ào ào với dáng trầm ngâm. Khi giật mình tỉnh giấc, ruột gan rối bời, sống với một tâm trạng khó mà diễn tả. Giờ đây lòng hãy canh cánh không biết người ấy còn đang ở trong tình cảnh tương tự hay không ?...Biết đâu chàng vẫn vật vờ trong sóng to gió lớn, tâm hồn chưa tìm được bình an!

    B) Những tác phẩm nhật ký và văn chương du hành khác

    Về tác phẩm thuộc hai loại nói trên, vào thời này còn phải kể đến Tamakiharu [9] (không có tựa chữ Hán, tạm dịch là Một đời tận tụy) và Heike Kindachi Zôshi [10] (Bình gia công đạt thảo tử) nói về các công khanh Heike, thuộc dòng văn chương hồi tưởng triều đại cũ của họ Taira. Ngoài ra, Minamoto no Ienaga nikki [11] ( Nguyên, Gia Trường nhật ký) trong đó Minamoto no Ienaga ghi chép lại quá trình biên soạn thi tập Shin Kokin Shuu (Tân Cổ Kim Tập) cũng là một tác phẩm quan trọng. Ben no Naishi nikki [12] (Biện Nội Thị nhật ký), Nakatsukasa no Naishi nikki (Trung Vụ Nội Thị nhật ký) [13]điển hình cho loại nhật ký ghi chép lại những ngày tháng hầu cận trong cung (nội thị) của các chức quan nội thị này. Thế nhưng Izayoi Nikki (Thập Lục Dạ Nhật Ký) tức Nhật ký đêm mười sáu và Towazugatari (không có tên chữ Hán, ý nói không hỏi cũng xin thưa) mới là những tác phẩm đáng lưu ý vì có phần văn du ký[14] (kikô) chen vào.

    Đầu thời Kamakura, có Kaidôki (Hải đạo ký) và Tôkan Kikô (Đông Quan kỷ hành) hai tác phẩm viết về phong cảnh và sự tình trong những cuộc lữ hành trên con đường Tôkaidô (Đông Hải Đạo). Vì sử dụng thể văn Hòa Hán hỗn hợp một cách khéo léo trôi chảy, chúng là hai tác phẩm điển hình cho văn học du ký và ảnh hưởng sâu đậm đến các tác phẩm về sau trong đó có Truyện Heike.

    Kaidôki không rõ ai viết nhưng được phỏng định ra đời vào khoảng năm 1223. Tác giả là người về già đi xuất gia, ghi chép lại cuộc hành trình của mình từ Kyôto đến Kamakura. Nội dung gồm lý do của chuyến đi, tâm tình lúc đi đường và những suy tư về đạo Phật đã đào sâu thêm qua chuyến đi. Tôkan kikô cũng nói về một cuộc hành trình tương tự và những điều nghe thấy của người viết lúc lưu trú ở Kamakura, cũng không biết do ai viết, phỏng đoán vào khoảng năm 1242.

    Văn chương du hành đã được thấy rất sớm. Một phần tư thơ trong Manyô-shuu đã nói về những gì xảy ra trong lúc đi đường. Các tác phẩm du ký thời Trung Cổ thường được soạn ra bởi các tác giả nam nữ muốn lánh đời (yosute-bito) và chịu ảnh hưởng của Phật Giáo nên hay nói đến lẽ đời vô thường. No còn chen lẫn trong các hình thức văn chương khác như nikki, truyện và thơ. Izayoi nikki, của Abutsuni (1228-1283) và Towazu-gatari của nữ tu Nijô (1258-1306) là những ví dụ cụ thể. Ngay cả Sanka-shuu (Sơn gia tập) của tăng Saigyô, tuy là một tập thơ nhưng cũng có màu sắc đậm đà của văn chương du ký vì nhắc nhiều đến các uta-makura (gối thơ) tức phong cảnh đẹp hay lịch sử gợi hứng cho thơ mà ông đã bắt gặp trên đường đi.


    TIẾT IV : TÙY BÚT THỜI KAMAKURA


    A) Tùy Bút và Pháp Ngữ:

    Trong một thời nhiễu nhương và thiên tai, lòng con người có mang nỗi bất an, bất mãn và phiền trách là chuyện cũng dễ hiểu.Một trong những phản ứng là bỏ đi tu để xa lánh hiện thực của cuộc đời.Họ trở thành những người đi ở ẩn, kết cỏ dựng am trong núi sâu hoặc lang thang du hành từ vùng[15] nầy qua vùng khác. Họ xem cuộc đời nầy là vô thường, dốc lòng tu học đạo Phật và để lại những tác phẩm văn học nói lên chí hướng và kinh nghiệm bản thân. Đó là dòng văn học ẩn sĩ mà người Nhật gọi là inja bungaku (ẩn giả văn học). Trước đó đã có Saigyô (Tây Hành, 1118-1190), Shun-e (Tuấn Huệ, thầy của Kamo Chômei) , Ton-A (Đốn A, 1289-1372) là những văn nhân ẩn sĩ có tiếng. Đại biểu ưu tú nhất của lớp người nầy vào đầu thời Kamakura là Kamo no Chômei (Áp, Trường Minh) với Hôjôki (Phương trượng ký) và Kenkô (Kiêm Hảo) với Tsurezuregusa (Đồ nhiên thảo). Các văn nhân ấn sĩ xa rời thế tục, sống độc lập nên thi ca và văn chương của họ cũng có phong vị u nhàn tịch mịch. Dòng văn học ẩn sĩ (inja bungaku) là điểm đặc thù của thời trung cận đại, trong khi dòng văn học mệnh phụ (nyobô bungaku) là đặc điểm của thời trung cổ và văn học người kẻ chợ (chônin bungaku) đại diện được cho thời cận đại.

    Ngoài thể loại tùy bút, các bài giảng của cao tăng khuyên người “lánh đời ô trọc, vui tìm cõi phúc ” (yếm ly uế thổ, hân cầu tĩnh thổ) với lối hành văn giản dị, dễ hiểu nhưng có sức kêu gọi mạnh cũng là đối tượng của nghiên cứu văn học. Loại văn nầy gọi là hôgo (pháp ngữ) có thể viết bằng chữ Hán hay Kana.

    B) Hôjôki (Phương trượng ký) :

    Tiêu biểu cho tùy bút Nhật Bản, Hôjôki (1212) là tác phẩm của Kamo no Chômei (Áp, Trường Minh, 1155 ?-1216), nhà văn, nhà thơ và ẩn sĩ. Chômei là con một chức quan giữ đền nhưng cha mất lúc mới 20, không ai đỡ đầu, chịu long đong một thời. Sau nhờ theo học waka với Minamoto no Shun-e (Nguyên, Tuấn Huệ) và đàn biwa (tì-bà) với Nakahara Ariyasu (Trung Nguyên, Hữu An) mới có chút công danh. Ông được thái thượng hoàng Go-Toba-in cho làm một chức quan trong Viện Thi Ca (Wakadokoro = Hòa ca sở), dần dần nổi tiếng vì có thi tài. Lúc 50 tuổi, buồn vì việc người trong họ cản trở việc tựu chức quan giữ đền thần của mình, ông đột nhiên bỏ tất cả, xuất gia, lánh đời. Ông về vùng Ôhara rồi Hino, nay thuộc Kyôto, cất am trong núi, viết Hôjôki. Ngoài tác phẩm nầy, Chômei còn để lại tập thuyết thoại Phật Giáo Hosshinshuu (Phát tâm tập), tập bình luận thi ca Mu.myôshô (Vô danh Sao), tập thơ cá nhân Kamo no Chômei-shuu (Áp Trường Minh tập) chưa kể đã góp phần biên soạn các tập Waka theo sắc chiếu như Senzai-shuu (Thiên tải tập), Shin Kokin-shuu (Tân cổ kim tập).

    Phương trượng [16] chỉ căn phòng nhỏ vuông vức của người tu hành, mỗi bề khoảng 3 mét. Đây là nơi Chômei trầm tư và ghi chép ý nghĩ của ông . Ông viết về phong cảnh chung quanh thảo am như sau:

    Phía nam cái am, có đặt máng để lấy nước khe.Rừng ở kề bên nên nhặt cành khô làm củi không khó. Cỏ bò lan lấp lối đi, trong trũng cây cối rậm rạp nhưng phía tây lại thoáng nên buổi chiều ngắm mặt trời lặn để suy nghĩ về cõi Tây Phương tịnh độ cũng tiện. Mùa xuân hoa tử đằng nở tựa chòm mây tím, mùa hè, tiếng cuốc kêu như đưa đường về cõi u minh, mùa thu ve ran suốt ngày than cuộc đời bèo bọt, mùa đông thì cảnh tuyết rơi phô cho thấy vòng sinh diệt của kiếp người đầy tội lỗi. Mỗi ngày được niệm Phật đọc kinh tùy thích, sống có một mình nên chẳng lo phạm tội gian dối cùng ai. Tảng sáng ra bờ sông Uji ngắm thuyền bè qua lại, miệng ngâm nga mấy câu thơ, chiều về khảy ít tiếng tỳ bà. Có hứng thì chơi điệu Thu Phong Lạc hay khúc Lưu Tuyền bí truyền. Dù đánh không hay cũng chẳng lo ai để ý.

    Lâu lâu có thằng bé con người canh gác sống ở dưới chân núi lên am chơi. Nó mười tuổi, ta sáu mươi. Tuổi tác tuy có khác nhau nhưng cùng đi ngắt hoa, hái quả, đào khoai rừng, nhặt gié lúa sót. Nếu trời đẹp, lại lên đỉnh cao nhìn về cố hương Kyôto, ngắm ngọn Kohata, mấy làng Fushimi, Toba. Đôi khi lại theo đường núi vãn cảnh chùa Iwama, chùa Ishiyama trên núi Kasatori, hay là từ Awazugahara ghé thăm dấu cũ của (nhà thơ mù) Semimaru, vượt sông Tanakami, đến tận ngôi mộ (thi hào) Sarumarudayuu. Đêm thanh vắng thì ngồi nhớ lại bạn bè xưa, nghe tiếng vượn kêu, sa nước mắt. Nhìn đàn đom đóm mà ngỡ ánh lửa phía đảo Makinoshima. Nghe chim núi hót bi ai, đâm thương cha nhớ mẹ. Cả đến tiếng cú rúc trước kia khó ưa, bây giờ cũng gợi ta nguồn hứng.

    Những câu như “ Sông kia chảy không hề ngừng và nước có bao giờ lại là dòng nước cũ ”[17] mà ông viết nói lên sự đồng cảm của mình với lẽ đời vô thường. Nội dung phần đầu tập sách miêu tả năm tai ách của người Nhật thời đó : trận hoả tai năm Angen (An Nguyên, 1177) thiêu rụi 1/3 thành phố Kyôto, trận bão lốc năm Jishô (Trị Thừa, 1180), quyết định đột ngột thiên đô về Fukuhara (Phúc Nguyên, gần Kobe) của quyền thần Taira Kiyomori cũng vào năm 1180 khi quân Yoritomo và Kiso tấn công, nạn đói năm Yôwa (Dưỡng Hòa, 1181) làm chết trên 42.000 người, trận động đất năm Genryaku (Nguyên Lịch, 1185). Ông viết chính xác đến từng chi tiết với một giọng văn gây xúc động của người chứng kiến cảnh đời vô thường của một kinh đô có lịch sử huy hoàng 400 năm đang lần hồi sụp đổ.

    Truyện đói kém được tả lại như sau :

    Hình như hồi năm Yôwa thì phải, chuyện xưa rồi nên không nhớ rõ. Suốt hai năm liền, không lương ăn, bao nhiêu cảnh bi thảm. Xuân, hạ thì hạn hán, thu, bão tố lũ lụt, toàn là tai ách, ngũ cốc không ra hạt.Nông dân bỏ ruộng vườn, chạy qua xứ khác hay vào trong núi ở. Cầu đảo, làm bùa làm phép chẳng có kết quả. Thóc lúa dưới quê không lên nên người hàng phố kinh đô phải đem bán đổ bán tháo những đồ quí giá mà chẳng ai mua cho. Nếu có người chịu đánh đổi thì tiền bị coi rẻ, lương thực đắt. Ngoài đường đầy ăn xin. Đến năm sau lại thêm bệnh dịch, người người như cá mắc cạn, những kẻ gốc gác sang trọng cũng phải ăn mày, bước không muốn nổi. Vệ đường đầy xác người chết đói. Hai bờ sông Kamo, hài cốt chồng chất.

    Bị du vào thế cùng, có kẻ vào chùa đánh cắp tượng Phật, ban thờ, đem ra chợ bán làm củi. Phải giương mắt nhìn những hành vi ấy, ta hận cho mình đã sinh ra vào thời buổi như vầy.

    Sau khi đã kể lại 5 tai ách, trong phần thứ hai của quyển sách, ông hồi tưởng lại cuộc đời đầy dẫy bất hạnh của chính bản thân và kể lại bước đường đã khiến ông từ bỏ cuộc đời vô nghĩa để xuất gia, lập am trong núi ẩn cư. Ông tả lại một cách sống động cuộc đời nhàn tản lần đầu tiên tìm thấy được trong niềm vui tôn giáo, thi phú và âm nhạc.Tuy nhiên, trong phần kết, ông lại lên tiếng phủ nhận bản thân mình vì đã quá chấp nhất, chỉ lo nghĩ đến cuộc sống thảo am thanh tĩnh.

    Sách ngắn thôi nhưng đủ để miêu tả tâm tình với rất nhiều cảm khái của một người trí thức phải kinh qua một thời đại đầy biến loạn.

    Phần đầu có giọng văn than thở vì phải miêu tả năm tai ách, phần sau ca ngợi cuộc sống nhàn cư, để rồi kết luận gấp rút bằng phủ nhận bản thân, nghĩa là sách được chia thành 3 phần khá rõ ràng. Sách viết bằng chữ Hán pha chữ Nhật, có nhiều đối cú, câu văn mạnh mẽ, lý luận minh bạch, nhất là những đoạn miêu tả thiên tai để lại nhiều ấn tượng. Tuy viết theo dàn bài tập Chiteiki (Trì Đình Ký, 982) của Yoshishige no Yasutane (Khánh Từ, Bảo Dận, 934 ?-1002), văn nhân cuối thời Heian nhưng với tư cách là tác phẩm do một ẩn sĩ sáng tác lại có thêm quan điểm nhìn cuộc đời như một cõi vô thường, Hôjôki đã trở thành một tiêu biểu cho dòng văn học yếm thế đồng thời là lý tưởng tự do và ảnh hưởng nhiều đến toàn thể văn chương trung cận đại.

    C) Tsurezure-gusa (Đồ nhiên thảo)

    Tăng nhân Kenkô (Kiêm Hảo), có người đọc là Kiêm Hiếu, sinh và mất khoảng 1283 ?-1352 ?, đã hoàn thành tập tùy bút Tsurezure-gusa tạm dịch là “ Viết lúc buồn tình ” hay “ Bút nhàn ” vào năm 1331, lúc có cuộc đảo chánh mạc phủ lần thứ hai thất bại của thiên hoàng Go-Daigo. Tên thật của ông là Urabe Kaneyoshi (Bốc Bộ, Kiêm Hảo), một dòng họ lo việc bói toán, nhà đời đời làm chức quan giữ đền Yoshida (Cát Điền) cho nên ông còn được gọi là Yoshida Kaneyoshi. Khoảng năm 20 tuổi, vào hầu cận quí tộc Horikawa (Quật Hà), nhờ đó được làm quan lục phẩm dưới đời thiên hoàng thứ 94 Go-Nijô (Hậu Nhị Điều, trị vì 1301-1308). Lúc thiên hoàng băng, ông mới trên dưới 30 nhưng bỏ đi tu, lấy pháp danh là Kenkô từ đó.

    Ông là nhà thơ waka thuộc trường phái Nijô, môn hạ của Nijô Tameyo (Nhị Điều Vi Thế), cùng với Ton-a (Đốn A), Jôben (Tĩnh Biện), Kei-un (Khánh Vận) được đời ca tụng là “ Bốn Nhà Thơ Waka Trụ Cột ” (Hoà Ca Tứ Thiên Vương). Xem như vào năm 40 tuổi thì ông đã chỉnh đốn xong phần chính của Tsurezuregusa. Ông vừa giỏi thơ waka, vừa là học giả cổ văn, vừa thông hiểu phép tắc nghi lễ thời trước, nhờ đó giao thiệp thường xuyên với Tướng Quân Ashikaga Takauji (Túc Lợi Tôn Thị, 1305-1358), các vũ tướng Tadayoshi (Trực Nghĩa, em trai Takauji,1306-1352), Kô no Moronao (Cao, Sư Trực, ?-1351) và nhà thơ waka Nijô Yoshimoto (Nhị Điều, Lương Cơ, 1320-1388). Cuối đời ông về sống ở Marabigaoka (Song Khâu) bên cạnh chùa Ninnaji (Nhân Hòa Tự) ở Kyôto. Ông còn có tập thơ soạn riêng Kenkô Hôshi Kashuu (Kiêm Hảo Pháp Sư Ca Tập).

    Tsurezure (đồ nhiên) là trạng huống buồn chán, không thiết làm gì, xem việc viết lách như một cách làm cho mình khuây khoả[18]. Tập tùy bút để giải khuây nầy gồm 143 đoạn vừa dài vừa ngắn, độc lập với nhau, nội dung của nó nói về các thú vui thời đại vương triều và khảo sát về phong tục tập quán, nghi thức trong nếp sinh hoạt của người đời trước, nghĩa là bày tỏ thái độ ngưỡng mộ đối với văn hóa quí tộc cổ xưa nhưng cũng cùng lúc, để ý đến những gì đã biến đổi.Trong tác phẩm này, ngoài những giai thoại liên quan đến giới quí tục cung đình, các tăng nhân, chiến sĩ, con buôn...tác giả còn trình bày quan điểm về cờ vây, nghệ thuật nấu ăn, binh pháp, hoa cỏ chim chóc, gió trăng, ý nghĩa cuộc đời, tâm lý con người, nhất là những khía cạnh đen tối của nó. Tác giả khuyên người ta qua những biến chuyển mà tìm ra được cái đẹp trong lẽ vô thường nghĩa là vạn vật có thay đổi thì mới đẹp, cho nên nếu đã ghét cái chết thì phải biết yêu cuộc sống,

    Tác giả có kiến thức sâu rộng đã đành nhưng còn có cái nhìn nhạy bén về thiên nhiên, về cái đẹp, cũng như tài quan sát tinh tế, sâu sắc tâm lý con người.Văn ông bình dị, trong sáng, cân đối, không thừa thải bao giờ. Cùng với Hôjôki, Tsurezuregusa đại biểu xứng đáng cho dòng văn học ẩn sĩ và thể loại tùy bút. Nó thể hiện đầy đủ đặc sắc của thể văn nầy vì để mặc cho ngòi bút kéo đi, sự nối kết giữa các đoạn không có gì gượng ép. Nó chịu ảnh hưởng của Makura no sôshi đời Heian nhưng không ca tụng vương triều như tác phẩm của bà Sei. Đúng hơn, nó chia sẻ với Hôjôki cái nhìn vô thường về cuộc đời, người thế. Trên phương diện tư tưởng, Tsurezuregusa còn đáng được đánh giá cao hơn Hôjôki vì nó không chỉ là một lời than thở về lẽ vô thường mà là sự chiêm nghiệm cái đẹp của mọi biến đổi . Nói khác đi, đó là điểm xuất phát của một quan niệm thẩm mỹ mới, mujô no bi (cái đẹp của vô thường), đặc điểm của văn học trung cận đại Nhật Bản.
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  20. The Following User Says Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    lynkloo (11-01-2012)

Trang 2/4 đầuđầu 1 2 3 4 cuốicuối

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 21-09-2008, 10:28 PM
  2. 90 tình nguyện viên tham gia xây dựng tuyến giao thông mẫu
    By Kasumi in forum Toàn cảnh Nhật Bản
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 31-01-2007, 08:33 PM
  3. Vũ Nguyễn Hà Anh tham dự Miss Earth 2006
    By osmir in forum Tin Tức Đó Đây
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 10-11-2006, 09:52 PM
  4. Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 04-11-2006, 02:53 PM
  5. Tham quan Nhật Bản mùa xuân
    By Kasumi in forum Toàn cảnh Nhật Bản
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 11-03-2006, 02:04 PM

Bookmarks

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •