Giải thưởng Viện hàn lâm điện ảnh Mỹ 2009 ở hạng mục Phim hoạt hình ngắn xuất sắc và Phim nước ngoài xuất sắc đều thuộc về Nhật Bản. Đặc biệt, bộ phim dài 12 phút "La Maison en Petits Cubes" của họa sĩ Kunio Kato thực sự gây ấn tượng với người hâm mộ điện ảnh.

Tại sao "La Maison en Petits Cubes" lại thành công đến vậy?

Kunio Kato và giải Oscar dành cho Phim hoạt hình ngắn xuất sắc. Ảnh: Oscars.

Một câu chuyện cảm động và cuộc hành trình tìm về ký ức


Bộ phim lấy bối cảnh tương lai của thế giới loài người, khi trái đất nóng dần lên, môi trường bị hủy hoại đã khiến thế giới chìm ngập trong biển nước. Con người muốn tồn tại được thì phải xây nhà cao thêm, cao mãi… Mỗi khi thủy triều dâng thì phải xây thêm tầng lầu.

Mở đầu phim là một ông lão trong căn phòng nhỏ. Ông đang nhìn ngắm lại những bức ảnh gia đình, người thân của ông đã lần lượt ra đi. Ngày qua ngày, ông lão chỉ biết ngồi câu cá và người bạn duy nhất của ông là chiếc tẩu thuốc.

Một buổi sáng thức dậy, nước biển đã tràn lên ngập lênh láng trên sàn nhà buộc ông lão phải bắt đầu xây thêm một tầng lầu nữa. Trong lần vận chuyển đồ đạc lên tầng, ông vô tình đánh rơi chiếc tẩu thuốc xuống đáy biển. Ông lão quyết định lặn xuống để tìm lại chiếc tẩu thuốc và cuộc hành trình về ký ức bắt đầu từ đây.


Ông già cô đơn trong ngôi nhà quạnh vắng. Ảnh: robot.


Khi tìm được chiếc tẩu và nhặt lên, hình ảnh người vợ hiền năm xưa bỗng lóe lên trong ông. Và cứ thế ở mỗi tầng lầu, quá khứ êm đẹp ngày trước cứ hiện về đẹp hơn bao giờ hết. Chiếc giường bệnh nơi người vợ nằm trong những ngày cuối đời, căn phòng khách nơi ông cùng vợ chồng con gái và những đứa cháu chụp ảnh, căn phòng nơi con gái ông lần đầu dẫn bạn trai về ra mắt, hình ảnh con bé ngày đầu tiên đi học, rồi lúc mới chập chững biết đi… cứ thế lần lượt hiện lên. Ông lão cứ mải miết tìm lại những ký ức xa xưa. Cho đến khi xuống tới tầng trệt và mở cửa bước ra ngoài, ông lão mới chợt nhận ra ngôi nhà của mình đã xây cao đến vậy, xung quanh là cảnh vật đổ nát của một thành phố chết. Ngày trước nơi đây thật yên bình với những đồng cỏ bát ngát, nơi ngày bé ông vẫn chơi đùa với người bạn gái từ thủa ấu thơ mà sau này trở thành người vợ hiền hậu của ông. Gốc cây cổ thụ ngày trước cũng chính là nơi ông cầu hôn vợ và ở bãi đất này, 2 người đã tự tay xây dựng nên một ngôi nhà nhỏ hạnh phúc. Bỗng nhiên, ngay tại tầng trệt, ông đã tìm được ly rượu của người vợ trong bữa ăn đầu tiên, khi 2 người sống trong ngôi nhà nhỏ này.

Kết thúc phim là cảnh ông lão ngồi ăn tối như thường ngày. Một ngày nữa lại sắp trôi qua trong cô đơn. Nhưng hôm nay ông lão rót 2 ly rượu. Hình ảnh kết thúc phim khi ông lão vô thức cầm ly rượu của mình lên và chạm vào ly còn lại đã thực sự khiến người xem xúc động. Ông đang tự gặm nhấm nỗi cô đơn ở cái thế giới khắc nghiệt này? Ông hạnh phúc vì tìm được một kỷ vật quý giá? Hay ông đang tìm lại cảm giác của những ngày xưa? Điều đó phụ thuộc vào cảm nhận và suy nghĩ của mỗi người xem.

Một thông điệp về bảo vệ môi trường chỉ trong 12 phút

Mặc dù là của Nhật Bản sản xuất, bộ phim này lại mang cái tên tiếng Pháp: "La Maison en Petits Cubes" (dịch nghĩa là "Ngôi nhà và những khối hình lập phương). Về điều này, họa sĩ Kunio Kato giải thích rằng, do bộ phim sử dụng kỹ thuật vẽ mực truyền thống, những hình ảnh về con người, thiên nhiên và cả cách pha màu sắc đều mang hơi hướng Pháp, và đặc biệt là chi tiết uống rượu vang đỏ trước mỗi bữa ăn cũng thể hiện sự lãng mạn trong phong cách Pháp đặc trưng.

Phần âm nhạc trong "La Maison en Petits Cubes" được hòa âm bởi nhạc sĩ tài năng Kenji Kondo. Những bản nhạc lúc buồn da diết, lúc ngập ngừng đem lại cho người xem một cảm giác mơ hồ giữa hiện tại và quá khứ. Điểm xuyết trong suốt phim là tiếng chim hót véo von mà não nề. Tiếng đàn dương cầm réo rắt như vọng về ở nơi xa vời khiến cho bất kỳ ai khi nghe cũng có một cảm giác xao xuyến, bồi hồi.

Bằng hình ảnh độc đáo cũng như câu chuyện sâu sắc của ông lão sống trong ngôi nhà nhỏ với những tầng lầu có hình lập phương, "La Maison en Petits Cubes" muốn đem đến cho người xem một thông điệp về việc bảo vệ môi trường. Con người ngày nay đang dần hủy hoại môi trường theo nhiều cách khác nhau, cả trực tiếp lẫn gián tiếp mà đôi khi chúng ta còn không nhận ra. Bầu khí quyển đang bị ô nhiễm nặng nề, hiệu ứng nhà kính khiến cho trái đất ngày càng nóng lên. Nếu con người không biết giữ gìn bảo vệ thiên nhiên môi trường thì thế giới xinh đẹp này sẽ héo tàn, hạnh phúc cũng sẽ tan biến mãi mãi.

"La Maison en Petits Cubes" là một cái tên đầy ý nghĩa. Những khối hình lập phương có 6 mặt của rubic. Không ai có thể thấy tất cả các mặt của nó cùng một lúc, khi xoay khối rubic, những hình ảnh thay đổi liên tục và không bao giờ lặp lại. Điều đó cũng giống như trong phim: ngôi nhà sẽ thay đổi liên tục, sẽ cao lên thêm nữa khi nước biển dâng lên; những hình ảnh đẹp đẽ về ký ức ngày xưa của ông lão cũng không bao giờ còn có thể lặp lại được nữa.

Bộ phim đã giành được giải thưởng lớn trong Annecy International Animated Film Festival 2008 (Liên hoan phim hoạt hình quốc tế Annecy) và còn đem lại giải thưởng Oscar danh giá cho họa sĩ Kunio Kato cũng như vinh dự cho điện ảnh Nhật Bản. Nó đã chinh phục hoàn toàn các thành viên trong Ban giám khảo của Viện hàn lâm để giành tượng vàng một cách tuyệt đối.

Chỉ với 12 phút ngắn ngủi nhưng một "La Maison en Petits Cubes" giản dị với ý nghĩa nhân văn sâu sắc có thể làm lay động lòng người và để lại nhiều xúc cảm không thể nói thành lời. Bộ phim khiến người xem phải suy ngẫm nhiều điều: về môi trường, thế giới, về quá khứ, tình yêu, về hạnh phúc…

Mai Như Ngọc