Kisaburo Tokai, Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản cho biết ông đang xúc tiến làm việc với “các chuyên gia khoa não về tình trạng giới trẻ Nhật Bản hiện nay”. Tờ Asahi cho biết, trong 10 năm qua đã xảy ra 67 vụ giết người bừa bãi ở Nhật Bản, tính trung bình khoảng 3 đến 10 vụ mỗi năm. Tờ báo cũng tố cáo ma túy góp phần gây nên bạo lực trong giới trẻ.


Tomohiro Kato.

Điều gì đã xui khiến một người công nhân bình thường phạm tội giết người hàng loạt? Tomohiro Kato - đã bị bắt giữ sau khi dùng dao đâm chết 7 người và làm bị thương 10 người khác - có thể sẽ phải đối mặt với án tử hình.

Cảnh sát cho biết Kato tuyên bố mình đã quá mệt mỏi với cuộc sống nên tìm đến khu phố mua sắm Akihabara ở Tokyo để giết người. Theo một nhà tội phạm học, tội ác của Kato đã phản ánh rõ thói sống ích kỷ và non nớt của nhiều thanh niên Nhật Bản hiện nay.

Giáo sư Jeff Kingston, Đại học Temple ở Tokyo, lập luận rằng những vụ giết người bừa bãi xảy ra trong thời gian gần đây do thanh niên Nhật Bản phạm phải đã cho thấy hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng ở nước này không cung cấp y tế đầy đủ cho những người có biểu hiện bệnh tâm thần.

Giáo sư nói: “Có dấu hiệu xã hội gắn liền với chứng bệnh tâm thần và các bác sĩ phải miễn cưỡng chuyển bệnh nhân đến bộ phận tư vấn tâm lý. Có lẽ chính sự rạn vỡ trong hệ thống y tế đã dẫn đến sự suy sụp của một cá nhân”.

Trước khi phạm tội, Kato đã nổi cơn tam bành với công nhân trong nhà máy nơi hắn ta đang làm việc thời vụ. Lý do là Kato bị mất quần áo lao động! Tuy nhiên những công nhân làm chung với Kato khai: trước đó hắn ta không có biểu hiện gì thái quá cả. Nhưng những công nhân thời vụ như Kato không được hưởng đầy đủ quyền lợi về y tế như những công nhân làm việc toàn thời gian.

Kato đã bộc lộ nhiều dấu hiệu rối loạn tâm thần khi hắn tung lên Internet một số thông điệp về sự hằn thù, giận dữ và sự ghẻ lạnh của xã hội. Kato thừa nhận hệ thống y tế đã không quan tâm đến những người cần sự giúp đỡ về tâm thần.

Giáo sư Hirokazu Hasegawa, nhà tâm lý học lâm sàng Đại học Tokai Gakuin, nhận định bậc cha mẹ Nhật Bản xử sự với con cái rất khác với cha mẹ những nước như là Mỹ hay Anh. Cha mẹ ở Nhật Bản có khuynh hướng coi con cái là vật sở hữu, một phần trong cuộc đời họ, và kết quả là đứa con không được coi như là một cá nhân độc lập để được tôn trọng. Con cái buộc phải nói năng, hành động theo sự đặt định của cha mẹ. Từ đó những cảm xúc tiêu cực như giận dữ hay thất vọng dần hình thành ở giới trẻ.

Kisaburo Tokai, Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản cho biết ông đang xúc tiến làm việc với “các chuyên gia khoa não về tình trạng giới trẻ Nhật Bản hiện nay”. Tờ Asahi cho biết, trong 10 năm qua đã xảy ra 67 vụ giết người bừa bãi ở Nhật Bản, tính trung bình khoảng 3 đến 10 vụ mỗi năm. Tờ báo cũng tố cáo ma túy góp phần gây nên bạo lực trong giới trẻ.

Giáo sư Kingston cũng đề nghị Nhật Bản kiểm soát súng chặt chẽ hơn nữa: "Nếu Kato sử dụng súng thì có lẽ số người bị giết ở Akihabara sẽ cao hơn rất nhiều”

Diên San (theo BBC)
CAND