Ông là Kazuo Ando, hiện sống và làm việc tại Thủ đô Hà Nội. Ông đang đảm nhận cương vị Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam. Ông hẹn tôi vào lúc 15h30 một ngày thứ sáu và cuộc trò chuyện chỉ kéo dài đúng một giờ đồng hồ. Thực tình, tôi muốn được biết nhiều hơn về ông cũng những công việc ông đang làm. Nhưng không thể bởi ngay sau đó, ông lại có cuộc làm việc khác.


- Chào ông, xin ông giới thiệu đôi nét về bản thân?

- Tôi tên là Kazuo Ando. Tôi vào làm việc tại Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản từ năm 1974 cho đến nay. 35 năm đã trôi qua là ngần ấy thời gian tôi gắn cuộc đời mình với lĩnh vực văn hóa! Trong 35 năm đó tôi đã có cơ hội được sống và làm việc tại một số nước của châu á như Indonesia, Malaysia, ấn Độ... Khi Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản (TTGLVHNB) tại Việt Nam được thành lập, tôi bắt đầu sang Việt Nam sống và làm việc từ ngày 1-3-2008 .

- Năm 2006, khi còn đang làm việc tại Indonesia, tôi có đến tham quan một Viện Bảo tàng các loại trống cổ, tại đây, tôi có xem một vài loại trống cổ có xuất xứ từ Việt Nam. Thời điểm đó những thông tin về văn hóa Việt Nam đã có trong đầu tôi. Đến giai đoạn bắt đầu thành lập TTGLVHNB tại Việt Nam, theo chỉ đạo cấp trên, tôi đã có mặt tại Việt Nam. Với tôi, chừng đó đủ được gọi là một cơ duyên rồi!

-Ấn tượng của ông trong lần đầu tiên đến Việt Nam?


- Việt Nam là một đất nước có rất nhiều các quán café - Đó là điều ấn tượng nhất đối với tôi (Cười). Ôi, cảm xúc vẫn nguyên vẹn như vậy, trong đầu tôi thường trực ngay một suy nghĩ không hiểu sao các quán café ở Việt Nam lại nhiều đến thế, có những con phố không đơn thuần là phố nữa, mà nó là cả một phố café rất đặc biệt.

- Ông có phải là một người nghiện café? Và café Việt Nam có hấp dẫn ông không?

- Cái thời của tôi, mỗi khi đi chơi với bạn gái, tôi dùng một tách café, còn cô bạn gái chỉ uống trà thôi. Tôi uống café từ hồi còn là học sinh trung học, từ năm 18 tuổi đến nay, ngày nào tôi cũng uống, không hiểu thế đã được coi là nghiện chưa? (Cười). Tôi dùng café không quá cầu kỳ, cho nước nóng vào café và uống, loãng thôi. Café của các bạn đặc lắm, đến giờ tôi vẫn thắc mắc là tại sao người Việt Nam lại có thể uống café đặc đến thế.

- Với kinh nghiệm có được sau 35 năm làm việc trong lĩnh vực văn hóa, theo ông, một người có tố chất như thế nào có thể hoạt động tốt trong lĩnh vực này?

- Đầu tiên, người đó phải có tinh thần thật sự muốn giao lưu và tìm hiểu văn hóa không chỉ đất nước mình, mà lan rộng ra cả nền văn hóa của các quốc gia khác. Thứ 2, người đó phải nhiệt tình học hỏi thêm sự đa dạng trong kiến thức trên các lĩnh vực như văn hóa, ngôn ngữ... Và điều quan trọng, người đó phải thực sự yêu gia đình, đất nước của mình thì mới có thể cảm nhận được tình yêu với một nền văn hóa khác. Một điều nữa tôi muốn chia sẻ, đó là chúng ta phải có ý chí, mong muốn thiết tha làm việc, bởi khi “làm” văn hóa, nếu không thật tâm muốn làm sẽ rất khó thành công!

- Sắp tới sẽ kỷ niệm 1 năm ngày ông đến sống và làm việc tại Việt Nam, quãng thời gian đó hẳn lưu giữ trong ông nhiều kỷ niệm đẹp?

- Tôi chưa có thời gian để sắp xếp lại những kỷ niệm đó, thật sự đã có nhiều kỷ niệm đẹp và đáng nhớ trong một năm qua. Tết Nguyên đán Kỷ Sửu vừa rồi, anh lái xe của tôi mang đến biếu tôi một cái bánh chưng, món quà nhỏ thôi nhưng nó giúp tôi cảm nhận được không khí Tết trên đất nước của các bạn, tình cảm ấm áp của những người bạn Việt Nam với một người xa xứ như tôi.

Trong một năm, tôi có điều kiện đi công tác tại nhiều địa phương của Việt Nam như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế... Tới đâu tôi cũng cảm nhận thấy rằng con người rất tốt bụng, những cử chỉ của họ tuy rất nhỏ nhưng đọng lại trong tôi đầy ấn tượng! Một lần, có 1 người đàn ông trung niên đạp xích lô, sau khi mời tôi đi xích lô, tôi đã từ chối, sau biết tôi đang rất cần một xe taxi, ông đã vui vẻ gọi giùm tôi. Ôi, một người không quen biết lại sẵn sàng giúp đỡ mình! Đã có rất nhiều những cử chỉ nhỏ của các bạn Việt Nam đã khiến tôi cảm động.

- Gác công việc và cương vị sang một bên, một Kazuo Ando của đời thường, sống cuộc sống thường nhật ở Việt Nam sẽ là...?


- Do tính chất công việc, nên tôi rất bận, sau khi hết giờ làm việc tại trung tâm, về nhà tôi lại làm việc tiếp. Tôi không có điều kiện ăn ở tiệm, hàng ngày sau giờ làm việc, tôi đi siêu thị và tự nấu cơm Việt Nam. Những món tôi nấu không biết nó thuộc vị Việt Nam hay vị Nhật Bản nữa (Cười). Món ăn Việt Nam hấp dẫn người Nhật Bản, rất ngon, thưởng thức các món ăn Việt Nam là một điều hạnh phúc rất lớn. Tiếc rằng tôi không đủ tài để nấu được chúng.

- Ông giới thiệu về Trung tâm và chức năng hoạt động của nó tại Việt Nam?


- Quỹ Giao lưu Văn hóa Nhật Bản hoạt động với 3 mục đích chính: Phổ cập giáo dục tiếng Nhật; Thúc đẩy nghiên cứu Nhật Bản; và Thực hiện các hoạt động giao lưu văn hóa. TTGLVHNB tại Việt Nam là một văn phòng của Quỹ. Trung tâm cũng thực hiện các chức năng chính như trên, ngoài ra chúng tôi còn có các phòng, hội trường được sử dụng với nhiều mục đích như triển lãm, diễn thuyết, trưng bày... Việc giới thiệu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản qua các hoạt động văn hóa là thế mạnh và được chúng tôi chú trọng.

- Trung tâm có giảng dạy tiếng Nhật cho người Việt Nam?

- Hiện giờ thì chưa, nhưng trong năm 2009, có lẽ là mùa thu năm nay chúng tôi sẽ mở một vài khóa học tiếng Nhật tại trung tâm.

- Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực chính trị, kinh tế ngày càng phát triển. Tuy nhiên, những hoạt động văn hóa chưa thật sự tương xứng, phải vậy không thưa ông?


- Năm 2008, Việt Nam - Nhật Bản đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế EPA, các quan chức Chính phủ, Nhà nước của 2 quốc gia thường xuyên thăm hỏi lẫn nhau. Tuy nhiên, theo tôi việc quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa 2 nước mới ở tầng quan hệ cấp cao, để trở thành những người bạn tốt của nhau, cần có mối quan hệ giao lưu giữa nhân dân với nhân dân. Việc giao lưu văn hóa giữa nhân dân 2 nước đặc biệt quan trọng và rất cần thiết. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tích cực giao lưu văn hóa hơn nữa giữa 2 quốc gia để nhân dân 2 nước hiểu biết rõ hơn về nhau.

- Ông có thể điểm lại những hoạt động văn hóa tiêu biểu trong năm 2008 của trung tâm?


- Trong lĩnh vực âm nhạc, tháng 5-2008, chúng tôi đã tổ chức thành công Đại nhạc hội Việt - Nhật. Nhiếp ảnh: Tổ chức triển lãm ảnh cố đô Kyoto, Nhật Bản tại Hội An. Điện ảnh: Tháng 10, tố chức Liên hoan phim Nhật Bản tại Việt Nam; và nhiều những sự kiện văn hóa khác đã được diễn ra.

- Một chút so sánh về cuộc sống, văn hóa Việt Nam - Nhật Bản?

- Tôi nhận thấy một điều rằng cuộc sống và văn hóa của người Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng. Người Nhật dường như không ý thức rằng họ cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đạo Khổng Tử và đạo Phật với những quy phạm đạo đức. Tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng giống Nhật Bản, chịu ảnh hưởng của đạo Phật và đạo Khổng Tử. Mặt khác, Việt Nam - Nhật Bản còn có điểm tương đồng khác là 2 nước đều chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc và châu Âu, mặc dù phát triển nhưng vẫn duy trì bản sắc văn hóa truyền thống của mình. Hơn nữa, 2 nước đều trải qua thời kỳ khắc phục những hậu quả của chiến tranh và không ngừng đóng góp vào sự phát triển, hòa bình xã hội.

...

Có quãng thời gian tiếp xúc với ngôn ngữ và văn hóa Nhật, câu chuyện của tôi và ông Ando đã vượt ra khỏi một cuộc hẹn gặp phỏng vấn. Từ câu chuyện về café, đến văn hóa, rồi bàn về thanh niên 2 nước cứ sôi nổi diễn ra. Ông kể rằng, ở thời đại Asuka, trong một quyển sách của mình, nhà truyền đạo người Nhật Bản tên là Taishi đã viết rằng “Hòa bình là thứ quan trọng nhất trên thế gian này”. ở các nước châu á, từ “hòa bình” được gọi theo nhiều cách khác nhau nhưng tình cảm của những người yêu chuộng “hòa bình” thì không có gì khác nhau. Người châu á trước đây luôn tự hào về việc tạo nên những giá trị tinh thần và những quy phạm mang tính lý luận để đạt được những khát vọng của mình, nhưng tình yêu gia đình, sự cảm thông với người khác và tấm lòng bao dung của người Việt Nam dường như vẫn được gìn giữ đến tận bây giờ. Hôm trước, tôi có dịp đến thăm Văn Miếu, trường ĐH đầu tiên của Việt Nam được xây dựng năm 1070. ở phía lối vào của Văn Miếu, tôi thấy có nhiều bia đá hình rùa và nhiều em học sinh, sinh viên vuốt ve đầu rùa. Tôi được biết trên những bia đá đó có khắc tên của 82 vị, những người đã đỗ đầu bảng các kỳ thi trong vòng 300 năm kể từ thế kỷ XV. Thời Nara, một người Nhật tên Abe Nonakamaro đã đỗ kỳ thi khoa bảng và làm quan ở Trung Quốc. Ngoài ra, có một vị tên là Sugawara Michizane được coi là thần đồng của Nhật Bản. Sau này, trước mỗi kỳ thi, có rất nhiều sĩ tử đã đến ngôi đền thờ Sugawara Michizane để cầu may với mong muốn đỗ đạt. Thanh niên Việt Nam - Nhật Bản đều vậy, họ đều miệt mài học hành và mong muốn thành đạt…

Ông và tôi xét về khía cạnh tuổi tác, thứ bậc phải là bậc cha chú, (Ando sinh năm 1947 tại Tokyo) nhưng ở độ tuổi đó ông vẫn miệt mài làm việc, cống hiến cuộc đời mình cho lĩnh vực văn hóa và khăng khăng nói rằng “Tôi vẫn còn trẻ” - Ông hy vọng sẽ trồng được “một cây văn hóa Nhật Bản” tại Việt Nam và “cây” sẽ mãi xanh tươi trên đất Việt thông qua TTGLVHNB tại Việt Nam. Tôi cũng mong và chúc cho hy vọng của ông sẽ thành hiện thực.


Theo ANTĐ