Khi Nhật tìm kiếm đầu tư nước ngoài
Sau nhiều thập niên đầu tư ra nước ngoài, nay Nhật Bản lại nỗ lực thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI). Chiến lược mới này vừa để đối phó với sức ép cạnh tranh và hội nhập, vừa nhằm canh tân nền kinh tế trì trệ đã nhiều năm.
Để thu hút FDI, gần đây Nhật đã sửa đổi luật thương mại, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công ty nước ngoài mua lại các công ty Nhật, lập ra một bộ máy hành chính mới để thuyết phục những nhà đầu tư còn e ngại vào đầu tư tại Nhật. Nhưng có một nghịch lý: vì sao một đất nước dư thừa tiền bạc lại tìm kiếm FDI?
Thật ra Nhật không thiếu vốn mà cần những con người, những ý tưởng đi cùng với nguồn vốn đó. Chính phủ Nhật hy vọng người nước ngoài có thể cải tổ các công ty, tăng sức cạnh tranh và điều chỉnh cơ cấu công nghiệp cũ kỹ bằng những cách thức hiệu quả mà các công ty trong nước không làm được.
“Điều quan trọng hơn cả là kinh tế Nhật sẽ có thêm những thành viên mới với những ý tưởng và mô hình kinh doanh mới”, ông Nobuyuki Nagashima thuộc Cơ quan Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) nhận xét. Nhiệm vụ chính của Jetro là xúc tiến xuất khẩu hàng hóa của Nhật nhưng nay tổ chức này kiêm thêm việc vận động và thu hút FDI.
* * *
Những nỗ lực thu hút FDI của Nhật đã bắt đầu mang lại kết quả. Chỉ trong vòng 20 tháng từ khi lên làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty Nissan, ông Carlos Ghosn - vốn là người của tập đoàn Renault (Pháp) - đã cứu hãng xe hơi lớn thứ ba của Nhật thoát khỏi bờ vực phá sản bằng cách cắt giảm thẳng tay các nhà cung cấp và nhân viên.
Sự xuất hiện của Starbucks, thương hiệu cà phê hàng đầu của Mỹ, buộc các cửa hàng cà phê khác ở Nhật phải cải thiện chất lượng và phương thức phục vụ. Các công ty bảo hiểm nước ngoài đã đưa ra một loạt các sản phẩm mới khiến các đối thủ Nhật Bản phải học tập. Và nhiều công ty của Nhật Bản đang trên bờ vực phá sản đã được các quỹ đầu tư nước ngoài vực dậy. Đặc biệt trong thời gian gần đây các công ty nước ngoài đã nhanh chóng tạo ra sự cạnh tranh lớn làm biến chuyển thị trường Nhật Bản.
Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, trong lĩnh vực chế tạo, năng suất lao động tại các chi nhánh Nhật Bản của nhiều công ty nước ngoài thường cao hơn 60% so với các công ty thuần Nhật. Con số này lên tới 80% trong lĩnh vực dịch vụ.
Tuy năng suất thấp hơn nhiều nước khác nhưng Nhật Bản vẫn đảm bảo cuộc sống vì dân số của Nhật luôn ở mức ổn định. Đặc biệt nhờ nước ngoài mua cổ phiếu mà giá trị của các công ty Nhật tăng lên. Theo Công ty tư vấn ABeam, ba năm sau khi có yếu tố quốc tế, lợi nhuận của các công ty Nhật đã tăng trung bình 35%; trị giá của các công ty Nhật được nước ngoài mua cổ phiếu đã tăng gấp đôi so với những công ty nào chỉ được các nhà đầu tư trong nước quan tâm.
* * *
Tuy nhiên đầu tư vào Nhật có những trở ngại khó vượt qua. Khả năng tiêu dùng của thị trường Nhật gần như không tăng trưởng, lương bổng và giá cả đều trong xu hướng giảm sút do kinh tế Nhật bị giảm phát.
Frances Cheung, kinh tế gia của Ngân hàng Standard Chartered, nhận xét: “Thị trường Nhật có vẻ như đã bão hòa, lợi nhuận cho nhà đầu tư nước ngoài thường không cao”.
Nhật không phải là trung tâm xuất khẩu hàng hóa của khu vực như Singapore hoặc Thượng Hải. Thuế má cao và thủ tục hành chính nhiêu khê khiến cho nhà đầu tư nước ngoài phải trả giá đắt và kết quả là Nhật tụt hậu trong cuộc đua giành nguồn tài chính toàn cầu - Seiji Adachi của Ngân hàng Deutsche Bank nhận xét.
Yếu tố văn hóa cũng là một trở ngại. Nhiều công ty Nhật chống lại việc sáp nhập vào công ty nước ngoài vì sợ các ông chủ mới sẽ tái cơ cấu doanh nghiệp, dẹp bỏ nhiều công việc làm và cắt hợp đồng với các nhà cung cấp lâu năm.
Steven Vogel của Đại học UC Berkeley, Mỹ phát hiện ra rằng các doanh nghiệp nước ngoài thường thích cải tổ hơn doanh nghiệp Nhật, thích mở rộng hoạt động kinh doanh đến tận các vùng quê xa xôi chứ không chỉ tập trung ở các đô thị lớn. Trong khi đó nhà đầu tư khó mà tìm được người làm quản lý doanh nghiệp ở Nhật. Người Nhật có khuynh hướng làm việc trọn đời cho một công ty duy nhất, sống lâu thì lên lão làng, nên trên thị trường lao động không có nhiều người có kinh nghiệm làm quản lý.
Cuối cùng các nhà đầu tư nhận ra rằng đầu tư vào Nhật thường tốn nhiều công của mà lợi nhuận thu được chẳng bao nhiêu.
* * *
Chính vì vậy, bất chấp những nỗ lực lớn của chính phủ, FDI vào Nhật vẫn chưa khởi sắc. Mặc dù FDI vào Nhật tăng gấp đôi trong giai đoạn 2000-2005, nó vẫn chỉ chiếm 2,4% tổng sản phẩm quốc gia, thấp hơn nhiều so với 15% ở Mỹ, khoảng 30-40% ở Anh, Pháp và Đức.
Điều đó có nghĩa là phần góp của các công ty nước ngoài trong nền kinh tế Nhật Bản vẫn còn quá nhỏ. Tuy nhiên nhìn về tương lai, nhà đầu tư vẫn còn hy vọng. Heang Chhor, Trưởng văn phòng Tokyo của Công ty Tư vấn toàn cầu McKinsey, tin rằng đầu tư vào Nhật là điều tốt: trong vài thập niên tới, số người Nhật lớn tuổi và giàu có sẽ chi tiêu hàng chục ngàn tỉ yen vào việc nghỉ dưỡng và chăm sóc y tế và đến năm 2025, Nhật Bản sẽ đóng góp khoảng 10% tổng sản lượng toàn cầu.
Đó là cơ hội tốt cho những doanh nghiệp làm ăn tại Nhật. Vấn đề là Nhật có thực sự hào hứng với chiến lược này hay không.
tbktsg - Economist