>
kết quả từ 1 tới 2 trên 2

Ðề tài: Ảnh hưởng của phim truyền hình châu Á đối với công chúng Việt Nam

  1. #1
    Fansubs Friends
    kodaki's Avatar


    Thành Viên Thứ: 5542
    Giới tính
    Tổng số bài viết: 50
    Thanks
    154
    Thanked 177 Times in 34 Posts

    Ảnh hưởng của phim truyền hình châu Á đối với công chúng Việt Nam




    CHƯƠNG I:

    ẢNH HƯỞNG CỦA PHIM CHÂU Á TRÊN SÓNG CÁC ĐÀI TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM TỪ THẬP NIÊN 80 ĐẾN 2005




    1. Điểm lại các nền điện ảnh châu Á ảnh hưởng đến Việt Nam từ thập niên 80 đến 2005 [1]


    Kể từ khi ra đời, điện ảnh luôn là một bộ môn nghệ thuật được sự quan tâm đông đảo của công chúng và có vai trò quan trọng trong việc gắn kết các nền văn hóa lại với nhau. Ngay từ lúc điện ảnh mới sơ khai, Lênin đã nhận ra tầm quan trọng của nó và vào năm 1922, ông từng phát biểu: “Điện ảnh là môn nghệ thuật quan trọng nhất”. Vào thời điểm hiện tại, không một bộ môn nghệ thuật nào có thể vượt qua điện ảnh trong vai trò quảng bá văn hóa của một quốc gia.
    Xét trong khu vực châu Á, ta có thể thấy Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khu vực châu Á khác đều ít nhiều chịu tác động về văn hóa từ các nền điện ảnh lớn trong khu vực như: Hàn Quốc, Nhật Bản, nền điện ảnh cộng đồng Hoa ngữ. Sự hâm mộ các nền điện ảnh này không phải diễn ra cùng lúc mà lần lượt đến theo từng thời điểm.

    1.1 Thời kì hoàng kim của phim Hồng Kông



    Vào thập niên 80-90, khi nhiều nhà đã có tivi và video nhưng thời lượng phát sóng phim trên tivi vẫn còn ít, không đủ đáp ứng cho nhu cầu của công chúng nên mọi người bắt đầu ồ ạt rủ nhau mướn băng video để xem phim. Lúc đó, đi đâu cũng thấy rất nhiều tiệm cho mướn video. Đây là thời điểm thịnh hành của phim Hồng Kông. Cụ thể hơn đó là phim của đài TVB. Hồng Kông còn có đài ATV nhưng thị hiếu của khán giả Việt Nam lại không thích hợp với phim của đài này nên không được đón nhận nhiều. Lúc đó, đơn vị nhập và phát hành phim của TVB chính là Fafilm Việt Nam. Phim TVB do Fafilm phát hành bao giờ cũng có ***g tiếng. Chính vì thế, ở giai đoạn này, ảnh hưởng của điện ảnh đến với công chúng Việt Nam chỉ dừng lại ở mức hâm mộ một diễn viên ngôi sao nào đó, không dẫn đến những ảnh hưởng về ngôn ngữ. Ngoài ra, vì thời điểm đó, kinh tế còn khó khăn, hàng ngoại nhập chưa nhiều nên dù có yêu thích một bộ phim hay ngôi sao nào đó cũng không dẫn đến việc bắt chước về phong cách thời trang như sau này.
    Sau một thời gian gần 20 năm, phim Hồng Kông bắt đầu đi vào thời kì thoái trào ở Việt Nam, vào khoảng năm 98-99, những bộ phim Hàn Quốc đầu tiên bắt đầu lên sóng ở Việt Nam và đã tạo nên những cơn sốt lớn. Đài truyền hình đầu tiên chiếu phim Hàn Quốc là HTV, sau đó một thời gian thì VTV tiếp nối phát sóng rồi lan dần đến những đài ở các tỉnh lẻ.




    1.2 Phim Hàn Quốc xuất hiện



    Nếu xét về sự khác biệt tổng thể trên mặt nội dung của phim Hàn Quốc và Hồng Kông, ta có thể lí giải vì sao công chúng Việt Nam lại đột ngột chuyển thị hiếu nhanh như vậy. Đặc điểm của phim Hồng Kông thường là những phim hài, kết thúc có hậu. Phim Hồng Kông nếu lấy bối cảnh hiện đại thường chú trọng xây dựng hình ảnh những nhân vật thông minh, lí trí, đặt họ trong bối cảnh nghề nghiệp và chủ yếu khai thác mối quan hệ giữa các nhân vật với nhau cũng trên cái nền từ quan hệ trong công việc. Các nhà biên kịch Hồng Kông cũng không mấy chịu khó trong sự thay đổi motif các mối quan hệ tình cảm trong phim. Chỉ cần xem chừng chục phim, khán giả đã có thể nhận thấy một công thức khá rõ ràng mà hầu như phim Hồng Kông nào cũng áp dụng: cặp đôi yêu nhau thường ban đầu rất ghét nhau, cãi nhau rất nhiều rồi sau đó mới yêu và cuối cùng kết thúc hạnh phúc. Phim Hồng Kông hầu như không thay đổi công thức này, sự khác biệt ở mỗi phim không nằm trong sự thay đổi cấu trúc trong mối quan hệ tình cảm của nhân vật mà chỉ nằm trong sự thay đổi đề tài, bối cảnh nghề nghiệp. Chính vì thế, thời điểm đó phim Hàn Quốc mới xuất hiện ở Việt Nam và lập tức lấn át phim Hồng Kông bởi nó có một phong vị khác và các motif tình yêu cũng khác hoàn toàn. Phim Hàn Quốc thời điểm đó ít chú trọng đến những yếu tố hài, gây cười, mà rất buồn, kết thúc thường bi kịch. Nội dung phim cũng không quá tập trung vào mảng nghề nghiệp như Hồng Kông mà ngược lại chủ yếu tập trung khai thác tâm lí của con người trong các mối quan hệ.



    1.3 Vai trò của các phương tiện truyền thông trong việc tạo ra sự chuyển hướng tiếp nhận nơi công chúng



    Phim Hàn Quốc tạo ra làn sóng hâm mộ mới ở Việt Nam nguyên nhân chủ yếu do chính nội dung của nó mới mẻ, phù hợp với thị hiếu công chúng Việt Nam thời điểm đó nhưng ngoài ra, cũng không thể kể đến tác động không nhỏ của các phương tiện truyền thông đại chúng.
    Vì là phim truyền hình nên phương tiện truyền thông đầu tiên ta xét đến là truyền hình. Ở thời điểm thập niên 80-90, khi áp lực công việc chưa cao, người dân chưa bận rộn nhiều nơi công sở thì việc lựa chọn hình thức mướn băng video xem tại nhà là điều hợp lí. Người ta có thể mướn nhiều hay ít tùy thích và bắt đầu xem thỏa thích. Vì là phim ***g tiếng nên trung bình 1 tuần ra 3 hoặc 4 băng. Thời điểm đầu, 1 băng phim chứa 3 tập. Về sau 1 băng chứa 2 tập phim. Như vậy, nếu một người xem phim thường xuyên và xem phim mới thì 1 tuần trung bình họ sẽ xem từ 6-8 tập. Mỗi tập tương đương 45 phút, như vậy ta sẽ có tổng thời gian xem phim trong 1 tuần trung bình của người dân là từ 4 tiếng rưỡi cho đến 6 tiếng.
    Vào thời điểm cuối thập niên 90, kinh tế bắt đầu phát triển hơn lúc trước, người dân bận rộn hơn nên cũng ít có thời gian dành cho việc xem phim. Chính điểm này mà khi phim được chiếu trên truyền hình vào một thời điểm nhất định (nhất là giờ vàng, giờ rảnh rỗi của mỗi người) đã bắt đầu được đón nhận nồng nhiệt. Ngoài ra, công chúng cũng nhận thấy khi mỗi ngày chỉ được xem giới hạn một thời lượng phim nhất định, họ bị ngắt ngay những đoạn gay cấn nhất và hồi hộp chờ đến ngày hôm sau hoặc tuần sau để xem tiếp phim sẽ thú vị hơn là họ có thể theo dõi phim vào bất cứ lúc nào và xem bao lâu cũng được (có khi là xem một lúc hết cả phim nếu như phim họ thích đã ra băng hết và họ có thời gian rảnh). Ban đầu, một ngày vào bất cứ khung giờ nào, đài truyền hình cũng sẽ chiếu liên tiếp 2 tập phim. HTV7 ở thời điểm đó, nếu phim nào chiếu vào buổi chiều thì sẽ được phát lại vào sáng hôm sau; phim chiếu buổi tối thì phát lại vào trưa hôm sau. Vì vậy, mức độ lan tỏa phim và lượng khán giả xem một bộ phim nào đó ngày càng được lan rộng khi họ không xem được vào thời điểm phim mới phát thì cũng có thể xem lại. Dần dần, những năm về sau, các đài truyền hình bắt đầu cắt thời lượng phát sóng lại một tập phim. Cho đến thời điểm này, ở hầu hết các đài (ngoại trừ những đài truyền hình cáp chuyên chỉ chiếu phim như SCTV9, HTV3) đều không chiếu lại phim và mỗi lần chiếu cũng chỉ chiếu một tập. Điều này chứng tỏ, khi kinh tế phát triển hơn, công chúng bận rộn hơn thì cũng ít dành thời gian để xem phim trên tivi hơn trong một ngày cho dù là cả với phim họ thích. Ngoài ra, việc không chiếu lại phim đã phát của ngày hôm trước cũng đồng nghĩa với việc số phim một ngày phát trên một đài truyền hình tăng gấp đôi. Từ đó cho thấy, theo thời gian, thị hiếu xem phim của công chúng ngày càng đa dạng và phân thành nhiều tầng. Do đó, thay vì chiếu ít phim nhưng nhiều lần để phim đó đến với nhiều công chúng thì nhà đài chọn chiếu nhiều phim khác nhau trong một ngày với mỗi phim được chiếu vào những khung giờ nhất định phù hợp với một tầng lớp thích dạng phim đó và có điều kiện để theo dõi.
    Sau tác động truyền hình là đến tác động của báo in. Thời điểm phim Hàn Quốc mới xuất hiện ở Việt Nam, đã có liên tiếp những bài báo nói về phim Hàn Quốc một cách tích cực ngay trên những tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên...v…v…Tiêu biểu là thời điểm lúc bộ phim Anh em nhà bác sĩ (một trong loạt phim Hàn Quốc đầu tiên chiếu ở Việt Nam), báo Tuổi Trẻ đã có bài giới thiệu về phim, ca ngợi rằng đây là bộ phim mang đậm chất nhân văn. Tập cuối của phim lúc đó phát trên HTV đã đạt rating rất cao. Sau đó, vào năm 1999, phóng viên Trung Nghĩa của báo Tuổi Trẻ đã rất nhanh nhạy khi cho xuất bản tập sách “Phim và diễn viên Hàn Quốc được yêu thích” (viết chung với Kim Hyun Jae). Vào thời điểm đó, internet chưa phát triển rộng rãi ở Việt Nam, các tờ báo in cũng ít có thông tin về các diễn viên Hàn Quốc nên việc Trung Nghĩa cho ra đời tập sách đó đã nhanh chóng được đông đảo công chúng tiếp nhận trước tình hình khan hiếm thông tin về ngôi sao mà mình hâm mộ. Ngoài ra, đĩa nhạc phim Hàn Quốc do anh viết lời Việt được phát hành cùng thời điểm đó do các ca sĩ Việt Nam nổi tiếng lúc bấy giờ trình bày cũng rất thịnh hành trong giới trẻ. Thị hiếu yêu thích phim Hàn Quốc nở rộ đã dẫn đến sự ra đời của nhiều tờ tạp chí giải trí chuyên cung cấp các tin tức về các ngôi sao như tờ: Ngôi sao của tôi (tờ báo này phát hành một thời gian ngắn rồi đình bản), Đất mũi chuyên đề (sau này đổi tên thành Đất mũi cuối tuần), Thế giới nghệ sĩ…v…v…



    1.4 Mạch sóng ngầm Đài Loan



    Phim Đài Loan chưa bao giờ thật sự chiếm ngôi vị độc tôn như phim Hồng Kông, Hàn Quốc ở Việt Nam. Thế nhưng, lượng công chúng yêu thích phim Đài Loan ở Việt Nam cũng không phải là nhỏ. Và trong một số thời điểm, phim Đài Loan cũng có những ảnh hưởng nhất định. Có thể tạm gọi tên 2 dòng phim Đài Loan được công chúng Việt Nam yêu thích nhiều nhất: những phim của nữ sĩ Quỳnh Dao và những phim thần tượng Đài Loan.
    Trước năm 1975, ở miền Nam đã có làn sóng hâm mộ tiểu thuyết, phim của Quỳnh Dao cùng với các tiểu thuyết, phim kiếm hiệp của Kim Dung. Thế hệ thanh niên Việt Nam vào khoảng những năm thập niên 70,80 xem phim và đọc tiểu thuyết của Quỳnh Dao rất nhiều. “Phim của Quỳnh Dao” là cách gọi ngắn gọn cho những phim được chuyển thể từ tiểu thuyết của bà. Nó đã trở thành thông dụng đến nỗi ở nhiều trang web download phim trên mạng, dành hẳn một mục ở phần thể loại ghi là “Phim Quỳnh Dao” chứ không xếp phim của bà vào chung mục phim của Đài Loan. Cho đến bây giờ, tuy làn sóng hâm mộ các phim của Quỳnh Dao không còn rầm rộ như lúc trước nữa nhưng vẫn có thể thấy rất nhiều tiểu thuyết của bà được bày bán trong các nhà sách, các đài truyền hình tỉnh lẻ thi thoảng vẫn hay chiếu lại phim cũ của bà. Đây là một minh chứng cho thấy rằng vẫn luôn có một lượng người nhất định hâm mộ tiểu thuyết và phim của Quỳnh Dao.






    Hoàn châu công chúa-một bộ phim của Quỳnh Dao được công chúng Việt Nam hâm mộ



    Dòng phim thứ hai của Đài Loan có sức ảnh hưởng lớn đến công chúng Việt Nam phải nhắc tới là dòng phim thần tượng. Bắt đầu manh nha nổi lên từ năm 2002, với phim Meteor Garden (khi chiếu ở Việt Nam có tên là Vườn Sao Băng), và bùng phát vào năm 2005 với phim Prince turns to frog (Hoàng tử ếch). Vào thời điểm nằm 2005, khi khán giả đã bắt đầu trở nên quen thuộc và có phần nhàm chán với những phim Hàn Quốc theo chiều hướng bi kịch, nội dung phức tạp thì những phim thần tượng Đài Loan với nội dung đơn giản, hài hước, mang cái nhìn lạc quan và kết thúc có hậu dễ dàng chiếm thiện cảm với công chúng. Tuy nhiên, dòng phim này lại quá lệ thuộc vào nguồn kịch bản có sẵn đến từ truyện tranh Nhật Bản (manga) mà không chịu khó tìm tòi, viết những kịch bản mới, công thức làm phim rập khuôn, không có sự thay đổi nhiều từ phim này qua phim khác nên những năm gần đây, sức hút của nó đã giảm hẳn không chỉ ở Việt Nam mà còn trên cả khu vực châu Á nói chung. Điều này cho thấy cách công chúng tiếp nhận điện ảnh cũng giống với cách họ tiếp nhận các phương tiện truyền thông đại chúng. Đó là đều trải qua ba giai đoạn: giai đoạn ban đầu là mê mẩn, sau đó là đến giai đoạn bão hòa khi họ bắt đầu tỏ ra hoài nghi và chán nản, giai đoạn cuối cùng là giai đoạn trưởng thành, họ sẽ có sự chọn lọc mang tính lí trí hơn với những gì thật sự phù hợp và cần thiết với mình. Đối với điện ảnh, và đặc biệt là với phim truyền hình, vấn đề của nhà sản xuất phim là làm sao không cho công chúng nhận ra những công thức mà mình sử dụng để xây dựng một kịch bản phim. Để làm được việc đó thì điều thiết yếu trước tiên là phải luôn đổi mới cách làm phim. Thế nhưng không phải lúc nào ý tưởng sáng tạo cũng đến để kịp thời sản xuất ra sản phẩm phục vụ công chúng. Một vấn đề nữa là họ phải biết kết hợp đan xen giữa nhiều dạng phim, nhiều cấu trúc, thể loại, giữa những motif cũ và mới.





    Phim Hoàng tử ếch




    1.5 Hiện tượng làm nhiều phiên bản chuyển thể từ tác phẩm văn học kinh điển của phim Trung Quốc



    Vào những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, phim truyền hình Trung Quốc đã từng được đông đảo khán giả Việt Nam yêu thích với các phim chuyển thể từ các tác phẩm văn học Trung Quốc kinh điển như: Hồng Lâu Mộng, Tây Du Kí, Thủy Hử, Tam Quốc Chí…v…v…
    Tuy nhiên, thời gian sau đó, phim Trung Quốc chìm hẳn trước phim Hồng Kông và Hàn Quốc. Lượng khán giả yêu thích phim Trung Quốc ở Việt Nam cũng không quá nhiều. Có rất nhiều nguyên nhân cho vấn đề này.
    Thứ nhất, hầu hết những phim truyền hình Trung Quốc được lên sóng ở các đài truyền hình Việt Nam đều là những phim rất dài tập (thường từ 30,40 tập trở lên) trong khi những phim Hàn Quốc (trung bình 16 tập), phim Hồng Kông, Đài Loan (trung bình 20 tập) lại tương đối ngắn. Số tập ngắn cũng tạo điều kiện kích thích công chúng muốn xem phim hơn là những phim có số tập dài. Vì những phim dài dễ tạo cho người ta cảm giác ngán ngẩm, không muốn theo dõi phim ngoại trừ phim đó phải thật hay, hấp dẫn. Trong khi với phim ngắn tập, ta dễ dàng có cảm giác vi vu, không xét nét lắm đến mặt nội dung vì đằng nào dù nó có dở thì cũng sẽ sớm kết thúc. Vì vậy, với những phim ngắn tập, chỉ cần có nội dung trung bình-khá trở lên, không cần phải quá hấp dẫn là đã có thể thu hút công chúng.
    Thứ hai, những phim Trung Quốc chiếu ở Việt Nam hầu hết là dành cho giới trung niên khi các diễn viên đóng trong phim đều ở tuổi trung niên và nội dung cũng là dành cho giới này. Nội dung của hầu hết các phim Trung Quốc chiếu ở Việt Nam đều nói về vấn đề chính trị, tội phạm, tham nhũng, ma túy…v…v…Ngoài ra, mạch phim Trung Quốc rất chậm không phù hợp với phần đông công chúng xem phim ở Việt Nam là giới trẻ thích những bộ phim gay cấn, hấp dẫn, nhiều tình tiết, tiết tấu nhanh. Tuy vậy, hầu hết những phim Trung Quốc đã chiếu ở Việt Nam đều có giá trị nhân văn rất cao nên mặc dù không trở thành một làn sóng hâm mộ cuồng nhiệt như các phim Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…thì nó vẫn luôn chiếm một tỉ lệ giờ phát sóng nhất định ở các đài truyền hình Việt Nam. Đối tượng của dòng phim này chính là những người trung niên thuộc tầng lớp tri thức. Họ quan tâm đến các tin tức thời sự-chính trị nên cũng tìm thấy đâu đó ở trong phim Trung Quốc những thông tin cần thiết.
    Vào năm 2003, khi nhà chế tác Trương Kỷ Trung làm lại phim Anh hùng xạ điêu-tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung thì một bộ phận đông đảo công chúng Việt Nam lại bắt đầu quan tâm đến phim Trung Quốc. Tiểu thuyết của Kim Dung vốn được một lượng lớn bạn đọc ở Việt Nam cũng như châu Á nói chung hâm mộ. Thế nhưng, với những phim đã được dựng từ tiểu thuyết của ông thì chưa có phim nào đủ quy mô hoành tránh xứng tầm với những trang văn mà Kim Dung đã viết. Nguyên nhân vì trước thời điểm đó, đa phần những phim được chuyển thể từ tiểu thuyết của Kim Dung đều do Hồng Kông và Đài Loan sản xuất với kinh phí không cao nên những cảnh võ thuật cũng cho hiệu ứng kém. Ngoài ra, yếu tố thiên nhiên, phong cảnh trong phim cũng là vấn đề đáng bàn khi Hồng Kông và Đài Loan không có nhiều không gian thiên nhiên, nhiều đại cảnh như Trung Quốc. Và quả thật, phim Anh hùng xạ điệu năm 2003 với kinh phí khoảng gần 40 triệu nhân dân tệ (một con số rất cao với một bộ phim truyền hình Trung Quốc ở thời điểm đó) đã không làm người hâm mộ thất vọng. Phim từng một thời làm mưa làm gió trên màn ảnh nhỏ Hà Nội rồi sau đó là HTV7. Kể từ sau phim Anh hùng xạ điêu năm 2003, những phim kiếm hiệp của Kim Dung được Trương Kỷ Trung chế tác lại luôn giành được nhiều sự quan tâm theo dõi của công chúng Việt Nam.






    Phim Anh hùng xạ điêu (2003)


    Vào thời điểm từ năm 2007, công chúng Việt Nam lại quan tâm đến phim truyền hình Trung Quốc nhiều hơn nữa khi lần lượt các nhà làm phim của nước này công bố sẽ làm lại toàn bộ tứ đại danh tác: Hồng Lâu Mộng, Tây Du Kí, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử. Kể từ đó, những thông tin về tiến trình thực hiện của các phim này luôn tràn ngập trên các phương tiện thông tin báo chí (đặc biệt là báo mạng), các forum, blog.
    Nhìn lại về dòng phim Trung Quốc, ta có thể thấy một điều rất rõ ràng rằng nó thu hút công chúng Việt Nam nhờ những tác phẩm văn học kinh điển. Thế mạnh của phim Trung Quốc cũng chính là phim cổ trang, kiếm hiệp. Nếu như phim cổ trang, kiếm hiệp của Trung Quốc thu hút được đông đảo bộ phận công chúng Việt Nam (trong đó có giới trẻ) thì dòng phim về xã hội hiện đại của Trung Quốc lại chỉ có thể thu hút giới trung niên thuộc tầng lớp tri thức.
    Nhận ra được thế mạnh là bề dày lịch sử-văn hóa của mình, truyền hình Trung Quốc cũng luôn ưu ái cho các tác phẩm chuyển thể từ những tiểu thuyết văn học kinh điển và họ luôn làm những phiên bản mới trong một thời gian rất ngắn (chừng 2,3 năm). Điều này cho thấy, ở công chúng Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, không hẳn chỉ có xu hướng thích những cái gì mới, mà ngược lại họ cũng hướng về những cái cũ đã khẳng định giá trị của mình trong quá khứ và được làm mới lại.
    Nắm bắt được tâm lí này, khoảng thời gian gần đây, đã có rất nhiều phim Việt Nam làm lại từ các phim Hàn Quốc đã nổi tiếng trước đó như: Ngôi nhà hạnh phúc, Lối sống sai lầm, Có lẽ nào ta yêu nhau, Anh em nhà bác sĩ…v…v…Và kết quả đã cho thấy, những phim này luôn nhận được sự quan tâm theo dõi của đông đảo công chúng Việt Nam cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực (nhưng đa phần là phản ứng tiêu cực khi họ so sánh phim Việt Nam với phiên bản gốc đã thành công trước đó). Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời cho tình trạng thiếu kịch bản hiện nay của phim Việt. Đó hoàn toàn không phải là cách làm đúng đắn nếu như muốn phim Việt phát triển trong thời gian tới.






    Phim Hồng Lâu Mộng (1987)



    Phim Hồng Lâu Mộng (2010)

    1.6 Phim Nhật Bản-làn sóng hâm mộ mới của giới trẻ Việt Nam trên mạng

    Vào những năm nửa cuối thập niên 90, bên cạnh việc chiếu phim Hàn Quốc, các đài truyền hình cũng đã chiếu lác đác một vài phim Nhật Bản dưới sự tài trợ của các nhãn hàng như: thuốc nhỏ mắt V.Rohto, Ajinomoto…Những phim truyền hình như: Ngôi sao may mắn (Hoshi no kinka), Chuyện tình Tokyo (Love story), Oshin…đã thực sự tạo nên những cơn sốt nơi công chúng Việt. Thế nhưng, vì tiền mua bản quyền một phim truyền hình của Nhật để chiếu rất đắt nên sau đó, khi không còn được các nhãn hàng tài trợ thì các đài truyền hình cũng đã không chiếu phim Nhật nữa.





    Phim Ngôi sao may mắn (1996)



    Bẵng đi một thời gian dài, vào giai đoạn khoảng từ năm 2005, làn sóng hâm mộ phim Nhật Bản bắt đầu râm ran nở rộ trên mạng. Tuy phim Nhật hầu như không được chiếu trên tivi nhưng manga thì vẫn được các nhà xuất bản lớn như Kim Đồng, Trẻ phát hành đều đặn và rất được yêu thích nên văn hóa Nhật vẫn thâm nhập sâu vào đông đảo giới trẻ Việt Nam. Những người này vì yêu thích văn hóa Nhật từ manga đã bắt đầu tìm hiểu các lĩnh vực văn hóa khác của Nhật. Đầu tiên là từ manga họ chuyển sang anime (phim hoạt hình Nhật Bản) chuyển thể từ các manga mà họ yêu thích. Qua các bộ anime, họ yêu thích những ca khúc chủ đề được thể hiện trong phần mở đầu (opening theme) và kết thúc (ending theme) nên đã dần chuyển hướng quan tâm tới âm nhạc Nhật Bản (chủ yếu là J-pop, J-rock, Pop-Rock). Đối với những manga đặc biệt yêu thích ở Nhật, ngoài chuyển thể thành anime, họ còn chuyển thành live action (phim chuyển thể từ manga do người đóng). Vì yêu manga nên một bộ phận công chúng trẻ Việt Nam đã cố gắng tìm cách để xem những live action chuyển thể từ manga mình yêu thích trên mạng. Khoảng thời gian đầu, khi các hostweb miễn phí chưa phát triển như thời điểm hiện nay thì việc down phim là rất khó khăn. Vì những file phim thường rất nặng (lúc đó, do chưa có kĩ thuật encode cao nên một file phim chừng 45 phút đã ngốn một dung lượng khoảng gần 1GB!) nên rất ít khi được upload lên các directlink vì tốn dung lượng host của một trang web. Thời điểm đó, muốn down phim trên mạng, người ta phải down bằng bittorent-một dạng chia sẻ mạng ngang hàng. Và để down được bằng bittorent thì tốc độ đường truyền net của máy phải ổn định và trước tiên người đó phải có một trình độ tin học tương đối để mở port. Ngoài ra, down bittorent còn rất bất tiện ở chỗ nó tùy thuộc vào số lượng seed (số người đã down xong file đó và mở máy để tạo đường truyền cho những người đang down) và số lượng peer (số người cùng down file đó). Do đó, người ta chỉ có thể download được 1 file nào đó khi file đó đang được nhiều người cùng down. Chính vì vậy, thông thường để down được phim trên bittorent thì phim đó phải là phim mới, thu hút được nhiều người quan tâm hoặc tuy là phim cũ nhưng vào thời điểm down vẫn còn sốt.
    Tuy việc download phim bằng bittorent khó khăn như thế nhưng vào thời điểm ban đầu, vẫn có một lượng nhỏ fan Việt Nam hâm mộ cuồng nhiệt đã chịu khó download bằng bittorent. Những người này đa phần đều là giới trẻ, độ tuổi từ 15 đến 20. Họ là những thành viên tích cực tham gia các diễn đàn về manga, văn hóa Nhật Bản. Họ rất cô đơn, khó hòa nhập với cộng đồng. Mối quan hệ xã hội của họ chủ yếu là trên mạng qua forum hoặc chat giữa những người có cùng sở thích giống họ. Khi những người cùng sở thích trò chuyện với nhau sẽ nảy sinh ra vấn đề là người này phát hiện người kia đã thưởng thức một tác phẩm nào đó mà mình chưa thưởng thức, điều này kích thích hai bên sau khi trao đổi với nhau sẽ dẫn đến ý muốn tìm hiểu tác phẩm đó hơn. Ngoài ra, khi họ trò chuyện với nhau thì kiến thức về cái mà họ thích sẽ tăng lên rất nhiều. Họ cũng hỗ trợ nhau trong việc tìm kiếm nguồn của tác phẩm yêu thích. Chính những điều này làm cho một bộ phận công chúng trẻ Việt Nam rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt thông tin về các bộ phim của Nhật Bản nói riêng, các hoạt động văn hóa của Nhật Bản nói chung.
    Vào thời điểm năm 2005-2007, do ít có người biết đến và thưởng thức phim Nhật Bản ở Việt Nam (thậm chí là đối với cả giới trẻ trên mạng) nên những người đã thưởng thức được nó thường mang tâm lí mình là người sành điệu. Và khi đã yêu phim Nhật rồi họ cũng thường rất độc đoán. Bằng chứng cho việc này là ở thời điểm đó, các fan của phim Nhật vẫn thường hay so sánh phim Nhật với phim Hàn và phê bình phim Hàn xối xả trên các forum. Những lí do được họ đưa ra như: phim Hàn “sến”, lúc nào cũng ủy mị, nhân vật chính luôn bị ung thư, luôn nói về tình yêu lãng mạn và thậm chí…cả đến việc diễn viên Hàn Quốc thường hay sửa sắc đẹp!
    Ngoài những nguyên nhân nói trên, cũng còn một số nguyên nhân phụ khiến các fan của phim Nhật thời điểm đó luôn có những lời hằn học về phim Hàn (và đôi lúc có thêm cả phim Đài Loan, Trung Quốc). Đó là vì tâm lí cảm thấy bất công với phim Nhật. Vì thời điểm đó, phim Việt Nam chỉ mới bắt đầu rục rịch tăng sóng nên trước và ngay lúc đó, phim Hàn Quốc, Đài Loan vẫn chiếm sóng trên truyền hình Việt Nam rất nhiều. 2005 đã là lúc đỉnh điểm bội thực phim Hàn của công chúng Việt Nam khi bắt đầu từ năm 2000, nó luôn chiếm thời lượng phát sóng rất nhiều. Vì vậy, khán giả đã dần cảm thấy quen thuộc và có phần nhàm chán với các motif trong phim Hàn. Quả thật, cho đến năm 2005, người ta đã bắt đầu nhận ra được các công thức kinh điển, các chiêu thức để hút khách của phim Hàn và lúc đó, Hàn Quốc vẫn chưa tìm ra được lối thoát trong vòng lẩn quẩn để tạo ra cái gì mới hơn. Phim Hàn Quốc chiếu trên tivi Việt Nam lúc đó lại là những phim có xu hướng dài dòng với số tập trên 16. Vì vậy, phim Nhật Bản với những ưu điểm như số tập rất ngắn (thường 10,11 tập có đôi khi chỉ 8,9 tập); phim không chỉ đề cập đến tình yêu mà còn đề cập đến tình cảm gia đình, bạn bè; cách diễn xuất của diễn viên Nhật cũng không quá cường điệu như Hàn Quốc (mở to mắt, miệng chữ O…); nội dung phim thường hướng đến lý tưởng sống, ước mơ của giới trẻ…đã lập tức chiếm được thiện cảm của một bộ phận công chúng Việt Nam đến từ lượng công chúng đông đảo đã hâm mộ manga Nhật trước đó. Tuy nhiên, do những nguyên nhân đã nói trên, cho đến năm 2007, vẫn còn rất ít công chúng Việt Nam biết đến phim Nhật: phim không được chiếu trên tivi; dù có download trên mạng cũng rất khó khăn; và phải biết tiếng Anh hoặc tiếng Nhật vì chưa có nhiều phim Nhật được phụ đề tiếng Việt vào thời điểm đó.


    1 litre of tears (2005)-một phim Nhật được nhiều cư dân mạng Việt Nam yêu thích



    2. Từ ảnh hưởng điện ảnh dẫn đến ảnh hưởng sang âm nhạc



    Ngành nghệ thuật của Việt Nam chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất đến từ ảnh hưởng của dòng phim châu Á chính là âm nhạc. Lí do là bởi với những phim truyền hình đương đại nếu là những phim tạo ra được cơn sốt thì hầu như luôn là những phim có nhạc phim rất hay. Thậm chí, còn có cả trường hợp những phim không mấy thành công nhưng do nhạc phim hay nên vẫn được công chúng nhớ đến và yêu thích. Vì vậy, ta có thể thấy được tầm quan trọng của âm nhạc trong phim truyền hình châu Á đương đại như thế nào.

    Thời điểm từ thập niên 80 đến năm 2000, internet chưa phát triển ở Việt Nam (Việt Nam chính thức nối mạng internet tháng 11-1997) nên khi xem phim, dù rất yêu thích nhạc phim nhưng công chúng Việt Nam cũng không thể nào tìm được những bài nhạc họ yêu thích từ phim để nghe. Ở những tiệm đĩa, cũng có bán những đĩa nhạc phim nhưng rất ít và tập trung chủ yếu là ở phim Hồng Kông vì có khu quận 5 là nơi người Hoa sinh sống. Chính vì vậy, nhu cầu khát nhạc phim Hàn Quốc ở công chúng Việt Nam là có thật. Nắm bắt được tâm lí đó, phóng viên Trung Nghĩa đã cho phát hành album nhạc phim Hàn Quốc lời Việt đầu tiên ở Việt Nam với tập hợp những bài nhạc phim Hàn Quốc do anh viết lời Việt với sự trình bày của nhiều ca sĩ nổi tiếng như: Lam Trường, Phương Thanh, Việt Quang…Những ca khúc trong album nhanh chóng được đông đảo công chúng Việt Nam đón nhận và đã lọt vào bảng xếp hạng của Làn Sóng Xanh. Vào thời điểm cuối những năm 90 đầu 2000, sức ảnh hưởng của Làn Sóng Xanh trên sóng Fm 99,9 Mhz đối với công chúng là rất lớn. Cũng từ đó, các ca sĩ Việt Nam bắt đầu cover lại rất nhiều những bản nhạc phim Hàn Quốc, Nhật được yêu thích. Trước thời điểm đó, những ca sĩ Việt Nam chủ yếu cover lại các bản nhạc phim Hồng Kông, Trung Quốc.

    Ban đầu, do không có điều kiện nghe những bản nhạc gốc từ trong phim nên công chúng Việt Nam rất đón nhận những bản cover. Thời điểm đó, các ca sĩ Việt Nam cũng chưa quá lạm dụng việc cover các ca khúc nhạc ngoại mà luôn thể hiện song song một tỉ lệ tương đối đồng đều giữa nhạc Việt và nhạc ngoại. Tuy nhiên, vào tháng 4-2004, khi vụ việc bài “Tình thôi xót xa” của Bảo Chấn sáng tác được phanh phui chỉ là một sản phẩm ăn cắp từ bản nhạc New Age “Frontier” của Keiko Matsui thì dư luận công chúng bắt đầu không ủng hộ các bản cover nhạc ngoại nữa. Thậm chí, tệ hơn nữa là có không ít lượng công chúng bắt đầu tỏ ra nghi ngờ với cả những bài nhạc do nhạc sĩ Việt Nam sáng tác nhưng nghe giai điệu có phần giống với nhạc nước ngoài. Ngoài ra, một lí do nữa là đến đầu năm 2004, lượng bài hát cover đã tràn ngập khắp thị trường âm nhạc Việt Nam. Có những ca sĩ mới xuất hiện do chưa có danh tiếng, khả năng tài chính nên hầu như ra album chỉ toàn là những ca khúc cover. Thời điểm đó Việt Nam chưa kí công ước Bern nên nếu không phải lo vấn đề trả tiền bản quyền thì giá thành cho việc thu âm một ca khúc cover sẽ rẻ hơn rất nhiều so với thu âm một ca khúc nhạc Việt chính thống.

    Sau khi công ước Bern bắt đầu có hiệu lực ở Việt Nam kể từ ngày 26.10.2004, thị hiếu âm nhạc của công chúng Việt Nam cũng được chia làm hai hướng rõ rệt: hướng tiếp tục ủng hộ nhạc Việt cho dù có tình trạng cover, đạo nhạc như thế nào và hướng quay lưng lại với nhạc Việt, bắt đầu nghe nhạc nước ngoài là chủ yếu.

    Hướng tiếp tục ủng hộ nhạc Việt chủ yếu nằm ở tầng lớp giới trẻ có trình độ ngoại ngữ kém, không có điều kiện để lên mạng thường xuyên và đa phần có lối sống khá hòa hợp với xã hội. Sở dĩ lớp công chúng tiếp tục ủng hộ nhạc Việt có đặc điểm như vậy là do khi trình độ ngoại ngữ kém thì họ sẽ không có khả năng để tìm kiếm thông tin và download những bản nhạc nước ngoài trên mạng. Ngược lại, nếu họ có trình độ ngoại ngữ tốt nhưng không có điều kiện lên mạng thì cũng sẽ không thể nắm bắt được tình hình âm nhạc châu Á nói riêng, thế giới nói chung. Ngoài ra những người này có lối sống khá hòa hợp với xã hội là do khi họ nghe nhạc Việt, họ mặc nhiên cũng nằm trong số đông xã hội nghe nhạc Việt. Do đó, họ có thể thường xuyên tranh luận những đề tài xoay quanh nhạc Việt với mọi người xung quanh như: các ca khúc nhạc trẻ đang thịnh hành, những ca sĩ thần tượng, những câu chuyện hậu trường của nghệ sĩ… Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận công chúng ủng hộ nhạc Việt là nằm ở những người công nhân viên chức độ tuổi từ trung niên trở lên, nông dân. Đối với những người công nhân viên chức thì họ tiếp tục ủng hộ nhạc Việt bằng tình yêu thời quá vãng dành cho nó với những dòng nhạc tiền chiến, nhạc Trịnh, nhạc đỏ…Đối với những người nông dân thì họ ủng hộ những bài nhạc trẻ Việt Nam mang xu hướng bình dân với tựa bài hát dài, lời bài hát có nhiều phát ngôn gây sốc trong khi chính phần giai điệu không có gì đặc biệt. Cũng chính từ đây, hình thành nên một lớp ca sĩ mà mọi người hay gọi là “ca sĩ tỉnh lẻ” nghĩa là những ca sĩ không được đón nhận ở thành phố nhưng lại rất đắt show ở các tỉnh.

    Hướng quay lưng lại với nhạc Việt chủ yếu nằm ở giới trẻ có trình độ ngoại ngữ tốt, có khả năng lên mạng thường xuyên và đa phần có một lối sống hơi cách biệt với xã hội. Nhờ có trình độ ngoại ngữ tốt, lại được lên mạng thường xuyên, nhóm này có thể tìm kiếm thông tin và download nhạc nước ngoài trên mạng rất dễ dàng. Ban đầu, họ chỉ nghe nhạc từ những phim mà họ thích. Dần dần, vì thích những người ca sĩ trình bày các ca khúc trong phim mà họ nghe sang cả những bài không phải là nhạc phim nhưng do người ca sĩ đó trình bày. Cứ thế, họ bắt đầu thâm nhập sâu vào nền nhạc đến từ nước có những phim mà họ yêu thích lúc nào không hay. Do họ không dễ dàng bắt gặp những người có cùng sở thích nghe nhạc với mình ở xã hội bên ngoài nên hầu như họ có lối sống khép kín, ít nói nhưng lại dễ dàng trải lòng nếu bắt chuyện với họ từ đề tài sở thích.

    Tuy nhiên, từ năm 2008, do các mạng xã hội ở Việt Nam rất phát triển (tiêu biểu là Zing) nên việc tìm kiếm và download nhạc phim cũng như nhạc châu Á, US-UK nói chung không còn là vấn đề quá khó khăn nữa. Ngoài ra, theo thống kê của Yahoo! ở Việt Nam vào tháng 4.2009, số người lên internet ở Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng với số lượng là 21 triệu người-chiếm ¼ dân số. Do đó, ở thời điểm hiện tại, hầu như giới trẻ nào cũng được lên mạng nhiều và mặc dù có thể không có trình độ ngoại ngữ giỏi nhưng với sự ra đời của các mạng xã hội Việt Nam, họ có thể dễ dàng tìm được những bài nhạc phim mà mình yêu thích. Điều này dẫn đến con số anti-fan với nhạc Việt (cụ thể là nhạc trẻ) ngày càng đông. Nhờ nghe được nhiều bản nhạc châu Á, họ biết được những giai điệu của các bài hit nhạc Việt sao chép cấu trúc, vòng hòa âm từ đâu. Ngoài ra, do ý thức về công ước Bern, một bộ phận công chúng trẻ tỏ ra phẫn nộ khi có những ca sĩ suốt ngày cover nhạc ngoại mà chỉ trả tiền tác quyền cho lời Việt, không tiền mua bản quyền cho phía bên nước ngoài.

    Không chỉ công chúng Việt Nam bị ảnh hưởng từ nhạc phim châu Á mà còn cả những người ca sĩ, nhạc sĩ trẻ của Việt Nam. Khi có một phim châu Á mà nhạc phim rất “hot” trên thị trường là họ lập tức cover. Đơn cử từ rất lâu là vào thời điểm phim Winter Sonata (Bản tình ca mùa đông) đang hot ở Việt Nam, bài hit trong phim From the beginning until to now của Ryu lập tức được cover với số lượng kỉ lục chưa từng có trước đó là 6 bài đến từ các ca sĩ: Minh Quân, Nhật Tinh Anh, Tuần Hưng, Quang Dũng, Trần Tâm, Anh Tiến. Vào thời điểm năm 2009, với cơn sốt phim Hàn mới Boys over flower, đã có rất nhiều ca sĩ nhanh chóng cover các ca khúc trong phim và họ đều vấp phải nhiều lời chỉ trích của giới trẻ.

    Thời điểm hiện tại, không chỉ cover bài hát, các ca sĩ Việt Nam còn bắt chước phong cách biểu diễn, thời trang và cả…cách chụp hình giống đến từng tư thế đứng, quần áo của các ngôi sao đến từ các nền điện ảnh châu Á lớn có ảnh hưởng ở Việt Nam.





    Poster Boys over flowers (KBS)
    Poster ca sĩ Việt Nam nhái theo

    Khi điểm lại những sự việc đã qua, nhìn trên bức tranh tổng thể chung, ta có thể thấy rằng tình trạng bát nháo trong âm nhạc Việt Nam hiện nay: cover các ca khúc nước ngoài, đạo nhạc, bắt chước phong cách…đều hầu như có căn nguyên từ ảnh hưởng của các phim châu Á. Đây là tình trạng cần sớm được khắc phục.



    [1]Chọn cột mốc đến năm 2005 do đây là thời điểm các đài truyền hình Việt Nam bắt đầu tăng sóng cho phim Việt, thực hiện khung “giờ vàng cho phim Việt” nên thời điểm trước và sau năm 2005, dòng phim truyền hình châu Á có những ảnh hưởng khác nhau rõ rệt đến giới trẻ Việt Nam. Ta sẽ khảo sát về mức độ và cách thức ảnh hưởng của những phim truyền hình châu Á đối với công chúng Việt Nam ở chương sau. Ở chương này, những ảnh hưởng của dòng phim châu Á đối với công chúng Việt Nam sau năm 2005 sẽ chỉ được nói lướt qua mang tính chất khái quát sơ bộ.
    Chữ ký của kodaki
    I want to share my feeling about Movie
    my reviews of favourite films
    Welcome to: kodaki-love4movie.blogspot.com

  2. The Following 5 Users Say Thank You to kodaki For This Useful Post:

    bé sa (17-05-2010), kei_itsumo (17-05-2010), lostheaven (18-05-2010), Media Fire (17-05-2010), Tiêu Dao Tử (27-09-2011)

  3. #2
    Fansubs Friends
    kodaki's Avatar


    Thành Viên Thứ: 5542
    Giới tính
    Tổng số bài viết: 50
    Thanks
    154
    Thanked 177 Times in 34 Posts

    3. Ảnh hưởng du lịch



    Đảo Nami


    Ảnh hưởng này có thể nhận thấy rõ rệt sau khi phim Hàn được yêu thích ở Việt Nam, các công ty du lịch đã mở rất nhiều tour du lịch đến các địa danh trong phim Hàn Quốc như: đảo Nami (trong phim Winter Sonata), đảo Jeju (trong phim All in và nhiều phim Hàn Quốc khác…v…v…)



    4. Ảnh hưởng văn hóa và ngôn ngữ



    Như đã nói, ở thời kì phim Hồng Kông được ưa thích, do Fafilm ***g tiếng nên chưa xuất hiện sự ảnh hưởng về mặt ngôn ngữ. Nhưng đến thời kì phim Hàn, chiếu trên tivi, do thuyết minh nên công chúng vẫn còn có thể nghe được giọng Hàn Quốc. Qua đó, rất nhiều bạn trẻ đã biết và thuộc những chữ vô cùng thông dụng như : sarang hee (Anh/em yêu em/anh), bo go ship da (anh nhớ em), kidari (anh/em sẽ chờ em/anh), annyong (xin chào), komapsumnida/kamsahalnida/koumawo (cảm ơn)…v…v…và đặc biệt là chữ oppa (anh)! Chữ oppa là dành để cho các cô gái Hàn Quốc gọi người con trai mình yêu một cách nũng nịu. Các fan nữ hâm mộ phim Hàn Quốc ở Việt Nam rất thích chữ này. Nắm được tâm lí đó, báo Hoa Học Trò, báo Mực Tím khi viết bài về nam diễn viên Hàn Quốc cũng ghi chữ là oppa. Lâu dần, chữ này đã thành thông dụng, phổ biến trong giới nữ sinh-sinh viên Việt Nam đến nỗi hầu như hỏi bất cứ ai chữ oppa là gì, họ đều có thể nói nghĩa được.
    Làn sóng yêu thích phim Hàn còn kéo theo sau nó là việc các nhà xuất bản đã cho ra đời rất nhiều cuốn sách học tiếng Hàn. Một trong những cuốn ra đời sớm nhất có thể kể là cuốn: Tự học tiếng Hàn của Nguyễn Hoàng Vĩnh Lộc biên dịch, nhà xuất bản Thanh Niên phát hành vào tháng 8.2000. Ngoài ra, những trung tâm Hàn ngữ cũng bắt đầu ra đời. Cho đến thời điểm hiện nay, vì vẫn hiếm có trung tâm dạy tiếng Hàn ở Việt Nam nên học phí cũng vẫn còn khá mắc so với mặt bằng chung của các ngôn ngữ khác. Trung bình một trung tâm học tiếng Hàn hiện tại, tùy theo lịch học mà lấy học phí từ 2-5 triệu đồng trong khi đối với các ngôn ngữ khác thì trung bình chỉ từ 600.000-1.500.000 đồng.



    Những ai xem phim Hàn Quốc đều biết được những nét văn hóa đặc trưng như: người Hàn Quốc rất tự hào về đảo Jeju, đối với một gia đình trung lưu, không có điều kiện kinh tế đầy đủ thì khi kết hôn thường sẽ hưởng tuần trăng mật ở đảo Jeju; khi buồn, người Hàn Quốc thích uống rượu soju; họ thích ăn kim chi, kim-bak…Bên cạnh những mặt tinh tế đó, hầu hết những người không phải là người Hàn Quốc xem phim Hàn Quốc đều nhận ra rằng, người Hàn Quốc thường không kiềm chế được cảm xúc. Và nhiều khi họ thể hiện cảm xúc một cách rất tiêu cực: đàn ông Hàn Quốc khi giận dữ rất dễ đập phá đồ đạc, phụ nữ thì mắt gườm lên với ánh nhìn rất sắc nhọn và họ có một câu ca thán nổi tiếng mà cho đến bây giờ, không chỉ fan Việt Nam mà cả fan quốc tế đều thuộc lòng: “aigoo” hoặc “omo” (hai chữ này tương tự như chữ “trời ơi” của Việt Nam). Hiện nay, trên nhiều trang diễn đàn về điện ảnh hoặc những trang dành cho giới trẻ nói chung đã thấy bắt đầu xuất hiện một lượng không nhỏ những người dùng chữ “aigoo” và “omo” này thay thế dần cho chữ omg (Oh my god trong tiếng Anh), có thể kể một trong số những trang tiêu biểu là: krfilm.net, iuphimhan.com, dienanh.net.
    Ngoài ra, có một hiện tượng cũng cần phải điểm qua khi nói về sức ảnh hưởng văn hóa của phim châu Á đối với công chúng Việt Nam đó là hiện tượng những cô gái miền Tây Nam Bộ, do hoàn cảnh gia đình nghèo khó, lại chịu ảnh hưởng từ các bộ phim châu Á nên đã chấp nhận lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan…mà không qua tìm hiểu trước, bất đồng ngôn ngữ, dẫn đến nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra: nhẹ thì bị thương tật do chồng đánh đập và nặng nhất là cái chết thương tâm. Vấn đề này cũng đã trở thành nóng bỏng ở Hàn Quốc khi đài SBS phát sóng phim Golden Bride từ ngày 23.6.2007 đến ngày 3.2.2008, nói về trường hợp một cô gái người Việt kết hôn với người chồng Hàn Quốc. Ban đầu, rating của phim không cao lắm nhưng rating càng ngày càng tăng dần ở cuối phim mặc dù có số tập rất dài (64 tập). Đặc biệt những tập gần cuối phim có vị trí đứng thứ 1 hoặc 2 trong cả nước lúc đang ở thời điểm phát sóng. Và điều đáng kể nhất là nử diễn viên Như Quỳnh đóng vai phụ trong phim này đã giành đến 2 giải thưởng của đài SBS trong năm 2007: giải đặc biệt dành cho diễn viên nước ngoài và giải diễn viên được yêu thích do khán giả của đài SBS bình chọn. Thêm vào đó, năm 2008, phim Spotlight của đài MBC về đề tài cuộc sống của những phóng viên cho mảng tin tức thời sự truyền hình cũng đã dành một thời lượng nhỏ quay cảnh phóng viên Seo Woo Jin (do Son Ye Jin đóng) đến phỏng vấn một cô dâu Việt bị bạo hành trong gia đình Hàn Quốc ở tập 11. Đoạn phim tuy ngắn nhưng thể hiện rõ ràng thái độ đứng về phía cô dâu Việt. Chính nhờ những đoạn phim này mà dư luận phẫn nộ về việc các cô dâu Việt bị những ông chồng vũ phu của Hàn Quốc hành hạ phần nào cũng được xoa diệu.




    Phim Golden Bride (SBS)


    CHƯƠNG II:

    THỰC TRẠNG THỊ HIẾU XEM PHIM CỦA CÔNG CHÚNG VIỆT NAM
    SAU NĂM 2005 KHI PHIM VIỆT TĂNG GIỜ PHÁT SÓNG


    Từ năm 2005, phim Vòng xoáy tình yêu do Lasta sản xuất, phát sóng trên HTV7 tiên phong cho chương trình “Giờ vàng cho phim Việt” và cũng mở đầu cho thời kì phim do các hãng tư nhân làm. Bộ phim có kịch bản gốc được chuyển thể từ Thái Lan này đã gây xôn xao dư luận và đạt tỉ suất bạn xem đài khá cao vào lúc đó. Hiện tại, các nhà làm phim Việt Nam đang đặt ra mục tiêu mỗi năm, phim Việt Nam sẽ chiếm sóng truyền hình khoảng 50%. Câu hỏi đặt ra là từ sau khi phim Việt tăng sóng, công chúng có thật sự xem phim Việt nhiều hơn? Ảnh hưởng của phim châu Á có giảm đi?
    Sau một cuộc khảo sát nhỏ, tôi đã rút ra kết luận là công chúng có xem phim Việt nhiều hơn lúc trước nhưng sức ảnh hưởng của phim châu Á vẫn không giảm. Đa phần, đối tượng chủ yếu xem phim Việt phát trên sóng truyền hình hiện nay thuộc tầng lớp trung niên. Họ tuy lúc trước không thích xem phim Việt nhưng vì không có thời gian rảnh rỗi nhiều, luôn mệt mỏi sau khi làm việc cả ngày nên dù không thích, họ cũng theo xu hướng bật tivi lên, có gì coi nấy. Còn đối với giới trẻ thì mặc dù khi họ không thích xem phim Việt và có điều kiện để lên mạng xem những phim mình thích nhưng thi thoảng họ vẫn xem một vài phim Việt trên tivi. Ở đây, ta có thể nhận thấy mô hình truyền thông liên cá nhân khá rõ. Đó là trong một gia đình bình thường có cha mẹ và con cái, khi những bậc cha mẹ tuổi trung niên xem phim Việt Nam trên tivi thì con cái họ đôi khi cũng vô thức xem chung. Hầu hết, lượng giới trẻ xem phim Việt Nam hiện nay đều không theo dõi đầy đủ một bộ phim hay một tập phim phát sóng trên tivi. Họ cũng không chú tâm canh lịch phát sóng, canh giờ để theo dõi mà thường nếu tình cờ mở lên thấy có thì xem hoặc xem cùng cha mẹ. Cũng có một lượng giới trẻ theo dõi và thật sự thích phim Việt nhưng số lượng này rất ít. Đó là hầu hết là những người sinh từ những năm 93,94 trở đi vì họ còn quá nhỏ và lớn lên khi cơn sốt phim châu Á ở Việt Nam đã có từ lâu, đang trong giai đoạn bão hòa. Còn những giới trẻ thế hệ 8x hoặc 9x nửa đầu, đến giờ vẫn chưa mặn mà lắm phim Việt.
    Như đã viết ở chương 1, phần 1.6 và phần 2, giới trẻ này tiếp xúc với nền điện ảnh châu Á qua mạng internet. Lúc đầu chỉ là để tìm hiểu thông tin về những ngôi sao họ yêu mến, nhạc phim…nhưng từ năm 2005 trở đi, khi phim Việt phát sóng nhiều trên truyền hình và họ vẫn chưa thể yêu thích được phim Việt, họ bắt đầu lên mạng để down phim. Khoảng thời gian đầu, việc down phim rất khó khăn nhưng về sau các web free cung cấp host phát triển mạnh mẽ trên mạng. Ở Việt Nam, các host nổi tiếng là: megaupload.com, mediafire.com, rapidshare.net…Nhờ những trang này mà mọi người đã không còn phải vất vả download phim như lúc trước. Tuy nhiên, do không phải là directlink nên đường truyền của các trang web này rất chậm. Do đó, khoảng thời gian ban đầu khi mới có các trang này, mọi người cũng không dùng nó để down phim nhiều lắm vì rất mất thời gian. Chưa kể lúc đó, còn chưa có chương trình Hjsplit- một chương trình cho cắt và nối file gọn nhẹ, nên việc upload một tập phim lên mạng mất rất nhiều công sức khi họ phải cắt phim bằng những chương trình vừa cắt vừa tự động convert file lại. Nhưng khoảng thời gian sau này, ngày càng có nhiều web cung cấp free host ra đời nên giữa các trang này có sự cạnh tranh với nhau rất lớn. Nhờ vậy mà đường truyền của các trang này cũng bắt đầu cải thiện, ổn định dần. Nhất là mediafire. Hiện nay, đa phần công chúng Việt Nam down phim trên mạng bằng những link của mediafire được cắt ra nhiều phần bằng chương trình Hjsplit.
    Nhận thấy tiềm năng kinh doanh béo bở của dịch vụ cung cấp free host, Việt Nam hiện nay cũng đã bắt đầu có một số trang web cung cấp host như: azsharing.com, megashare.vn (do VNPT thiết lập). Đặc biệt phải nhắc đến là trang megashare.vn, tuy chỉ mới trong giai đoạn thử nghiệm nhưng vì là host được đặt ở Việt Nam nên tốc độ đường truyền rất cao từ 300~500kbs. Đó là một con số không tưởng khi download ở các trang khác vì megaupload tốc độ trung bình là 30~100kbs, mediafire là 70~120 kbs, rapidshare thì phải dùng những chương trình chuyên dụng để download ở các free host như Cryptload, Universal downloader mới có thể download được vì nếu download theo kiểu chân phương thường rất dễ gặp trường hợp link die, không thể resume được, phải down lại từ đầu. Chính vì thế, mặc dù megashare.vn mới ra đời nhưng nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của cư dân mạng. Đây có thể xem là một dấu hiệu đáng mừng cho các công ty tin học Việt Nam muốn kinh doanh ở lĩnh vực cung cấp free host web.
    Chính vì internet ở Việt Nam đã phát triển như thế nên hiện tại, việc download cả một bộ phim truyền hình dài tập không còn là vấn đề quá khó khăn với công chúng Việt Nam. Hơn nữa, nếu như họ không muốn download do không có thời gian thì vẫn có thể xem phim online được khi số lượng các trang xem phim online ở Việt Nam ngày càng nhiều: clip.vn, zing.vn…v…v…Thế nhưng, vì chất lượng phim khi xem online rất xấu nên lượng công chúng xem cũng rất ít. Họ đa phần là do không có đủ điều kiện để download phim (do xài gói cước mạng với tốc độ đường truyền thấp hay phải xài chung với nhiều máy cùng nối mạng, máy tính bộ nhớ thấp, không có thời gian…v…v…) vì nếu hội đủ điều kiện, họ thường muốn download phim hơn.
    Ban đầu, công chúng Việt Nam yêu thích phim châu Á chủ yếu download và xem phim trên mạng bằng phụ đề tiếng Anh. Khoảng thời gian sau, khi các phần mềm làm phụ đề bắt đầu trở nên dễ sử dụng hơn thì đã có rất nhiều lượng công chúng Việt Nam (chủ yếu là giới trẻ) tập hợp lại thành những nhóm dịch phụ đề. Trên mạng, những người đó được gọi là fansubber. Cộng đồng fansubber cho phim châu Á ở Việt Nam trên mạng ngày càng nhiều. Hiện nay, những nhóm fansub tiêu biểu trên mạng có thể kể đến là: krfilm.net, iuphimhan.com...(dịch phim Hàn); japanest.com, Mola fansub, Juri-zone…(dịch phim Nhật); dienanh.net (dịch tổng hợp các phim châu Á). Ở những năm đầu tiên, khi các nhóm sub này mới thành lập cũng không có nhiều người biết đến và xem phim phụ đề tiếng Việt do nhóm thực hiện. Thế nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, lượng người xem phim phụ đề tiếng Việt trên mạng ngày càng rộng rãi và những nhóm này hiện nay hầu hết đều được cư dân mạng yêu phim châu Á điểm mặt nhớ tên mỗi khi cần xem phim.
    Lúc đầu, tình trạng dịch phim phụ đề tiếng Việt cũng rất chậm, chậm hơn nhiều so với phụ đề tiếng Anh. Về sau, tốc độ dịch phụ đề tiếng Việt càng ngày càng nhanh, có một vài trường hợp cá biệt còn nhanh hơn cả phụ đề tiếng Anh. Hiện nay, một công chúng trẻ yêu phim Hàn Quốc, Nhật Bản có thể theo dõi phim gần như tương đương với công chúng của quốc gia đó. Ở Nhật, một tuần chiếu một tập cho một bộ phim, con số này ở Hàn Quốc là hai tập. Khi phim nào hút khách được chiếu trên tivi ở Nhật Bản, Hàn Quốc thì lập tức 2,3 ngày sau đã có phụ đề tiếng Việt. Như vậy, trong một tuần, công chúng Việt Nam vẫn có thể bắt kịp tốc độ xem phim của công chúng nơi bản xứ để cùng hồi hộp chờ đợi tiếp tập phim của tuần sau.
    Qua những phân tích trên, ta có thể thấy, lượng người xem phim Việt không thể đông hơn nếu chỉ đơn thuần tăng giờ phát sóng phim Việt trên tivi. Ở thời công nghệ thông tin phát triển như bây giờ, đặc biệt là với sự góp mặt của internet, công chúng hoàn toàn có thể tự chọn lựa những gì mình yêu thích một cách tự do mà không quá bị lệ thuộc vào giới truyền thông như lúc trước nữa. Ở lĩnh vực điện ảnh cũng vậy. Lúc trước, nếu như đài truyền hình chiếu phim nào thì khán giả xem phim đó không cần biết nó hay dở như thế nào, có phù hợp với mình không. Bây giờ, khán giả đã hoàn toàn nắm vai trò chủ động trong việc chọn lựa những gì mình cần xem. Không những giữ vai trò chủ động trong việc chọn lựa cho bản thân mình, họ còn có thể giữ vai trò chủ động trong việc dẫn dắt những người khác theo dõi cái mà họ đã chọn. Họ có thể tự tạo ra một kênh truyền thông riêng cho mình. Các diễn đàn và nhóm fansub trên mạng là một ví dụ điển hình tiêu biểu cho hình mẫu này. Do đó, công chúng ngày nay chỉ chọn xem những gì họ thật sự ấn tượng. Vậy nên, phim Việt Nam cần phải cải tiến nhiều hơn về chất lượng hình ảnh, kĩ thuật quay cũng như nội dung kịch bản để có thể thật sự thu hút công chúng Việt Nam, tăng thêm lượng “người Việt xem phim Việt”, xa hơn nữa là “người Việt yêu phim Việt”.


    Chữ ký của kodaki
    I want to share my feeling about Movie
    my reviews of favourite films
    Welcome to: kodaki-love4movie.blogspot.com

  4. The Following 10 Users Say Thank You to kodaki For This Useful Post:

    Azuma Sawada (17-06-2010), bé sa (17-05-2010), kei_itsumo (17-05-2010), lostheaven (18-05-2010), mattroilanh_tt (17-05-2010), Media Fire (17-05-2010), mushu21 (17-05-2010), nobi7a (17-05-2010), thuduongmn2 (17-05-2010), Tiêu Dao Tử (27-09-2011)

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. 5 phim truyền hình 2K8 ăn khách nhất Nhật Bản
    By artemix in forum Phim ảnh Nhật Bản
    Trả lời: 31
    Bài mới gởi: 21-10-2017, 03:30 PM
  2. 10 phim truyền hình nước ngoài ăn khách nhất ở Nhật
    By nguahoanglaisoi in forum Phim ảnh Nhật Bản
    Trả lời: 5
    Bài mới gởi: 07-02-2013, 11:28 AM
  3. Trả lời: 48
    Bài mới gởi: 25-06-2010, 12:38 PM
  4. Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 30-01-2007, 08:16 PM
  5. Truyền hình Nhật Bản làm phim về làng mộc Kim Bồng
    By Kasumi in forum Toàn cảnh Nhật Bản
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 16-01-2006, 12:26 PM

Bookmarks

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •