[19/4/2011] Nhật Bản sử dụng robot thăm dò các lò phản ứng bị hư hại
Ngày 18/4, tức sau hơn 1 tháng xảy ra thảm họa động đất và sóng thần gây nên sự cố hạt nhân tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima Da-i-chi, Nhật Bản đã sử dụng robot điều khiển từ xa để thăm dò lượng phóng xạ tại các lò phản ứng bị hư hại.
Nguyên do là vì sau một loạt vụ cháy, nồng độ phóng xạ bị rò rỉ từ các lò phản ứng này đã ở mức cao khiến công nhân trong nhà máy khó có thể lại gần được.
Giới chức Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) cho hay, họ sẽ đưa 2 robot vào kiểm tra tại lò phản ứng số 1 và số 3 trước bởi đây là hai lò được cho là có mức độ hư hại nặng nề nhất và khó có khả năng phục hồi theo lộ trình khắc phục sự cố mà TEPCO đã đưa ra hôm 17/4.
Kể từ khi hệ thống làm mát của hai lò này bị hỏng, các công nhân đã được lệnh sơ tán khẩn cấp và không vào bên trong lò phản ứng. Những vụ nổ khí hydro đã khiến mái của cả hai lò bị hỏng.
Tin từ hãng AFP cho hay, robot được đưa vào lò phản ứng có tên gọi Packbot do Công ty Bedfort ở Massachussetts (Mỹ) chế tạo, vừa mới được đưa tới Nhật Bản hôm 17/4. Người ta hy vọng, những dữ liệu mà robot này cung cấp có thể giúp các chuyên gia hạt nhân đưa ra phác đồ giải quyết sự cố tại nhà máy điện nguyên tử này.
Xung quanh khu vực gần nhà máy, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã cử 2.500 binh sĩ được trang bị quần áo bảo hộ cùng giúp hàng trăm cảnh sát thu nhặt xác người chết sau thảm họa kép và hỗ trợ các hoạt động khác của nhà máy. Theo lộ trình mà TEPCO đưa ra chiều 17/4, công ty này cần ba tháng để giảm nồng độ phóng xạ và khoảng nửa năm để xử lý triệt để hiện tượng rò rỉ chất phóng xạ.
TEPCO còn dự định làm lạnh lò phản ứng, làm lạnh bể chứa các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng, chặn đứng nước nhiễm xạ để xử lý, bảo quản và tái sử dụng, kiểm soát chất phóng xạ phát tán ra không khí hay thẩm thấu vào trong đất và quan trắc, giảm thiểu và công khai lượng phóng xạ trong các khu vực được lệnh sơ tán, khu vực có kế hoạch sơ tán và các khu vực chuẩn bị sơ tán khẩn cấp….
Hiện TEPCO cũng bắt đầu bán bớt cổ phần tại KDDI, một trong những tập đoàn dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới để có kinh phí bồi thường cho các nạn nhân sự cố hạt nhân này. Ngoài ra, TEPCO còn nhận sự hỗ trợ từ chính phủ và các đối tác khác như Mỹ, Hàn Quốc
Phan Hiển