Ikebana - Cắm hoa theo phong cách Nhật Bản
Đặc điểm của nghệ thuật cắm hoa theo phong cách Nhật Bản
Cắm hoa theo phong cách Nhật Bản tuy có truyền thống từ Trung Quốc, nhưng khi đến Nhật Bản lại phát triển lên ở mức độ cao, hình thành loại hình nghệ thuật mang đặc trưng văn hóa dân tộc Nhật Bản. Tạo hình khi cắm hoa theo phong cách Nhật Bản là tạo khung trên ba cành chính, cành hoa dài nhất sẽ là cành thứ nhất, cành hoa dài kế tiếp là cành thứ 2, cành ngắn nhất sẽ là cành thứ 3. Độ cao thấp của ba cành không bằng nhau, lần lượt phân ra đoạn trên, đoạn giữa và đoạn dưới. sau đó gắn thêm các ngọn cành làm tô điểm để được một khung lập thể. Dựa trên phương diện biểu hiện hình thái cắm hoa, ba cành chính có một tác dụng rất quan trọng, lần lượt đại biểu cho “thiên” (trời), “địa” (đất), “nhân” (người).
Khi tạo dáng cho bình hoa “thiên”, “địa”, “nhân” cũng phát huy được tác dụng định vị. Vị trí của cành ở đoạn trên là “thiên”, cành ở đoạn dưới là “địa”, còn vị trí của cành ở đoạn giữa là “nhân”. Loại cắm hoa tạo hình từ sự kết hợp giữa 3 nhánh “thiên”, “địa”, “nhân”, gọi là “cắm hoa theo dạng 3 nhánh” hoặc “cắm hoa theo dạng 3 góc”.
Do vị trí và tác dụng của ba cành hoa “thiên”, “địa”, “nhân” không giống nhau, nên phân loại tạo hình cắm hoa thành 3 loại “chân”, “hành”, “thảo”. “Chân” là hình dạng đứng ngay thẳng, thể hiện vẻ đẹp chân phương ngay ngắn; “thảo’ là dạng hỗn loạn, biểu hiện vẻ đẹp của tự do, phóng khoáng; “hành” là sự pha trộn giữa “chân” và “thảo”, biểu hiện cái đẹp của sự rộng rãi khoáng đạt.
Nói một cách khái quát, nghệ thuật cắm hoa theo phong cách Nhật Bản chọn ba cành tượng trưng cho “thiên”, “địa”, “nhân” để tạo hình cơ bản, đồng thới lấy ba phương diện “thiên”, “địa”, “nhân” để đạt được sự biến hóa trong tạo hình của hoa.
Tạo hình cơ bản của nghệ thuật cắm hoa theo phong cách Nhật Bản
Trường phái chính có: phái Trì Phường, phái Thảo Nguyệt, phái Tiểu Nguyên, phái Cổ, phái Hoằng Đạo, phái Viễn Châu, phái Tùng Nguyệt Đường Cổ, phái Vị Sinh. Cách gọi của các trường phái này đối với ba cành chính kể trên không giống nhau.
Phái Trì Phường
Phái Trì Phường gọi cắm hoa là “lập hoa”, đồng thời gọi cành thuộc đoạn trên là “chân”, đoạn giữa là “phó”, đoạn dưới là “thể”. Nét đặc sắc của cách cắm hoa này là: “chân” chọn cành “có sức cường tráng”, “phó” được cắm vào góc phía sau, “thể” được cắm vào phía trước, các nhánh tạo dáng hoa với vẻ nhẹ nhàng thoải mái. Ngoài ra, các cành khác dặm thêm cho ba cành chính “chân”, “phó”, “thể” được gọi là “đối đãi”. Cắm hoa theo phái Trì Phường sẽ dựa vào góc của cành “chân” uốn cong để quyết định góc của cành “phó” ở góc sau, và góc của cành “thể” ở góc trước. Rồi sau đó theo độ lớn nhỏ của các góc mà chia dạng cắm hoa thành 3 loại “chân”, “hành”, “thảo”. Và 3 loại này lại có các biến hóa riêng, tức là trong “chân” lại có chân của chân, hành của chân và thảo của chân; trong “hành” lại có chân của hành, hành của hành và thảo của hành; trong “thảo” cũng có chân của thảo, hành của thảo. Cắm hoa dạng “chân” phần lớn là sử dụng bình cắm hoa hình ống. Độ cong của cành “chân” với độ rộng từ miệng bình đến mép ngoài của bình hoa sẽ quyết định sự thay đổi của 3 loại chân của chân, hành của chân và thảo của chân trong dạng “chân”.
Cắm hoa dạng “hành” sử dụng bình hoa mỏng, miệng rộng, hình cái ấm. Cũng giống như cắm hoa dạng “chân”, lấy độ rộng từ miệng bình đến mép ngoài của bình hoa và độ uốn cong của cành chân để phân biệt chân và hành, hành của hành và thảo của hành trong dạng “hành”. Nhưng đường kính của bình hoa dạng “hành” to hơn bình hoa cắm dạng “chân” một tí, độ uốn cong của cành “chân” cũng lớn hơn, dáng hoa có vẻ sinh động hơn.
Dụng cụ cắm hoa sử dụng trong cắm hoa dạng “thảo” được chia ra là chậu chứa nước và “bình hoa cho loài thân cỏ” có dạng ống hai tầng, ống thuyền, ống mặt trăng (có hình tròn như mặt trăng), và ống treo. Khi cắm hoa bằng chậu chứa nước, cũng phân biệt chân của thảo, hành của thảo và thảo của thảo trong cách cắm hoa dạng “thảo” như trong cách cắm hoa dạng “chân” và “hành”. Nhưng khi cắm bằng “bình hoa cho loài thân cỏ”, thì phải dựa theo độ rũ của cành “chân” để quyết định.
Phái Tùng Nguyệt Đường Cổ
Phái Tùng Nguyệt Đường Cổ cũng gọi cắm hoa là “lập hoa”, bình hoa được tạo dáng từ 5 cành gồm có "chính hoa", “tương lệnh”, “thông dụng”, “thể”, “lưu”.
“Chính hoa” đứng ở vị trí trung tấm trong tác phẩm cắm hoa, “tương lệnh” thể hiện độ sâu, “thông dụng” quyết định độ sâu, rộng của tác phẩm, “thể” duỗi ra trước và cùng với “lưu” thu hẹp tác phẩm lại.
Độ cao của cành “chính hoa” được hạn chế trong vòng 1~2 lần độ cao của bình hoa. Nếu cành “chính hoa” ngắn, thì chia độ dài của cành ra thành 10 đoạn. Ở phân đoạn thứ 4 từ trên xuống, uốn một khúc cong to nhất, rồi tách ghép vào cành “thông dụng”. Xác định vị trí của các cành khác cũng theo tiêu chuẩn đó. Nếu cành “chính hoa” dài thì chia độ dài của cành ra thành 15 đoạn, ở phân đoạn thứ 9 từ trên xuống, uốn một khúc cong, rồi tách ghép vào cành “tương lệnh”.
Đây là phương pháp cắm tách ghép 5 cành của “phần bốn sáu” và “phần chín sáu”. “Phần bốn sáu” phù hợp cho cách cắm hoa cơ bản của mùa thu đông, “phần chín sáu” thích hợp cho cách cắm hoa cơ bản của mùa xuân hạ. Các cành chính có thể được kèm theo các cành phụ để tạo sự biến hóa, gọi là ‘phân cành”. Có nhiều nhất là 25 phân cành. Sau khi “chính hoa” héo khô, 4 cành còn lại sẽ tiếp tục cắt ghép, gọi là “phân nhánh theo sau”. Đó là nét đặc sắc của cách cắm hoa “phân cành hỗ trợ” theo phái Tùng Nguyệt Đường Cổ.