>
kết quả từ 1 tới 4 trên 4

Ðề tài: [Truyện dân gian] Những mẫu truyện Kwaidan của Koizumi Yakumo

  1. #1
    Hyakusho


    Thành Viên Thứ: 14249
    Giới tính
    Tổng số bài viết: 78
    Thanks
    1
    Thanked 71 Times in 31 Posts

    [Truyện dân gian] Những mẫu truyện Kwaidan của Koizumi Yakumo

    Nàng Tuyết


    Tác giả: Koizumi Yakumo
    Nguyên tác: Yuki Onna
    Người dịch: DTTM


    Tại một làng quê nọ ở xứ Musashi có hai người làm nghề đốn củi tên là Mosaku và Minokichi. Mosaku nay đã già, còn Minokichi là một chàng trai mới vừa mười tám tuổi, còn đang học nghề theo phụ giúp Mosaku. Ngày ngày họ đi vào một cánh rừng cách làng chừng 5 dậm. Trên đường đi đến cánh rừng này, họ phải băng qua một con sông rộng có một con đò ngang đưa đón qua sông. Nhiều lần người ta đã bắc cầu qua sông ngay ở chỗ bến đò, nhưng lần nào chiếc cầu sau đó cũng bị nước lụt cuốn trôi đi mất. Không có chiếc cầu nào chống chỏi được với giòng nước cuồn cuộn trôi khi nước sông dâng lên.

    Một buổi chiều lạnh lẽo, Mosaku và Minokichi đang trên đường về nhà thì gặp phải một trận bão tuyết lớn. Họ tới chỗ bến đò thì thấy người lái đò đã bỏ về để lại chiếc thuyền con bên bờ sông. Đó không phải là một ngày có thể bơi qua sông, hai người tiều phu bèn vào trú trong chiếc chòi của người lái đò, mà nghĩ bụng là họ đã may mắn tìm được một nơi tạm trú lúc này. Trong chòi không có lò than hay có chỗ nhóm lửa. Đó chỉ là một căn chòi nhỏ vỏn vẹn chừng hai chiếu [1], chỉ có mỗi một cửa ra vào chứ cũng chẳng có cửa sổ. Mosaku và Minokichi đóng cửa lại, và cứ để nguyên cả áo tơi chằm bằng lá mà nằm lăn ra nghỉ. Mới đầu họ không thấy lạnh lắm, và tưởng rằng chẳng mấy chốc cơn bão sẽ đi qua.

    Ông lão Mosaku hầu như đã ngủ thiếp đi ngay sau đó. Nhưng chàng trai trẻ Minokichi còn nằm thao thức một lúc, nghe tiếng gió gào thét khủng khiếp và tiếng tuyết đập liên hồi vào cánh cửa. Ngoài sông nước gầm gào sôi cuộn, căn chòi xiêu vẹo run rẩy kêu cọt kẹt như chiếc thuyền mành giữa biển khơi. Trận bão thật lớn, và khí trời mỗi lúc một lạnh hơn, làm Minokichi run bần bật trong chiếc áo tơi. Xong cuối cùng, mặc dù lạnh buốt, chàng cũng ngủ thiếp đi.

    Minokichi chợt tỉnh giấc vì bị tuyết hắt vào mặt chàng. Cánh cửa chòi đã bị bật mở tung, và trong ánh tuyết hắt lên, chàng thấy trong chòi có một người đàn bà, một người đàn bà trắng toát từ đầu đến chân. Nàng đang cúi xuống nhìn ông lão Mosaku và đang phà hơi thở của nàng lên mặt ông lão. Hơi thở của nàng như một làn khói trắng và sáng loá. Minokichi còn đang nhìn nàng thì nàng bỗng quay sang phía Minokichi và cúi xuống người chàng. Minokichi muốn kêu to lên, nhưng chàng mới chợt nhận ra là chàng không tài nào kêu lên được thành tiếng. Người đàn bà trắng toát cúi xuống trên mình chàng, cúi sát và sát mãi, cho đến khi mặt nàng chạm sát vào mặt Minokichi. Chàng thấy nàng rất đẹp, tuy rằng đôi mắt của nàng khiến chàng phải khiếp sợ. Nàng cứ nhìn chàng như thế mãi một lát, rồi mỉm cười và khẽ nói:

    - Ta định cũng làm nhà ngươi như người đàn ông kia, nhưng ta không khỏi thấy thương hại cho ngươi, vì ngươi còn trẻ và dễ thương quá. Ta không làm hại ngươi đâu. Nhưng ngươi không được nói với ai , ngay cả mẹ người, những gì mà ngươi đã trông thấy trong đêm nay. Nếu không, ta sẽ biết, và rồi ta sẽ giết ngươi chết. Ngươi hãy nhớ kỹ những điều ta nói !

    Nói đoạn nàng quay đi, và lướt ra ngoài cửa. Bấy giờ Minokichi thấy mình mới có thể cử động trở lại được, chàng vùng dậy và nhìn ra ngoài, nhưng không còn thấy người đàn bà ấy đâu, chỉ có tuyết bay cuồng loạn hắt vào trong chòi. Minokichi đóng cửa lại, lấy mấy thanh củi chống cánh cửa cho chắc. Chàng không biết có phải là gió đã thổi làm cửa bật mở ra hay không, và nghĩ có thể đó chỉ là một giấc mơ, có lẽ chàng đã tưởng lầm ánh tuyết sáng mờ ảo in trên cánh cửa với hình dáng một người đàn bà, nhưng chàng cũng không chắc lắm. Chàng bèn đánh thức ông lão Mosaku, thì kinh hãi biết bao, ông lão không trả lời. Trong bóng tối, chàng cầm lấy tay ông lão, sờ tay lên mặt ông thì thấy khuôn mặt ông lão đã đông cứng thành băng đá. Mosaku đã chết cóng.

    Sáng sớm, cơn bão đã tan, và sau khi mặt trời lên được một lát, người lái đò trở ra căn chòi của mình, thấy Minokichi nằm bất tỉnh bên cạnh xác chết đã đóng băng của Mosaku. Minokichi liền được săn sóc cho tỉnh lại, nhưng sau đó chàng vẫn còn ốm lây lất khá lâu vì cái lạnh khủng khiếp đêm hôm ấy. Chàng cũng hết sức kinh hoàng bởi cái chết của người tiều phu già, nhưng chàng không dám hở một lời về người đàn bà trắng toát. Sau khi khỏi bệnh, Minokichi đi đốn củi trở lại, sáng sáng một mình vào rừng và trở về vào lúc trời đã sập tối với những bó củi cho mẹ đem bán.

    Một buổi chiều mùa đông năm sau, trên đường về nhà Minokichi trông thấy một cô gái có vẻ là người đi đường xa, tình cờ cũng đang đi cùng đường với mình. Nàng có dáng người thanh tú, khuôn mặt rất đẹp, và nàng đã cúi chào Minokichi với giọng nói líu lo như chim hót. Thế rồi chàng đi bên cạnh nàng và họ bắt đầu trò chuỵện. Cô gái cho biết cô tên là Ô-Yuki, có nghĩa là Tuyết. Sau đó nàng kể rằng cha mẹ nàng mới qua đời nên bây giờ nàng đang về kinh thành Êđô, nơi có vài người quen biết, may ra họ có thể giúp nàng tìm được một chỗ vào làm người giúp việc. Minokichi liền đem lòng cảm mến ngưòi con gái lạ mà càng nhìn chàng càng thấy đẹp. Chàng dò hỏi xem nàng đã đính hôn chưa, nàng mỉm cười bảo nàng còn không. Nàng cũng hỏi chàng đã có vợ hay đã hứa hôn với ai chưa. Chàng bảo chàng chỉ có một mình và phải nuôi mẹ già goá bụa, và vì chàng còn quá trẻ nên lâu nay cũng chưa phải đi hỏi vợ. Sau vài câu thăm hỏi, họ cứ lặng lẽ đi bên nhau một lúc thật lâu mà không ai nói một lời nào. Nhưng tục ngữ chẳng có câu "Tình trong ánh mắt nói đủ thay lời" là gì... Khi đi vào tới làng thì hai người đã phải lòng nhau lắm rồi, thế là Minokichi mời Ô-Yuki tới nghỉ lại ở nhà chàng. Nàng do dự trong giây lát rồi cũng đi với chàng về nhà. Mẹ chàng niềm nở đón tiếp và dọn cho nàng một bữa cơm nóng sốt. Ô-Yuki tỏ ra rất dễ thương khiến mẹ của Minokichi liền đem lòng yêu mến, và bà đã ngỏ ý bảo nàng hãy hoãn lại ngày đi Êđô. Kết cuộc đương nhiên của câu chuỵên này là Ô-Yuki không đi Êđô nữa. Nàng ở lại làm dâu nhà này.

    Ô-Yuki tỏ ra là một nàng dâu rất ngoan. Vài năm sau, khi mẹ Minokichi qua đời, bà còn trăn trối lại những lời cảm ơn và khen ngợi con dâu. Và Ô-Yuki đã sinh cho Minokichi mười đứa con, cả trai lẫn gái, thẩy đều xinh đẹp và có làn da mịn màng.

    Mọi người trong làng đều thấy Ô-Yuki là một người rất tuyệt vời và khác hẳn với họ. Hầu hết đàn bà miền quê đều mau già, nhưng Ô-Yuki thì dù đã là mẹ của mười đứa con, nhưng lúc nào nhìn nàng cũng còn trẻ trung và tươi tắn như ngày đầu tiên nàng vừa đến làng này.

    Một đêm khi các con đã ngủ say, Ô-Yuki đang ngồi may dưới ánh đèn. Minokichi nhìn nàng, nói:

    -Nhìn mình ngồi may tôi bỗng nhớ lại một điều kỳ lạ mà tôi đã gặp khi tôi còn là một cậu con trai mới mười tám tuổi. Tôi đã thấy một người thật đẹp và trắng như mình. Nàng trông giống mình lắm.

    Ô-Yuki đáp lại mà không buồn đưa mắt nhìn Minokichi:

    - Mình hãy kể cho tôi nghe về người đàn bà ấy. Mình gặp cô ta khi nào ?

    Minokichi bèn kể lại về cái đêm kinh hoàng trong chiếc chòi của người lái đò, và về người đàn bà trắng toát đã cúi xuống người chàng, mỉm cười và thì thầm với chàng, cũng như về cái chết lặng lẽ của ông lão Mosaku. Rồi chàng nói tiếp:

    - Dù ở ngoài đời hay trong mơ, đó là lần duy nhất trên đời tôi đã gặp một người đàn bà đẹp như mình. Dĩ nhiên đó không phải là người, nên tôi sợ người đàn bà ấy, sợ lắm. Nhưng nàng trắng quá .Tôi cũng không chắc rằng khi đó tôi đã nằm mơ, hay đó chính là Yuki Onna.

    Ô-Yuki bỗng đặt đồ khâu xuống, đứng vùng lên, khom người cúi xuống Minokichi đang ngồi, mà nói như thét vào mặt chàng:

    - Người đó chính là ta, là Ô-Yuki đây. Ta đã dặn ngươi rằng ta sẽ giết ngươi nếu ngươi kể cho ai nghe một câu nào về điều đó rồi mà... Nhưng vì các con, ta tạm tha chết cho ngươi. Ngươi phải hết lòng lo nuôi nấng các con. Nếu có đứa nào kêu ca điều gì về ngươi thì ngươi biết tay ta.

    Tuy là nàng đang nói như thét, nhưng giọng nàng vẫn mơ hồ như tiếng gió thoảng qua. Thế rồi nàng tan vào làn sương trắng sáng loá đang cuốn lên chiếc xà ngang trên mái nhà, và theo ống khói luồn ra khỏi nhà. Từ đó không ai còn gặp lại nàng nữa...
    ______________________________

    [1]Một tấm chiếu bề dài gần hai mét, rộng gần một mét.
    thay đổi nội dung bởi: Kasumi, 12-05-2012 lúc 05:58 PM

  2. The Following 2 Users Say Thank You to conankenshinkyo For This Useful Post:

    capella211 (13-05-2012), Kasumi (13-05-2012)

  3. #2
    Hyakusho


    Thành Viên Thứ: 14249
    Giới tính
    Tổng số bài viết: 78
    Thanks
    1
    Thanked 71 Times in 31 Posts

    Những mẫu truyện Kwaidan của Koizumi Yakumo

    Cây anh đào của nhũ mẫu

    Tác giả: Koizumi Yakumo
    Nguyên tác: Ubazakura
    Người dịch: DTTM

    Ba trăm năm trước, tại làng Asami trong quận Ônsen ở xứ Iyô (1) có một người đàn ông tốt bụng tên là Tôkubê. Tôkubê là người giầu nhất vùng và là lý trưởng làng này. Tôkubê được vinh hoa phú quý đủ điều, chỉ hiềm một nỗi hiếm muộn, đã ngoại tứ tuần mà vẫn chưa sinh được mụn con nào. Buồn vì nỗi không con, Tôkubê cùng vợ thường hay đến cầu tự ở chùa Saihôji trong làng Asami thờ thần Fuđô Myô Ô có tiếng rất linh thiêng.

    Mãi rồi lời cầu xin của họ cũng động lòng thần thánh, vợ Tôkubê sinh hạ được một mụn con gái. Đứa bé gái rất đỗi xinh xắn đáng yêu, được đặt tên là Tsuyu. Vì người mẹ ít sữa nên họ bèn thuê một người vú em tên là Ô Sôđê để nuôi đứa bé.

    Ô Tsuyu lớn lên thành một cô gái rất xinh đẹp, nhưng đến năm 15 tuổi bị bệnh rất nặng đến nỗi thầy thuốc cũng phải bó tay. Người vú là Ô Sôđê vẫn yêu thương Ô Tsuyu như con đẻ, bèn lên chùa Saihôji cầu khấn. Ngày ngày Ô Sôđê lên chùa hết lòng khấn vái suốt hai mươi mốt ngày không thiếu một ngày nào. Ô Sôđê khấn đủ hai mươi mốt ngày thì Ô Tsuyu bỗng nhiên khỏi bệnh.

    Mọi người ở nhà Tôkubê rất đỗi vui mừng. Tôkubê mời tất cả mọi chỗ quen biết đến mở tiệc ăn mừng thật linh điønh. Thế nhưng vào buổi tối đang có tiệc mừng ấy, bà vú Ô Sôđê bỗng thấy hơi mệt trong người. Sáng ra Tôkubê cho mời ông lang vẫn hay bắt mạch bốc thuốc cho Ô Sôđê đến, nào ngờ ông lang bảo rằng người bệnh sắp lâm chung.

    Cả nhà Tôkubê hết sức buồn rầu, mọi người vây quanh giường Ô Sôđê để nhìn mặt lần cuối, nhưng Ô Sôđê nói với mọi người rằng:

    - Đã đến lúc này thì tôi cũng xin nói thật là tôi đã khấn vái xin thần Fuđô cho tôi được thế mạng cho Ô Tsuyu. Nay thần Fuđô rất linh thiêng đã nghe lời cầu xin, cho tôi được toại nguyện. Viø vậy xin mọi người cũng đừng buồn rầu thương tiếc mà chi. Tôi chỉ có một điều xin mọi người giúp cho. Đó là tôi có khấn với thần rằng nếu được toại nguyện thiø tôi xin trồng trong cảnh chùa Saihoji một cây anh đào, để cúng dường tạ ơn thần. Nay tôi không thể nào tự mình trồng cây được. Xin hãy thay tôi làm tròn lời hứa ấy. Được chết thay cho Ô Tsuyu là tôi thỏa lòng sung sướng lắm rồi... Xin vĩnh biệt...

    Làm lễ tang chôn cất Ô Sôđê xong xuôi, vợ chồng Tôkubê bèn cho người tìm một cây anh đào còn non đẹp nhất trong những cây anh đào mà họ có thể tìm được, đem trồng trong sân chùa Saihôji. Cây anh đào lớn dần, cành lá xum xuê. Sang năm sau, đến ngày giỗ Ô Sôđê, nhằm vào ngày mười sáu tháng hai, cây anh đào ấy nở hoa rất đẹp. Và rồi suốt hai trăm năm mươi bốn năm sau (2), năm nào cũng cứ đến sau đêm rằm tháng hai, cây anh đào ấy lại nở hoa. Đó là những cánh hoa màu trắng ửng hồng nhạt giống như đầu vú của người đàn bà. Người đời gọi đó là cây anh đào của nhũ mẫu.
    _________________________________
    (1)Xứ Iyô nay là tỉnh Êhimê ở miền tây nam Nhật Bản

    (2)Truyện Ubazakura của Koizumi Yakumo (June 27, 1850-September 26, 1904), trong tập truyện Kwaidan do BOSTON AND NEW YORK HOUGHTON MIFFLIN COMPANY xuất bản năm 1904, được viết theo truyền thuyết về cây anh đào Ubazakura trong chùa Đại Bảo Tự (thờ Đức Phật Dược Sư Như Lai) ở thành phố Matsuyama tỉnh Êhimê. Cây anh đào này cao 5 mét, vòng ôm nơi gốc cây tới 2,8 mét, đã được đưa vào danh sách Di sản thiên nhiên của Nhật bản vào năm 1962.
    thay đổi nội dung bởi: Kasumi, 12-05-2012 lúc 05:50 PM
    Chữ ký của conankenshinkyo

  4. The Following 2 Users Say Thank You to conankenshinkyo For This Useful Post:

    capella211 (13-05-2012), Kasumi (13-05-2012)

  5. #3
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    Hoa anh đào ngày mười sáu




    Nguyên tác : JIU-ROKU-ZAKURA của Koizumi Yakumo (1850-1904)
    Người dịch : DTTM ( Quỳnh Chi)



    Ở quận Wake trong xứ Iyô có một cây anh đào cổ thụ được người đời gọi là " Cây anh đào ngày mười sáu ". Hàng năm cứ đến ngày mười sáu tháng giêng âm lịch là cây anh đào ấy nở hoa, và hoa chỉ nở một ngày hôm ấy rồi tàn ngay. Vì vậy thường thì phải đợi đến mùa xuân hoa anh đào mới nở, thế nhưng cây anh đào ấy lại nở hoa vào giữa mùa đông giá lạnh. Cây anh đào nở hoa vào ngày mười sáu chẳng phải cho đời hoa- hay ít nhất thì vốn không phải là như thế- mà vì linh hồn của một người đàn ông đã nhập vào cây.

    Đó là một người vũ sĩ xứ Iyô. Cây anh đào này mọc trong vườn nhà người vũ sĩ ấy, và trước đây vẫn nở hoa như mọi cây anh đào khác ( vào khoảng cuối tháng ba hay đầu tháng tư). Ngày bé người vũ sĩ ấy đã từng chơi đùa dưới gốc cây này, và trong hơn một trăm năm qua, tổ tiên ông bà cha mẹ vũ sĩ đã từng treo lên cành cây những mảnh giấy màu tươi đẹp ghi những câu thơ ngâm vịnh ca ngợi mùa hoa. Thế rồi nay đến lượt vũ sĩ già đi. Các con của vũ sĩ đều đã chết trước, vũ sĩ chẳng còn gì thương tiếc để lại đời này ngoài cây anh đào. Thế mà một mùa hè nọ, cây anh đào ấy bỗng héo úa dần.

    Người vũ sĩ già hết lời than khóc thương cây. Láng giềng thân thiết bèn tìm lời an ủi, tìm cho ông cụ một cây anh đào còn non thật đẹp, đem trồng trong vườn cho ông. Ông cụ cảm tạ mọi người và tỏ vẻ vui mừng. Thế nhưng trong thâm tâm thì hết sức đau buồn. Vì ông thương yêu cây anh đào cổ thụ của mình nhất đời, không thể có cây anh đào nào khác thay thế được.

    Thế rồi, một ý nghĩ nẩy ra trong đầu ông cụ già. Ông đã nghĩ ra một cách không chừng cứu sống được cây anh đào cổ thụ đang chết héo lần hồi. Đó là vào ngày mười sáu tháng giêng. Ông cụ một mình đi ra vườn, cúi lạy cây anh đào già cỗi đang héo tàn, rồi bảo cây :

    -Này, ta van mày, mày hãy nở cho ta xem một lần nữa đi. Ta sẽ chết thay cho mày.

    ( Là vì người ta tin rằng thần thánh có phép làm cho linh hồn của người có thể nhập vào người khác, các loài động vật, hay cả cây cối thực vật. Tiếng Nhật gọi là "migawari ni tatsu", hay có nghĩa là "thế mạng" )

    Đoạn ông cụ trải vải trắng và các thứ dưới gốc cây, rồi quỳ lên tấm vải ấy mà mổ bụng tự sát ( kirihara ) theo cách của các vũ sĩ. Từ đó linh hồn của vũ sĩ đã nhập vào cây anh đào để làm cho cây nở hoa vào cùng một lúc.

    Và mãi cho đến ngày nay, cứ đến ngày mười sáu tháng giêng đang mùa tuyết rơi, cây anh đào ấy lại nở hoa.

    Nguyên tác : JIU-ROKU-ZAKURA của Koizumi Yakumo (1850-1904)
    Người dịch : DTTM ( Quỳnh Chi)
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  6. The Following User Says Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    capella211 (13-05-2012)

  7. #4
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    Chôn chặt niềm riêng


    Nguyên tác : A Dead Secret,
    trong Kwaidan của Koizumi Yakumo ( 1850-1904)
    Người dịch : Quỳnh Chi
    Nguồn: erct.com


    Trước đây đã lâu lắm, có Inamuraya Gensuke là một nhà buôn giàu có ở xứ Tamba. Nhà này có một cô con gái tên là Ô Sônô. Ô Sônô rất xinh đẹp và thông minh sáng dạ, cha nàng thấy nếu chỉ cho con gái theo học với các bà thầy ở chốn quê mùa thì tội nghiệp cho nàng, nên mới cho nàng, cùng vài người đầy tớ theo hầu, lên Kyoto để học phép tắc, trau dồi công dung ngôn hạnh của giới thượng lưu thanh nhã với quý bà ở chốn đế đô. Sau khi được dậy dỗ chu đáo, Ô Sônô được gả cho Nagaraya, là một nhà buôn quen biết với cha mình, và sống hạnh phúc được đâu độ bốn năm. Hai vợ chồng sinh được một mụn con trai, nhưng lấy chồng được bốn năm sau thì Ô Sônô bị bệnh qua đời.

    Buổi tối sau khi cử hành tang lễ xong xuôi, đứa con trai nhỏ mách rằng đã thấy mẹ nó về ở trên gác. Người mẹ chỉ nhìn con mà nhoẻn miệng cười, chẳng nói chẳng rằng, làm đứa con sợ hãi bỏ chạy. Có mấy tên người nhà đi lên gác, vào căn phòng cũ của Ô Sônô, thì thấy bóng người mẹ hiện ra trong ánh sáng của ngọn đèn nhỏ thắp trước bàn thờ, ai nấy đều giật mình. Họ thấy hình như nàng đứng trước chiếc tủ đựng quần áo đồ dùng của nàng. Đầu và vai nàng thì còn trông thấy rõ, nhưng phần thân thể từ lưng trở xuống gót chân thì mờ nhạt.Cái bóng ấy lờ mờ phản chiếu trong gương như thể hình ảnh của nàng, lại trong suốt như dáng hình in trên mặt nước.

    Người nhà thấy thế sợ hãi, bỏ ra khỏi phòng, xuống nhà thì thầm to nhỏ.

    Bấy giờ mẹ chồng của Ô Sônô mới bảo rằng

    -Đàn bà con gái thường quý từ những món tư trang thường dùng hàng ngày của mình, nên Ô Sônô cũng rất quý những thứ ấy của nàng. Có lẽ nàng trở về tìm những món đồ ấy. Người chết làm như vậy là thường, cho nên nếu không đem những thứ ấy lên chùa nơi thờ cúng họ, là không được. Nhà ta nay cũng phải đem những đồ dùng của Ô Sônô lên chùa thì có lẽ hương hồn của nàng mới được nghỉ yên.

    Nghe rồi mọi người đều bảo nhau là hãy làm như thế ngay. Thế là sáng hôm sau, họ đem hết quần áo và các thứ tư trang của Ô Sônô lên chùa, trong tủ trống trơn không còn sót một thứ gì nữa. Thế nhưng đêm hôm sau Ô Sônô vẫn trở về, và vẫn đăm đăm nhìn vào tủ như trước. Đêm kế tiếp, rồi đêm kế tiếp, Ô Sônô vẫn còn trở về hằng đêm, làm cho cả nhà ai nấy đều hoảng sợ.

    Mẹ chồng Ô Sônô bèn lên chùa, kể hết sự tình cho vị hòa thượng trụ trì ngôi chùa nghe, để thỉnh lời khuyên của ngài. Đó là một ngôi thiền tự, vị sư trụ trì là hòa thượng DaiGen, người có sở học rộng mênh mông. Ngài nói:

    -Chắc là trong chiếc tủ ấy hay ở gần đó có vật gì mà cô ta rất bận tâm lo lắng.

    Bà mẹ chồng già đáp

    -Nhưng thưa ngài, các ngăn tủ đều trống trơn, trong tủ chẳng còn gì nữa ạ.

    Hòa thượng bảo :

    -Vậy thì để ta đến nhà bà và ở trong phòng ấy canh chừng, xem có cách nào không. Trong lúc ta đang canh chừng, bà nhớ dặn gia nhân không ai được vào phòng, cho đến khi ta lên tiếng gọi.

    Chiều xuống, hòa thượng Daigen bèn tới nhà ấy. Chủ nhà đã sắp sẵn cho hòa thượng ở trong phòng. Hòa thượng một mình vào phòng ngồi tụng kinh. Đồng hồ điểm giờ Tí, rồi quá nửa đêm, vẫn không thấy gì hiện ra. Nhưng chẳng mấy lúc, có bóng của Ô Sônô đột nhiên hiện ra trước tủ, nét mặt buồn bã, đôi mắt cứ chăm chú nhìn vào chiếc tủ.

    Hòa thượng bèn đọc thần chú, rồi xướng pháp danh của Ô Sônô để nói chuyện với bóng nàng:

    -Ta đến đây để giúp con. Con hãy lại gần đây. Chắc là trong chiếc tủ này có vật gì làm con rất bận tâm phải không ? Để ta tìm vật ấy cho con nhé ?

    Đầu của cái bóng lay động, ra chiều đồng ý. Bấy giờ hòa thượng bèn đứng lên, mở ngăn kéo trên cùng của tủ. Trong ngăn kéo trống trơn. Ngài lại mở ngăn kéo thứ hai, thứ ba, rồi thứ tư, để ý tìm tòi cả phía sau và phía dưới ngăn kéo, lại tìm thật kỹ trong từng ngăn một, nhưng ngài chẳng tìm thấy gì cả. Thế nhưng cái bóng của O Sono trước sau như một, vẫn cứ buồn rầu đăm đăm nhìn vào chiếc tủ. Hòa thượng nghĩ bụng “Không biết ta phải làm gì bây giờ đây.”

    Bất giác, một ý tưởng chợt hiện lên trong óc ngài :“ Hay là ở phía dưới tấm giấy lót đáy ngăn kéo có giấu cái gì chăng”. Ngài bèn giở giấy lót đáy của ngăn kéo trên cùng, nhưng không thấy gì. Lại giở giấy lót đáy ngăn kéo thứ hai, rồi thứ ba, nhưng vẫn không thấy gì cả. Thế nhưng, đến ngăn kéo thứ tư, thì cái mà ngài đã tìm thấy dưới tấm giấy lót đáy ngăn kéo là một bức thư. Hòa thượng quay hỏi

    -Đây là cái đã làm con bận tâm phải không ?

    Bóng của Ô Sônô hướng về phía hòa thượng với ánh mắt yếu ớt đăm chiêu hướng về bức thư

    Hòa thượng lại hỏi

    -Ta đốt bức thư này cho con nhé ?

    Cái bóng cúi rạp xuống trước mặt hòa thượng.

    Hòa thượng hứa:

    -Ta sẽ đem về chùa đốt ngay đêm nay. Ngoài ta, sẽ không ai được đọc bức thư này.

    Cái bóng liền nhoẻn miệng cười, rồi biến mất.

    Hòa thượng theo cầu thang xuống nhà. Lúc người nhà đang lo lắng đợi ở tầng dưới trông thấy ngài thì trời cũng vừa hửng sáng. Hòa thượng bảo mọi người

    -Không có gì phải lo cả. Cô ta không bao giờ hiện ra nữa đâu.

    Bức thư được đem đốt. Đó là một bức thư tình mà Ô Sônô đã nhận được khi đến Kyoto trau dồi công dung ngôn hạnh. Nhưng trong bức thư ấy viết gì thì chỉ có một mình hòa thượng biết mà thôi. Và bí mật ấy của nàng sau đó đã được chôn kín theo cùng với hòa thượng, khi ngài qua đời.

    Người dịch: Quỳnh Chi
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  8. The Following User Says Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    capella211 (13-05-2012)

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Trả lời: 20
    Bài mới gởi: 01-07-2012, 12:56 PM
  2. Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 31-12-2010, 03:07 PM
  3. [Truyện cười] Truyện dân gian Nhật Bản
    By xupcua1988 in forum Văn Học
    Trả lời: 5
    Bài mới gởi: 21-02-2010, 02:08 PM
  4. [Truyện ngắn] Cái quý giá nhất trên thế gian này là gì?
    By artemix in forum Văn Hóa Bốn Phương
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 15-11-2008, 12:53 AM
  5. Trả lời: 2
    Bài mới gởi: 28-08-2007, 07:03 PM

Bookmarks

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •