Nữ công chức Nhật - người phục vụ trà nước
Mặc dầu nữ giới luôn hy vọng thay đổi khi địa vị của mình tăng dần, nhưng sự phân biệt giới tính vẫn tồn tại và dường như khá dai dẳng trong những công ty Nhật Bản.
Trong rất nhiều năm làm việc ở một công ty thương mại lớn của Nhật, Michiko Koseki nói, cô và các đồng nghiệp nữ khác phải chịu đựng sự phân biệt giới tính thường xuyên, dù lớn hay nhỏ. Tuy nhiên, nhân viên văn phòng 59 tuổi này vẫn bị bất ngờ khi vài năm trước, công ty của cô đột ngột quyết định thay tất cả nam giới trong văn phòng bằng các nữ công chức xinh đẹp.
Sự phân biệt không chỉ dừng lại ở đó. Koseki, người phụ trách chứng từ, hóa đơn khách hàng sau đó đã bị đưa xuống đại sảnh, đảm nhận phục vụ trà nước cho các nhân viên nam và khách hàng tới thăm công ty. Có một logic: không có nhân viên nữ trong những lĩnh vực công việc mới, đó là vấn đề ở một quốc gia mà nữ công chức văn phòng vẫn chỉ được coi là người rót trà trong các thương vụ đàm phán, trong hội nghị họp hành.
"Tôi cay đắng và chua xót than phiền việc này, nhưng ông chủ của tôi nói, ''chúng tôi không thể thuê một nữ nhân viên mới chỉ để rót trà'', Koseki, người đã cùng với năm nữ đồng nghiệp khác đệ đơn kiện công ty phân biệt giới tính, kể lại. "Và dĩ nhiên, một người đàn ông không làm công việc này''.
Cô tiếp tục: "Phụ nữ ở nước này đã nghĩ rằng có một bước tiến lớn. Nhưng với rất nhiều người chúng tôi, chỉ là bước thụt lùi''.
Ở Nhật Bản, nền kinh tế lớn thế hai thế giới, số lượng phụ nữ đi làm đã đạt mức kỷ lục trong 15 năm qua. Hiện tượng này như dấu hiệu dự báo với rất nhiều người rằng, một kỷ nguyên mới của bình đẳng giới tính sẽ mở ra ở đất nước mà vốn từ rất lâu, phụ nữ luôn theo sau đàn ông.
Tuy nhiên, theo một số viện nghiên cứu hàng đầu và các nhóm đại diện cho quyền lợi người lao động, phần lớn trong 27 triệu lao động nữ của Nhật Bản phải đối mặt với thực tế phân biệt giới tính.
Rất nhiều công ty Nhật Bản đã tìm cách tránh né luật lao động, họ thuyên chuyển nữ lao động theo hướng ''hành chính'' với mức trả thấp hơn, và chỉ có một số ít người được thăng chức trong khi lại hướng các nam nhân viên vào ''con đường sự nghiệp'' cùng những cơ hội lớn hơn trong những thay đổi theo xu thế đi lên, mức trả cũng cao hơn.
Số lượng phụ nữ đi làm ở Nhật Bản gia tăng sau khi quốc gia này bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ về kinh tế năm 991, các công ty bắt đầu thuê họ như một nguồn lao động rẻ mạt. Rất nhiều người được thuê kiểu công nhân bán thời gian hay hợp đồng mà không hề có quyền lợi hay đảm bảo công việc đi kèm. Nhiều người lạc quan rằng, họ sẽ có vị trí tốt hơn khi tiến tới những công việc làm trong cả ngày, song các con số thống kê cho thấy, điều này không xảy ra. Ngày nay, Nhật Bản có tới 8 triệu công nhân làm việc bán thời gian (một con số kỷ lục), hơn 90% trong số đó là nữ giới.
"Khi phụ nữ trở thành lực lượng lao động, có rất ít tiến triển đạt được trong cái gọi là bình đẳng giới về vị trí công việc'', Mutsuko Asakura, một chuyên gia về luật lao động tại Đại học Waseda ở Tokyo nói.
Con số ít ỏi
Nhiều người phê bình cho rằng, Nhật Bản không thể theo kịp Tây phương về những tiêu chuẩn lao động hợp pháp, bao gồm cả vấn đề bình đẳng giới tính. Năm ngoái, theo một nghiên cứu của LHQ, Nhật Bản đứng sau tất cả các quốc gia công nghiệp hóa về quyền lao động của nữ giới, với 10,7% phụ nữ đảm nhận vị trí cao trong các tập đoàn và trong hoạt động chính trị, con số này ở Mỹ là 42%.
Ở Nhật Bản, thu nhập của phụ nữ chỉ bằng 44% số tiền kiếm ra của nam giới - sự mất cân bằng lớn nhất về thu nhập (theo giới) ở một quốc gia phát triển. Thậm chí ngay cả khi tỉ lệ nữ giới đi làm tăng từ 37% lên 41% giữa 1980 tới 2005, số lượng phụ nữ ở vị trí quản lý chỉ tăng nhẹ, từ 1% thành 2,8%.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, mất bình đẳng giới là một trong những vấn đề bị chỉ trích nhiều nhất mà Nhật phải đối mặt. Với chính sách chống nhập cư cứng rắn và tỉ lệ sinh thấp, giới phân tích khẳng định, Nhật cần thay đổi mạnh mẽ về cách sử dụng nhân công nữ. "Trừ phi chúng ta nhận thấy một bước tiến lớn, khi phụ nữ có quyền công bằng hơn trong các công ty của Nhật, nếu không Nhật sẽ rất khó khăn trong việc khắc phục tình trạng thiếu lao động để duy trì phát triển kinh tế ở tương lai'', Asakura nhấn mạnh.
Ngày nay, phụ nữ Nhật Bản đã thay đổi nhiều trong quan niệm về địa vị xã hội, các con số thống kê cho thấy, ngày càng có nhiều người lựa chọn cách gạt bỏ cuộc sống truyền thống là kết hôn và sinh con. Nam giới trẻ tuổi ở xứ anh đào cũng đã sẵn sàng cho thay đổi hay và sẵn sàng nhìn nhận bình đẳng về nữ giới. Tuy nhiên, những người đàn ông đứng tuổi - đảm nhận các vị trí chủ yếu trong chính trị và kinh doanh cho tới bây giờ vẫn chưa dễ dàng chấp nhận điều này.
Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Hakuo Yanagisawa, 71 tuổi, trong một bài phát biểu vào tháng 1 đã gọi phụ nữ ''là cái máy sinh đẻ'' và cho rằng, họ đã không hoàn thành đầy đủ bổn phận sinh con.
Nhật Bản tụt hậu rất nhiều so với Bắc Mỹ và châu Âu trong các đạo luật chống phân biệt. Nước này thông qua luật chống phân biệt giới tính trong lao động vào năm 1985 - các biện pháp ban đầu chỉ được coi là sự ''chỉ dẫn'' cho những công ty hơn là bắt buộc thực thi.
Koseki và năm đồng nghiệp nữ khác đã đệ đơn kiện công ty Kanematsu Corp. năm 1995, cho rằng, công ty đã sáng lập ra hệ thống đẳng cấp và chỉ cho các nữ nhân viên làm việc ở cấp thấp.
Một trong những nguyên đơn là Atsuko Kimura, 49 tuổi kể rằng, một vị giám đốc nhân sự từng nói với cô, phụ nữ đi làm là những người ''muốn làm công việc văn phòng hay thích hợp để trở thành vợ của các nhân viên nam''.
Trong số 333 nhân viên của Kanematsu ''theo đuổi sự nghiệp'' chỉ có 9 người là nữ, ''theo sự nghiệp hành chính'' gồm 121 nữ, và một nam, nhưng người này đã không còn làm việc nữa.
Kimura, Koseki và những nguyên đơn khác than phiền là, phân công nữ giới theo việc hành chính sẽ giúp cho công ty có thêm khoản tiền thưởng dành cho nam nhân viên - những người trình độ chuyên môn cũng không quá hơn gì đồng nghiệp nữ.
Một tòa án quận ở Tokyo đã kết luận rằng, luật lao động Nhật Bản không ''ngăn cấm các công ty áp dụng những quy định thăng chức, phân công công việc hay thuê nhân công'' với nam giới và nữ giới. "Một nam đồng nghiệp 27 tuổi làm đúng những việc tôi đã làm và tiến xa hơn tôi'', Koseki, người sẽ nghỉ hưu trong năm tới nói. ''Tôi đã ở công ty trong 42 năm và tòa án coi đó là sự công bằng? Tôi rất thất vọng''.
Kỳ Thư (Theo Washingtonpost)
baomoi