Như chúng ta đã biết, trong khi phải tìm những giải pháp tối ưu nhất để nhanh chóng thoát ra khỏi sự suy thoái kinh tế trầm trọng kéo dài suốt từ sau sự tan vỡ của nền kinh tế bong bóng cho đến nay, Nhật Bản lại đang tiến dần đến một xã hội già hóa mà ở đó số lượng người cao tuổi ngày một tăng nhanh trong khi nguồn lao động trẻ ngày càng giảm mạnh. Điều này không những làm cản trở đến quá trình khắc phục sự khủng hoảng kinh tế mà còn đặt ra nhiều vấn đề bức xúc đối với lực lượng lao động Nhật Bản hiện nay và trong tương lai. Trong bối cảnh của một xã hội đang dần già hóa, vấn đề việc làm của người cao tuổi luôn được bàn đến. Bài viết này nhằm phản ánh phần nào về lực lượng lao động cao tuổi và những chính sách sử dụng lao động cao tuổi ở Nhật Bản diễn ra trong vài năm trở lại đây.

Già hóa dân số cùng với sự giảm thiểu trẻ sơ sinh đang là một vấn đề vô cùng bức xúc và nan giải đối với Nhật Bản trong thế kỷ 21. Xu hướng này đang ngày càng diễn tiến mạnh mẽ ở Nhật Bản với một tỷ lệ tăng chưa từng thấy kể từ sau năm 1998. Theo kết quả của cuộc tổng điều tra dân số năm 1995 và dự báo dân số do Viện Nghiên cứu Dân số và Phúc lợi xã hội Quốc gia đưa ra, năm 1995 Nhật Bản có 125,6 triệu người. Dự kiến đến năm 2007, dân số Nhật Bản sẽ tăng lên mức đỉnh điểm là 128,6 triệu sau đó giảm dần đến năm 2025 là 121,7 triệu. Năm 1995, tỷ lệ người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) là 14,8%, tỷ lệ trẻ em (từ 0 đến 14 tuổi) là 15,9%. Theo dự tính, kể từ sau năm 1995 trở đi, xu hướng phát triển dân số của Nhật Bản không có tính đồng đều. Có nghĩa là tỷ lệ người từ độ tuổi 0 đến 14 có chiều hướng giảm dần qua từng năm, trái lại cùng với thời gian đó tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 trở lên) tăng rất nhanh. Tính đến năm 2005 tỷ lệ ở hai nhóm tuổi này tương ứng là 15,9% và 19,3%; năm 2025 con số người cao tuổi sẽ tăng khoảng 27,3%, ngược lại vào năm đó tỷ lệ dân số ở độ tuổi thanh niên (từ 20 đến 29) giảm đi rất nhiều. Từ những số liệu trong bảng 1, có thể thấy rằng vào năm 2015, khoảng 1/4 dân số Nhật Bản sẽ ở độ tuổi trên 65 (xem bảng 1). Hiện nay, tỷ lệ những người cao tuổi như vậy ở Nhật Bản là trên 17%. Già hóa dân số ở Nhật Bản đang diễn ra nhanh đến nỗi không thể so sánh với những nước nào khác trên thế giới. Theo số liệu thống kê về dân số thế giới, năm 2000 tỷ lệ người già trong dân số Nhật Bản chiếm 17%, Mỹ là 12,4%, Thuỵ Điển là 16,7%; 16% của Italia, 15,6% là Pháp, Anh là 15,4% . Để tăng tỷ lệ này từ 17% lên gấp hai lần (khoảng 28% đến 29%), các nước Tây Âu như Italia, Canada, Thụy Sĩ, Anh, Đức, Pháp sẽ phải mất ít nhất từ 80 đến 120 năm nhưng Nhật Bản chỉ mất có 1/3 hoặc 1/2 thời gian đó. Theo dự đoán, tính đến năm 2025, tỷ lệ người già trong dân số ở Nhật Bản sẽ đứng đầu thế giới, ở mức 27,3%; tiếp theo là Italia với 25,2%, Đức là 22,9%, Pháp là 21,3%. Cũng qua bảng 1, có thể thấy tỷ lệ người quá già (những người từ 75 tuổi trở lên) trong số những người già tăng lên rất nhanh trong thế kỷ 21, từ 39,9% vào năm 2000 lên 56,6% vào năm 2025 và trở thành nước có tỷ lệ người già vượt xa các nước khác và đứng đầu thế giới, tiếp theo sau là Thụy Điển (51,1%).



Nếu số trẻ em giảm và số người già tăng thì dân số trong độ tuổi lao động được quy định theo tuổi sẽ giảm. Tình trạng số trẻ em ít hơn số người già là điều chưa từng có từ sau thời kỳ Meiji và gây ra những tác động to lớn trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Một trong số những tác động đó là, nếu sự tăng trưởng kinh tế được mang lợi lại từ lực lượng lao động, tư bản và tiến bộ kỹ thuật thì việc dân số trong độ tuổi lao động, nguồn của lực lượng lao động, giảm đi sẽ trở thành nguyên nhân khiến cho nền kinh tế tăng trưởng âm. Sự phát triển dân số không đồng đều như vậy đang làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản trong việc đưa ra những giải pháp việc làm thích hợp nhất cho một xã hội già hóa.

Kể từ đầu thập kỷ 90 trở lại đây, tốc độ già hóa dân số ngày một tăng cộng với tỷ lệ sinh đẻ quá thấp ở Nhật Bản đã làm cho lực lượng lao động của nước có nền kinh tế đứng thứ hai thế giới này cũng bị già hóa theo và thiếu nguồn lao động trẻ thay thế. Cuộc điều tra về lực lượng lao động do Bộ Lao động Nhật Bản tiến hành vào năm 1993 cùng với những dự báo trong những năm tới cho thấy tỷ lệ người cao tuổi tham gia vào lực lượng lao động đang tăng lên nhanh chóng. Cụ thể là, tỷ lệ những người lao động làm thuê trên 55 tuổi và những người trên 65 đang tăng dần. Nhìn vào bảng 2 có thể thấy rõ xu hướng thay đổi cơ cấu trong lực lượng lao động Nhật Bản. Sự tăng giảm tỷ lệ phần trăm lực lượng lao động theo tuổi trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2025 cho thấy là thanh niên trẻ giữa nhóm tuổi 15 và 29 sẽ giảm từ 23,1% xuống 17%. Tỷ lệ những người trong độ tuổi 30 - 59 giảm nhẹ hơn từ 65,4% (năm 1990) xuống 63% (năm 2025); nhóm tuổi trung niên (từ 40 đến 54 tuổi) giảm từ 56,7% xuống 54,9%, trong khi đó những người cao tuổi từ 55 tuổi trở lên sẽ tăng một cách đột ngột từ 20,2% lên 26,9%. Đặc biệt hơn là những người lao động đã qua tuổi về hưu bắt buộc (từ 60 - 64 tuổi) vẫn tham gia vào lực lượng lao động có thể sẽ tăng từ 4.400.000 người (6%) năm 2000 lên 5.300.000 người (9%) năm 2025; nhóm người từ 65 tuổi trở lên có tỷ lệ tăng cao hơn từ 5.200.000 người (8%) lên 7.100.000 người (11%), tăng 1.900.000 người từ năm 2000 đến 2025.

Hiện nay, tỷ lệ lực lượng lao động trong số nam giới thuộc độ tuổi 60 - 65 ở Nhật là khoảng 75%, cao hơn so với tỷ lệ này ở Mỹ: khoảng 50%, ở Đức: khoảng 30%. Tỷ lệ việc làm của người cao tuổi cũng thay đổi theo từng khu vực. Thành phố càng lớn thì tỷ lệ phần trăm này càng cao. Chằng hạn như tỷ lệ việc làm của những người cao tuổi ở Tokyo chiếm tỷ lệ cao nhất với 40,7% là nam giới và 21,5% là nữ giới đang làm việc. Ngay ở Nagasaki, nơi có tỷ lệ việc làm của người cao tuổi thấp nhất với 19,2% là nam giới và 10% là nữ giới trong lực lượng lao động.

Về loại hình việc làm, 66% những người lao động cao tuổi trong nhóm tuổi 55 - 59 là những người làm thuê. Tỷ lệ những người làm thuê này giảm theo tuổi. Trong nhóm tuổi 65 - 69, phần lớn là những người làm tư và những người lao động tình nguyện, những người làm thuê lại rất ít. Những người lao động cao tuổi có thể tham gia vào những công việc phù hợp bằng cách đảm nhận những công việc của gia đình hoặc tự làm cho chính mình trên sự hợp tác với các công nhân trong gia đình. Ví dụ, những người cao tuổi có thể điều chỉnh giờ làm việc hoặc khối lượng công việc phù hợp với tình trạng sức khỏe của họ. Tuy nhiên, những người cao tuổi có thể không được thuê mướn nếu khả năng của họ không đáp ứng được những yêu cầu của công việc và điều kiện làm việc. Đây là lý do tại sao tỷ lệ những người làm thuê vượt trên tỷ lệ những người làm tư ở độ tuổi 65. Hầu hết tất cả những người làm thuê nam giới đều làm việc thời gian cả ngày (full-time). Nhưng tỷ lệ những người cao tuổi làm việc cả ngày giảm theo tuổi và tỷ lệ những người lao động làm thuê cao tuổi làm việc không đủ thời gian cả ngày (short - time) tăng lên. Những người cao tuổi thất nghiệp có thể được thuê mướn nếu họ đảm nhận công việc làm cả ngày. Nhưng họ thích làm việc không đủ thời gian cả ngày hoặc là đảm nhận việc làm tình nguyện hơn là làm việc cả ngày. Sự bất cân đối về thời gian làm việc là một trong những lý do cơ bản của tình trạng thất nghiệp đối với người già, mặc dù lý do chính của thất nghiệp này là điều kiện sức khỏe.

(cont)