(Petrotimes) - Hy vọng phục hồi từ sau thảm họa kép 11/3 của Nhật Bản đang dần đi đúng quỹ đạo, khi một thông báo mới đây cho hay: Kinh tế Nhật Bản sụt giảm ít hơn nhiều so với dự kiến trong quý II năm nay.
Hôm nay (15/8), Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda cho biết: Nền kinh tế lớn thứ hai châu Á sẽ có khả năng phát triển trở lại trong quý III tới, mặc dù ông đã cảnh báo về nguy cơ tăng giá đồng yên có thể làm “tổn thương” các ngành xuất khẩu của Nhật Bản.
Văn phòng Nội các Nhật cho hay: tăng trưởng kinh tế Nhật chỉ giảm 1,3% trong quý đầu tiên kể từ sau thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử, trong khi dự đoán đưa ra trước đó cho rằng, nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ bị sụt giảm tới ít nhất 2,7%. Đây thực sự là một con số đáng ghi nhận và khâm phục khi cả nước Nhật phải bắt đầu quá trình phục hồi sau thiên tai với quá nhiều ngổn ngang: hơn 20 nghìn người chết, một số thị trấn dọc bờ biển Thái Bình Dương bị xóa sổ hoàn toàn và tình trạng khẩn cấp về an toàn hạt nhân được ban bố.
Ông Mitsumaru Kumagai, giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Daiwa cho biết: “Mặc dù đây là con số tăng trưởng âm, song không có nghĩa là tín hiệu xấu. Chúng tôi hiện đang kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng trở lại của quá trình tái thiết”.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật giảm còn 0,3% vào tháng Tư năm nay, chỉ thấp hơn 0,6% so với trước khi xảy ra thảm họa. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 18,1% trong quý II do sóng thần làm thiệt hại nặng nề các chuỗi nhà máy cung ứng của Nhật ở phía đông bắc, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất tự động và thiết bị điện tử.
Song điều đáng nói là, các nỗ lực xây dựng và tái thiết lại góp phần kích thích nền kinh tế đất nước. Tiêu thụ theo thống kê của Chính phủ tăng 0,5%, đầu tư công tăng tăng tới 3% do các dự án cứu trợ và tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa.
Sản xuất công nghiệp và các đơn đặt hàng máy móc theo đó cũng tăng, đây là một chỉ số quan trọng trong vấn đề vốn đầu tư.
Bất chấp các thiệt hại, mức độ tiêu thụ các loại hàng hóa lâu dài như TV và điều hòa nhiệt độ không hề giảm, thậm chí có xu hướng tăng. Mặc dù xuất khẩu có giảm, nhưng không giảm mạnh như dự đoán. Và một giả định tăng trưởng trở lại của nền kinh tế Nhật là điều hết sức khả quan.
Điều khiến các nhà hoạch định kinh tế Nhật quan ngại nhất hiện nay vẫn là vấn đề giá đồng Yên. Những xáo trộn, bất ổn trong thị trường toàn cầu hiện nay do tác động của khủng hoảng nợ ở châu Âu và những tín hiệu không mấy khả quan của nền kinh tế Mỹ khiến các nhà đầu tư đổ về đồng Yên Nhật – một đồng tiền được coi là “nơi trú ẩn an toàn”.
Diễn biến này đã khiến cho giá trị đồng Yên tăng vọt kể từ sau Thế chiến thứ II, lên tới 76,25 Yên/1 USD, kéo theo đó, khu vực xuất khẩu hàng hóa của Nhật giảm mạnh về khả năng cạnh tranh và làm xói mòn lợi nhuận của các nhà đầu tư.
Mới đây, Chính phủ Nhật cũng đã có những động tác can thiệp thị trường ngoại hối trong một nỗ lực chế ngự sự gia tăng giá trị đồng Yên, đồng thời phát tín hiệu sẵn sàng làm như vậy một lần nữa nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nhật Bản trong giai đoạn khó khăn.
Hương Mai (Theo AFP)
Bookmarks