(DVT.vn) - Nhật Bản can thiệp thị trường trong động thái của Chính phủ nhằm bảo vệ lợi nhuận của các nhà xuất khẩu khỏi tác động của việc đồng yên tăng giá.
Theo công bố vừa mới đưa ra của Bộ Tài chính Nhật Bản, nước này đã bán đồng yên 5 lần trong quý cuối cùng của năm 2011 trong động thái của Chính phủ nhằm bảo vệ lợi nhuận của các nhà xuất khẩu khỏi tác động của việc đồng yên tăng giá.
Các dữ liệu hàng quý của Bộ Tài chính đã khẳng định suy đoán rằng nước này đã âm thầm can thiệp vào thị trường sau khi bán ra kỷ lục 8,07 nghìn tỷ yên (105 tỷ USD) vào ngày 31/10/2011 khi đồng yên tăng lên 75,35 yên/USD, mức cao nhất kể từ sau thế chiến thứ 2 so với đồng USD. Theo báo cáo, Nhật Bản đã bán ra tổng cộng 1,02 nghìn tỷ yên trong 4 ngày đầu tiên của tháng 10.
Ông Junichi Ishikawa, một nhà phân tích tại Tokyo Securities nhận định, bị chỉ trích ngày càng tăng từ nước ngoài, tuy nhiên Nhật Bản không thể không can thiệp vào các thị trường. Nhật Bản đã phải lựa chọn phương án can thiệp một cách âm thầm để đối phó với áp lực ngày càng tăng trong nước.
Can thiệp được định nghĩa một cách hình ảnh là "tàng hình" khi nó được thực hiện mà không có bất kỳ thông báo chính thức nào từ Bộ Tài chính, ông Junichi nói.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Jun Azumi cho biết, ông sẽ không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào để kiềm chế đà tăng mạnh của đồng yên và ông sẽ có hành động bất cứ khi nào cần thiết. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy Nhật Bản có thể sớm can thiệp trở lại thị trường ngay cả sau những lời chỉ trích từ chính quyền Mỹ.
Trong năm 2011, Nhật Bản dẫn đầu nhóm các nước G7 trong nỗ lực ngăn chặn sự tăng giá quá mức của đồng yên đã can thiệp thị trường lần đầu tiên vào ngày 18/3 khi bán ra 629,5 tỷ yên. Sau đó, ngày 4/8, đương kim Thủ tướng Yoshihiko Noda, Bộ chính Tài chính vào thời điểm đó, đã ra lệnh cho ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) can thiệp đơn phương vào thị trường một lần nữa.
Bộ Tài chính Mỹ chỉ trích Nhật Bản trong một báo cáo đưa ra vào tháng 12 rằng động thái bán ra đồng nội tệ của nước này vào tháng 8 và tháng 10 đã được đưa ra vào thời điểm các điều kiện thị trường có trật tự và Nhật Bản nên tập trung vào các biện pháp nhằm nâng cao tính năng động của nền kinh tế trong nước.
BOJ tháng trước đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm tài chính bắt đầu vào tháng 4 tới từ 2,2% xuống còn 2% do suy thoái ở nước ngoài và đồng yên mạnh hơn.
Trung Cường
Theo Bloomberg
Bookmarks