Một số doanh nghiệp Nhật Bản nhận xét, khả năng cung ứng sản phẩm công nghiệp phụ trợ do doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam sản xuất, cho đến nay, vẫn chủ yếu là những sản phẩm giản đơn.
Nhiều nhà cung cấp đến xem sản phẩm cần mua của công ty Nidec Tosok tại hội chợ -Ảnh: Quốc Hùng
Thông tin này được Thời báo Kinh tế Sài gòn Online ghi nhận tại các gian hàng trưng bày những sản phẩm doanh nghiệp Nhật Bản cần tìm tại triển lãm lần thứ 5 về công nghiệp hỗ trợ, vừa kết thúc tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC), quận 7, TPHCM.
Là doanh nghiệp chuyên lắp ráp các dòng máy in xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, Canon thường xuyên tham gia những hội chợ công nghiệp hỗ trợ, nhằm tìm kiếm các nhà cung ứng linh kiện cho hai nhà máy tại Bắc Ninh và một nhà máy tại Hà Nội của mình để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm tại Việt Nam.
Theo ông Okada Kinya, đại diện gian hàng Canon Việt Nam, mỗi năm Canon cũng tìm được một số nhà cung ứng phụ tùng, giúp gia tăng được tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm máy in của công ty, giảm giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, phần lớn những linh kiện có giá trị mang tính kỹ thuật cao lại do các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sản xuất tại Việt Nam cung ứng. Trong khi những sản phẩm do doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam sản xuất chỉ dừng lại là những mặt hàng giản đơn như hộp giấy, túi nhựa hoặc những sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật không cao. Sau hơn 10 năm sản xuất tại Việt Nam, đến nay Canon đã gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm được 70%, trong đó khoảng 60% là linh kiện do các doanh nghiệp FDI cung cấp.
Tương tự, theo Toyota Việt Nam, nhiều năm qua công ty cũng tham gia triển lãm nói trên và những linh kiện mà Toyota Việt Nam tìm kiếm là những sản phẩm đơn giản trong một chiếc ô tô như những sản phẩm nhựa (các chi tiết nội thất), cao su (ống dẫn khí, nhiên liệu…), thân vỏ xe (thanh tăng cứng ở trần xe, sàn xe…), đèn hoặc cụm đèn nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và qua đó có thể giảm giá thành của xe.
Qua các triển lãm này, Toyota Việt Nam thường xây dựng được một cơ sở dữ liệu các nhà cung cấp tiềm năng. Tuy nhiên, sau khi đi khảo sát thực tế và đánh giá trực tiếp các nhà cung cấp thì có rất ít doanh nghiệp đạt yêu cầu về tiêu chuẩn về an toàn, môi trường và chất lượng của Toyota. Và đến nay chỉ có một doanh nghiệp 100% vốn trong nước cung ứng sản phẩm cho Toyota Việt Nam, còn lại là doanh nghiệp FDI.
Một số nhà sản xuất Nhật Bản khác tại Việt Nam như Suzuki, Brother, Nidec,... cũng cho biết lượng nhà cung cấp 100% vốn trong nước cung ứng sản phẩm đạt rất thấp và giá trị sản phẩm không cao.
Nhược điểm của doanh nghiệp Việt Nam (100% vốn trong nước), theo đánh giá của các doanh nghiệp Nhật, là quá quen với môi trường được bao cấp, không quen với môi trường cạnh tranh khắc nghiệt cả về sản xuất cũng như dịch vụ. Điều này dẫn đến sản xuất công nghiệp phụ trợ Việt Nam khó phát triển.
Theo điều tra hoạt động của 4.000 doanh nghiệp Nhật tại châu Á và châu Đại Dương, do Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện năm 2011, tỷ lệ nội địa hóa linh kiện nguyên vật liệu của doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam chỉ đạt mức 28,7%. Trong khi Trung Quốc là 60%, Thái Lan 53%, Indonesia và Ấn Độ 41%, Bangladesh và Malaysia xấp xỉ 40%...
Nếu tính tỷ lệ nội địa hóa trung bình trong các ngành công nghiệp thì mức Việt Nam còn rất thấp, chỉ 13% trong khi các nước ASEAN khác như Indonesia, Thái Lan, Malaysia đều trên 20%. Dù lương cơ bản của một lao động Việt Nam trong các doanh nghiệp Nhật năm 2011 là 123 đô la Mỹ, so với Thái Lan là 286 đô la Mỹ, nhưng tổng chi phí sản xuất tại Việt Nam lại cao hơn rất nhiều. Ảnh hưởng lớn nhất của chi phí này đến từ sự thiếu hụt nguồn cung ứng phụ trợ trong nước.
Triển lãm về công nghiệp hỗ trợ lần này thu hút hơn 100 nhà cung cấp trong nước và các công ty chế tạo Nhật Bản chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy và điện tử tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại triển lãm. Trong đó có 53 doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản tìm nhà cung ứng trong nước.
Theo ông Sotaro Nishikawa, đại diện JETRO, “triển lãm ngược” này được JETRO thúc đẩy mạnh hơn để mở cầu nối cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận mạnh mẽ hơn doanh nghiệp Nhật. Định hướng của JETRO nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất Việt Nam mở rộng giao dịch với các công ty Nhật, hiểu rõ yêu cầu mua hàng đồng thời tăng cường quảng bá linh kiện, phụ tùng và các sản phẩm tiềm năng tới các công ty Nhật ngay tại trị trường Việt Nam.(TBKTSG Online)
Bookmarks